headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ĐỪNG CHẤP THỦ ĐỂ TU

 Hôm nay chúng ta sẽ bàn về những mắc mứu thuộc phần tinh thần mà người tu nào cũng đều có trải qua. Từ đó chúng ta rút kinh nghiệm tu tập cho bản thân, đồng thời hỗ trợ cho các bạn đồng hành vững bước trên con đường tu đạo.

Mắc mứu thứ nhất là những chấp thủ về hình thức. Danh từ chuyên môn chữ Hán nói “thủ tướng tùy động”, nghĩa là còn vướng còn chấp bất cứ một hình tướng nhỏ nhặt nào là còn bị động.

Còn bị động là còn tạo nghiệp nhân, nhất định phải chuốc lấy nghiệp quả. Nếu ai buông được, lắng yên những thủ chấp này thì sẽ như như bất động. Bao giờ chúng ta không còn những mắc mứu thì tự tại giải thoát. Cái không mắc mứu này chẳng phải đợi đến lúc ta lễ Phật, tụng kinh, ngồi thiền, thuyết pháp… mới có. Nó hiện hữu liên tục, mãi mãi bên chúng ta không lúc nào vắng thiếu. Chỉ có điều chúng ta còn dính dáng một chút mắc mứu nên trở thành ngăn ngại.

Chúng ta thương mình nên tự dành dụm, đầu tư trí tuệ thế nào để triệt tiêu những thủ tướng, những mắc mứu trong lòng ta. Nếu thiên hạ thấy được trong ruột, trong bụng ta chắc là xấu hổ lắm. Tại sao? Vì những mắc mứu cù cặn nhiều quá, rất là nhiều... Có những thứ đáng lẽ không nên tồn tại, mà nó cứ nằm ì ra đó, ta không làm sao vứt bỏ đi được. Bây giờ mình phải tu tập như thế nào để buông xả được, đừng chấp thủ nữa thì mới an ổn như như bất động.

Phật dạy tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh, nếu hiểu rõ như thế tự nhiên những chấp thủ của ta sẽ tan loãng, không còn keo sơn đan kết một cách cứng chắc như trước nữa. Người tu là người có con mắt trí tuệ soi thấu tánh tướng của muôn pháp. Biết nó do duyên hợp thì cũng sẽ do duyên tan, không có gì thật, không có gì cố định nên chấp giữ làm gì? Giờ ăn cũng chẳng dính dáng, giờ nghỉ cũng chẳng dính dáng gì, đối với sự sống, đối với con người, đối với tất cả đều không dính dáng gì cả. Mỗi pháp đều trở về bản vị của nó, tự tại bất động thôi.

Ví dụ như quí vị ở am thất trong đạo tràng này, tối thiểu mỗi vị có một thất nhỏ, một hũ gạo, một chai tương, nhang đèn… Bình an trong tối thiểu là vậy. Nhưng nếu quí vị không dừng được, mỗi ngày thêm một thứ, cuối cùng những thứ này sẽ quấy rầy lại quí vị. Rồi còn các mối quan hệ chung quanh nữa, thầy tổ, huynh đệ, gia đình… liên tiếp thay nhau quấy rầy hoài. Chỉ khi nào ta dám cắt đứt, dám buông bỏ, đừng để liên hệ nữa thì mới yên. Như quý thầy quý cô muốn ngồi thiền yên chừng năm phút có dễ không? Không dễ. Hòa thượng thường dạy chúng ta chuyện quá khứ không thật bỏ đi. Chuyện tương lai chưa tới bỏ đi. Niệm hiện tại đang sống liên tục đây, phải ý thức một cách sâu sắc cái giây phút hiện tại.

Không thể nào có sự thiền định với những dữ kiện phức tạp trong cuộc sống như vậy. Bất cứ một vấn đề gì còn nắm lại là còn mắc míu, cho nên chúng ta phải buông xả hết mới tự tại giải thoát. Có vậy mình mới thật sự hiện hữu trong lúc sống cũng như bình an trước lúc chết. Ta là người tu mà lúc ra đi không tự tại, không dám cười từ giã mọi người trước khi đi, mà trằn trọc lăn lộn nhớ người này thương kẻ kia tiếc cái nọ v.v... Như vậy hóa ra Phật pháp đối với ta không có tác dụng gì cả, giá trị thiết thực của lời Phật dạy không dính dáng đến việc tu học của chúng ta.

Trong một gia đình, một đạo tràng, một ngôi chùa có huynh đệ nào tu học giới đức trang nghiêm, công đức đầy đủ thì quý hóa vô cùng. Người dám buông bỏ hết, ngồi yên vững vàng trong thế định tỉnh sáng suốt, làm chủ mình trong mọi thời khắc mọi sinh hoạt, người này rất khó tìm. Thật ra ai cũng có thể làm được, nhưng vì chúng ta không quan tâm đến việc này thôi. Chúng ta quên rằng mọi thứ sẽ đổi thay, vô thường chi phối nhanh chóng. Một phút giây nào đó không biết trước, ta sẽ nhắm mắt qua đời khác, chừng đó muốn tu cũng không làm sao tu được. Vô thường mãnh liệt vô cùng, không có ông thầy kiện, ông thẩm phán nào có thể cãi cọ với bản án này. Tất cả chúng ta đều bị tuyên án, thế tại sao ta không lo việc của mình?

Người tu hạnh hỷ xả sẽ bình thản an nhiên đối với vấn đề này. Bởi vì họ có thể đương đầu với mọi sự việc sẽ tới, đủ sức làm chủ mình được sáu bảy mươi phần trăm. Nếu chúng ta không bị chấp thủ khống chế, buông được, làm chủ an nhiên tự tại đối với những sinh hoạt thì chắc chắn ta sẽ được như vậy. Ngược lại ta thấy mình có chút vương vấn gì đó, thì con đường này còn cách xa lắm. Tôi xin nhắc lại: Chấp thủ thì động, nếu không chấp tướng chấp thủ thì như như bất động. Đây là đề án tu hành của chúng ta. Giản dị như thế.

Người tu hành chân chánh biết rằng có sự hỗ trợ của chư Phật, tất cả các bậc thánh hiền, thiện hữu tri thức mười phương đều hướng về chúng ta, nhưng chính yếu vẫn là sự tự nỗ lực của mình. Chúng ta không cầu cạnh, không ỷ lại vào những tha lực đó, mà lúc nào cũng phát huy thực lực, phát huy trí tuệ Bát-nhã của mình. Có trí tuệ thì phá tan vô minh, chất cố chấp keo sơn đó liền tan loãng đi. Chúng ta sẽ mở cửa hòa vui với tất cả trong an nhiên tự tại.

Các Thiền sư nói kết quả siêu xuất nhất của người tu hạnh giải thoát là xem sống chết như đắp chăn đông, như cởi áo hạ. Mùa hạ nóng bức mà cởi được chiếc áo nhơ nhớp ra, thật thoải mái thích thú vô cùng. Muốn đến được đỉnh cao ấy, trước tiên chúng ta phải quán sát “tất cả pháp hữu vi đều như mộng”. Trong kinh Kim Cang, Phật dạy “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Nghĩa là tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng, như sương cũng như điện chớp, phải nên quán như thế. Biết chính xác như vậy thì đối với tất cả pháp xung quanh chúng ta không còn chấp thủ nữa. Đây là một sự chuẩn bị cho mình.

Nếu nhận định một cách sâu sắc những điều này chúng ta sẽ thấy Phật pháp hay vô cùng, thiết thực vô cùng. Nó hỗ trợ cho việc buông xả và tiêu trừ những chấp thủ của chúng ta, giúp ta có cái nhìn bằng trí tuệ chân thật. Một cái nhìn không do sự cù cặn, bảo thủ, cái nhìn thông thoáng, khoan dung nhẹ nhàng. Một khi ta biết các pháp hữu vi là mộng huyễn, là bóng là bọt, như điện chớp v.v... là biết sự tồn tại của các pháp do duyên hợp, giòn bở dễ tan vỡ. Biết được như vậy, tức chúng ta đã tỉnh sáu bảy mươi phần trăm rồi.

Một hôm nào đó tôi nghe người ta diễn tả về sức công phá của bom nguyên tử, của tia la-de thật kinh khủng. Nó có thể làm vỡ tung tường vách núi non, biến tất cả thành tro bụi chỉ trong nháy mắt, xuyên qua tất cả tế bào tiêu diệt những loại vi trùng cực vi nhất. Cũng thế, năng lực của một người có trí tuệ, có công phu buông xả cũng lớn như vậy hay còn lớn hơn nữa. Có thế ta mới làm chủ được mình trước ma lực của vọng tưởng, phiền não, ngũ dục. Chúng ta ngồi đây khỏi phải đi đâu, tất cả những sự kiện chung quanh đủ sức kéo lôi mình rồi.

Ví dụ trước mắt chúng ta có nhà cửa, cây cảnh, người mình thương kẻ mình ghét v.v… đủ cả. Nếu không có trí lực, ta ngồi đây mà bị các thứ ấy dẫn đi, không nghe được chút pháp nào cả. Thấy cái nhà liền nghĩ cái nhà này nhỏ hay lớn, đẹp hay xấu, cất hồi nào, ai cất? Hoặc thấy cây cảnh thích hợp, tâm liền duyên theo không biết làm sao để được một chậu kiểng như vậy. Nhìn người thương muốn gần gũi nói chuyện, thấy kẻ ghét bực bội chướng mắt chướng tai, họ làm gì mình cũng xem không được v.v… Như vậy là mất hết thời pháp sáng nay rồi.

Bao giờ ta gỡ được, buông được những thứ đó nó mới không quấy rầy mình nữa, không làm trở ngại đoạn đường chúng ta đang đi. Cho nên trí lực làm tan loãng những cố chấp, giúp chúng ta gầy dựng được công phu tu hành vững chắc. Nếu gầy dựng, phát huy được như thế thì mình bình an, có thể đương đầu với mọi thứ mà không sợ sệt, vẫn giải quyết một cách nhẹ nhàng êm đẹp. Nếu chúng ta biết thương mình thì nên chuẩn bị cho việc sắp tới như vậy đó. Huynh đệ ở đây có thầy, có Phật pháp, có tất cả những điều kiện thuận lợi để chuẩn bị. Nếu còn lận đận lao đao là tại mình thôi.

Trong công phu hàng ngày, chúng ta đã được Hòa thượng chỉ dạy rất kỹ, bây giờ chỉ cần cố gắng thực hành một cách siêng năng tinh tấn thì kết quả chắc chắn tốt đẹp. Thời gian qua mau, nhìn lại trong chớp mắt, chúng ta không nỗ lực tu là bỏ lỡ cơ hội ngàn năm. Ở đây nhiều cụ ngồi lại nói chuyện, mới hôm nào dọn xuống Thường Chiếu phá cỏ, đánh gốc cây, cất chòi, làm rẫy, làm thiền thất, tu học… nhưng vù một cái tính lại đã trên hai mươi năm, xem như một phần tư thế kỷ. Một phần tư thế kỷ hình thành, những vết tích còn lại trên thân này tâm này chỉ là những chiếc bóng mà thôi. Thế gian gọi là kỷ niệm, nhưng nhà Phật bảo nó là vọng tưởng không thật, nhớ giữ đeo mang làm gì những thứ cù cặn đó cho khổ.

Phật dạy tất cả pháp thế gian như mộng huyễn bào ảnh. Bào là bọt bóng. Chúng ta thấy trời mưa, giọt nước trước rơi xuống biến thành bọt rồi vỡ ra, giọt thứ hai cũng rơi xuống thành bọt, vỡ ra. Hoặc là chúng ta đi biển thấy đợt sóng này vừa nhô lên thì đợt sóng khác dập tới, cứ như vậy nối tiếp nhau hình thành. Cuộc sống của chúng ta cũng thế, liên tục chất chồng bởi những chiếc bọt dễ vỡ, mà mấy ai nhận ra, mấy ai chấp nhận. Bởi không chấp nhận nên chúng ta khổ. Cất một cái thất cũng muốn nó tồn tại trăm năm. Mua xấp vải cũng phải đồ ngoại, đồ xịn mới được. Nghĩ cho cùng chúng ta khổ là tại mình quá mê lầm, dại dột.

Hàng đệ tử Phật gọi là Thích tử, chỉ có con trai con gái của Phật mới dám nghĩ, dám buông bỏ những cái thế gian đắm say mê lầm. Sống hành trì và hóa giải mọi thứ cù cặn đó. Chỉ có người tu mới thấy thủng mọi vấn đề bằng con mắt trí tuệ Bát-nhã. Nhờ thấy biết một cách như thật nên không còn đắm trước, cố chấp vào những thứ ấy, nên hoàn toàn tự tại an vui. Chúng ta nghiệm kỹ bài kệ vừa rồi trong kinh Kim Cang sẽ thấy Phật dạy thật thấu đáo, nếu chịu thực nghiệm lập tức ta sẽ tận hưởng nguồn an lạc ngay trong hiện đời và cả đời sau.

Học Phật mà không áp dụng được giáo lý Phật dạy là một thiệt thòi lớn. Ví như ta đang mặc một chiếc áo thật đẹp, bỗng có người bạn thân đến thăm. Hai tay nhơ của họ chụp lên áo mình, khi ấy ta thế nào? Phiền não, trong lòng không vui dù đó là bạn thân của mình. Cái phiền não đó không va chạm người bạn, nó chỉ tự đốt trong lòng mình, tự loạn trong tâm mình. Cứ thế ta không hóa giải được và cứ nuôi nó lớn dần thành nỗi bức xúc riêng, mất đi cái an nhiên tự tại bình thường. Chỉ một việc nhỏ thôi cũng đủ cho chúng ta thấy sự cố chấp đem đến bao nhiêu họa hoạn cho mình, huống là những cố chấp keo sơn cứng chắc hơn thế nhiều.

Nếu bình tĩnh ta biết cái áo này giả, dù hiện tại nó trắng đẹp, mình rất thích nhưng lâu ngày nó sẽ bạc màu, sẽ rách. Dù bây giờ anh bạn không lấy tay nhơ chụp lên thì mai mốt nó cũng sẽ đen xấu vì bụi bặm của thời gian không gian ở đâu không có. Bởi biết tương lai nó sẽ như thế nên bây giờ có dơ cũng chẳng sao. Hiểu như vậy ta không đặt thành vấn đề gì cả, như vậy là hết phiền não, hết khổ. Đơn giản quá chừng. Nhưng muốn sống như thế cũng phải chịu khó huân tập. Cái biết của người có trí tuệ chỉ được nuôi dưỡng bằng trí tuệ, chớ không thể nuôi dưỡng bằng si mê điên đảo. Nếu ta không tỉnh sáng thì không thể sống một cách trí tuệ như vậy đâu!

Giải quyết phiền não, những cù cặn bên trong bằng hình thức thôi thì chẳng tới đâu. Ngay trong nguyên nhân chúng ta không hóa giải được thì cả ngày mình sống trong bất an, bất như ý. Hoặc buồn hoặc vui chớ không yên định. Buổi sáng thì buồn, trưa chút lại vui, chiều đến không mấy gì hoan hỷ, tối bỗng không vui v.v... mở mắt ra là nhiệm vụ, bổn phận. Cứ như thế. Cuộc đời ta vô tình mất mát hết, sống như đã chết, không an trú trong cái hiện hữu bao giờ.

Thế nên chúng ta phải nhớ thật kỹ lời Phật dạy: Người tu phải có trí tuệ, người tu phải có định tỉnh, người tu phải buông bỏ được tất cả pháp. Nhật Bản có câu chuyện này. Một hôm hai thầy trò nọ đi ngang qua đoạn đường có khúc sông chắn lối. Bấy giờ một cô gái cũng muốn qua bên kia con sông nhưng cô không biết làm sao qua được. Bấy giờ vị thầy liền cõng cô gái lên vai lội qua khúc sông. Lên đến bờ ông ta bỏ cô gái xuống và bình thản đi tiếp tục. Nhưng người trò lại có vấn đề, mặt mũi méo xẹo không thèm làm bổn phận của người đệ tử đối với thầy nữa. Chú mang tâm trạng nặng nề ấy đi vào phố thị, rồi lên núi lên non. Cuối cùng chịu hết nổi chú lên tiếng với Sư phụ: Tại sao Sư phụ là người tu hành lại vác cô gái trên vai qua sông, như vậy là phạm giới rồi? Vị thầy thản nhiên nhìn người đệ tử rồi cười nói: Ta đã bỏ cô ấy xuống ngay tại bờ sông, không ngờ chú còn vác lên tới tận trên đây!

Thưa quý vị, tất cả chúng ta đều là người học thông đạo lý, nhưng mình cũng mang nặng như người đệ tử kia vậy. Kinh nghiệm cho thấy chúng ta còn chấp thủ nhiều lắm, có khi còn nặng hơn vị đệ tử đó nữa. Chúng ta học thuộc kinh điển, nhớ hết, hành trì chút chút nữa nhưng mang vẫn cứ mang. Nhà thiền gọi bệnh này là “Biết mà cố phạm”. Nếu ai có thiên nhãn thấy được ruột gan của mình, chắc là họ cười vỡ bụng. Lẽ ra trong bụng mình có ngũ tạng là đủ rồi, nhưng ta còn chứa trăm ngàn thứ khác, toàn là gai góc. Vì vậy cái bụng nó chịu hết nổi nên phải trướng lên, vỡ ra. Những thứ cù cặn tạp nhạp do chúng ta cất chứa lâu ngày biến thành nội kết, tích tụ khí độc như vậy làm sao không đau đớn thống khổ chứ? Ngẫm kỹ lại chính mình tự hại mình mà thôi, không có ai vào đó cả.

Bây giờ nếu chúng ta không chịu buông tay thì phải nín thở vì vỡ bụng thôi. Người tu Phật cốt để được giải thoát mọi sự ràng buộc, nếu chúng ta không hóa giải nội kết được thì không đủ gọi là đệ tử Như Lai. Phải trực tiếp giải trừ cội gốc si mê ấy mới an lạc, tự tại được. Hôm nào đó các huynh đệ quỳ dưới bàn tổ, dưới tượng Phật hoặc quỳ trước ân sư của mình trình bạch: Kính bạch Phật, bạch Tổ, bạch Thầy, con nguyện sẽ giải trừ hết những thứ không cần thiết trong lòng, để được an lạc. Dám phát nguyện như thế, chúng ta mới đủ sức mạnh giải trừ những thứ lỉnh kỉnh đó. Lời nói, hành động, việc làm của mình hôm ấy sẽ thành chí nguyện, có Phật Tổ hoặc thầy chứng minh, chúng ta không dám xao lãng. Nhờ thế chúng ta thực hiện chí nguyện được hoàn bị, tới nơi tới chốn.

Người tu đến được chỗ giải thoát mọi buộc ràng, sống an vui tự tại rồi thì còn gì có thể khống chế vây hãm được nữa. Người đó thật sự là người dũng mãnh nhất, hạnh phúc nhất, thống khoái nhất trên đời. Sống chết sẽ không còn làm gì nổi những bậc đạt đạo như thế. Trong sử kể lại câu chuyện của tổ Sư Tử thế này. Một hôm vua Kế Tân nghe lời sàm tấu của nịnh thần, cho rằng tổ Sư Tử là ngoại đạo tà kiến đến Trung Hoa mê hoặc quần chúng. Vua sợ ảnh hưởng đến việc trị dân nên xách gươm đến gặp Tổ. Đến nơi gặp Tổ, vua lăm lăm thanh gươm trong tay hỏi:

- Trẫm nghe Hòa thượng nói năm uẩn vốn không. Vậy Ngài có thể cho Trẫm mượn cái đầu được chăng?

Tổ Sư Tử ung dung đáp:

- Năm uẩn đã không, sá gì cái đầu!

Vua Kế Tân liền đưa gươm chặt bứt cái đầu của Tổ. Bấy giờ một dòng sữa trắng vọt lên khiến nhà vua biến sắc, quỳ xuống tạ tội thì muộn rồi. Nghiệp dữ đã tạo, phải chuốt quả báo thôi, không ai có thể cứu được. Phần Tổ thì Ngài vẫn an nhiên tự tại, tứ đại năm uẩn có hợp có tan, dính dáng chi tới Ngài đâu. Tổ sư đã siêu xuất sanh tử rồi, sống chết làm gì được tâm thể bất sanh bất diệt của Ngài.

Trở lại việc tu hành của chúng ta. Trong kinh Bát-nhã Phật dạy thân này không thật, chúng ta đọc tụng hằng ngày hẳn ai cũng biết như thế. Nhưng giả dụ có người đến xin mình một ngón tay hoặc một cánh tay, ta dám đưa ra như Tổ không? Chắc là không. Bởi chấp thủ quá chặt nên mình bị đau khổ điêu đứng bởi thân này. Chúng ta không thấy được pháp thân chân thật, cứ bị gò bó hạn hẹp nơi thân này. Nó làm cho mình lao lung giống như con khỉ bị nhốt trong lồng, lăng xăng chạy tới chạy lui mà cửa lồng đã khóa kín. Nếu thoát ra khỏi lồng năm uẩn, nhận được chân thể thì đạo Vô thượng Chánh-đẳng Cháng-giác đâu có xa.

Việt Nam có một ông vua Thiền sư đã nói thế này:

Tương đầu lâm bạch nhẫn.

Du như trảm xuân phong.

Tôi tạm dịch:

Đưa đầu kề gươm bén,

Dường như chém gió xuân.

Đó là lời của vua Trần Thái Tông. Cái nhìn, cái sống của các ngài như thế. Việc đưa đầu vào gươm bén giống như dùng dao bén chém gió xuân vậy. Phải là người sống được với tánh giác mới có lời lẽ và tư thái ung dung như vậy. Chúng ta tu thiền nhất định phải thực hiện theo tinh thần ấy, bất luận thời gian bao lâu. Người có quyết tâm thì làm được, không sợ không ngán khó khăn hay thời gian lâu xa. Nếp sống đó chủ yếu được xây dựng trên tính giác. Nó không bị dính dáng, không bị ràng buộc kéo lôi bởi tất cả các pháp. Vua Trần Thái Tông nếu không ngộ thiền, không phải là Thiền sư, không sống được với tánh giác thì không bao giờ nói được câu này.

Bao giờ chúng ta thể nghiệm được tánh giác, thì cuộc sống này nhẹ nhàng, thanh thoát, bình an ngay lập tức. Chúng ta sẽ không bị mắc mứu bởi nhà cửa, huynh đệ, ăn uống, ngủ nghỉ, bởi tất cả những gì có hình tướng sanh diệt trong cuộc sống này. Muốn thế mình phải buông. Buông cái gì? Buông sự cố chấp. Như khi ta gánh nặng đi trên con đường xa lâu dần sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Khi đó, muốn bớt mệt, đi nhanh hơn thì xem lại hành lý, những gì không cần thiết ta bỏ đi, như vậy mới có thể tiếp tục đoạn đường còn lại. Huynh đệ nghiệm xem mình đã dám buông hết chưa, hay vẫn còn nắm lại? Cứ quán sát chính mình thì sẽ rõ được kết quả, không cần hỏi ai hết.

Nếu là người thật biết tu thì thấy rõ thế gian pháp là Phật pháp. Sinh hoạt hằng ngày là cơ hội, là nhân duyên để quí vị ngộ đạo. Ngộ đạo từ việc đi chợ, cuốc đất, trồng khoai, tiếp khách, hương đăng… Nếu chúng ta là thiền sinh thì đó là những công án, đề án thiền để mình tham cứu. Quí vị đừng nghĩ phải đọc những kinh điển lớn lao cao tột mới nắm được cốt tủy việc hành thiền. Thưa không phải thế đâu. Ngay trong mọi sinh hoạt thường nhật, trong các oai nghi, khi các căn tiếp xúc với các trần là những nhân duyên lớn để chúng ta nhận lại tánh giác của mình. Chư Phật chư Tổ không những đã nói rất rõ về điều này, mà các Ngài còn thân giáo bằng cả cuộc đời hành đạo đạt đạo của mình trong mọi lúc mọi thời. Đó chính là những bản kinh sống.

Tôi tạm ví dụ những bản kinh sống ấy như một sân khấu lộ thiên đủ thứ đề tài, đủ thứ Phật pháp để chúng ta học, chúng ta hành trì chúng ta ngộ đạo. Ngoài những thứ Phật pháp đó không có Phật pháp nào khác. Có người lu bu công việc không hở tay, từ sáng sớm mở con mắt ra lu bu cho tới tối. Kinh kệ nhiều khi không đọc tụng được, trong trường hợp này, họ phải tu như thế nào? Phải hành trì, tham cứu trong những đề án trước mắt của mọi sinh hoạt này. Phật dạy: “Đối với cảnh sân đừng sân”, tham cứu, học tập, áp dụng sâu sắc với sân khấu lộ thiên ấy. Phải mở cửa từ bi hỷ xả, bố thí tất cả thì mình mới có thể bình thản. Đó là người biết vận dụng Phật pháp vào đời sống hiện thực, chắc chắn họ sẽ nếm được pháp vị an lạc ngay trong cuộc sống vốn phức tạp rộn ràng này.

Tôi nghĩ một thiền sinh đang ngồi dưới gốc điều hay đi trên đoạn đường có hàng dương hoặc làm công việc gì đó, vẫn tham cứu, vẫn hành trì được pháp thiền nếu vị ấy quyết tâm và có sự tỉnh thức mạnh mẽ. Không đợi thời gian nào cả, đợi là trễ, phải hành trì trong mọi lúc mọi thời như vậy. Bởi ta thấy tất cả đều thật nên nghe động đến mình hay vật sở hữu của mình là tâm rối loạn hoảng sợ, mất tự chủ hoàn toàn. Tâm rối loạn là mất chánh định, không định làm sao có tuệ? Đã không có trí tuệ thì mờ tối cho nên mê lầm điên đảo làm, nói trái nhau đưa đến quả đau khổ. Đây là bệnh, cần phải điều trị. Cho nên phương pháp biết vọng là phương pháp định tuệ hiện tiền.

Nếu chúng ta không có trí làm sao biết các pháp hư giả mà buông được. Do đó không có tỉnh lực chắc chắn sẽ bị các pháp kéo lôi. Dù mình ngồi đó tụng Bát-nhã, Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn… mà định không có, tuệ không có thì nhất định trôi giạt theo các hiện tượng. Giống như ta ngồi trên một dòng thác đang đổ thì không đủ sức cưỡng lại lực của dòng nước tống đi. Đã thế ngày hội ngộ trở về bến cũ biết tới chừng nào? Sự trôi giạt ấy mênh mang quá, buồn quá.

Chúng ta cũng vậy, đời này có duyên sống trong đạo tràng đây, chớ nhắm mắt rồi theo nghiệp dẫn không biết đi đâu? Lỡ rơi vào loài lông lá lù xù thì thôi, không biết chừng nào mới trồi lên được. Đáng thương như vậy mà mình đâu có sợ. Cho nên huynh đệ chúng ta thường phải khuyên nhắc nhau nỗ lực tu hành, khi còn mạnh khỏe không cố gắng tu, về sau ăn năn cũng đã muộn. Nhưng bây giờ làm sao để trở về, làm sao hàng phục được tâm an trụ được tâm?

Điều này trong kinh Kim Cang, Phật đã dạy rõ: Đối với tất cả chúng sanh ta đều đưa họ vào diệt độ mà không thấy có chúng sanh nào được diệt độ, đó là hàng phục tâm. Chúng sanh ở đây là tất cả niệm tưởng trong tâm chúng ta về các loài như thai sanh, thấp sanh, hóa sanh… Nếu ta dừng hết các niệm ấy, không chấp giữ hình ảnh của bất cứ ai trong lòng là hàng phục tâm. Nói gọn lại là buông bỏ những loạn tưởng điên cuồng của chúng ta, những vọng tưởng lăng xăng chạy ngược chạy xuôi dừng lại hết là hàng phục tâm. Còn muốn an trụ tâm là khi sáu căn đối với sáu trần, tâm không dính mắc. Chỗ này Thiền sư Bá Trượng nói “Tâm cảnh không đến nhau là giải thoát vậy”.

Thế nên chúng ta phải thấy rõ phương pháp tu hành là buông xả, đừng để tâm dính mắc với sáu trần. Tâm chúng ta khi đã không dính với sáu trần thì thênh thang như hư không, nên nói công đức như hằng sa. Phật là đấng toàn giác, chúng ta đệ tử của Phật, mang dòng họ Thích chưa được toàn giác như Ngài, thì ít nhất cũng phải phần giác. Tức là giác từng phần, tu tập được phần giác nào tốt phần đó, rồi cố gắng nỗ lực vươn lên, chớ không nên dừng ở một chỗ. Bao giờ chúng ta được giác ngộ viên mãn như đức Phật mới thôi.

Nếu không quyết tâm như thế, cứ để cho dòng lang thang trôi giạt kéo lôi mình đi mãi trong vòng luân hồi sanh tử thì đau khổ không biết tới bao giờ mới chấm dứt. Chúng ta nếu không chịu phần giác thì nói gì đến toàn giác, hóa ra việc tu hành của mình trở thành vớ vẩn, mờ mịt, không có kết quả tối thiểu nào sao? Chẳng lẽ ta đành lòng nhìn cuộc đời mình như thế sao? Dứt khoát không được rồi. Cho nên mỗi ngày chúng ta phải thể nghiệm trong từng bước đi, từng hơi thở, trong sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta phải làm sao mãnh tỉnh, để làm gì? Để dừng được những dấy niệm, những dây mơ rễ má dẫn mình trôi giạt trong các nẻo đường sanh tử.

Để kết lại, tôi muốn nêu lên sự kiện chấp thủ, phải làm sao buông ra, bố thí nó hết đi thì chúng ta sẽ được tự tại giải thoát. Và điều quan yếu sau cùng tôi muốn nói là làm sao chúng ta hàng phục và an trụ được tâm. Để từ đó mới thấy được diệu dụng không thể nghĩ bàn khi ta sống lại với tánh giác muôn thuở của mình.

[ Quay lại ]