headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TU TRONG MỌI KHÓ KHĂN

 Hôm nay chúng tôi nói về những thuận, nghịch duyên của người tu. Trong số chúng ta, có vị nhờ thuận duyên mà tu tiến, nhưng trái lại có vị lại nhờ sự thúc đẩy của nghịch duyên mà mau thành đạo. Tùy duyên của mỗi người, không ai giống ai hết. Điều này cũng đã được ghi lại trong sử sách, trong hành trạng của các Thánh tăng, các Thiền sư thuở xưa. Cho nên đề tài hôm nay là Tu trong mọi khó khăn.

Lạ một điều, bên cạnh những người gặp thuận duyên tu tiến lại có một số người bị chết chìm trong thuận duyên. Vì thế thuận duyên với những người này trở thành chướng ngại, khiến họ không tu được nữa. Phần nhiều thuận duyên hay dẫn người ta làm những việc sai trái, còn nghịch duyên lại giúp người có ý chí tiến tu phấn đấu. Điều này tôi nghĩ trong huynh đệ chúng ta, chắc ai cũng có chút kinh nghiệm cả.

Lịch sử thiền tông ghi lại rất rõ hành trạng của các Thiền sư xuất cách lỗi lạc, trong số đó có ngài Từ Minh. Lúc còn đi hành khước học đạo, Ngài đã cùng với các bạn đồng môn đến tham vấn Thiền sư Phần Dương. Ngài Phần Dương bình nhật nổi tiếng lạnh như băng. Thiền tăng nào sơ hở một chút là Ngài chửi mắng rất thậm tệ, rất thô tục. Vì thế những vị cùng đi với Từ Minh chịu không nổi, do đó đa số đều từ giã đi nơi khác. Riêng ngài Từ Minh dứt khoát đến đây phải sáng được việc lớn mới đi. Thiền sư Phần Dương cũng chẳng nói gì. Việc ai người đó làm.

Kham nhẫn cuộc sống tu hành khó khổ, ban ngày làm việc, ban đêm tọa thiền. Những cơn buồn ngủ ập đến ngài Từ Minh rất khổ sở. Do đó Ngài chuẩn bị cây dùi nhọn để sẵn bên cạnh đùi. Mỗi lần buồn ngủ hơi gục một chút, Ngài liền lấy dùi đâm vào bắp vế non một cái, cơn buồn ngủ tản hồn đi ngay. Nhờ thế mà ngài xong việc ở chỗ Thiền sư Phần Dương.

Trong pháp hội có năm bảy trăm chúng, một hôm ngài Phần Dương kêu thầy Tri sự đến nói: “Bữa nay đám giỗ bố tôi, ông lấy ít tiền mua rượu thịt về đây cho tôi cúng ông già”. Tri sự không dám trái lời, liền theo ý của Ngài mà làm. Cúng kiến Ngài mời các vị chức sắc như Trụ trì, Tri sự ở trong viện, lên nhậu một bữa với Ngài cho vui. Bấy giờ không ai dám lên ngồi hết. Sau bữa tiệc, số chúng đi gần hết, chỉ còn lại có mấy người, trong số đó có ngài Từ Minh. Hòa thượng vui vẻ nói: “Ta chỉ cần tốn một ít tiền rượu thịt mà tống cổ được hết cả bọn mấy trăm người chẳng ra gì. Bây giờ chỉ còn lại hạt chắc”. Quả thật đúng như vậy, các vị còn lại sau này đều kế thừa tổ vị. Thiền sư Từ Minh ngộ đạo như vậy, nên sau này giáo hóa đệ tử cũng y như vậy. Thiền tăng nào không chịu nổi những lời lẽ thô bạo của Ngài là đi hết, không thể sáng được việc lớn của mình.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy, đôi khi nghịch duyên có sức thúc bách mạnh nhất để mình ngộ đạo. Đó là hình ảnh Thiền sư Phần Dương đối xử với ngài Từ Minh. Sau này Thiền sư Từ Minh cũng đối xử như thế với ngài Huệ Nam và đưa Huệ Nam lên ngôi vị Tổ sư truyền thừa tông phái Lâm Tế cho đến bây giờ. Hiện nay hầu hết Tăng Ni, Phật tử Việt Nam chúng ta từ Bắc chí Nam đều tu hành kế thừa theo hệ Thiền tông Lâm Tế, nên ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của các vị này.

Chúng ta nên biết, người tu đâu phải lúc nào cũng gặp việc thuận ý. Tới chùa được một lần, bắt đầu ở nhà sanh nhiều việc, kỳ sau đi không được nữa. Như trong pháp hội này có vị tôi quen mặt, nhưng cũng nhiều vị mới đi lần đầu, không biết lần sau có lặng luôn không? Chúng ta nên nhớ, thuận hay nghịch duyên đều giúp cho chúng ta thành tựu đạo nghiệp. Nếu mình biết cách tu, chịu đựng nhẫn nhục thì nhất định thành công thôi.

Người có quyết tâm tu phải tỉnh táo lắng nghe, suy xét cho thật kỹ rồi mới nói, mới làm. Được vậy người ấy tu đạo một cách dễ dàng. Không ai sống trên đời này cũng gặp việc thuận hết. Ngay cả đức Phật là vị Giáo chủ của chúng ta cũng có chuyện bất như ý. Lúc Ngài còn làm Hoàng tử, có cung điện mùa mưa, cung điện mùa nắng, người hầu kẻ hạ không thiếu thứ chi, nhưng Ngài vẫn không vui. Trong lòng cứ ray rứt, băn khoăn về số phận sanh, già, bệnh, chết của con người. Bởi vậy cuối cùng ngài quyết định vượt thành xuất gia. Để làm gì? Để tìm cái thực sự an ổn.

Muốn được thật sự an ổn, ta phải tìm nơi chính mình, từ trong khó khổ mà thành công. Vì vậy đức Phật đã quyết định rứt bỏ tất cả, nào là tình thương của Phụ hoàng, của Da Du, của mọi người thân, nào là danh vọng, quyền lực… Ngài đều cắt đứt, dứt khoát đi tìm con đường cho mình, làm sao để được bình yên thực sự.

Trong cuộc sống này có gì an ổn đâu, chúng ta được cái này thì mất cái kia. Như một bữa ăn, có món canh vừa ý thì món kho hơi mặn rồi, hoặc món ăn nào cũng vừa ý nhưng ăn vô lại bệnh, không làm sao vừa lòng chúng ta hoàn toàn 100%. Bởi vì ngay trong lòng chúng ta không ai yên hết, nếu yên chắc mình đã thành Phật hết rồi. Người được yên ổn nhất, nhiều lắm cũng 80% thôi, còn lại 20% để dành cho những việc bất như ý. Nào là con cái hư hỏng, tiền bạc mất mát, rồi xe hư, nhà cửa hư… đủ thứ chuyện tào lao trên đời. Nhưng từ những thứ không như ý này, nếu chúng ta biết tu, biết phấn đấu thì ngay đây mới thấy giá trị của cuộc đời, giá trị của đạo lý. Bởi không như ý nên chúng ta mới tu. Tu để làm gì? Để tìm sự an ổn, một sự an ổn do chính mình gầy dựng cho mình.

Ví dụ bữa ăn hôm nay món kho mặn quá, thay vì ta rầy con rầy cháu hao hơi tổn tiếng, bây giờ mình chỉ cần ăn ít lại một chút thôi là hết mặn ngay. Tự mình tìm sự an ổn, tìm cách hóa giải cho cuộc sống yên vui. Đó là ta làm chủ được mình. Phật dạy không có sự an vui nào mà không do chính ta sắp đặt cho mình. Phải dám nhìn lại mình, dám buông bỏ phiền não mới tìm được an ổn cho chính mình. Chiếc phao để chúng ta vượt qua được tất cả khó khăn chính là tâm mình, trí tuệ của mình. Đứng trước những mắc mứu, khó khăn, đòi hỏi phải có trí tuệ sáng suốt mới giải quyết được.

Tu hành không được hẹn, việc gì có thể làm được ngày hôm nay, ta làm ngay. Ví dụ kỳ này muốn đi chùa thì cứ đi, đừng tính tới tính lui “hôm nay ở nhà có chút việc, thôi để kỳ sau”. Biết đâu kỳ sau công việc còn nhiều hơn nữa hoặc bệnh hoạn không đi được. Tu hành là phải biết cách tự an ổn, tự hóa giải cho mình ngay bây giờ, không được hẹn để từ từ sẽ tu. Từ từ tu thì phiền não còn hoài. Phật dạy mỗi người là cồn đảo an ổn nhất cho chính mình. Mọi sự yểm trợ chung quanh chỉ là những phụ thuộc thôi, bản thân chúng ta phải tự giải quyết lấy.

Chỉ như việc nhức răng, đau đầu mà không ai có thể thay thế được cho mình, huống chi những thứ khác. Lúc nhắm mắt, xuôi tay theo nghiệp thọ sanh, đau đớn khổ sở không cùng, đâu có ai thế được cho ta. Vậy nên ngay bây giờ phải sớm thức tỉnh siêng tu, giải quyết việc của mình. Chúng ta nhớ như thân ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của đức Phật cuối cùng cũng phải chịu tan hoại theo luật vô thường. Tất cả các pháp hiện hữu này đều như vậy. Bây giờ nếu mình không sáng suốt sử dụng thân này, phương tiện này để tu tạo các công đức, đời sau mất thân không biết sẽ ra sao. Cho nên người biết tu không ỷ lại, không hẹn hò, tự mình đầu tư vào việc tu hành. Đó là người khôn ngoan biết lo xa.

Quí vị đừng nghĩ rằng người xuất gia gặp thuận cảnh hoàn toàn, làm sao thuận cảnh hoàn toàn được. Khó lắm, thuận cái này thì không thuận cái kia. Diện mạo hơi sáng sủa một chút thì tinh thần yếu kém. Kẻ ham đọc sách thì con mắt cận thị, người lười biếng thì lại sáng mắt. Chúng sanh luôn luôn sống trong cảnh bất như ý. Tuy nghịch cảnh nghịch duyên như vậy, nhưng nó lại giúp chúng ta tu hành được. Vì thế phải biết tu trong nghịch cảnh, trong khó khăn, đừng mong đợi hoàn cảnh thuận tiện mới tu thì sẽ không kịp đâu.

Chúng ta còn sống thế này người ta thương, có thể tới nắm tay vuốt tóc mình, nhưng tắt thở một ngày thôi, đố ai dám tới gần? Sợ ma. Ma đó là ai? Là cha là mẹ mình hoặc ông nội ông ngoại, chứ có ai lạ đâu. Cho nên con người sống với nhau còn thiếu thật lòng. Bây giờ chúng ta là Phật tử, biết tu rồi phải tập sống lại.

Trong quyển Sơn Cư Bách Vịnh của Thiền sư Tông Bổn, tôi có thiểm chú một trăm bài thơ ở núi của Ngài. Năm 13, 14 tuổi Ngài sống chung với một người cậu. Hai cậu cháu rất thân tình, vì ông cậu không có gia đình. Họ sống đời thanh đạm, cũng đi chùa, đọc kinh, nghiên cứu sách Phật. Một hôm bỗng Ngài thấy ông cậu nằm im xuôi tay, kêu hoài không dậy. Mẹ Ngài bảo “Cậu con đã chết”. Lúc ấy Ngài chẳng biết chết là gì, nên hỏi lại mẹ: “Chết là sao?” Bà mẹ xúc động quá, không biết nói sao nên đành im lặng. Sau khi đám tang đã xong, bà mẹ thường thỉnh chư tăng đến nhà cúng dường.

Hôm đó, thấy một vị Tỳ-kheo hình dung thoát tục, rất ung dung thanh thản, Ngài liền hỏi vị ấy tu là sao? Thầy trả lời: “Tu là tìm cách giải quyết vấn đề sinh tử.” Hỏi: “Vấn đề sinh tử là gì?” Thầy giải thích sanh tử là sanh ra rồi chết đi, cứ thế tiếp nối mãi. Một khi thở ra mà không hít lại là tử. Ai sống trong cuộc đời này mà không bị động, không chạy theo những cảnh bên ngoài thì kẻ ấy không còn khổ sở bởi vấn đề sanh tử nữa. Nghe có lý quá, Ngài liền xin theo vị tăng tu. Bà mẹ rất thương con nhưng vì hiểu đạo nên cũng đồng ý cho Ngài xuất gia. Đó là duyên xuất gia của ngài Tông Bổn. Thời gian sau Ngài sáng được việc lớn và có viết quyển Sơn Cư Bách Vịnh rất hay.

Tôi kể câu chuyện này để thấy rằng đôi khi nghịch duyên giúp chúng ta tu tiến rất nhanh. Cho nên chúng ta đừng bao giờ bị lui sụt bởi nghịch duyên. Hầu hết ai cũng gặp nghịch duyên nhiều hơn thuận duyên, đó chính là cơ hội để ta tu tiến, đừng sợ, đừng bỏ qua. Phải phấn đấu tu trong nghịch duyên. Như tôi đã nói, Thiền sư Huệ Nam là một Thiền sư mô phạm, Ngài là người điềm đạm, mẫu mực. Cho nên khi gặp ngài Từ Minh nói ra những thô tháo, mắng nhiếc, Ngài sanh bất bình ngay. Nhưng thành công là nhờ Thiền sư Từ Minh biết khai thác chỗ nghịch duyên này, từ trong đó đưa Huệ Nam thoát ra khỏi kiến chấp sai lầm, nhận được đạo lý, thành tựu việc lớn của mình.

Như tất cả chúng ta đều biết thị giả của đức Phật là Tôn giả A Nan. Ngài A Nan sinh nhằm ngày đức Thế Tôn thành đạo, nên được đặt tên là Khánh Hỷ. Chữ “Hỷ” là vui mừng, chữ “Khánh” là tốt đẹp. Về sau A Nan xuất gia, gia nhập tăng đoàn và được chọn làm thị giả. Điểm đặc biệt của Ngài là nhớ rất giỏi. Tất cả lời giảng của Phật rót vào tai rồi giống như ly nước này được rót qua ly khác, không sót, không rớt một giọt nào hết. Những gì Phật nói ra, qua tai rồi Ngài nhắc y hệt như vậy, nên được gọi là đa văn đệ nhất trong Thập đại đệ tử của Phật. Tuy đa văn nhưng chưa chứng Thánh quả.

Hai mươi mấy năm trời làm thị giả, sống một bên Phật như hình với bóng. Phật đi hóa đạo ở đâu, A Nan luôn luôn kề cận một bên hầu Phật. Cho đến những ngày sau cùng Phật sắp nhập Niết-bàn, A Nan cũng hầu cận một bên. Nhưng vì chưa chứng Thánh quả nên nỗi đau xót mất Phật, A Nan không cầm lòng nổi. Vì vậy lúc đó, tinh thần của Ngài gần như suy sụp hoàn toàn. Ngài bi lụy khóc lóc khổ sở điêu đứng, không còn nhớ gì nữa hết. Trong hàng đại đệ tử, người kế thừa Phật thống lãnh tăng đoàn và cũng là người đầu tiên truyền thiền tông cho tới bây giờ là Tôn giả Đại Ca Diếp. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, A Nan khóc mê mẩn, gần như chết giấc vậy, Tôn giả Đại Ca Diếp về muộn nhưng nhờ bản lãnh của một vị đã chứng Thánh quả, nên Ngài đã đứng ra tổ chức, điều hành chu tất Thánh lễ trà tỳ cho đức Phật.

Sau khi Phật nhập Niết-bàn rồi, một số Tỳ-kheo trẻ tuổi rất vui mừng, từ đây không còn ai kềm chế Giới học nữa, tha hồ phóng túng. Chính vì thế nên Tôn giả Ca Diếp quyết định phải kết tập kinh điển, chư Thánh tăng cùng nhau đọc lại Kinh, Luật Phật đã dạy để răn nhắc chư Tăng Ni tu hành. Thế là phải có người trùng tuyên. Trong số các đại đệ tử của Phật, người có đủ khả năng để trùng tuyên kinh tạng chỉ có Tôn giả A Nan, nhưng Ngài lại chưa chứng Thánh. Suốt hai mươi mấy năm làm thị giả cho Phật, chạy theo công việc, mà công phu tu chỉ mới chứng Sơ quả thôi. Thật đau xót! Nói tới đây, đôi khi tôi cũng cảm thấy hổ thẹn nữa. Nhiều anh em nhập thất tu công phu tiến bộ rất nhiều, có niềm vui này niềm vui nọ. Còn tôi làm Trụ trì, tối ngày cứ thấy cây cảnh, thấy khách khứa, xử lý nội vụ ngoại vụ, rồi giảng dạy, làm việc Giáo hội v.v…  Công phu chẳng được gì hết, đụng tới là tham sân si đùng đùng, tu hành làm sao bằng các thầy ở trong thất?

Đứng trước hoàn cảnh như thế, ngài Đại Ca Diếp dùng phương tiện nghịch duyên, thống trách A Nan với những lỗi như sau:

Lỗi thứ nhất, không chịu thỉnh Phật trụ thế. Lỗi thứ hai, đã biết người nữ nghiệp nặng, tại sao lại cố xin Phật cho họ xuất gia, gia nhập Giáo đoàn, làm giảm tuổi thọ Giáo pháp của Như Lai. Lỗi thứ ba, khi giặt y Tăng-già-lê của Thế Tôn, đã vô ý đạp lên chéo y, làm ô nhiễm mất sự tôn nghiêm của đại y. Tăng-già-lê là y lớn nhất. Lỗi thứ tư, không chịu trình bạch với Thế Tôn rằng sau khi Phật nhập Niết-bàn, những giới luật nào cần giữ nguyên, những giới luật nào có thể lượt bớt. Lỗi thứ năm, tại sao để nước mắt nữ nhân làm ô nhiễm đôi chân của Phật khi Thế Tôn vừa nhập Niết-bàn. Do năm lỗi kể trên, nên A Nan không đủ tư cách vào dự hội nghị kết tập kinh điển.

Sau khi nghe cử tội, A Nan hổ thẹn đau buồn quá. Sư phụ mới nhập Niết-bàn có mấy ngày, mà Đại sư huynh bắt nạt đủ điều, bây giờ phải làm sao? Chỉ còn cách chứng Thánh mới dự được hội nghị này. Từ sự bức xúc ấy A Nan cố gắng vươn lên để thành tựu Thánh quả. Cuối cùng Ngài tìm đến một hang núi nỗ lực thiền quán, lắng đọng tất cả tâm tư điên đảo loạn tưởng xuống hết. Đến khi mệt mỏi quá, Ngài định ngã lưng nằm xuống thì hoát nhiên dứt sạch lậu hoặc, trí tuệ khai mở chứng A-la-hán, vĩnh viễn không còn sanh tử nữa. Khi ấy Tôn giả liền đi đến hội nghị kết tập kinh điển, cửa đá đã đóng kín. Ngài không cần gõ, tự nhiên cử hé ra, Ngài đi vào với sự hoan hỷ vô cùng của Tôn giả Đại Ca Diếp.

Bấy giờ Tôn giả Ca Diếp nhìn toàn thể hội chúng và nắm tay A Nan tuyên bố: “Đức Thế Tôn đã ân cần căn dặn lại, chánh pháp từ thầy mà phát triển. Nay thầy đã xong việc rồi, ta mừng cho thầy”. Thế là A Nan bước lên tòa, vì tất cả chúng sanh đời sau mà trùng tuyên lại tạng Kinh của Phật một cách thông suốt, hoàn bị nhất.

Chúng ta thấy từ trong nghịch cảnh, Tôn giả A Nan đã thành tựu được đạo nghiệp của mình. Sở dĩ Tôn giả Ca Diếp bày ra những điều lỗi là để tạo nghịch duyên giúp A Nan chứng quả, chớ không phải vì ác ý. Đọc sử tới đây, tôi rất cảm động với đạo tình của ngài Đại Ca Diếp. Vì muốn răn nhắc động viên sư đệ, tạo điều kiện cho A Nan phấn chấn vươn lên, sớm thành tựu được việc lớn của mình, buộc lòng Tôn giả Ca Diếp phải lập bày phương tiện như vậy. Tôn giả thật xứng đáng với lòng tin cậy của đức Phật và thật đầy đủ tư cách để thống lãnh Tăng đoàn.

Câu chuyện trên là một tấm gương sáng, giúp chúng ta nỗ lực tu tập trong hoàn cảnh khó khăn. Cho nên huynh đệ phải nhớ sự khó khăn rất cần thiết cho việc tu hành của chúng ta. Tu hành không gặp khó khăn thì không thể nào trui luyện được ý chí, không thể nào thành tựu công phu được. Ngạn ngữ có câu “Không có giá trị thiết thực nào mà không có sự khó khăn cả”. Chúng ta tu hành cũng vậy, muốn đạt thiền, đạt đạo, muốn sáng được việc của mình, phải ngày đêm tu hành nghiêm chỉnh, nhẫn chịu và vượt qua mọi thử thách gian khổ.

Kinh nghiệm tu hành chẳng những tạo được giá trị cho chính mình, mà còn giúp chúng ta tạo duyên tốt cho mọi người. Nhờ có khó khổ và vượt qua được khó khổ nên chúng ta biết cách hướng dẫn những người đồng cảnh ngộ với mình. Người đời ai cũng gặp khó khăn, nếu chúng ta tu được trong khó khăn thì lợi ích cho mình cho người sẽ rất lớn, duyên độ sinh rất rộng. Ta đem giá trị đạt được truyền bá hướng dẫn người sau. Tu mà muốn cái gì cũng dễ dàng hết thì không có giá trị đâu, nếu không muốn nói là không hiện thực.

Bằng chứng như ngài A Nan, chịu sự khiển trách trong nỗi đau khổ vừa mất thầy. Đại Ca Diếp chỉ lỗi giữa đại chúng, làm cho Ngài không còn mặt mũi nào nhìn huynh đệ nữa. Phải chi ngài Ca Diếp kêu vô thất nói nhỏ nhỏ cho một mình Ngài nghe thôi, thì đâu đến nỗi xấu hổ như vậy. Nhưng chính nhờ sự hổ thẹn tột cùng ấy, Tôn giả mới nhất quyết vươn lên và đạt được thành công. Nếu ngài Ca Diếp nhỏ nhẹ với A Nan, có lẽ Tôn gỉa sẽ không đắc đạo đâu. Thời Phật còn tại thế, gần gũi Thế Tôn biết bao lâu, nghe những lời dịu dàng và A Nan đã chết chìm trong đó, nên mới không chứng Thánh. Phải vực Ngài dậy bằng nghịch duyên mới thực sự đưa Ngài lên ngôi vị tối thượng. Đây chính là phương tiện thiện xảo của ngài Đại Ca Diếp.

Tóm lại, khi đã quyết chí tu hành chúng ta đừng bao giờ nguyện Phật cho con gặp toàn là thuận duyên. Thuận tu cũng được, mà nghịch tu càng hay. Nhưng cũng đừng mong nghịch quá, với người yếu sức đôi khi nghịch quá cũng làm thoái chí. Điều cần thiết là người tu phải có nghị lực, phải sáng suốt. Thuận tu cũng được, nghịch tu cũng được. Gặp thuận gặp nghịch, lúc nào cũng giữ tâm thanh tịnh tiến tu.

Tôi thành tâm hướng về Tam bảo cầu chúc toàn thể quí vị luôn luôn phát huy được tâm thanh tịnh của chính mình. Tâm thanh tịnh phát huy được rồi thì thuận nghịch, khó khăn hay dễ dàng, chúng ta đều có thể vượt qua được hết. Xin quí vị nhớ cho: không tu thì thôi, tu thì nhất định phải thành công.

[ Quay lại ]