headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 06/11/2024 - Ngày 6 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Ma bên ngoài đến làm mê hoặc

Chánh văn:
Loại ma này còn gọi là người làm chướng, kẻ bất tín hay nhỏ mọn, sang hèn chẳng đồng bậc. Họ não loạn định tâm, khiến người tu chẳng được yên ổn. Nói chung là do hành giả tự thiếu quyền chước, hoặc thiếu lễ nghĩa, hoặc tự cao, hoặc ngã mạn, hoặc hay nói thẳng, hoặc hành động thô, hoặc dựa thế lực, hoặc ỷ tài giỏi, hoặc nói lời ác, hoặc cho mình hơn, hoặc nói điều dở của người, hoặc thiếu dáng vẻ hòa dịu, hoặc không cung kính, hoặc lượng hẹp hòi, hoặc thiếu nhẫn nại, nên người chẳng tin. Họ làm hoặc loạn việc tu hành của mình, khiến sanh tâm động niệm, che chướng bản minh. Kẻ mộ đạo lớn, phải tự hạ mình, nuôi dưỡng đạo đức, mới khỏi người ngoài làm chướng. Người trong Tông môn đời sau, nên học đức khoan dung nhẫn nại và cố gắng hành đạo cẩn mật.

Giảng:

Loại thứ hai là ma bên ngoài đến làm mê hoặc. Đây là những trở ngại bên ngoài đến với người tu chúng ta. Những trở ngại này là từ đạo đức, dáng vẻ, cách cư xử, quyền chước của chính chúng ta thiếu sót mà ra. Những trở ngại này làm não loạn định tâm, tức là làm cho mình xúc não nên tâm không được định. Từ đó công phu bị khuyết tổn.

Trong những phần như hoặc tự cao, hoặc ngã mạn hoặc hay nói thẳng. Nói thẳng đúng thời đúng lúc thì người ta sẽ trọng lời nói thẳng của mình. Nếu nói thẳng không hợp thời hoặc bên trong mình không có thiện chí, thì đó là trở ngại.

Trong chuyện cổ có chuyện Nam Cung Trường Vạn. Ông là một vị tướng thân cận với Tống Mẫn Công. Vua xem ông như tri kỷ, rất tương đắc với nhau về môn đánh cờ. Chẳng may ông bị giặc Lỗ bắt. Tống Mẫn Công cho người đến xin vua Lỗ tha cho ông về nước. Khi thấy Nam Cung được thả về, vua Tống nói đùa: “Ngày trước ta kính trọng ngươi, bây giờ ngươi là tù nhân nước Lỗ, ta không kính trọng nữa”. Nam Cung Trường Vạn thẹn đỏ mặt, cáo từ lui ra.

Quan đại phu Cừu Mục khuyên vua không nên nói đùa như vậy, mà cẩn thận giữ lễ vua tôi. Tống Mẫn Công bảo: “Ta với Nam Cung là chỗ thân tình, cần gì điều ấy”. Một hôm vua cùng Nam Cung Trường Vạn đánh cờ. Vua Tống đánh phủ đầu, Trường Vạn thua luôn mấy ván, phải bị phạt uống một bát rượu lớn. Trường Vạn đã ngà ngà, trong lòng không phục, xin đánh thêm ít ván nữa. Mẫn Công nói: “Tù nhân thì tất phải thua, lại còn dám xin đánh nữa à !”. Trường Vạn xấu hổ không nói.

Ngay khi ấy được tin vua nhà Châu mất. Tống Mẫn Công định sai sứ sang viếng. Trường Vạn thưa: “Xin Chúa Công cho tôi đi sứ”. Mẫn Công lại đùa nữa: “Khi nào Tống không còn ai nữa mới sai đến tù nhân đi sứ”. Các cung nhân đều cười ầm cả lên. Trường Vạn mặt đỏ bừng, thẹn quá chẳng nghĩ gì đến lễ chúa tôi nữa, thuận tay vác bàn cờ hét to: “Hôn quân ! Mày phải biết tù nhân này cũng có thể giết người chớ !”. Nói xong, Trường Vạn đánh Mẫn Công ngã xuống, rồi đâm luôn mấy cái. Mẫn Công chết, Trường Vạn làm phản luôn, lập vua khác lên ngôi.

Qua câu chuyện này cho chúng ta bài học, dù người đó dưới quyền của mình, nhưng mình đẩy người ta vào đường cùng thì họ sẽ quay đầu lại xử sự bậy với mình. Nếu vua dừng lại khi biết Nam Cung Trường Vạn bị cú sốc tinh thần, thì đã không xảy ra sự vụ đó. Chỉ trong phút chốc từ sự không khéo xử sự của vua Tống mà dẫn đến tai hại không thể lường được như vậy.

Tuy rằng hiện thời chúng ta là những người tu hết sức bình thường, không có địa vị, quyền thế, tiền bạc hay học vị gì cả. Nhưng nếu mình là người tu chân chánh thì đương nhiên mình đại diện cho con người đạo đức, hướng dẫn tinh thần quần chúng Phật tử. Vai trò này hết sức quan trọng. Mình phải thể hiện đầy đủ đạo đức, trí tuệ của đạo lý giác ngộ giải thoát. Cho nên chúng ta phải học, phải biết, phải tu, chuẩn bị dè dặt, đừng để thói quen không khéo, đến một lúc nào đó xảy ra sự cố. Tóm lại, một lời nói chơi vào những lúc bình thường thì không có gì. Nhưng gặp lúc bên trong có vấn đề thì hậu quả không thể lường được.

Đối với người sống thể hiện đạo đức, mình phải dè dặt luôn cả lời nói chơi của mình. Dù có nói chơi hay nói lời gì vui vẻ cũng phải kiệm đức. Nói vừa phải, vừa đủ để nghe, hiểu thôi, không cần thiết nói quá đáng, dư thừa. Có khi người ta sử dụng những ngôn ngữ cho thỏa mãn lòng mình. Người tu thì không cần, ngôn ngữ của mình thể hiện vừa phải, để hài hòa tươi tắn trong cuộc sống với nhau. Ngoài ra không cần phải nói nhiều. Đa số những bậc đạo cao đức trọng nói rất ít mà tác động rất nhiều. Đó là những con người xử dụng đến thân giáo hay có những cách không nói mà nói tất cả. Đó là điều chúng ta cần phải học hỏi.

Ở đây nói các loại ma bên ngoài là do mình thiếu quyền chước, thiếu lễ nghĩa hay tự cao, ngã mạn, hoặc nói thẳng, hoặc hành động thô, dựa vào thế lực, hoặc ỷ tài giỏi. Nếu là người trí càng học hiểu nhiều chừng nào thì càng thấy kém cỏi trước bể học mênh mông. Học đạo thánh hiền, càng học càng hành thì càng thấy những khuyết điểm của mình. Chỉ đao đáo lo cái đức của mình chưa được hoàn chỉnh thôi chứ không có tự ỷ, tự cho mình là cao.

Hoặc nói lời ác, hoặc cho mình hơn, hoặc nói điều dở của người, hoặc thiếu dáng vẻ hòa diệu, hoặc không cung kính, hoặc lượng hẹp hòi, hoặc thiếu nhẫn nại v.v… Những điều này, nếu trong thân tình hay trong sự cảm thông, thì chúng ta cũng nên chỉ cho nhau khuyết điểm để sửa đổi, chứ không nhất thiết là không nói gì hết. Nhưng phải biết thời, đúng lúc, chỉ làm sao cho người vui vẻ nhận sửa. Mình chỉ mà người ta nổi sân, bực bội thì đó là điều thất bại.

Tóm lại đây là những trở ngại bên ngoài, không phải phần chính yếu. Những điều này chúng ta có thể sửa đổi, có thể hoán chuyển hoặc có thể ý thức được thì bỏ đi. Khi làm một điều gì mà có sự phản ánh thì mình ý thức, đừng làm nữa. Đi ngang điện Phật mà có người nhìn thấy mình với một thái độ dường như không đồng ý, thì mình tự ý thức vừa rồi mình có lỗi, phải tự bỏ đi. Bởi vì nếp tu hành đòi hỏi chúng ta đức tự tỉnh, đâu đợi người phải nói. Có nhiều khi mình cứ làm càng làm bướng, những phản ánh mình không quan tâm, nhưng thật sự thì rất cần sự phản ánh.

Phản là trái lại, ánh là chói ra. Chính mình cũng nên phản ánh lại hành động của mình. Bởi vì có những điều mình nói, hoặc việc mình làm không đúng. Nếu mình tế nhị để ý loại trừ các khuyết điểm đó thì mình tự sửa rất hay.

Trong cuộc sống đời thường, chúng ta có rất nhiều cơ hội để học hỏi và cơ hội để sửa đổi. Trong sinh hoạt tu học hằng ngày nếu chịu để tâm nghiên cứu, hạ mình khiêm cung, hòa diệu một chút thì sẽ học được nhiều điều rất hay từ những người chung quanh ta, từ những vị có đức hạnh đặc biệt. Người thật sự muốn tu học thì phải như thế.

Vì vậy trong Tòng lâm, trong Thiền viện thường đặt ra nội qui, bởi vì trong sự tha thiết chí thành cầu khẩn của người học đạo vẫn còn những điều thiếu sót, chưa hoàn chỉnh nên phải nhờ đến qui luật để uốn nắn sửa đổi các khuyết điểm, nhằm giúp cho người học đạo ngày càng hoàn bị hơn trong nếp sống đạo đức của mình.

Tuy những điều bên ngoài không dính dáng đến cốt tủy bên trong, nhưng muốn loại bỏ nó cũng không phải dễ dàng. Bởi nó đã thành tật, thành bệnh. Nếu không làm chủ được thì khiến mình sanh tâm động niệm, che chướng bản minh. Người phát tâm tu hành thì trước phải hạ mình nuôi dưỡng đạo đức để khỏi bị những cảnh duyên bên ngoài làm trở ngại. Người trong tông môn đời sau, nên học đức khoan dung nhẫn nại và cố gắng hành đạo cẩn mật, thì từ đó việc gì cũng vượt qua hết. Lần lần được thăng hoa, tiến dần.

Trước nhất của người sơ cơ học đạo là phải khiêm hạ. Chữ khiêm là tự khiêm, chữ hạ là tự hạ mình xuống. Người khiêm hạ là người biết hổ thẹn, không tự ỷ, tự cao, không lấn lướt người, luôn sống với một nếp tương giao bình thường giản dị. Gần gũi với những người như vậy có lợi cho việc tu học của chúng ta rất nhiều.

Đối với những người có khí cách đặc biệt, nếu mình còn nhỏ mà bị ảnh hưởng sẽ không hay. Bởi do chúng ta không có năng lực đặc biệt nên dễ bị tạp nhiễm bởi những khí cách ấy. Đáng lẽ phải loại đi thì mình lại tiếp thu. Tiếp thu rồi bỏ không được, đây cũng là những thứ tạp nham nhưng khi trởù thành nghiệp rồi thì rất khó bỏ.

Khi còn trẻ, khỏe mạnh cả thân và tâm mà không phát huy được những năng lực đặc biệt, làm ích lợi cho mình và cho gia đình, xã hội, đến tuổi xế chiều có làm được gì nữa đâu. Bệnh hoạn chồng chất… Nói như thế để chúng ta thấy rằng, đối với những điều hay tốt thì phải gấp rút tiếp thu, học hỏi. Đối với những điều dở thì khẩn trương khắc phục sửa đổi. Muốn được như thế, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh, kiểm lại những gì dở xấu, gấp rút trừ diệt ngay. Còn có tâm niệm che dấu là tự mình si mê không xứng đáng. Nếu chúng ta chịu sửa đổi thì chỉ trong một thời giai ngắn sẽ thành công.

Chúng ta đang sống với thân xác phàm này, bao nhiêu những bệnh tật, nghiệp chướng. Nhưng lý tưởng của chúng ta là thành Phật, gạn lọc mọi thứ nhiễm ô, buông hết những vọng tưởng để được rỗng rang sáng suốt. Muốn buông được thì định phải đầy đủ, tuệ phải hiện tiền. Thiếu hai thứ đó thì không thể làm gì được. Với lý tưởng sáng chói như vậy thì mình phải là người chiến sĩ chiến đấu quyết liệt, để đừng bị ngã gục bên này hay bên kia, chậm hay mau gì thì cũng phải thẳng một đường tới đỉnh kia.

Chúng ta đã có đủ phương tiện để thực hiện lý tưởng ấy. Mong mõi của bậc Thầy chúng ta là mình thực hiện cho kỳ được lý tưởng duy nhất đó. Nghĩa là thành Phật thành Tổ chứ không gì khác. Chúng ta làm bất cứ điều gì cũng tựu trung làm sao cho sáng việc lớn, duy nhất chỉ có thế. Bài học nào của các Tổ sư cũng đều muốn cho chúng ta phát huy lý tưởng của mình, gắn bó với những lời dạy của người đi trước, làm sao mình thu lượm được nhiều kinh nghiệm để đừng bị vấp ngã. Cuối cùng mình là người vững vàng bước lên đài vinh dự ấy.

Chú :

Luận về giác tánh thì vật vật như nhau, người người bình đẳng, nhưng căn trung hạ cần phải, đức hàm đạo dưỡng mới xong. Thiếu đạo kém đức, thêm nỗi mê mờ dày cợm, thì đường tiến thiên nan vạn nan. Mốt sống người đời còn dạy : “Với mình thật nghiêm cẩn, xử thiên hạ thì hạ mà khoan”, huống là đạo lớn giải thoát, lấy trí tuệ làm gốc, tiêu diệt bản ngã là chỗ đắc lực, mà còn u mê ôm ấp, những tình chấp ngô ngã hẹp hòi ấy được ư ?

Phật dạy : “Các hành vô thường là pháp sanh diệt”. Tổ khuyên : “Nên tiêu chảy đầy đất” mới có chỗ an thân lập mạng. Trên chiều dọc mà nhìn, chúng sanh nhiều kiếp trôi lăn trong sáu nẻo, bởi đeo mang cái thấy hai : “ta, người, kia, đây ; có, không, xấu, tốt”. Do đó và từ đấy mà xuống lên trong ba cõi, xoay quanh trong bốn loài. Chần chờ gì ? Đợi kiếp nào ? Sao chưa một phen lay mình chuyển hóa, tạo một niềm vui, thắp sáng một niềm tin cho mai sau… Kìa nhìn xem !

        Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang
        Chống gậy chơi rông chừ phương ngoại  phương
        Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi
        Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương…
 

[ Quay lại ]