headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Ma Tà Kiến

Chánh Văn

Ma này thường gọi là chấp chướng. Người tu thiền định nếu muốn khỏi rơi vào định tà, thì phải dứt tà kiến. Vì sao tà kiến làm mất chánh định như thế ?

Bởi các cố chấp như : Chấp tánh chẳng hoại, gọi là chấp có. Chấp tánh vốn không, gọi là chấp không. Chấp vốn bất tử, gọi là chấp thường. Chấp theo hơi hám diệt, gọi là chấp đoạn. Chấp không sanh ra có, là kiến chấp thuộc tự nhiên. Chấp khí hóa ra hình, là thuộc chấp tà nhân… Như thế gồm các loại cố chấp chẳng có, chẳng không, tức có, tức không và tất cả tà chấp, tà kiến, nhân duyên, tự nhiên, đều chẳng rời hai đầu có không đoạn thường, tự chướng bản lý, dần dần sa vào các ngỏ tẽ.

Những người tu thiền phải nên cảnh giác, và nhận định cho chính xác, xa lìa các kiến chấp kể trên.

Giảng:

Đây là nói những kiến chấp. Theo tinh thần đạo Phật, dù tu pháp môn nào, mà tu tới đâu chấp tới đó, tức là tà đạo. Ví dụ ở trong Thiền viện này, có vị tu làm chủ được thân tâm, buổi chiều không ăn uống gì hết mà vẫn an nhiên khỏe mạnh, rồi chấp cho đó là chân lý, như vậy là tà. Tóm lại, tà kiến, tà chấp là những căn bệnh thâm căn cố đế. Người tu hành phải trị nó, không để nó tồn tại trong công phu tu hành của mình. Nếu không giải trừ thì chúng ta không thể tiến được.

Bởi tâm thể rỗng rang sáng suốt, không dung một chút tì vết nào cả. Cho nên những gì khởi lên trong đó đều không phải thật. Khi nói gương sáng thì mặt gương đó phải không lưu bất cứ tì vết nào, mới sáng được. Nếu có hình bóng nào vướng lại, dính khằn trên đó thì mặt gương bị che khuất, không còn sáng nữa. Mặt gương đó bây giờ giống như bị thợ sơn phết cho một lớp sơn xanh vàng đỏ trắng… Cho nên nói mặt gương sáng là mặt gương phải sáng loáng, không còn tì vết nào cả.

Tâm thể chúng ta cũng vậy, rỗng rang sáng suốt, trùm khắp xưa nay. Trong đó không dung một chút hình ảnh nào. Giả dụ như chúng ta tu được Tứ thiền Bát định mà ngay đó không buông, không tiến hơn nữa thì Tứ thiền Bát định cũng thành trở ngại, chưa phải là chỗ cứu kính viên mãn của người tu cần phải đạt đến.

Ở đây nói những thứ chấp: Chấp tánh chẳng hoại, gọi là chấp có. Nghĩa là chấp có các sự vật còn hoài không mất, đó gọi là chấp có. Chấp tánh vốn không, gọi là chấp không. Điều này chúng ta dễ lầm lắm. Như nói tánh các pháp là không, nếu nghe như vậy mà cho không có gì cả thì trật. Các Thiền sư nói chúng ta tu hành mà không đả thông được những kiến chấp, thì khác nào con cẩu gặp vật gì cũng ngửi, cũng liếm… Các Ngài nói hơi thô nhưng đúng căn bệnh ngàn đời cũng chúng ta.

Pháp trần nào, cảnh duyên nào, sự kiện gì bên ngoài đến, chúng ta cũng đều bị thu hút, dính mắc. Không nhất thiết là cảnh duyên tốt mà luôn cả những cảnh duyên xấu, chưa đúng với tinh thần đạo pháp, chúng ta cũng dính mắc. Người ta nói xấu mình cũng tức lên, người ta chọc giận mình cũng giận lên, người ta rủ rê tầm bậy tầm bạ mình cũng làm theo… Tất cả những thứ đó là việc không tốt, lẽ ra chúng ta phải vất đi, đằng này chúng ta chiếu cố nó còn nhiều hơn cái tốt nữa. Bởi vì khi có người làm trái ý, mình liền khởi bực bội. Rõ ràng mình gần thói xấu nhiều hơn tánh tốt, đó là một căn bệnh phổ thông.

Chúng ta cứ thâu lượm hết để vào gánh của mình. Gánh không nổi, gục giữa đường mà gặp cái gì cũng chất vô hết. Nếu có trí tuệ thì lẽ ra chúng ta chỉ thâu lượm vàng ngọc thôi. Cho nên càng nghiệm càng thấy mình dở. Có những cái thật tệ mà chúng ta lại chiếu cố nhiều hơn những cái tốt. Những thói quen nho nhỏ thôi nhưng có khi mình bỏ không được. Nhà Phật gọi là chủng tử. Tập khí bắt nguồn từ những thói quen đó.

Ví dụ mình không hút thuốc nhưng gần nhà có người hút thuốc, khói thuốc đó bay lan sang nhà mình. Bình thường mình không chấp nhận, nhưng sớm nào nó cũng bay ngang lỗ mũi, ngửi quen thấy cũng được. Thế là mình bắt đầu ngồi đợi khói thuốc bay lạc tới. Dần dần mình hút thử với lượng nhỏ, sau lên lượng lớn, rồi lâu ngày thành ghiền. Vậy là nghiệp từ mình chứ không từ ai. Từ dấy niệm về làn khói bay lạc ngang, mà không chịu tỉnh thức, không làm chủ, để nó dẫn đi hồi nào không hay.

Nếu chúng ta quyết tâm, tự đặt cho mình mục đích chính yếu của đời tu, thì nhất định phải tế tâm gìn giữ. Có những trường hợp thách thức làm cho mình bị bức xúc. Nếu không tỉnh, không kiên định thì chúng ta sẽ dễ bị ngoại cảnh lay chuyển, rồi từ đó tạo nghiệp.

Về việc tu hành, thật ra chúng ta chỉ nói trên tổng thể thôi, chứ mỗi người đều có nghiệp riêng, chủng tử riêng. Nghiệp này nhiều vô lượng vô biên, chúng ta không thể dò biết được. Không ai có thể biết được ham thích của ai, hà huống là những thứ đó mình thường dấu diếm, thường che đậy.

Đối với đời sống của các bậc thánh thiện thì những điều đó giải phăng ra hết. Bởi giải phăng ra hết nên các Tổ nói nó không thật, là đồ bỏ. Chúng ta còn phàm phu chưa thể bỏ một cái rụp những thứ ấy, nên những gì xúc phạm đến thân này, danh dự này, cá nhân này thì mình có những buồn vui, hờn tủi. Đây chính là trở ngại, làm che chướng con đường tiến đạo của chúng ta. Vì vậy người quyết tâm tu cần phải khai thông, để những thứ buồn vui, tức giận, che chướng, ham thích… không còn làm gì được mình nữa.

Trong công phu tu hành, rất kỵ để bế tắc. Cần phải khai thông tất cả. Bế tắc như thế nào ? Đạo lý chưa sáng mà những nghiệp tập, cứ tác động hoài, chúng ta không giải quyết được, thì việc tu rất dễ thối thất. Kiểm nghiệm lại, biết nghiệp tập nhiều, chúng ta quyết làm chủ nó. Đứa nào nổi lên, mình nắm lấy buông nó xuống. Gặp đứa cứng đầu thì ta trừng mắt rầy quở nó: ta biết mi không thật, hãy đi. Người có trí tuệ khi đối diện với nó, biết nó không thật thì không có gì xảy ra, bình an. Nếu chúng ta không đả thông được thì chúng sẽ gây trở ngại cho việc tu hành của chúng ta.

Ai cũng biết cuộc đời là vô thường. Vô thường nhanh chóng, sự hiện diện của mình trong cuộc đời này rất mong manh, vậy mà chúng ta cứ dính mắc liên tục. Mọi sự sắp đặt của mình là trăm năm ngàn năm. Một câu nói không tốt, không đáng, mình lại âm thầm gìn giữ, cả đời chưa quên được. Chúng ta nên suy nghĩ đến chỗ này. Nếu chúng ta cứ ôm giữ như thế thì núi non nào mà chứa cho hết. Bởi vậy Phật nói cái chấp của chúng ta cao như núi, sâu như biển, rậm như rừng là vậy. Người tu thiền phải vận dụng toàn tỉnh giác của chính mình để trị những tâm bệnh đó của chúng ta.

Trong Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ đã nói đi nói lại rất nhiều lần, xác minh tâm thể chân thật không nhiễm không tịnh, không trước không sau, không trên không dưới… hoàn toàn rỗng rang. Với chúng ta thì có núi sông nhà cửa, có ta có người, có đất đai ruộng vườn, có sự nghiệp tài sản… Bây giờ phải tháo bỏ thì thật là khó, chứ không đơn giản chút nào.

Từ đó chúng ta thông cảm thương yêu và đùm bộc nhau. Như khi mình mắc một chứng bệnh ngặt, mà hay người huynh đệ cũng mắc phải bệnh đó thì mình liền phát tâm thương yêu giúp đỡ, giải trừ những bệnh tật đó. Được vậy, cuộc sống của chúng ta tốt đẹp biết là bao nhiêu.

Trong việc tu hành, nếu chúng ta tu tiến, được lợi lạc thì rất tốt đẹp. Nhưng nếu như huynh đệ chúng ta chưa hoàn toàn bỏ được những điểm khuyết dở thì chúng ta cũng hết lòng thương yêu đùm bộc nhau. Khi thấy rõ được bệnh của mình thì nên cảm thông với bệnh của người. Chúng ta cùng giúp nhau tu hành đến nơi đến chốn. Đây là điều tốt đẹp cho tập thể, là điều mà tập thể cần xây dựng. Trên đường Phật đạo, chúng ta nguyện cùng với các đồng chí đồng hạnh sẽ là quyến thuộc hổ trợ nhau tu hành cho đến ngày viên mãn.

Con đường Phật đạo không thể tính ngày, không thể đếm kể tất cả những khó khăn khốn khó. Chúng ta phải là người đầy đủ từ bi trí lực, mới có thể thành tựu được. Còn một chút kiến chấp là còn trở ngại. Ở đây nói chấp có, chấp không, chấp bất tử, chấp thường, chấp diệt, chấp đoạn, chấp tự nhiên… Tóm lại những cái lầm chấp, chúng ta lượm lặt ôm giữ cố thủ, bảo vệ từ lâu nay. Bây giờ chúng ta dám nhận diện từng cái và thảy ra. Như thế chúng ta mới là con người kiến đạo, sống được với tánh giác. Nhờ thế công phu tích cực và thành tựu đại nguyện tu hành của mình, hoàn toàn làm chủ được đối với các cảnh duyên.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật hỏi A-nan: “Nhân duyên nào mà ông xuất gia ?” Ngài trả lời chân thật: “Con thấy tướng hảo của đức Thế Tôn, con thích nên phát tâm xuất gia”. Phật hỏi tiếp: “Ông lấy gì để thấy và lấy gì để thích tướng ấy?”. A-nan thưa: “Con dùng mắt thấy, dùng tâm để thích tướng hảo của Như Lai”. Đây là vấn đề cốt lõi được nêu lên.

Trong đoạn thất xứ trưng tâm, tức là bảy chỗ hỏi tâm, Ngài nói năm lần bảy lượt đều bị Phật phủ nhận. Đến cuối cùng các chấp thủ bị bào mòn hết, đức Phật mới chỉ tâm là cái gì ? Phật dùng ví dụ đưa tay lên, hỏi A-nan thấy không ? - Thấy. Thấy cái gì ? - Thấy nắm tay. Phật bỏ tay xuống, hỏi A-nan thấy không ? - Không thấy. Phật quở: - Nếu ông không thấy thì làm sao biết không có cánh tay.

Cánh tay khi đưa lên, khi không đưa lên, tướng này có thay đổi nhưng cái thấy lúc nào cũng hằng hữu. Từ đó chúng ta xoay về nhận lại cái chân thật hằng hữu của mình. Đó là tánh giác hiển hiện qua các giác quan. Cuối cùng, Phật chỉ ngài A-nan từ xưa đến nay mười phương chư Phật ra đời đều chỉ cái này. Cái này là cái mà ông thành Phật, thành Tổ. Nếu lầm chấp cái này thì ông thì nhiều kiếp trầm luân trong sanh tử vậy.

Nếu các giác quan thấy nghe hiểu biết mà không chạy theo trần cảnh thì, thấy nghe hiểu biết là thấy nghe hiểu biết của Phật. Còn thấy nghe hiểu biết mà đắm trước vướng mắc trần cảnh thì thấy nghe hiểu biết là thấy nghe hiểu biết của phàm phu mê lầm. Kinh điển đại thừa cùng với tinh thần thiền tông của các Tổ không hai không khác, đều dạy xoay lại các giác quan của mình mà nhận ra cái chân thật hằng hữu.

Ngay các giác quan mà chúng ta nhận và quay về với mình thì an lạc. Ngược lại, nếu lao ra ngoài thì mênh mông khổ đau. Trong mọi sinh hoạt hằng ngày, nếu chấp thủ thì chúng ta không giải thoát. Nhận được ý này là nhận được lời dạy chí thiết của Tổ sư. Người xưa nói: Đừng ỷ ông là người trì giới mà khinh người phá giới. Nếu chấp cho mình như vầy như kia là người lầm chấp. Làm sao trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta là người buông được các cảnh duyên, các dấy niệm một cách triệt để, đó là giải thoát, là dứt sạch gốc mê lầm.

Muốn buông được thì phải có trí tuệ, thiếu trí tuệ không buông được gì cả. Chúng ta không dễ dàng chấp nhận các cảnh duyên mà phải sáng suốt nhận được cái nào thật cái nào giả. Giống như con ngỗng chúa, biết uống sữa chừa nước lại. Sống giữa trần gian này cũng vậy, cái nào đáng bỏ, cái nào không đáng bỏ, chúng ta cần phải biết rõ. Như vậy mới không lầm và đánh mất của báu nhà mình. Bảo vệ gương sáng thì đừng để cho nó có bụi, đừng để bị vết trầy trên gương thì gương mới hoàn toàn trong sáng được.

Việc tu hành hằng ngày của chúng ta cũng như vậy. Đã là thiền sinh nhiều năm trong viện, người mới tập sự vào viện, chúng ta đều ý thức việc tu hành của mình phải có một nội dung. Ngay trong sinh hoạt mà chúng ta sống được với đạo thì dù ở một năm hai năm, một tháng hai tháng trong viện cũng rất lợi ích. Chúng ta sống với nhau bằng đạo lý, bằng thâm tình Linh Sơn cốt nhục. Cốt nhục ở đây không có như hình thức của thế gian, mà là tất cả chúng sanh đều có chủng tánh Phật, đều sẽ thành Phật nên gọi là cốt nhục.

Tinh thần tu học chủ yếu của Thiền viện là buông bỏ. Hòa thượng dạy tất cả đều do duyên hợp huyễn hóa, không thật. Cảnh không thật, thân không thật, tâm không thật. Đó là đề án công phu, chúng ta nên xét tới xét lui thì việc dụng công phu mới đắc lực. Tóm lại chúng ta phải chuẩn bị làm sao để mình buông được, làm sao làm chủ được các cảnh duyên, đừng chấp thủ, tâm bình thường an vui. Trong nhà thiền có câu “Bình thường tâm thị đạo”, nghĩa là tâm bình thường là đạo. Chúng ta hằng sống với tâm bình thường thì đạo lý mới thể hiện.

Chú:

Còn thấy hai, còn vọng tưởng, muốn dứt vọng, chớ thấy hai. Muốn đến chỗ chẳng thấy hai, chỉ một phen “Biết vọng liền buông” là được. Buông hết, bố thí sạch, tức thì yên ổn. Người xưa nói “Tìm tâm chẳng được”. Chỉ câu “Tìm chẳng được” này là chỗ dứt bặt sạch hết, chẳng còn gì để mò bắt. Thế nên, liền khi đó được xác minh, một cách tỏ rõ rằng : “Ta đã an tâm cho ông rồi”. Thật là một thủ thuật giản dị lạ thường chưa từng có, là phương pháp không phương pháp, không để dấu vết, là Không tam-muội. Chỗ độc đáo này chỉ thầy trò tương đắc, người ngoài không chỗ dùi mài.

Tuy nhiên, cửa cam lồ đã mở, lòng từ bi của Phật Tổ tràn khắp nơi nơi. Chúng ta phải tự nỗ lực, không việc gì ngoài mình, đừng chạy lăng xăng vô ích. Người tu hành không điều được tâm cứ để buông lung, ruổi theo cảnh ngoài, sẽ vướng các chấp hoặc có, hoặc không, hoặc đoạn, hoặc thường… Xa dần chánh đạo, bản lý bị chướng.

Bản lý tức là pháp môn không hai, cũng chính là Trung đạo Đệ Nhất Nghĩa Không. Bản lý đã không sáng, tức nhiên các lối tẽ hiện bày, và như thế hành giả này lạc vào đường tà bị tà ma ốp. Thân tu đạo chánh, tâm đã theo tà. Miệng nói việc tà, dự trước đoán sau, lấy làm kế sống. Lâu dần tà lực mất, hành giả tự mất thăng bằng, hiện thân mang họa, cuối cùng bị đọa đường ác.

Thế nên, các thiền giả phải thận trọng từng bước, chớ vọng cầu, phải triệt hạ hoàn toàn cơ sở chấp ngã. Đồng thời, mạnh mẽ siêng năng áp dụng công phu, quyết một đời xô ngã núi si mê, phá tan thành trì ngã chấp. Nên nhớ !

                    “Nam nhi tự hữu xung thiên chí…”
                     Vừa nói gì ? Chớ chạy loạn.


… Nói đập là dùng trí tuệ phá vỡ manh mún, để cuối cùng thấy các pháp không là gì cho mình phải chạy theo, phải vướng. Người tu chúng ta nhất là tu thiền, phải là người có trí tuệ. Chúng ta vận dụng và áp dụng liên tục trí tuệ ấy trong mọi sinh hoạt. Lực này mạnh rồi thì tất cả các chấp thủ mới tiêu mòn được. Chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn, chấp tốt, chấp xấu, chấp ta, chấp người… Vô vàn. Cái nào mình cũng chấp được hết. Người có nhiều mặc cảm, thì chính những mặc cảm đó dày vò, không cho họ tiến nổi. Bởi vì, chẳng qua nó cũng là một dạng cố chấp thôi, chứ có gì lạ.

… Người tu hành không điều được tâm cứ để buông lung, thì sẽ xa dần chánh đạo, bản lý bị chướng. Bản lý tức là pháp môn không hai, cũng chính là Trung đạo Đệ Nhất Nghĩa Không. Bản lý không sáng, tất nhiên các lối tẽ hiện bày, và như thế hành giả này lạc vào đường tà, bị tà ma ốp. Tức người tu hành mà không đi đường ngay lối thẳng lại theo ngõ tẽ đường tà, thì sẽ bị tà ma ốp.

Thân tu đạo chánh, tâm đã theo tà. Miệng nói việc tà, dự trước đoán sau, lấy làm kế sống. Lâu dần tà lực mất, hành giả tự mất thăng bằng, hiện thân mang họa, cuối cùng bị đọa đường ác. Chỗ này rất thấm thiết, từ tâm niệm tu hành mà không nhận được nội dung, chấp nhận và sống theo hình thức bên ngoài là nguyên nhân dẫn hành giả ri vào đường tà. Chính sự hời hợt không nhận ra nội dung, bị hình thức lôi dẫn nên tà ma ốp. Đến lúc các hình thức không còn tác động được nữa, thì kẻ ấy hoàn toàn bị hãm vào chỗ tà ma quỷ mị.

Tóm lại chúng ta là người tu, biết được nội dung, phát huy được tâm nguyện, luôn sống được với tánh giác, buông được những mê lầm, chấp trước, không vướng kẹt những ngõ tẽ đường tà, thì đảm bảo người đó đi đến nơi về đến chốn.

Chúng ta tu là để làm Phật. Có một vị quan đến thăm viện của ngài Lâm Tế. Khi đi tham quan, ông thấy chư tăng người ngồi thiền, người nằm ngủ. Ông hỏi Tổ Lâm Tế: “Ở đây Ngài có dạy đệ tử tụng kinh không ? - Không. Có dạy ngồi thiền không ? - Không. Vị quan ngạc nhiên: Tu hành mà không dạy tụng kinh, không dạy ngồi thiền thì Ngài dạy làm gì? Ngài đáp: Ta chỉ dạy làm Phật làm Tổ. Đây là cách dạy siêu xuất của người xưa.

Bản án vô thường đối với chúng ta không có luật sư nào để bào chữa. Mọi thứ chung quanh đều là huyễn duyên giả hợp. Nhận định như vậy thì trong cuộc sống hằng ngày các huynh đệ cố gắng siêng năng. Trong kinh nói cần tu như “cứu lửa cháy đầu”. Ai biết mình từ đây cho tới về sau không có tai nạn gì… Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bi quan. Đó là một lẽ thực để chứng minh thân này không thật, cảnh giới chung quanh đều không thật. Nó đổi thay một cách nhanh chóng vô thường.

Đã biết tất cả đều không thật thì chẳng có gì đáng để cho chúng ta quan tâm, nắm giữ. Chúng ta là người khôn ngoan, muốn cho trên đường dài không bị gục ngã, thì phải buông bỏ gánh nặng của mình. Dù cho vật gì cũng phải thảy ra, thảy được thì nhẹ. Cho đến sinh mệnh của mình cũng phải buông bỏ nữa thì mới đạt đạo. Nghĩa là chúng ta phải phá dẹp sạch hết các thứ tà kiến, tà chấp thì mới nói đến chuyện sinh mệnh thật sự của mình được.

[ Quay lại ]