headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Ma vọng tưởng

Chánh Văn:

Ma vọng tưởng này là tự chướng. Tự chướng chẳng không, thì dòng sanh diệt tiếp nối. Điên đảo tán loạn, che chướng bản tâm, do đó người tham thiền cần lưu tâm nhiều ở điểm này. Nay xin đưa ra một vài vọng chướng tiêu biểu để trình bày, như :

-           Vọng tưởng ta ngộ đạo.
-           Vọng tưởng ta tu chứng.
-           Vọng tưởng ta được định.
-           Vọng tưởng ta phát tuệ.
-           Vọng tưởng ta biết nhiều.
-           Vọng tưởng ta giỏi văn.
-           Vọng tưởng ta có danh hiển đạt.
-           Vọng tưởng nhiều người cung phụng ta.
-           Vọng tưởng ta làm thầy thiên hạ.
-           Vọng tưởng nhiều người quy hướng ta.
-           Vọng tưởng ta tiếp nối Tổ đăng.
-           Vọng tưởng ta sẽ làm Trụ trì.
-           Vọng tưởng ta hóa đạo.
-           Vọng tưởng ta truyền lục.
-           Vọng tưởng nhiều người nối dõi ta.
-           Vọng tưởng ta sẽ được nhập tạng.
-           Vọng tưởng ta có thần thông.
-           Vọng tưởng ta được huyền diệu.
-           Vọng tưởng ta rất kỳ đặc.
Và có rất nhiều thứ quái lạ như…
Ta sẽ sống lâu, ta sẽ cải lão hoàn đồng, ta sẽ bay cao và ta sẽ thành Phật…
Các cuồng vọng như thế, làm rối tâm động niệm, trái với chân thể thanh tịnh của mình. Vì thế, người sơ cơ học đạo phải biết mà ngừa dứt nó.
 

Giảng: 

Trong mọi sinh hoạt hằng ngày, đi đứng, nói năng, ăn nghỉ, làm việc tiếp xúc… trong tất cả các thời. Những việc gì chúng ta đã sắp đặt thì cứ theo đó mà làm. Những gì đột nhiên xen vô thì nhất định phải loại ra vì nó sẽ làm loạn công phu của mình. Dĩ nhiên tất cả những dấy khởi đều là vọng tưởng hết, không thể chấp nhận bất cứ một dấy khởi nào.  

Chúng ta còn sống còn phải làm việc, chung quanh ta còn nhiều sự tiếp xúc. Cho nên phải có tổ chức, có sự sắp đặt nề nếp. Nếu trong khi làm công việc của mình, mà có những dấy khởi ngoài sự sắp đặt thì chúng ta phải buông, để dồn tất cả năng lực tập trung làm một việc cho đạt được kết quả tốt. Đây là phương tiện đầu, tập trung vào một việc làm duy nhất. Nhà thiền gọi đây là giai đoạn người đâu trâu đó.  

Ma vọng tưởng này là tự chướng. Tự chướng chẳng không thì dòng sanh diệt tiếp nối. Chẳng không tức là mình chưa buông, chưa làm chủ được, chưa chiến thắng được. Điên đảo tán loạn, che chướng bản tâm, do đó người tham thiền cần lưu tâm nhiều ở điểm này. Chúng ta không làm chủ được, bị nó kéo đi trôi dạt trong vòng sanh tử luân hồi không có ngày cùng. Bị kéo như vậy thì chúng ta mất mình, không phải là người tu tiến nữa. 

Bị che chướng bản tâm tức tâm không sáng, việc tu hành không tới đâu hết. Nay xin đưa ra một vài vọng chướng tiêu biểu để trình bày, như: 

 - Vọng tưởng ta ngộ đạo. Điều này chúng ta biết rồi, đối với việc ngộ đạo, không phải ngồi đó mà chờ. Phải năng nỗ quyết tử công phu. Công phu đắc lực tức là chúng ta có sức mạnh, tự nhiên thành công. Nếu cứ ngồi đó trông chờ, cầu nguyện mà không chịu công phu hoặc công phu lệnh lạc thì không bao giờ thành tựu được sở nguyện.  

Ở đây chú trọng tập trung vào công phu. Nếu chúng ta còn ngã chấp thì gắng sức dẹp trừ ngã chấp. Chư Tổ trong nhà thiền chỉ nói ngã không. Vì nó không thật, nên không có gì dính dáng với mình hết. Nếu còn ngã chấp thì chúng ta phải tích cực trừ bỏ, đừng để nó kéo lôi quấy rầy mình nữa. Dẹp được nó rồi mới nhẹ nhàng. Người ngộ được lẽ thật này rồi thì thở khì một cái, như trút gánh nặng ngàn cân trong thân tâm vậy.

 Lục Tổ Huệ Năng khi đã triệt ngộ, Ngài nói liên tục: “Nào ngờ tánh mình xưa nay thanh tịnh. Nào ngờ tánh mình vốn không sanh diệt. Nào ngờ tánh mình vốn không dao động. Nào ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ. Nào ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp.” Tánh ấy sẵn có, nhưng lâu nay bị che chướng, nên chúng ta không nhận ra. Bây giờ có cơ hội mình phủi bỏ những lớp mê mờ che chướng ấy đi, thì nó sẽ hiện bày.  

Ở đây nói đến công phu nội tỉnh của chúng ta. Người tu thiền là người có sức mạnh nội tỉnh, có thần lực phi thường. Như câu chuyện ngài Xá Lợi Phất đang ngồi thiền, có một con quỷ đi ngang qua. Nó dùng cái chày lớn đập lên đầu Ngài. Bình thường với sức mạnh này, nó có thể đập vỡ cả quả núi Tu Di. Nhưng lúc ấy ngài Xá Lợi Phất chỉ hơi ê đầu một chút thôi. Vì Ngài đang trụ trong chánh định.  

Chúng ta tu hành là để phát huy sức mạnh đó. Phát huy từ công phu miên mật của mình. Thấy rõ thật chất của nó không thật nên ta không sợ. Nếu thấy thật thì mình sẽ sợ nó. Đó là điểm cốt lõi trong công phu tu hành của chúng ta. Nhất định không vọng tưởng ta ngộ đạo nên không bị nó kéo lôi. 

- Vọng tưởng ta tu chứng. Tu chứng thì cũng không ngồi đó mà trông đợi được. Phải tu, phải công phu, khi nhân duyên thời tiết đến, thùng sơn lủng đáy thì xong việc.

- Vọng tưởng ta được định.

 - Vọng tưởng ta phát tuệ.

- Vọng tưởng ta biết nhiều. Nói một chút về biết nhiều. Người muốn biết nhiều, không thể ngồi tơ tưởng mà có thể biết chính xác được. Thông thường ở thế gian thì phải học. Học là làm quen, thu thập những kiến thức, những kinh nghiệm của người trước. Từ đó ghi nhớ mới tích lũy thêm sự hiểu biết.  

Người tu không phải biết nhiều như vậy. Muốn có kinh nghiệm, có sự hiểu biết sâu sắc thì trong nội tại phải có thiền định. Có thiền định thì có trí tuệ. Có trí tuệ mới soi rọi tận cùng nguồn bể các pháp. Cho nên người có trí tuệ là người biết triệt để nhất. Người tu chúng ta trước nhất là phải học, sau đó là thiền định. Thiền định phát tuệ thì biết suốt hết. Hai việc này chúng ta đều phải thực hiện hết. Vì sao ? Vì nhất thời chúng ta chưa được thiền định, mà cũng không biết gì hết thì không tu được. Cho nên phải học, học hiểu rồi mới bắt đầu thực hành tu tập. Chỗ này Tổ Qui Sơn nói: Chớ để cuộc đời ngơ ngơ ngáo ngáo, lơ lơ láo láo, ngày tháng qua rồi không tìm lại được.  

- Vọng tưởng ta giỏi văn. Vọng tưởng ta có danh hiển đạt. Vọng tưởng ta được nhiều người cung phụng. Vọng tưởng ta làm thầy thiên hạ. Vọng tưởng nhiều người qui hướng ta. Vọng tưởng ta tiếp nối tổ đăng. Vọng tưởng ta làm trụ trì. Vọng tưởng ta hóa đạo. Vọng tưởng ta truyền lục. Vọng tưởng được nhiều người nối dõi. Vọng tưởng ta nhập tạng v.v… Tất cả những vọng tưởng này coi như là danh văn lợi dưỡng.  

Đối với người tu chúng ta, những danh văn lợi dưỡng này xem như rác rưởi, phải trừ khử gấp. Người xưa làm việc gì cũng xem như đi trên băng mỏng, trên dao nhọn, như dây bò miệng giếng… có gì bền lâu. Vì sao ? Tâm đạo của các Ngài đã sáng. Còn tâm chúng ta chưa sáng nên bị che chướng. Nếu nội tai chưa vững vàng thì làm việc gì cũng gặp trở ngại, cũng bị kẹt vướng. Công đức tu hành theo đó chùng chình, không tiến được. 

Vì vậy trong lúc lãnh trách nhiệm, chúng ta phải luôn tự lo tự gắng. Sắp xếp trong từng điều kiện, từng hoàn cảnh để mỗi ngày mình vừa tu vừa làm tròn bổn phận người trên giao phó. Cổ đức nói: Những cội cổ thụ to lớn, chim chóc các nơi kéo nhau về ngủ nghỉ trên đó thì nạn gãy cành đổ lá không tránh khỏi. Nói thế để làm gì ? Để cảnh tỉnh chúng ta. Chúng ta được hiển đạt, mọi người tìm đến học hỏi là mình phải biết lo sợ. Chỉ người nhìn xa thấy rộng mới rõ được điều này. Cho nên chúng ta phải thận trọng dè dặt từng chút. 

Khi làm gì mà đạo tâm chưa vững, chúng ta nên kiểm nghiệm lại. Trong tất cả các công việc, quan trọng nhất là phải gìn giữ tuệ mạng của mình. Chúng ta đều biết đến phút chót chỉ còn lại phước nghiệp riêng của mình, tất cả đều mất hết. Một khi mình nín thở rồi thì không còn gì nữa. Thân phận của chúng ta khi cha mẹ mới sanh ra rất tốt đẹp, nhưng tuổi tác lớn dần, thân này cũng biến chuyển cho đến khi già suy héo úa rồi tan hoại. Như vậy còn đợi gì mà không chịu công phu, thắng dừng vọng tưởng để không bị nó kéo lôi. Nó không kéo lôi được thì mình có tự chủ.  

Những vọng tưởng kế tiếp như thần thông nhập tạng… Đối với người tu, đó là những vọng tưởng quái lạ. Ta sẽ sống lâu, ta sẽ cải lão hoàn đồng, ta sẽ bay cao, ta sẽ thành Phật… tất cả đều là những ảo vọng mà thôi. Phật là giác, mình không giác mà cầu thành Phật thì thật là nghịch lý. Chỉ giác thì mới thành Phật, không phải cầu. 

Các cuồng vọng như thế làm rối tâm, trái với chân thể thanh tịnh. Vì thế người sơ cơ học đạo phải biết ngăn dứt nó. Nói tóm lại những niệm những vọng tưởng ở trên làm cho mình bị tán tâm. Tán tâm thì mất định, mất định thì tuệ không hiện tiền. Định tuệ không có thì không mong giác ngộ giải thoát.

Có một câu chuyện về Bồ-tát Văn Thù. Hôm đó, Hòa thượng Trụ trì tổ chức lễ hội trang nghiêm để cúng kiến, cầu nguyện, thuyết giảng, làm các việc phúc thiện, chẩn tế. Thời gian kéo dài một hai tháng. Ngài Văn Thù trong hình thức người đàn bà có mang, dẫn một đứa bé và một con chó. Đàn tràng thanh tịnh mà người đàn bà này xuất hiện đã là khó chịu rồi. Thế mà bà ta còn đến thưa với Hòa thượng: “Tôi là người nghèo khổ, rất hoan nghinh việc làm này của quý Ngài. Tôi không có gì cúng dường chỉ có một mớ tóc xin được cúng dường”. Một việc cúng dường lạ đời khiến cho từ Hòa thượng trở xuống, mọi người đều sửng sốt. 

Sau khi cúng dường, bà xin được một bữa ăn, vì khi ấy có lễ chẩn tế. Hòa thượng sai dọn một phần ăn, trong đó một phần cho bà, một phần cho đứa bé, và một phần cho con chó. Ai cũng thấy bực mình người đàn bà, thật chướng đời, đi mà còn dẫn chó dẫn mèo theo. Sau khi ăn xong bà nói với Hòa thượng: “Xin một phần ăn cho đứa bé trong bụng”. Hòa thượng nổi sân, đuổi đi. Không ngờ Hòa thượng vừa nổi sân thì người nữ biến mất, con chó biến thành sư tử. Bồ-tát cỡi sư tử phất phới trong mây. Cả đàn tràng đều quy hướng sám hối.  

Cho nên quan trọng là tâm của chúng ta phải luôn thanh tịnh, đó là gốc. 

 Chú:

Mê mờ bản lý, nên điên đảo vọng tưởng. Vọng tưởng sinh động, thì bản tâm bị che chướng. Loanh quanh mãi trong mê mờ cuồng vọng, tức chân thể thanh tịnh chìm lặn. Khác nào kẻ đi trong đêm đen không đèn đuốc, họa sa hầm sụp hố chắc chắn trước mắt. Người xưa nói : “Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu”.  

Nơi đây, chúng ta có thể nói cách khác rằng, “nếu chúng ta chịu dừng thì chuyện gì điên đảo ?” Vọng tưởng là gì ? Thử nhìn lại xem. Vốn dĩ là ảo mộng mà ! Lỗi tại chúng ta, cứ cố chấp rồi lao theo. Lao theo nên điên đảo. Đã điên đảo thì vọng càng thêm vọng. Ngay đây, nếu chúng ta biết dừng, còn gì lăng xăng nắm bắt nữa. Còn chăng hư không thênh thang rỗng suốt, cái gì mê mờ chướng ngại cái gì ? Thử nói xem. 

Tóm lại, là chúng ta có chịu dừng hay không ? Dừng thì trời không sáng suốt, đất tâm yên ổn, tuệ nhật hằng soi, thiếu sót chỗ nào ? 

Trái lại,

Rông rêu mải miết, nên hóa điên cuồng. Khổ thay ! Khổ thay ! Có thi rằng:              

               Lớn thay ! Người sức mạnh,     
               Biết vọng liền không theo.
      
               Quê xưa trăng tỏ rạng,
    
               Tùng xanh tiếng suối reo.
  
               Khoái thay ! Người biết vọng,
    
               Miền chân không mở ra.
      
              Đường xưa tự bày hiện,
    
              Quê nhà thật không xa.
             
              Hương quê thoảng trăng sao,
 
              Tình quê miền bất nhị.
              Hư không trải gấm hoa,
 
             Người quê một mình đi !
             Gió ngát hương giải thoát,
 
             Hoa đơm đóa từ bi.
             
             Tuyết tuôn thành định lực,
 
            Trăng soi bất tư nghì.
   
        Một tiếng quát !

[ Quay lại ]