headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 27/11/2024 - Ngày 27 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TỰ TU

 Phật tử tu học và bắt đầu công phu của mình cần phải có tinh thần can đảm, vững tin đối với tam bảo và luật nhân quả. Riêng vấn đề nhân quả là một vấn đề cốt cán trong đạo Phật. Phật tử có niềm tin đối với nhân quả là đã có tu và tu đúng chánh pháp. Từ niềm tin đó nhất định Phật tử sẽ tăng tiến công phu nhiều hơn.

Trước tiên chúng ta nói về tinh thần can đảm. Nếu Phật tử không can đảm thì không tu nổi, bởi vì việc tu đâu phải dễ dàng. Như Phật tử từ các nơi xin về thiền viện tập tu. Số người tháng trước khoảng hai ba mươi người, nhưng tháng sau còn chừng năm mười người. Đó là số bị rơi rớt ngoài cổng thiền viện, chưa nói tới vào nội viện. Như anh em chúng tôi rơi rớt nhiều lắm. Đây là điều tất nhiên, bởi vì Phật pháp không phải dễ hiểu, dễ tu. Đó là nói những vị không có duyên hoặc kém duyên, còn vị nào có duyên đối với Phật pháp thì phải kiên tâm. Kiên tâm có một giá trị của nó, bởi từ sự kiên tâm mới đi tới niềm tin và thành quả. Làm bất cứ việc gì cũng vậy, nếu không kiên tâm sẽ bỏ cuộc giữa đường. Người tu thì phải đi tới nới tới chốn, chớ không thể bỏ cuộc giữa đường, vì vậy không thể thiếu kiên tâm.

Thế gian cũng đề cao đức can đảm. Đặc biệt trong Phật pháp, can đảm được xem như yếu tố bắt buộc của một tu sĩ. Không có người con Phật nào nhác gan mà có thể thành tựu được bản nguyện cả. Nói thế quý vị đừng tự hào mình gan hơn ai hết, nhiều người còn sợ ma mà gan gì. Ai còn sợ những hiện tượng quái dị, những khó khăn chướng ngại tức là chưa có đức can đảm. Bây giờ muốn vượt thắng, phấn đấu để đừng sợ nữa thì phải can đảm, phải có năng lực bên trong. Người đủ đức can đảm sẽ vượt qua tất cả khó khăn và thành công.

Người ta nói “không có sự thành công nào không đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt”. Bất cứ một thành quả nào có giá trị đều phải trả bằng xương máu, không có thành quả nào đương nhiên đến dễ dàng với chúng ta. Trong đạo Phật chủ trương phá ngã, tức là không chấp giữ, không quý sinh mệnh hơn đạo pháp. Có gan dạ mới phá ngã nổi. Việc này không thể nói suông mà phải hết lòng mới được. Mỗi một lần chiến thắng được trở lực khó khăn là ta được một chút an lạc, sức mạnh trong nội tâm tăng trưởng. Nếu xem thường hoặc tu theo kiểu nghệ sĩ thôi thì khó đi tới viên mãn. Như đức Phật Thích Ca từ một ông hoàng trải thân xuất gia tu khổ hạnh, thân thể tiều tụy đến mức độ không thể diễn tả nổi. Cuối cùng sau bốn mươi chín ngày đêm tọa thiền dưới cội bồ đề, Ngài bừng ngộ, giải quyết tất cả những nghi ngờ từ muôn đời kiếp đến nay. Thành quả này phát xuất từ nội tại vững vàng, không khiếp sợ chướng ngại nào. Những sự cố xảy ra quanh gốc bồ đề với nhiều bọn ma quân ghê gớm, Như Lai không hề sợ hãi và hoàn toàn chiến thắng. Người tu nhất định phải có những thử thách, nếm trải như thế.

Trong nhà thiền thường nói: “Nếu không muốn học đạo thì trở lui làm vị tăng cơm cháo thường ngày”. Vị Tăng cơm cháo là sao? Là tu cho có chừng vậy. Có cơm có cháo ăn qua ngày, kệ tới đâu thì tới, không phải cố gắng, không có mục tiêu phấn đấu gì cả. Còn chuyện sáng được việc của mình lâu dài, to lớn quá, không nghĩ tới. Chấp nhận một đời sống như vậy gọi là tăng cơm cháo, nghĩa là không có ra làm sao hết.

Tôi kể một câu chuyện về lòng can đảm để quí vị thấy giá trị của nó. Có anh chàng nọ ở gần nghĩa địa, đêm đêm nghe tiếng gọi tên mình, anh sợ quá chạy tìm một người bạn cầu cứu. Ông bạn của anh là người gan dạ nên bảo: “Được rồi tôi sẽ đến xem.” Giữa khuya, anh ta đến ngay chỗ có tiếng gọi, hỏi:

- Ngươi là ai, làm gì ở đây?

Bấy giờ từ lòng đất có tiếng nói trả lại:

- Chúng tôi không phải ma mị gì cả mà là ngọc ngà châu báu, muốn cống hiến mình cho anh kia, nhưng anh ta nhác gan quá không xứng đáng. Anh là người can đảm, xứng đáng nhận lãnh của báu này.

- Như vậy tôi tiếp nhận bằng cách nào?

- Chúng tôi sẽ hiện với hình thức các vị tăng, đến nhà anh vào buổi sáng. Hãy chuẩn bị phòng nhà và bản thân anh trai giới trang nghiêm.

Đúng như lời hẹn, vào buổi sáng sau khi anh chuẩn bị nhà cửa xong, thấy sáu bảy vị tăng đi đến. Anh tiếp đón trang trọng, sau khi đưa vào bên trong, các vị tăng hóa hiện thành ngọc ngà châu báu.

Anh bạn kia vì sợ ma quá nên đã bỏ đi. Thời gian sau nghe người bạn của mình được hưởng ngọc ngà châu báu, anh trở về đòi lấy số châu báu ấy. Bấy giờ người bạn tốt liền bảo anh: “Được rồi, anh cứ lấy số trân bảo mà dùng, tôi cũng chẳng có công cán chi trong việc này.” Người thanh niên nhúc nhác đầy lòng tham, nghe bạn nói thế liền vội vã nhào vô phòng định gom châu báu hết số châu báu, không ngờ vừa đụng tới tất cả liền biến thành rắn độc cắn anh ta đau đớn, quằn quại. Thất kinh, anh vừa chạy vừa la toáng lên, oán trách bạn mình: “Tại sao anh lại muốn giết hại tôi thế này, không đưa tôi đến chỗ chứa châu báu, lại đẩy tôi vào hang rắn.” Anh bạn thấy thế quá ngạc nhiên bảo: “Rõ ràng đó là phòng châu báu mà, đâu còn chỗ nào khác nữa”.

Câu chuyện được đồn xa tới tai nhà vua. Ông vua này là một Phật tử thấm nhuần Phật pháp, nghe thế vua bảo đức Phật nói “đối với người tham thì vàng là rắn độc”. Vua kêu cả hai người thanh niên đến giải thích: Của này do tấm lòng gan dạ của người bạn tốt kia, anh ấy có đủ đức hạnh để nhận nó. Còn người thanh niên nhác nhúa chưa đủ gan dạ lại đầy lòng tham lam, anh về rán tu đi, chừng nào thấy vàng bạc không phải là rắn độc nữa thì đến đây, ta sẽ ban cho.

Câu chuyện cho chúng ta thấy cuối cùng lòng tham không tạo nên đạo đức nên không hưởng được giá trị thiết thực nào. Đạo Phật dạy chúng ta chân thật, trí tuệ, những gì thuộc về tham lam, sân hận, si mê, điên đảo, gian dối là rắn độc. Người tu Phật phải loại nó ra, đừng ấp ủ trong lòng. Câu chuyện mang tính cổ tích, nhưng muốn nhắn gởi đến chúng ta một điều là, nếu không gan dạ, không vượt qua những khó khăn ban đầu, mình sẽ không bao giờ đạt được những thành tựu quý giá. Đời người tu cũng vậy, nếu không cố gắng, không chịu đựng vượt thử thách gian truân làm sao thành Phật tác Tổ được. Nhà thiền có câu “Đầu sào trăm trượng phải vượt qua”. Nếu chúng ta không quyết tâm, học hành tu tập lơ là, nhất định đường tu không đi đến nơi đến chốn, bản thân cũng chẳng có giá trị gì. Hòa Thượng thường nói: “Trong cái thân bệnh hoạn này, hãy sống lại với pháp thân thanh tịnh trùm khắp”. Ngay trong cuộc sống với bao điều bất như ý, chúng ta có lý tưởng cao thượng, quyết tâm phải đi đến đỉnh cao ấy, nhận lại pháp tân của mình để không còn trầm luân sanh tử nữa.

Không có vị Phật nào bảo mình cứ tu bình thường, mai mốt các ngài cho thần thông cởi mây, cởi gió đi chơi. Luôn luôn các Ngài dạy các con phải ráng tu, tỉnh táo sáng suốt trừ bỏ tham sân si. Bồ Tát Quán Thế Âm hành hạnh đại từ bi mà cũng không hứa ban phát cho chúng sanh được thành Phật hay được vĩnh viến hết khổ. Nhiều người khổ quá niệm danh hiệu ngài biết bao nhiêu, nhưng cũng ngui ngoai chút chút, chớ đâu hết khổ hoàn toàn. Có vị Phật tử kể với tôi thằng con ngỗ nghịch quá. Mỗi lần nó quậy vị ấy niệm Bồ Tát Quan Thế Âm, mong ngài cảm hóa cho nó bớt quậy, nhưng thằng con vẫn cứ quậy, không biết chừng nào Bồ Tát mới trị nó hết quậy? Tôi nói chỉ có chính quyền mới trị nó nổi, chớ Bồ Tát đâu có trị được mấy đứa này. Chỉ khi nào lòng mình hướng về ngài, tự trừ bỏ những nghiệp tập xấu thì ngài mới chiêu cảm ứng hiện, chúng ta thấy lòng thanh thản bình an. Chủ yếu là do mình.

Tôi khuyên vị Phật tử ấy gan dạ chấp nhận nó là nợ nần phải trả, tự nhiên yên thôi. Khi gặp bất cứ khó khăn nào, tâm niệm chúng ta nghĩ rằng đó là nợ nần quá khứ mình đã gây tạo như thế, bây giờ nó đòi thì sẵn sàng trả, quý vị sẽ vui thôi. Phật tử niệm danh hiệu Bồ Tát chỉ mang tính hỗ trợ để giúp mình thăng tiến, có đủ sức mạnh hóa giải nợ nần cũ, chớ Bồ Tát không ban cho mình chi cả. Nói đến đây tôi nhớ đến bà Thanh Đề là thân mẫu của Tôn giả đại hiếu Mục Kiền Liên. Bà chết đọa vào loài quỷ đói, khổ đau cùng cực. Thấy tình huống như vậy, Ngài đem bát cơm khất thực xuống cho mẹ. Bà vừa tiếp bình bát, tâm bỏn sẻn khởi lên sợ các loài quỷ khác dành ăn nên lấy tay che lại. Liền khi ấy cơm hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Tôn giả là vị thần thông bậc nhất mà cũng không thể thay thế khổ nạn của mẹ, kể cả bát cơm đem tới nơi bà cũng không ăn được, vì nghiệp lực quá nặng nề.  

Đây là một câu chuyện hết sức bình thường, quý Phật tử được nghe hoài nhưng nếu nghiệm kỹ quí vị mới thấy chiều sâu của vấn đề. Tại sao bát cơm của một vị thánh mà bà mẹ tiếp nhận trở thành đồ giết hại, không phải thức ăn nữa? Đó là tại lòng bà còn tham ác nên chiêu cảm quả báo như thế. Khi lòng ta thanh tịnh, trong sạch, sáng suốt, rỗng rang thì tiếp thu cái gì cái đó cũng trở thành quý tốt. Tâm tham dấy lên thì hậu quả là tương thích với cảnh giới ngạ quỷ. Tâm như Phật, Bồ Tát thấy tam thiên đại thiên thế giới chỗ nào cũng rỗng rang sáng suốt, thấy chúng sanh sống lâu, vui vẻ, trai giới trang nghiêm. Còn tâm chúng ta thấy chúng sanh nghèo khổ, điêu đứng, tham lam ít kỷ, chém giết hành hạ lẫn nhau. Tại vì trong tâm còn gốc ác. Vì vậy người tu chủ yếu làm sao loại được những thứ cặn bã ấy ra mới thoát khỏi ba đường dữ.

Nương theo lời Phật dạy chúng ta điều phục tâm xấu ác, loại bỏ chúng ra. Kinh điển nhiều vô lượng đều là phương pháp giúp chúng ta tu hành. Tu là soi rọi lại chính mình, chớ không phải soi rọi ra ngoài, thấy người này tốt người kia xấu, người này sang người kia hèn… không phải như vậy. Người Phật tử không có cái nhìn như vậy, mà lập cước vào bản tâm, thấy chỗ nào kẹt vướng thì tháo gở. Tu hành y cứ vào nhân quả, gan dạ dám buông, dám bỏ kể cả thân mạng để đến được chỗ thấu tột lý đạo. Tâm chân thật có sữan nơi mình, không phải cầu thánh thần ở phương đông phương tây nào. Bây giờ trước mắt, ta giải quyết ngay từ lòng mình. Trong này mà được rồi thì tất cả chung quanh sẽ được hết. Một khi vững tin đối với nhân quả rồi thì không có khó khăn nào không làm được. Sở dĩ người bỏ cuộc yếu đuối buông lung, vì chưa vững niềm tin, chưa hiểu tường tận vấn đề nhân quả.

Phật dạy “Nếu một căn nhà không sửa lợp cho kín đáo chắc chắn sẽ bị mưa dột”. Có tiền nhiều thì xây tường lợp ngói, ít tiền thì lợp tranh lợp lá, như vậy bảo đảm mưa không dột. Giản dị thế thôi, tâm mà không tu sửa thì sẽ bị rơi vào tội lỗi. Tâm vọng tưởng điên đảo, nếu không buông nó thì sẽ rơi vào tội lỗi nghiệp tập. Phật dạy chúng ta làm sao bảo quản gìn giữ tâm mình, đừng để các thứ độc như tham sân si xâm hại. Muốn được như vậy, không thể ngồi đó mà phải sửa cái nhà lại cho kín đáo. Chúng ta làm sao sửa đổi những chướng tật còn tồn đọng trong tâm. Ví dụ nghe người ta nói sóc ốc mình hay nổi sân, bây giờ trị cái bệnh đó. Ai nói gì thì nói, giữ tâm bình thản, vừa dấy khởi sân liền rầy quở nó.

Chủ trương của đạo Phật là phản quan tự kỷ tức soi rọi lại mình. Có tu có trị lần lần bệnh sẽ giảm, sẽ hết. Ngược lại nếu không tu sửa thì không có Phật, Bồ Tát nào cứu mình được. Tự ta phải quét dọn, trang nghiêm tâm của mình. Người tin chắc vào nhân quả sẽ không dám gây nhân xấu, bởi vì nhân nào thì quả nấy. Cũng như chúng ta tu Phật thì không thể nào thành ma quỷ cả, trừ khi ta tu không đúng. Trong tâm chứa những loại tăm tối thì ma quỷ đưa đi đường tăm tối. Còn tu Phật vững vàng đúng chánh pháp, đúng tinh thần đạo lý, đúng luật nhân quả thì Phật rước. 

Phật tử ở ngoài bận rộn công việc làm ăn, đối duyên xúc cảnh gặp nhiều chướng ngại, do đó cần lập chí mạnh mẽ, siêng năng tinh tấn mới có thể giữ vững chí nguyện tu hành. Dùng thanh gươm trí tuệ chặt đứt tất cả dây mơ rễ má ngăn cản ta trên đường tiến đạo. Như quí vị biết cuối tuần có chương trình hay thì đừng ngồi trước ti vi, đúng giờ lên đốt nhang lạy Phật, tụng kinh, ngồi thiền. Một giờ ngồi thiền là một giờ an lạc. Một giờ dán con mắt trong ti vi là một giờ lang thang vui buồn theo chuyện của thiên hạ. Có khi coi tới khuya quá ngủ không được, sáng mai ngật gù đâm ra sùng bố, ai đụng tới cũng ré lên, tại vì thân tâm mất thăng xáo trộn hết rồi.

Tôi không dám đề nghị Phật tử phải có thời khóa như chư tăng trong thiền viện, nhưng thiết nghĩ quí vị muốn tu phải có phương thức rõ ràng, giờ nào việc đó, đừng để vướng mắc chuyện tạp. Chúng ta không thể lười biếng xao lãng, tự nhìn lại mình tu sửa từng khắc, từng bước. Nhìn lại để làm gì? Để gột rửa những tồn đọng xấu xa trong lòng ra. Tu hành phải có sức làm chủ, đừng để mình giống như cái trống, ai có dùi đập vào là cứ thình thình lên. Cố gắng tu tập dần dần sẽ thuần thục, chừng đó quý vị mới thấy giá trị thiết thực của Phật pháp. Sống ngay trong lòng những rối rắm mà mình bình yên.

Cho nên ngoài gan dạ chúng ta phải siêng năng, biết loại bỏ những gì không cần thiết. Trong cuộc sống có nhiều thứ không cần thiết lắm. Người nào hơi tào lao là ôm đồm tất cả, gánh mang nặng hoằng, toàn là những thứ không chính đáng. Như tôi nói: “Trời trưa nắng gắt đường xa mỏi mệt, người khôn phải bỏ đồ ra. Dù ngọc ngà châu báu cũng đừng chất lên nữa, sẽ ngã gục không đi tới nơi.” Quý vị có thấy người nào hấp hối mà ai đưa vàng tới nói bà ơi vàng này quí lắm, có dùng không? Nếu là chúng ta mình sẽ trả lời thế nào, nói còn không nổi có đâu trả lời. Những ai còn khỏe mạnh, trẻ đẹp mới buông lung lăng xăng, chớ đặc tình huống chúng ta đang hấp hối thì chỉ có tu thôi, không muốn gì nữa cả.

Phật dạy chúng ta trị tâm tham, sân, tật đố là điều cần thiết nhất. Người tu không gây oán thù với ai hết, bởi vì tu là gột rửa, tự trị tâm xấu dở của mình. Được vậy chúng ta càng ngày càng có nhiều bạn hữu tri thức cùng tu cùng hành, bớt đi kẻ thù. Cho nên Phật nói: “Người thực sự thương mình là người biết bảo vệ mình trước những điều xấu”. Thường trước những điều xấu, chúng ta không tự bảo vệ được mà còn nhào vô tham gia nữa. Nên nhớ chúng ta không phải là người siêu quần bạc tuỵ, việc gì cũng giải quyết ổn hết, nên dừng lại tự kiểm điểm mình xem ta là ai ? Phải dè dặt nhìn cho rõ, giá trị ở chỗ ta tỉnh sáng, xem việc nào cần thiết để làm, việc nào không cần thiết thì đừng làm. Phật tử tu thân, tu tâm là như vậy.

Ở đây Phật dạy khi tâm tham nổi lên bỏ, tâm sân nổi lên dẹp, tâm si nổi lên dứt, người được như vậy là người tu tâm. Đâu có gì gọi là sở đắc, sở chứng. Những gì không tốt ta loại ra thì tâm thể hiện tiền, chẳng thêm cái gì cũng chẳng bớt chi. Người tu có một bệnh chung này nữa, thường chúng ta chỉ thấy khuyết điểm của người mà ít khi thấy khuyết điểm của mình. Cái xấu của người chuyên môn moi ra, cái xấu của mình thì ém nhẹm đi. Với tinh thần tu hành, Phật dạy chúng ta tự soi lại xem khuyết của mình chỗ nào để sửa, đừng nhìn thấy lỗi người. Đây là những điều thông thường mà người không biết tu luôn luôn phạm phải. Cho nên chúng ta ráng khắc phục để đi đúng theo lời Phật dạy.

Trong kinh kể, đức Thế Tôn có một người em họ là Đề-bà-đạt-đa. Vị này cũng xuất gia tu hành, nhưng lúc tâm tham sân dấy lên ông không dừng được, muốn thay Phật thống lĩnh giáo đoàn. Để thực hiện ý đồ, ông thân cận với A Xà Thế, xúi vị này giết vua cha và mẫu hậu để lên ngôi hoàng đế. Rồi cùng với ông, một bên làm vua thống lĩnh quốc gia, một bên làm giáo chủ thống lĩnh giáo hội. Tính nghe dữ dội như vậy nhưng mưu đồ không thành. Công đức của Thế Tôn rất lớn, ông dùng tâm gian tham, điên đảo làm sao đọ nổi. Chẳng những mưu đồ không thành mà về sau ông còn chuốt hậu quả không tốt. Khi vua A Xà Thế tỉnh ngộ, sám hối những tội lỗi trước và trở thành một Phật tử đắc lực trong việc hộ pháp cho đức Thế Tôn.

Một hôm Đề-bà-đạt-đa đến cung vua A Xà Thế. Nhà vua không cho vào cổng thành, khác với lúc xưa rất nể nang quý kính. Ông bực tức quá không biết làm sao, chợt thấy một ni cô từ trong cung đi ra. Ông dồn hết cơn giận bằng cách đánh trên đầu ni cô một cái thật mạnh. Vị ni ngất siểu, nhưng do đã đạt pháp nên tâm vẫn bình yên. Đồ chúng bên ni đem ni cô về săn sóc và rất lo lắng cho tánh mạng của vị ấy. Tỉnh lại vị ấy dặn các huynh đệ không nên có tâm oán trách Đề-bà-đạt-đa. Tất cả những gì xảy ra trong đời này đều nằm trong luật nhân quả. Quan trọng là ta phải tu, phải tịnh hóa lòng mình, như vậy mới chấm dứt khổ đau, đạt quả giải thoát an vui. Nói xong, vị ni vui vẻ nhập diệt.

Câu chuyện cho chúng ta thấy, nếu không phải là Phật tử nhất định ni cô không nằm yên đâu. Khi không đánh người ta chết như vậy đâu phải chuyện đơn giản. Đằng này vị ấy tự yên, tự tỉnh, tự thấy được nhân quả và chấp nhận trả quả một cách hết sức tỉnh táo sáng suốt. Do điên đảo Đề-bà-đạt-đa gây nhân như thế, mình không biết oan khiên nghiệp báo thế nào, nổi sân si lên hóa ra mình cũng điên đảo. Cho nên Phật dạy chúng ta tự lọc lừa những gì nhơ nhiễm bỏ đi, thanh tịnh hóa lòng mình. Có thế mới đạt được thanh tịnh giải thoát. Rõ ràng thanh tịnh giải thoát không phải ở đâu bên ngoài, mà lọc bỏ hết cặn cáo bên trong thì nó hiện ra. Vị ni ấy chết đi thể hiện chánh pháp, thể hiện trọn vẹn lời Phật dạy. Vị Thánh đệ tử nữ của Phật đã trở thành ngọn đuốc sáng trong ni giới soi sáng từ xưa cho tới muôn đời sau.

Tôi thường nói với các bạn đồng tu, gặp bất cứ sự kiện nào mà trong lòng mình còn phiền não, lăng xăng, chưa làm chủ được tức mình còn dở. Đối với tất cả sự kiện, đối duyên xúc cảnh làm sao giữ tâm an ổn bình thường, đó là người làm chủ được mình. Làm chủ có hai: làm chủ hoàn toàn, làm chủ bán phần. Chúng ta thường làm chủ bán phần, chớ ít khi làm chủ hoàn toàn được. Nhiều việc mình cố gắng loại ra ghê lắm, nhưng không hiểu sao nó cứ lảng vảng trong đầu, ăn không ngon ngủ không yên, nhớ tới là bực bội. Càng bức đầu, bức tóc thì càng khổ, bởi vì tự mình đem lửa đốt trên đầu mình chớ ai. Người con Phật phải làm sao hóa giải, đừng để lửa cháy trên đầu, đừng để tâm can bị thiêu đốt, đừng để mất mình với cảnh duyên. Cho nên đuổi được vọng tưởng điên đảo bao nhiêu là làm chủ bấy nhiêu. Đuổi được hoàn toàn là làm chủ hoàn toàn. Không đuổi được chút nào hết là mất tự chủ hoàn toàn.

Chúng ta không nên vô cớ gây oán thù, không nên vô cớ để tâm tham sân dấy lên, không nên vô cớ để phiền não, vọng đọng có cơ hội phát động. Người con Phật phải đủ sức tỉnh táo dẹp tất cả những thứ đó. “Sự chiến thắng huy hoàng nhất của người con Phật là tự chiến thắng mình”, đó là lời Phật dạy. Hôm nay chúng tôi xin trân trọng nhắc lại lời ấy. Chúc toàn thể quý vị tự chiến thắng mình, đó là thành công vĩ đại nhất.

[ Quay lại ]