headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 05/01/2025 - Ngày 6 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NHẬN ĐỊNH ĐỂ TU

Phật tử nếu có áp dụng Phật pháp vào đời sống tu hành thì sẽ thấy tâm đắc, thấy được lợi ích thiết thực của đạo Phật. Như đức Phật dạy nếu chúng ta cứ bám víu, mắc mứu cảnh duyên trong cuộc đời thì sẽ bị khổ trong hiện đời cũng như những đời sau.

Kiểm nghiệm lại trong lòng mình, không có phút giây nào yên, bao nhiêu những niệm tưởng dấy khởi liên tục. Nếu tự chúng ta không tỉnh, không quyết tâm an trú thì có lẽ đời mình sẽ loay hoay lẩn quẩn toàn những nỗi bất an. Có những mắc mứu hồi nào chứ không phải bây giờ. Vừa gặp nhau là đã không thích mặc dù chưa từng nói một câu. Thật ra đâu có gì tự nhiên, hồi trước cũng sao đó, bây giờ mới trồi lên như thế. Nghiệm lại như vậy chúng ta thấy cuộc đời là kéo dài bởi những nỗi khổ lớn. Nếu không tu tập chúng ta sẽ không dừng được, không chuyển hóa được, không làm chủ được những nỗi khổ đó. Thế nên Phật nói thế gian là khổ, những nỗi khổ cứ vẫn ập tới, con người không giải tỏa được. Đã không giải tỏa được mà có khi chúng ta lại còn tác động cho thêm khổ nữa, vì vậy mà chúng sanh cộng nghiệp trả vai trong cái khổ lớn dài dài.

Nỗi khổ này nghiệm cho cùng là vì mình không yên, mình yếu đuối nên bị kéo lôi, lầm nhận như thế. Tại sao ta không yên? Vì ta không định tỉnh làm sao phát sinh trí tuệ mà yên được. Đã không có trí tuệ thì không đủ lực để giải trừ si mê điên đảo, không thấy rõ đường đi việc làm và định hướng cho mình. Bởi không có khoảnh khắc nào an vui nên chúng ta dễ bực bội, tức tối khi chạm duyên xúc cảnh. Chỉ khi nào ta đủ trí tuệ, đủ hùng lực dừng lại những lăng xăng của mình thì vấn đề sẽ chấm dứt. Con người thường sống không thật với lòng mình. Bên ngoài thấy như ổn mà bên trong không ổn, nhưng nó cũng hiện ra ít nhiều trên nét mặt. Vì vậy nên nói con người luôn tiềm ẩn những nỗi khổ sâu xa trong tâm.

Có nhiều vị trẻ tuổi cho rằng cuộc đời rất bình yên, vui vẻ, đâu có gì là khổ. Quả thực cũng có bình yên đó chứ! Trời cứ nắng cứ mưa, người cứ đi, xe cứ chạy… Các pháp luôn vận hành như vậy. Nhưng vô thường có thể làm thay đổi mọi thứ trong tích tắt, không hẹn trước gì cả. Như hồi sáng sớm này con chó trong chùa theo mấy chú ra ngoài trước cổng. Vừa ra, xe tốc hành chạy quá nhanh, tông cái chết. Nó không sủa được tiếng nào, không kịp cọ dựa, không để cho mấy thầy rờ đầu, chết tức thì. Mới mạnh khỏe đó, lãng vãng gần gũi mấy thầy đó, rồi chết liền đó. Chúng ta cũng thế. Thấy vui đó, khỏe đó, an ổn đó nhưng tất cả những sự cố có thể diễn biến bất cứ lúc nào, không thể lường trước được. Ai khui nổi những hợp đồng này xem có ghi bất hạnh đến cho mình vào lúc nào không ?

Quý vị đừng nghĩ rằng đứa cháu nội cưng nhất nó không bực bội mình, đừng nghĩ rằng người bạn trăm năm hứa hẹn thủy chung muôn đời không bực bội mình. Tóm lại, chung quanh trước mình sau mình, do những sự kiện chung quanh tác động nên nó luôn đổi thay, khi thương, khi ghét, vô chừng. Bây giờ chúng ta tu Phật, kiểm nghiệm từ nguyên nhân nào, từ ai bày ra hợp đồng này? Nếu mình bày, xin quý vị đừng bày nữa. Lỡ bày một lần thôi, những lần sau xé bỏ hết đi. Là đệ tử Phật, biết tu rồi nhất định chúng ta không ký những hợp đồng kiểu như thế nữa, để phải chuốt bao nhiêu chuyện phiền não.

Sở dĩ thầy biểu chúng ta phải ngồi thiền, tụng kinh, đọc sách, nghe giảng, tu tập tỉnh giác, là vì mình luôn luôn bị bức xúc, bị quấy rầy, bị xoay chuyển, bị ngược xuôi kéo lôi trong sinh hoạt, không lúc nào bình yên. Nếu không như thế chúng ta sẽ khổ mãi mãi. Tại sao? Vì mầm tham, sân, si điên đảo ngủ sâu trong mỗi chúng ta. Nó len lỏi qua ba nghiệp. Ý nghĩ, thân hành động, miệng nói năng không làm chủ được, luôn tổn hại đến chúng sinh, gây nghiệp ác thì làm sao an vui được!

Huynh đệ nghiệm lại xem từ sáng tới chiều, mình nói năng, hành động, suy nghĩ như thế nào, có bị tham sân si tác động hay không, có vướng vào nhân mười ác nghiệp hay không, tức là nhân sát sanh, trộm cướp v.v... Nếu có vướng thì ta phải điều chỉnh. Bởi vì dù chưa hiện hình nhưng nó là manh nha gầy dựng ngôi nhà khổ đau, những quả báo bất an mãi thôi. Nếu chúng ta không kiểm nhận được, cứ nói những lời ác, làm những việc ác thì quả ác sẽ tới, chạy đàng nào cũng không khỏi.

Ngày nay chúng ta có phước duyên, cuộc sống sung túc, đầy đủ tiện nghi nhưng bên trong còn những nghiệp tập. Bây giờ phải chuyển hóa theo hướng chánh pháp. Như vậy quả khổ nếu có sẽ giảm bớt. Mỗi ngày cần nghiệm lại chính mình, từ ngôn ngữ cho tới mọi sinh hoạt, làm sao tỉnh giác đừng để tham vọng, si mê kéo lôi. Chúng sanh do chấp ngã nên sợ chết, sợ khổ, nên cái gì tốt nhất đều muốn thuộc về mình, không muốn cho ai hết. Nếu có cho cũng để phần xấu, phần khó khăn chớ không để phần tốt, phần thuận lợi. Nghĩa là cái an ổn thì muốn cho mình, cái bất ổn thì muốn cho người. Vì vậy người ta thường nguyện “Điều lành đem đến, điều dữ tống đi”. Tống đi đâu, tống cho ai? Tống đại ra đó, oan khiên dịch hạch gì cũng mặc, cứ đưa đại ra, ai dính rán chịu.

Người biết tu không làm như thế, không gây nhân khổ nữa. Không gây nhân khổ thì không chuốt quả khổ. Nếu có chăng là những việc làm trong quá khứ còn tồn đọng đến hiện tại, bắt buộc chúng ta phải gánh chịu. Phật tử hiểu đạo chấp nhận trả quả trong niềm hoan hỷ và không gầy dựng thêm nữa. Khi vừa thành đạo, đức Phật đã nói: “Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dong của ngươi dựng lên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.” (Trích A Hàm)

Đức Phật khám phá ra anh thợ cất nhà, đó là ái dục, một hoặc nghiệp luôn ngủ ngầm bên trong tất cả chúng sanh. Tìm ra anh thợ cất nhà tức là tận diệt ái dục. Cái sườn của căn nhà ấy là ô nhiễm tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, phóng dật v.v… Cây đòn dong chịu đựng cái sườn là vô minh, căn nguyên xuất phát của mọi dục vọng. Phá vỡ được cây đòn dong vô minh bằng trí tuệ tức là làm sập được căn nhà. Cái nhà đã được phá tan tành thì đạt đến vô sanh, Niết-bàn, giải thoát an vui vĩnh viễn.    

 Còn chúng ta bây giờ đang gầy dựng ngôi nhà đó. Gầy dựng từ cột, xuyên, trính, kèo, từ tấm lá mái tranh, từ viên gạch miếng ngói. Chúng ta dính liền, không có phút giây nào rời được ngôi nhà đó. Bởi vậy nên chúng ta bị động, bị khổ lụy, bị mọi thứ trong ngôi nhà đó buột trói. Đó là gì? Là thân, là hoàn cảnh này, là gia đình, là sự nghiệp v.v… Từ đây cho tới ngày nhắm mắt, dù sống thêm hai ba trăm tuổi cũng không rời bỏ được.

Sống lâu mà không biết tu, chỉ lo thụ hưởng là nguy cơ khó tu hành. Trong kinh kể, ngày xưa thần y Kỳ-bà do có công đức chăm sóc bệnh cho chư tăng nên chết được sinh lên cõi trời. Bấy giờ dưới này có một vị bệnh rất khó trị, Thế Tôn sai ngài Mục-kiền-liên lên thiên giới hỏi Kỳ-bà phương pháp trị ra sao? Tôn giả Mục-kiền-liên vận thần thông lên trời, chờ hoài không thấy, hỏi ra mới biết Kỳ-bà sửa soạn du hí tức là đi chơi. Lúc đi ngang qua, ông thấy ngài Mục Kiền Liên liền vẫy tay chào. Sướng không! Hồi ở dưới trần gian Tôn giả là thầy, bây giờ lên trời ông xem như bạn. Ngài Mục-kiền-liên liền chận lại, chỉnh: “Ông là đệ tử của Phật, hiểu các pháp vô thường, mọi thứ đổi thay nhanh chóng, vừa được sinh lên đây, chưa gì mà đã mê chơi rồi, nói chi tu hành nữa”. Kỳ-bà nói: “Thượng tọa ơi! Xin hoan hỷ, ở đây ai cũng vậy chứ không phải mình con đâu. Thượng tọa rầy con tội lắm”. Ngài Mục-kiền-liên kể lại sự việc và hỏi phương pháp trị bệnh cho thầy Tỳ-kheo ở dưới này. Ông nói đôi câu rồi khoát tay chạy đi chơi. Rõ ràng hưởng phước nhiều sẽ làm chúng ta quên hết việc tu tập.

Cho nên Phật tử phải siêng năng tu trong lúc được làm người, có nhiều thuận duyên. Chúng ta chia thời gian cụ thể, ghi thành thời khóa biểu đàng hoàng. Cổ đức dạy: “Đối với mình phải khắc kỷ, đối với người thì khoan dung”. Chúng ta thường làm trái lại lời dạy ấy. Đối với mình hết sức khoan dung, giấu diếm hết những cái dở, nhưng đối với người rất khó khăn, nhặt khoan từng li từng tí. Như vậy tu tới bao giờ mới tiến được. Tu không tiến thì phải tiếp nối chịu khổ thôi.

Quý vị đừng nghĩ khi còn mạnh khỏe chưa gấp tu, chừng nào bệnh hẵng tu. Nhiều người bệnh thôi ngồi thiền bất kể, Phật nào cũng niệm, ai biểu uống cái gì cũng uống. Tôi đọc sách thấy kể rất lạ kỳ. Nói rằng tại Hi-mã-lạp sơn có một bể nước thiên nhiên nằm trên một chóp đá cao nhất. Cái bể đó là nơi muôn thú tụ hội về uống nước. Chúng chỉ uống nước đó là có thể sống được, không cần ăn gì khác. Vì trong nước có đủ hương vị, đủ chất bổ nuôi sống chúng. Trên bể đó có một loại hoa, tới thời tiết nó trổ ra, nếu ai ngửi được mùi hương của nó thì tất cả niệm tham đắm hết sạch. Người nào xắt được hoa đó và uống thì thân thể sáng rực như kim cương! Quý vị thấy, làm sao có chuyện lạ lùng như vậy. Nhưng cũng có kẻ đổ tiền bạc ra mướn người tìm loại hoa đó về. Nó ở đâu mà tìm, làm sao tìm được? Thành ra con người là hướng ngoại, là mê tín, nên không bao giờ thấy thỏa mãn, không bao giờ hết bệnh, không bao giờ được như ý.

Quả thực chúng ta xem thường những nguy cơ luôn theo đuổi bên mình. Cái bản án tử hình đã tuyên án rồi mà chúng ta vẫn cứ bình thường, vẫn ăn mặc ngủ nghỉ vui chơi, không nghĩ cách phá án. Chúng ta vẫn cứ dễ duôi, để trôi qua những cơ hội tốt cho việc tu tập, khi sức khỏe tráng kiện. Trong điều kiện thuận lợi mà không tích cực tu học, làm những việc công đức để trao dồi phước trí thì thật là uổng phí. Con người khoảng chừng 50 ngoài thì đủ thứ bệnh hoạn. Kẻ bị thấp khớp, người bị viêm bao tử, không ai bình yên hết. Vậy mà khi khỏe không lo tu, tới chừng bệnh hoạn yếu đau, muốn tu cũng tu không nổi. Hôm nào đó, Ngọc Hoàng Thượng đế hay Nam Tào Bắc Đẩu giựt mình lật sổ ra xem, thấy tuổi thọ của mình đã hết, ổng kêu đi. Bấy giờ mình có lạy năn nỉ xin ở lại thêm vài năm nữa để tu hành, ổng cũng xách đi tuốt, không ngán sợ hay vị tình ai đâu. Cứ thế mà gánh chịu sự khổ.

Mỗi người đều cho nhận định của mình lúc nào cũng đúng. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Do kiến chấp mà thấy như thế. Trước nhất sai lầm về bản thân. Phật nói thân tứ đại do đất nước gió lửa hợp lại thành. Bốn thứ này lại không hòa hợp, dễ tan rã. Bởi thế nó hư giả không bền chắc, vô thường, mạng sống mỏng manh. Nhưng khi nghe nói thân giả, ô hợp, nó là gốc khổ, mình không dám nhận. Bởi vậy đối với thân mình lầm cho nó thật, nó tốt, nó đẹp. Vì thế thiên hạ mất rất nhiều thì giờ quý báu để trau chuốt thân. Rủi ro nó không chịu hoạt động nữa, nó nín thở thì lại khổ sở. Diêm Vương gởi tới rất nhiều bức thơ, nhưng chẳng ai thèm chuẩn bị, cứ lầm mê cho như thế bình thường.

Phật nói lẽ thực của các pháp là biết rõ thân này không thiệt. Ai thấy được như thế là thấy lẽ thực của các pháp, là thấy đạo, thấy chân lý. Chừng ấy thôi mà huynh đệ quên mất, không dám thấy, nên cứ để mình mắc mứu ngược xuôi hoài. Hết lo việc nọ lo đến việc kia, có khi lo chưa rồi việc bên ngoài thì mình đã gục, tứ đại tan hoại rồi. Thời gian trôi qua hết sức thần tốc, một hơi thở ra không hít lại, dù cho vàng bạc, của cải, địa vị gì gì đối với mình cũng không có tác dụng. Có thây chết nào vẫy tay biểu cất vàng bạc cho tôi đâu, cũng không ai ngồi dậy biểu phong cho tôi chức gì chức gì. Một hơi thở ra thôi, nhanh lạ thường, không ai kiểm tra kịp là đã qua đời khác.

Thực ra không ai muốn ôm giữ thân hư giả này làm gì, nhưng vì chưa sáng được việc, nên mới mê lầm như thế. Sở dĩ không sáng được việc là vì mình không dành thời gian để tu tỉnh. Nghiệp tập của chúng ta rất nhiều, vọng tưởng điên đảo, những chủng tử xấu dấy khởi liên miên, mà ta không tập trung chuyển hóa, không có lực tu hành thì làm sao làm chủ được bọn chúng. Ngồi thiền yên lắng một chút, quí vị sẽ thấy những vọng tưởng lem nhem nổi lên. Bây giờ muốn hàng phục nó, mình phải điểm từng đứa quở “mày đó nghen, dẫn tao đi hoài, đừng có bày đặt”. Phải điểm mặt quở như thế. Nó cũng không phải ai lạ, từ mình mà ra, nhưng nếu không tỉnh, nó dẫn mình đi.

Có nhiều người ngồi thiền thấy không đau chân nữa, chắc là tu khá rồi. Không phải. Tại vì kéo chân lên là bắt đầu vọng tưởng, vọng tưởng tới quên đau luôn. Cám ơn vọng tưởng! Tụng kinh cũng vậy. Đốt nhang lễ Phật rồi bắt đầu tụng niệm. Miệng đọc, mắt ngó cuốn sách, tay đánh mõ nhưng tơ tưởng đâu đó. Tới chừng giựt mình là tụng hết kinh rồi, nói bữa nay tụng Bát-nhã nhanh quá, thấy như yên ổn, nhưng thật ra cái yên ổn ấy do vọng tưởng gạt mình. Quý vị nghiệm lại cho kỹ xem có phải thế không?

Cho nên Phật dạy, người tu phải tỉnh sáng mới thấy rõ được. Trước tiên chúng ta nhận lẽ thực nơi chính bản thân mình, sau đó là lẽ thực ở tất cả sự kiện hoàn cảnh chung quanh. Thấy được lẽ thực ấy là thấy đạo. Ví dụ bài pháp đầu tiên Phật nói là Tứ Đế, trong đó thứ nhất là Khổ đế. Thấy được thực chất của tất cả hiện tượng chung quanh là khổ, đó là kiến đế. Đế là gì? Đế là chân lý. Nói kiến đế là thấy chân lý. Thấy thân này không thiệt, nhận rõ ràng như thế, hàng ngày sống và tu tập bình thường an nhiên, không bị lụy về thân. Đó là người thấy đúng và sống đúng với chân lý.

Nếu chúng ta không buông lung, đừng cố chấp, gắng tu tập cắt đứt từng nguyên nhân tạo khổ thì sẽ hết khổ. Quý vị ngồi thiền, nghe băng, làm tất cả các việc công đức, tới lúc bỏ thân này tự tại ra đi, không bị nghiệp tập kéo lôi. Tùy mức tự tại của mỗi người mà đến nơi hợp duyên, tiếp tục tu hành hoặc làm Phật sự, không nhất định. Muốn phút chót được tự tại thì ngay bây giờ chúng ta phải tự tại đối với tất cả cảnh duyên, với các pháp, phải làm chủ được các vọng tưởng điên đảo. Thiền sư bảo khi làm chủ được vọng tưởng, cắt đứt niệm tưởng, đảm bảo con đường luân hồi sinh tử chấm dứt.

Huynh đệ rán tu, làm sao ngay trong hiện tại những dây mơ rễ má, niệm tưởng trần lao phiền não ta cắt được, thì nhất định phút lâm chung cắt được. Sở dĩ chúng ta bị ràng buộc là vì những thứ đó, bây giờ cắt hết tự tại ra đi, không vướng mắc gì.

Trong kinh nói người tạo nghiệp ác, khi vừa tắt thở thấy trời đất chuyển động, mây phủ tối đen, sấm sét kinh khủng. Người đó sợ sệt chạy tìm nơi ẩn núp, cuối cùng thấy lùm bụi chui đại vô. Mở mắt ra thì đã mang lông đội sừng. Việc tái sinh nhanh như thế, không ai cứu kịp. Chư Phật chư Tổ chỉ là bậc thầy dẫn đường chớ không thể chịu quả báo thế cho chúng ta được. Nghiệp nhân mình đã tạo thì phải gánh, khổ sở vô cùng. Vì vậy chúng ta phải rán tu, gầy dựng công đức cho sâu dày, mới có thể cứu mình ra khỏi đường dữ. Chuyện này không ai thay thế mình được.

Đức Phật Thích-ca thương chúng sanh biết bao nhiêu, Ngài chịu khổ vô vàn, trải qua bao nhiêu vô số kiếp mới tìm được con đường giải thoát. Từ đó đức Phật chỉ dạy đạo lý cho chúng ta tu hành để chấm dứt mầm khổ, tiến lên bến bờ giải thoát an vui như Ngài. Chúng ta không chịu tu là tự mình không cứu lấy mình thôi, không thể than trách hay đổ lỗi cho ai cả. Một hôm trong lúc xả thiền, tôi nhớ đến con đường trầm luân dài đằng đẳng mà bỗng thấy phát sợ. Không biết chừng nào mới hết khổ đây? Cứ kiểu nay thọ thân này, mai đội lớp kia, không biết tới chừng nào mới chấm dứt con đường sanh tử. Cho nên cuối cùng chúng ta phải cố gắng tu tập thôi, không có cách nào khác hơn được. Quí vị còn khỏe mạnh, còn học hiểu được, còn thầy bạn bên cạnh, việc gắng tu không quá khó, phải nên siêng năng tu sửa bản thân, kẻo thời gian không đợi.

Chúng ta làm sao luôn luôn siêng năng, tập trung cho việc tu tập. Tu cho mình chớ đâu phải tu cho ai. Ví dụ như tới giờ tụng kinh mà thấy có việc gì vướng bận, huynh đệ phải đứng lên, siêng năng mạnh mẽ, không có biện bác gì hết, tới giờ tụng kinh là phải tụng kinh. Chuyện này thấy dễ nhưng không dễ đâu nghe, khó lắm. Tới giờ tụng kinh, mấy đứa cháu nói: “Ngoại ơi, ti vi có chương trình hay lắm, thôi ngoại nghỉ tụng kinh đi, ngày mai tụng bù”. Mình nghe theo liền, kệ nó. Quý vị cứ kệ riết rồi tu không được. Phải mạnh dạn siêng năng lên, tu là giải quyết việc của mình, con cháu đâu có thế được khi phút lâm chung đến, không ai hoán chuyển được nghiệp của mình ngoài mình cả. Quí vị phải nhớ như vậy.

Nói điều này tôi nhớ lại chuyện một vị trời hết phước. Thiên tử khi hết phước thường thường đồ trang sức có mùi hôi, hoa trên đầu bị héo. Các vị chán đồ dùng và chỗ ở của mình. Khi rớt xuống là rớt tới địa ngục chứ không chỉ rớt xuống nhân gian. Tại sao? Vì thiên tử không có cơ hội làm phước, không có cơ hội biết các pháp vô thường, đời là khổ, chúng sinh giả tạm… mà cứ thụ hưởng phước của mình thôi. Do đó hưởng hết phước thì rớt cái phịch xuống đáy sâu, chứ không còn đi đâu nữa, vì mất hết lực rồi.

Vị thiên tử tôi sắp kể đây nhờ chút duyên lành đã được gặp và đảnh lễ đức Thế Tôn. Ông nhớ lời dạy của Phật, biết mình hết phước sẽ bị thoái đọa nên một lòng hướng về Tam Bảo. Phước trời hết, tướng suy đã hiện, ông đi đến đảnh lễ đức Thế Tôn. Ngay khi cúi đầu lễ Phật, thức thần thoát ra ông không còn ở cõi trời nữa. Thức thần đó chui vô bụng của con lừa ông chủ lò gốm. Con lừa trong lúc sinh, đau quá nó chạy lung tung làm bể đồ gốm. Ông chủ nổi giận lấy cây đập, con lừa xẩy thai, lừa con chết. Tức vị trời này thoát thân lừa, hiện lại nguyên phước trời khi còn đang đảnh lễ đức Thế Tôn.

Đây là những phúc duyên hãn hữu, không phải ai cũng được. Do vị trời biết xoay tâm chuyển ý, hướng về Tam bảo tu hành nên sớm chuyển nghiệp lừa. Cho nên chúng ta phải siêng năng thương mình lo cho mình, sắp xếp sinh hoạt tu học đàng hoàng. Mỗi vị phải lập cho mình một chương trình tu hẳn hoi, tuân thủ nghiêm túc. Như các vị lớn tuổi, rảnh rang rồi phải có thời khóa. Tối mấy giờ tụng kinh, mấy giờ tọa thiền, mấy giờ kinh hành, mấy giờ nghỉ, mấy giờ thức… có thời khóa rõ ràng. Giống như Tăng Ni chúng tôi thì quý vị làm không nổi, nhưng vừa sức với thời khóa của mình thì quí vị tu nổi.

Phật đã trải qua thời gian ba vô số kiếp tu tập, mới thành tựu giác ngộ. Bây giờ chúng ta có sẵn phương pháp do Ngài chỉ dạy lại, việc tu không khó như Phật ngày xưa, vậy mà không chịu tu thì thật đáng tiếc. Việc tu học của mình phải do ta tự gầy dựng, tự thành tựu chứ không nhờ ai hết. Hòa thượng giảng dạy, quí Phật tử nỗ lực tu, bỏ phiền não, tịnh hóa thân tâm. Nếu quí vị không tu, Hòa thượng cũng không cho thêm cái gì nữa. Mỗi Phật tử phải chuẩn bị gầy dựng lại phong độ cho mình, đừng dễ duôi nữa. Người ham tu luôn luôn biết xấu hổ, chưa làm được việc mình mong muốn thì xấu hổ. Nghe Phật nói chúng sanh có Phật tánh, có khả năng thành Phật, có trí tuệ đức tướng Như Lai mà mình chẳng tu tập thành tựu chi cả thì cảm thấy xấu hỗ. Bây giờ tập trung tu tập, không xem thường, không để thời gian qua suông.

Ở trong nhà thiền có câu chuyện của Thiền sư Thường Chiếu. Ngài có nuôi một người học trò là Thiền sư Hiện Quang. Vị này mẫn tuệ, giỏi giang nhưng vì nhỏ tuổi nên ham chơi. Đến chừng thiền sư Thường Chiếu viên tịch, ngài Hiện Quang lên kế thế. Ở vị trí kế thừa tổ sư trong tông môn, nhưng các nơi về thưa hỏi, ngài trả lời không trôi, vì thế tự thấy xấu hỗ. Biết làm sao bây giờ, sư phụ đã tịch rồi. Hồi cha mẹ còn sống, của báu trong nhà ở đâu không chịu hỏi, để khi cha mẹ đã chết không biết ở đâu lấy ra dùng. Trường hợp ngài Hiện Quang với thiền sư Thường Chiếu cũng vậy. Đứng trước hoàn cảnh ấy, ngài Hiện Quang phấn phát bằng cách bỏ hết mọi thứ, đi hành khước đi tu học. Quả nhiên một thời gian xong việc, ngài trở về đủ tư cách đảm đương việc lớn.

Chúng ta ngày nay cũng vậy. Đức Phật đã Niết-bàn hai ngàn mấy trăm năm, nhưng mình có thầy bạn, có đạo tràng, có Phật pháp, nhất là bản thân còn sức khỏe, tỉnh táo, tất cả việc chung quanh không thể bức ngặt mãi, phải sáng suốt nhận của báu nhà mình. Tại vì chúng ta là người kế thừa, phải biết kho báu để ở đâu mà sử dụng chứ. Thực ra tôi muốn nói chúng ta phải sáng được việc của mình. Đó là điều đáng quan tâm, đáng lo nhất của một người tu Phật.

Sức khỏe chúng ta thay đổi bất chừng, không ráng lo tu, khi già yếu bất lực vô cùng. Như mới hồi chiều đâu có gì, tối lại trời mưa bão, khuya bị cảm chân cẳng lúm cúm. Hôm qua mình có thể bước một lần hai ba bước, lên dốc thềm có ăn thua gì, nhưng sáng mai gió nhập, cái chân cứng ngắt, thềm nhà thấp chủn mà lôi cái chân lên không nổi. Cây gậy để kế bên mà muốn lấy thiệt là trần ai, không biết làm sao mà lấy. Nó bất lực như thế. Có lần tôi đi thăm một người bị bệnh bại liệt. Hoàn cảnh gia đình ở quê, con cháu lo làm ăn nên nằm từ sáng tới chiều, tay chân không động đậy được, ruồi bu kiến đậu, thật là khổ sở. Sống bệnh hoạn như thế, người ta nói chết còn sướng hơn, nhưng muốn chết cũng đâu phải chuyện dễ. Đó là những hiện thực trong cuộc đời, thấy thật đáng buồn. Do vậy huynh đệ chúng ta cố gắng vận dụng những điều kiện thuận tiện, nỗ lực trong việc tu học, cố gắng làm sao cho xong việc của mình.

Mong tất cả Phật tử vì thương mình, vì cứu lấy đời mình mà nỗ lực tu tập, để vượt thoát những nỗi khổ trong cuộc đời giả tạm này. 

[ Quay lại ]