BƯỚC LÊN VỮNG TU
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 07 Tháng ba 2008 09:09
- Viết bởi nguyen
Lần này, về thăm thiền viện Phúc Trường tôi thấy có nhiều sự thay đổi tiến bộ hơn xưa. Sự tu học của chư ni cũng như Phật tử ở đây có nhiều thăng hoa. Quý Phật tử trong đạo tràng Phúc Trường cũng là những hội hữu từ đạo tràng Tổ đình Thiền viện Thường Chiếu. Quý vị đã từng học đạo với Hòa thượng Tôn sư nhiều năm.
Phật dạy “Người còn tại gia thì bận bịu như gông cùm, không giải thoát được”, vì quí vị còn có những liên hệ với đời sống, tiếp cận bên ngoài xã hội. Ngoài ra mỗi vị còn có nghiệp báo riêng, do vậy nếu không khéo sắp đặt cho mình một hướng đi, chúng ta sẽ loanh quanh cả đời, chẳng tới đâu hết. Có khi cả ngày từ sáng tới chiều, quí vị bận bịu với bao nhiêu công việc. Do vậy Phật nói chúng ta bị trói buộc như gông cùm vậy. Gông là vật khống chế thân mình, không cho tự do. Cùm là cây cồng trói chân tay, mình không cục cựa gì được. Phật tử hữu duyên gặp Phật, nghe pháp, áp dụng lời Phật dạy vào đời sống nên tháo gở được phần nào những gông cùm ấy. Việc làm này rất cần thiết, không thể xem thường được.
Cuộc đời vô thường, mạng sống mỏng manh, không ai thay thế ai được. Con người sanh ra lớn lên rồi già rồi chết, nhưng đâu phải ai cũng lớn lên già chết một cách bình thường, có khi chưa lớn đã chết, chưa già đã chết v.v... Lại cũng có trường hợp già hoài mà không chết. Lạ lùng! Rõ ràng không phải mình muốn mà được. Chỉ người hiểu pháp Phật, áp dụng lời Phật dạy, mới gầy dựng được sự tự do, làm chủ thân tâm này. Không những người cư sĩ tại gia như quí Phật tử bận rộn mà người xuất gia như chúng tôi cũng bận bịu nhiều việc lắm. Việc chùa việc giáo hội, việc học việc tu, việc thầy việc trò… đủ thứ việc. Bận bịu nhiều như vậy nên việc tu hành nhất định khó tiến như mình mong muốn. Nhưng từ sự hộ trì của Tam bảo, từ phúc trí của Thầy tổ, cộng thêm sự hỗ trợ của thiện hữu tri thức, chúng ta nỗ lực cố gắng hết mình thì cũng sẽ tiến.
Ngồi lại chúng ta thấy có những điều nho nhỏ, mình muốn giải trừ, muốn thảy ra mà nó cứ bám hoài thôi. Điều mình không muốn nó vẫn bám sát. Mỗi ngày đêm, tới giờ dâng hương lễ Phật, tụng kinh tọa thiền, Phật tử tu tập với một cái tâm hết sức thành kính, tự khắc tự hứa xa lìa vọng tưởng điên đảo, để được giải thoát an vui, nhưng có được đâu! Đức Phật không thể ban phát cho chúng ta điều gì cả, mà niềm an vui chân thật chỉ có do sự nỗ lực tu tập của mỗi người. Phật tử luôn tự khắc tự hứa mình phải thanh tịnh, phải tu, phải tiến, phải giác ngộ giải thoát. Thường xuyên nhắc nhở mình như vậy, chớ không phải nói một lần mà được. Đôi khi nhắc hoài mà còn chưa được gì hết. Do vậy quí vị hết sức cố gắng mới được.
Người tu Phật phải dẹp bỏ cái định kiến mới tiến bộ. Với những định kiến cứng ngắt, giống như u xơ, nếu nuôi mãi tới lúc nó vỡ ra là mình chết, quả thật nguy hiểm. Trong mỗi chúng ta có nhiều định kiến, nhiều quan niệm khó bỏ. Có những cái hết sức xoàng mà rất khó bỏ, không biết tập nhiễm hồi nào. Ví dụ như ta nằm xuống, việc hồi sáng giải quyết chưa rồi, ta làm mất lòng người nào đó, nhưng sự việc cũng không đáng chi. Bây giờ cứ lảng vảng trong đầu hoài, muốn chợp mắt nghỉ một chút mà nghỉ không được. Phật nói những thứ đó là rắn độc. Bởi vì nó làm tổn hại đến sự tu hành của mình, không thiền định được. Tuy nhiên nó không thật nên phải mạnh mẽ lên thì sẽ thắng nó.
May mà phiền não không thiệt nên chúng ta mới có cách đẩy nó ra ngoài. Nhưng với điều kiện quí vị phải mạnh hơn nó mới được, chớ còn xìu xìu thì nó nhận chìm mình xuống luôn. Định kiến không thiệt, quan niệm không thiệt, mọi thứ trong cuộc đời này đều không thiệt. Bởi nó không thiệt nên ta mới tu được, mới chuyển hóa được. Một thứ phiền não thôi là đã làm cho mình “tâm sầu bạch phát”, tức là tâm sầu thì tóc bạc, huống gì trăm ngàn thứ vây hãm thì mong chi tu hành nữa.
Như hồi nảy có một vị xuất gia 83 tuổi, tuổi này nếu không hóa giải được phiền não, thì một việc nhỏ thôi, cụ buồn mà mất ngủ một đêm, thở ngắn thở dài một đêm là sáng ra héo xào, đi không nổi, nằm dài thôi. Tại vì tôi có mẹ già nên tôi biết. Mẹ tôi năm nay 86 tuổi, người gầy ốm nhưng bà rất siêng làm việc. Sáng nào bà cũng đi quét sân, vừa quét vừa quở mấy đứa nhỏ làm biếng. Một đêm bà mất ngủ, sáng ra nằm dài. Tôi xuống thăm hỏi sao má không dậy ăn cơm? Bà nói: Đau mình quá, ngủ không được. Đâu phải ngủ không được rồi thôi, còn bức xúc trong người, nên phát ra lời nói, ánh mắt không vui, lúc nào cũng bất như ý. Tất cả những tâm trạng này đều làm trở ngại cho bước đường cuối cùng của mình để đi tới giác ngộ giải thoát.
Chúng ta tu học làm sao mỗi ngày vui tiến, điều hòa được thân tâm, tất cả những sự duyên bên ngoài không thèm ngó tới, như vậy mới yên được. Một khi tới giờ nghỉ thì nghỉ, tới giờ ăn thì ăn, tới giờ ngồi thiền thì ngồi thiền. Tu như vậy nhất định sẽ thành công. Đó là con đường dẫn tới giác ngộ giải thoát. Phật dạy giác ngộ giải thoát không phải lượm lặt ở đâu, mà ngay trong sinh hoạt của chúng ta. Hễ mình buông được là giải thoát. Trái lại với giải thoát là nắm giữ, là chết cứng trong khuôn thức. Phật tử biết tu rồi phải buông xả, phải tươi tắn lên. Như vậy mới gầy dựng nổi tinh thần giác ngộ giải thoát.
Có ai chấp nhận một người càng tu hành càng rắc rối hơn không? Chắc là không. Nếu càng tu hành càng rắc rối thì phải xét lại pháp tu của mình xem có chính xác hay đã lệch lạc. Chứ tu là phát huy tinh thần Phật dạy, sống tự tại giải thoát, cởi mở dễ dãi chớ đâu phải khó khăn chấp chặt. Cho nên người tu đúng càng tu càng giải thoát, càng hiền hòa vui vẻ. Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai chúng ta phải làm sao cho lòng tin và trí tuệ của chúng ta luôn cân bằng. Tin mà không có trí thì không được, có trí mà không tin làm thực hành cũng không xong. Phật tử sinh hoạt tu học trong đạo tràng, phải vững niềm tin. Tin cái gì? Tin tâm mình, tin chánh pháp, tin mình có khả năng giác ngộ giải thoát. Chúng ta không cầu cạnh, không ỷ lại, không chờ trông ai hết mà tự vững niềm tin. Vững niềm tin như vậy là một phần của sự thành công trên bước đường tu học. Nhưng nếu tin mà không hành thì cũng không đi tới đâu hết. Giống như người nói ăn cơm mà cứ đi vòng vòng, quét nhà, tưới kiểng, đi chợ… tới trưa mâm cơm còn nguyên đó, bụng vẫn đói meo. Thành ra nói suông, không thực hành thì không có lợi ích. Là con Phật chúng ta nói và làm, hai cái đó thống nhất, quân bình. Hội đủ những điều kiện như vậy chúng ta mới bảo vệ được tinh thần tu tiến.
Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói:
Đường mưu sinh mỗi bữa kéo lôi,
Trò sân khấu đưa tay bắt bóng.
Cuộc mưu sinh đã cuốn hút quí vị vào vòng xoáy của cuộc đời. Ở đó khác gì trò sân khấu, tan tuồng rồi mỗi diễn viên trở lại con người thật của mình, tất cả đều không thật, giống như đưa tay bắt bóng. Như hồi sáng, nghe chuông báo mình biết 5 giờ, sau khi ăn cơm bẵng đi với công việc, tới lúc nghe chuông báo thì mình biết 10 giờ. Bất thần ngồi lại, kiểm qua từ 5 giờ cho tới 10 giờ, khoảng ấy mình ở đâu, làm gì, ai lôi kéo v.v... có khi ta quên bẵng, không biết mình ở đâu. Như vậy là đưa tay bắt bóng, cứ ngày qua ngày thế thôi. Chúng ta kiểm lại trong mọi sinh hoạt, coi có chủ động, có giữ được quân bình giữa hiểu biết và hành động hay không? Thành ra tu không phải là chuyện đơn giản, cũng nhiều gian nan lắm.
Khi thực hành công phu Phật tử phải quân bình được tình lý. Nêu áp dụng tu tập quá đáng quí vị sẽ không chịu nổi đâu. Người xưa tu tập trú dạ lục thời, tức một ngày một đêm sáu thời công phu. Mỗi thời hai tiếng, như vậy các ngài chỉ còn một chút thời gian để lo cho việc riêng cá nhân thôi. Phật tử còn bận rộn việc nhà nên tu như quý ngài không nổi đâu. Đừng nói trú dạ lục thời, như chúng tôi ở thiền viện, sáng ngồi thiền, chiều ngồi thiền, đầu đêm ngồi thiền, cuối đêm ngồi thiền, loay hoay bao nhiêu đó cũng cả ngày cả đêm. Mới ngồi thiền sáng chưa bao lâu lại tới thời thiền chiều. Thời thiền chiều đau chân chưa hết tới thời thiền đêm. Xong thời thiền đêm, vừa chập chờn ngủ chưa đã thì tới thời thiền khuya 3 giờ. Ban đầu rất mệt nhưng phải rán, phải chấp nhận, rồi nó quen đi.
Cho nên tu hành phải quân bình, đừng để thất thường thì việc tu sẽ tiến bộ. Thất thường là như có vị tu hạ thủ công phu quá, tới giờ ăn cơm, cầm chén đến trai đường không biết làm gì nữa, cứ đứng đó hoài hoặc ngồi đâu ngồi sửng một chỗ, người ngoài không biết nói mình tửng tửng, cũng kỳ lắm. Cho nên quí Phật tử cần phải quân bình vừa phải thôi, tu làm sao để cho người sau có thể theo được. Công phu được ghi thành bài bản, có nguyên tắc, nề nếp, người ta có thể thực hành theo được. Như vậy vui hơn, vì có lợi ích cho nhiều người.
Gần đây Hòa thượng dạy chúng ta tu “Thấy biết là chân tâm, nghe biết là chân tâm, ngửi biết là chân tâm, nếm biết là chân tâm, thân xúc chạm biết là chân tâm, ý đối với pháp trần biết là chân tâm. Cái thường biết rõ ràng, trùm khắp sáu căn, không tướng mạo, không sinh diệt, đó là chân tâm hiện tiền.” Thế thì Biết làm sao là chân tâm? Biết mà không phân biệt. Ở điểm này, quí vị thực hành khéo léo, tự thân nghiệm lấy, đừng để vọng tưởng chen vào chi phối. Ai nhạy bén thì ngay nơi sáu căn nhận lấy, đừng khởi hiểu hoặc khởi tưởng về cái “biết” thì không được. Bởi vì tâm chân thật là nhi nhiên, sẵn vậy, không do cái gì tạo tác ra. Tuy nhiên do vô minh điên đảo, lâu nay chúng ta sống theo thức tình vọng động nên bây giờ phải tự nhắc nhở mình để quay về nhận lại cái tâm chân thật sẵn có ngay nơi mình. Tâm đó chính là cái biết, phóng hiện ra sáu căn.
Huynh đệ gặp nhau trao đổi cách thức hành trì, xem áp dụng như vậy có được những kết quả như thế nào, đem ra chia sẽ cho các bạn đồng tu. Có thế sinh khí tu tập sẽ khởi sắc, tạo được niềm phấn chấn cho đạo tràng. Đồng thời cũng thực hiện được chủ trương đường lối của Hòa thượng ân sư. Có thế trong tương lai mới chống đỡ tông phong, làm được việc lớn. Chỗ này nhà thiền thường nói: “Đệ tử hơn thầy mới kham truyền nối được sự nghiệp của thầy. Đệ tử bằng thầy là thua thầy nửa đức.” Bây giờ chúng ta không bằng thầy thì không biết thua làm sao đây? Nói như vậy để huynh đệ cố gắng lên. Chúng ta không dám nói hơn thầy, mà trong chỗ nhắm cũng như sự mong mỏi của người thầy, lúc nào cũng muốn đệ tử gìn giữ và phát huy được sự nghiệp của người đi trước. Do đó huynh đệ chúng ta không được quyền nói ngang rằng: “Thôi đời này mình tu có chừng lấy lệ, tu kết duyên đời sau v.v...” Nói như vậy là bị rầy.
Nhân duyên tốt đẹp đến với chúng ta chỉ trong một khoảng nào đó, người đời thường nói dịp may không đến hai lần, nên chúng ta đừng để mất cơ hội. Mỗi lần được hầu chuyện với Hòa thượng, ngài thường nhắc nhở chúng tôi rán tu, biết phước duyên có hạn, chúng ta đừng chần chờ. Nếu mình không mạnh dạn buông bỏ sẽ không tu được. Buông bỏ cái gì? Cái gì không hợp lý thì buông bỏ, cái gì làm trở ngại cho việc tu hành thì buông bỏ. Nhất định phải buông cho được. Những gì chúng ta thấy không thích hợp, buông đi để ngộ đạo. Chữ “ngộ” là nhận ra, “đạo” là lẽ thực hay chân lý.
Trước mắt mình bao nhiêu sự kiện, cái nào cũng có thể làm cho chúng ta ngộ đạo hết. Ví dụ hồi xưa quý vị không biết vàng giả, ra chợ thấy vàng giả quý vị thấy thích quá, mua về thật nhiều. Bây giờ nhận ra nó là vàng giả rồi, quí vị cất giữ làm chi nữa nên vất bỏ đi. Nhận ra nó là giả nhà Phật gọi là ngộ, tức biết được lẽ thực rồi. Bây giờ chúng ta học pháp với Phật, biết thân này không thiệt, mình buông đi thì ngộ đạo. Biết tâm vọng tưởng cũng không thiệt, buông đi thì ngộ đạo. Chúng ta phải làm chủ được từng dấy niệm, vừa có dấy niệm liền buông đi, dần dần sẽ ngộ đạo. Phật tử ngồi thiền, tụng kinh, làm việc, đọc sách, tiếp khách, ăn cơm... mà có một dấy niệm nào khác xen vô liền bỏ đi, ngộ đạo là ngộ ngay chỗ đó. Cho nên cơ hội ngộ đạo không phải ít, chỉ vì chúng ta cứ trơ trơ, không nhớ lời Phật dạy ứng dụng tu, nên để ngày qua ngày vậy thôi. Tu là chuyển hóa. Chuyển hóa thế nào? Ví dụ như trước mình là chúng sinh, bây giờ chuyển hóa thành chúng sinh tốt. Từ từ học đạo chân chính, ứng dụng tu tập để chuyển hóa từ vô minh phiền não đến sáng suốt, được giác ngộ giải thoát.
Thứ ba, tu là phải chiến thắng nội tâm. Chiến thắng nội tâm là gì? Là tự chiến thắng mình. Đôi khi ta ngồi chơi bình thường thôi, nhưng thật ra bên trong phải phấn đấu, phải gan dạ lắm mới chiến thắng mình được. Gan dạ là sao? Ví dụ như chiều ở thiền viện, chư tăng tụng kinh rồi giăng mùng đàng hoàng. Bảy giờ rưởi nghe kiểng, mình biết đã tới giờ ngồi thiền của đại chúng, mình biết giờ này phải lên thiền đường ngồi thiền, không có việc nào khác. Nhưng vừa mặc áo đi lên thiền đường, mới kéo chân ngồi thì có người tới nói: “Bà năm, bà cụ của Thầy cảm nặng”. Chết không. Bây giờ làm sao? Ngồi trước đại chúng, không lẽ mình tháo chân ra chạy. Mẹ già như trái chín mùi, dễ rụng dễ rớt. Mình lại nghe mẹ đau, tự nhiên chấn động liền, nhưng mà phải phấn đấu. Duyên sự ấy chánh đáng, mẹ đau đi thăm mẹ là một việc hết sức hợp lý, chớ không phải ai rủ rê mình đi chơi, nhưng dù hợp lý mà trong giờ tu tập, mình phải đặt lên hàng đầu. Do đó mình phải gan dạ, phải phấn đấu, cũng gay go lắm chớ không phải thường đâu. Rồi khi ngồi thiền, vọng tưởng lung tung, cứ nghĩ có phải bà già bị cảm thật không hay là ông nào giỡn nhột mình, kêu ra quậy đây. Cho nên rồi cũng đắn đo, phấn đấu nên hay không nên, phải hay không phải v.v... Những điều này đòi hỏi chúng ta phải có một sự chiến thắng nội tâm, phải có sự kiên quyết. Mà sự kiên quyết này hình thành từ một công phu nội tại thường nhật của chúng ta.
Hòa thượng dạy chư Tăng Ni ở thiền viện, trừ khi cha mẹ chết, thầy tổ qua đời mới được xin phép ra ngoài. Nhưng tôi cứ gặp những thiền sinh xin đi đầu này đầu kia hoài, rồi sao đây? Cho hay không cho? Những trường hợp như vậy khiến cho người có trách nhiệm phải đắn đo, phải chiến thắng nội tâm. Có chiến thắng nội tâm, có một sự quyết định ổn định thì mình mới bình yên được, còn không chúng ta bất an bất ổn với không biết bao nhiêu là duyên sự.
Ví dụ tới mùa xoài, nó rụng xuống mấy thầy lượm về gọt rửa, bằm bằm vô nước tương. Mình vừa bắt chân ngồi thiền, có ông lại kê tai nói nhỏ: “Mới làm một chén nước tương xong, chấm xoài chua”. Trời ơi, ngon muốn chết, rồi làm sao đây? Nếu lúc đó mình không chiến thắng nội tâm thì tháo chân chạy thôi. Đời tu có nhiều chuyện tức cười. Người có trách nhiệm cũng không nỡ lòng rầy la mấy huynh đệ mời gọi kiểu đó, nhưng theo họ thì không được. Do đó phải cương quyết, phải mạnh mẽ gan dạ mới được.
Nói tóm lại, trong sinh hoạt đời thường chúng ta ổn định và gắng gỗ kiên trì, chiến thắng nội tâm, phải chuyển hóa và khéo buông bỏ bớt. Biết mình thích món đó nên huynh đệ mời, mình phải tìm cách nói: “Tôi thích nhưng thời gian gần đây cái răng ê rồi, không ăn được, đừng rủ nữa, mấy ông ăn đi”, mới yên được. Phải có những cách như thế. Đối với duyên trần chúng ta không gan dạ sẽ thua nó thôi. Chính mình còn không biết sự có mặt của mình trong cuộc đời này bao nhiêu lâu, bao nhiêu lần, vậy mà không chịu nỗ lực tu hành thì thật đáng lo ngại. Như đức Phật Thích-ca, Ngài nói đã trải qua ba vô số kiếp tu hành mới thành Phật. Từ khi Ngài nhập Niết-bàn, cho tới bây giờ là 2548 năm, mà mình vẫn thế này. Bởi vì sự luyến ái bà con ruột thịu trong trần gian này sâu đậm, không thể đo lường được. Do vậy có những chuyện rất nhỏ, rất thường, mình muốn bỏ cũng không phải dễ đâu. Vì vậy phải cố gắng nhiều lắm mới tự thắng mình.
Trước nhất quí Phật tử nghe lời Thầy, sau nương huynh đệ trong đạo tràng, luôn luôn giữ nề nếp, liên tục trong khóa biểu tu học. Ngoài giờ tu tập tại đạo tràng, huynh đệ về nhà cũng sắp đặt thời khóa đàng hoàng. Ví dụ đầu đêm quý vị bận không thể ngồi thiền được, thì buổi khuya thức dậy tranh thủ, ít ra cũng ngồi chừng một tiếng đồng hồ. Ngồi thiền chưa hẳn là tu thiền, cũng chưa phải làm Phật, nhưng ngồi thiền để khống chế con trâu điên của mình, chứ không thì nó điên quá, nó dẫn mình đi tầm bậy rồi khổ thân. Quý vị thấy buổi sáng bận rộn, trưa cũng không yên ổn gì, rồi chiều lại cũng không có thời gian, đầu đêm thì thôi đủ thứ việc, chỉ còn có buổi khuya. Cho nên rán giữ thời khóa một chút để có hơi ấm của công phu.
Đêm nào mình cũng ngồi thì chân sẽ quen. Ban đầu nó đau kệ mồ nó, bầm chai cũng kệ, không thèm để ý tới, riết nó quen. Chứ quý vị thương sợ nó đau, xức dầu rồi cho nó nghỉ một tuần. Tuần sau kéo lên, trời ơi nó đau hơn nữa, không có sung sướng gì đâu. Thôi thì cứ tấn tới cho nó đau, nó chai, nó thâm, nó bầm, nó lột da chỗ đó cũng thây kệ, tự nhiên nó sợ lại mình, phải chịu vô khớp thôi. Phật tử cố gắng trong sinh hoạt đời thường, biết tự thương mình và nhớ lời dạy của Thầy, nương huynh đệ sinh hoạt tu tập với nhau, cố gắng xứng đáng như Thầy đã dạy, đã mong muốn. Hòa thượng nói Tăng Ni đạo tục chi, hễ là đệ tử trong Tông môn, tu theo sự hướng dẫn của ngài, ngài mong ai cũng có thể áp dụng pháp tu được lợi lạc, mỗi ngày vững niềm tin cho đến khi thành đạo. Như vậy mới xứng đáng là học trò, là đệ tử trong Tông môn.
Cuối lời, chúng tôi xin gởi đến toàn thể quý Phật tử trong đạo tràng Trúc Lâm Phúc Trường lời chúc nguyện luôn an lạc, áp dụng được phương pháp tu học vào đời sống, mỗi ngày quý vị càng hồn nhiên tu tập và sống niềm vui chánh pháp.