headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 05/01/2025 - Ngày 6 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Lợi lạc của việc tu tập

Hôm nay là ngày khai pháp của đạo tràng Tuệ Quang, vâng lệnh Hòa thượng Viện trưởng, chúng tôi về đây cùng toàn thể quý vị lễ Phật đầu năm, đồng thời thay nhọc cho Hòa thượng có mấy điều nhắc nhở quý Phật tử nhân ngày đầu năm. Tất cả huynh đệ ở đây phần lớn đều học pháp với Hòa thượng lâu rồi, đã có quá trình tu tập đáng kể nên ít ra cũng phần nào được lợi lạc. Nhờ thế quí vị mới thấy vui và phấn khởi cho việc thực hành công phu lâu dài.

Với chúng ta việc tu học phải có niềm vui, như vậy mới tu tiến được. Nhiều Phật tử đi chùa, tụng kinh, hiểu Phật pháp lâu năm nhưng rồi cũng cứ thế. Nghĩa là đụng duyên chạm cảnh vẫn tham sân phiền não. Tại sao ? Pháp Phật không có kết quả khi ứng dụng hay tại chúng ta? Nghĩ cho cùng là tại chúng ta. Nếu còn cù cặn trong mỗi chúng ta thì phải khai thông. Dứt khoát quí vị phải có cách giải trừ để tiến bước, chứ không thể dẫm chân một chỗ. Ở đây tôi có mấy điều chia sẻ với quí Phật tử trên bước đường tu tập:

 1- Tự biết mình:

Trước nhất ít ra chúng ta cũng phải biết mình như thế nào? Tôi nghĩ người tu mà không biết mình thì khó áp dụng pháp Phật, khó tu tiến. Ví dụ chúng ta kiểm lại thấy: tham, sân, phiền não còn chừng bao nhiêu? Tám, chín mươi phần trăm hay năm sáu mươi phần trăm. Đối với phiền não đó chúng ta phải làm gì, trị liệu như thế nào? Khi nhìn lại thấy rõ mình còn tham sân phiền não nhiều thì phải dùng Phật pháp để trị, để tu sửa. Hóa giải như thế nào cho tham sân phiền não nhẹ dần đến hết luôn.

Ngày trước quý Phật tử chưa có duyên, chưa có điều kiện họp thành Đạo tràng. Tuy hiểu Phật pháp, nhưng tu riêng lẻ từng vị từng nơi, nên những vị yếu đuối khó tiến. Kể từ khi có đạo tràng, huynh đệ gặp gỡ, trao đổi hướng dẫn nhau thì việc tu nhất định có tiến. Tuy được như thế nhưng phần tham sân phiền não bên trong, quí vị chưa dám nói với ai, chưa trình hết với thầy. Vì vậy tự mỗi người cứ khắc khoải, chưa giải tỏa hết được.  Cho nên “Tự biết mình” để có phương thức áp dụng Phật pháp hóa giải phiền não là điều hết sức quan trọng, rất cần thiết cho mỗi chúng ta.

Phiền não nổi cộm như nóng giận, hoặc tật đố tỵ hiềm, thấy ai hơn mình ta không vui, trong quá trình hành đạo cho tới ngày viên mãn, nhất định chúng ta không thể dung dị những thứ này. Nếu chúng ta còn ôm giữ nó thì như ôm rắn độc ngủ, quý vị dám không? Nhất định là không. Người con Phật lúc nào cũng cảnh giác với các thứ phiền não. Phải cảnh giác đề phòng bởi vì ta tự biết mình dở. Cảnh giác là tu. Ai thấy phiền não còn sần sộ tấn công mình thì càng nỗ lực tu tập. Chỉ có cách đó thôi. Nếu chúng ta cứ nuôi dưỡng phiền não lâu dài thì dù Phật pháp hay bao nhiêu, vẫn không thể trị được nó. Như vậy Phật pháp cũng không lợi lạc gì đối với chúng ta. Phật pháp là Phật pháp, phiền não là phiền não, chúng ta chưa giải trừ được. Ở đây chúng ta đủ thẩm quyền dùng Phật pháp để hoá giải những cù cặn, không thể đổ thừa cảnh duyên bên ngoài. Là người Phật tử chúng ta không thể đổ thừa tại anh, tại chị mà phải thấy rằng tại ta chưa đủ lực, chưa toàn tỉnh nên chưa thể hóa giải, tiêu dung phiền não.

Khi bị bức xúc chúng ta phải nghiệm lại mình xem sự tu tập như thế nào, từ đó tăng trưởng đạo lực để tự hóa giải, không đổ thừa hoàn cảnh hay ngồi đó trông đợi ai giải trừ cho. Người Phật tử không có thái độ như thế. Bởi vì ta biết rằng tất cả những thứ ấy đều là báo nghiệp do nhiều đời mình lầm mê tạo tác mà ra. Bây giờ hậu quả đến phải trả thôi. Là con Phật không được yếu đuối, phải gan dạ chịu trách nhiệm cho những hành vi mình đã làm. Hòa thượng ân sư dạy người tu phải có tâm kiên cố, tâm trường viễn, mới tu đến nơi đến chốn được.

Phiền não ở đâu mình không biết nhưng ai cũng có hết. Chúng ta đang vui vẻ bình thường, bỗng có sự cố gì bức xúc nó lòi ra liền. Tùy theo mức độ, nếu chúng ta còn tỉnh, làm chủ được phần nào thì nó bị khắc chế phần ấy. Còn nó xuất hiện mà mình a tòng theo thì điên đảo, gây thêm oan khiên nợ nần, chớ không ích lợi gì cả! Đi theo phiền não chúng ta đã mỏi mệt, bây giờ trở về con đường Phật dạy là con đường về quê, quay trở lại quê hương của mình. Chúng ta thấy rõ thời gian qua, mình đã dẫm trên  gai góc, thật là ngán ngẩm. Do vậy bây giờ không thể tiếp tục đoạn đường này. Chúng ta phải tập trung nhận lại cái gì mình đã bỏ quên từ lâu, để phải trở thành kẻ cùng tử lang thang, xa cách quê nhà.

Khi tu chúng ta phải có một cái nhìn thấu đáo, chín chắn, sâu sắc, nghiêm chỉnh đánh giá lại việc làm của mình. Huynh đệ mỗi một lần sinh hoạt đạo tràng, mỗi một ngày tu tập, đều nhìn thấy và đánh giá đúng, chín chắn. Để làm gì? Để xem cái nào sai chúng ta lọc, thải ra. Chúng ta bỏ bớt những gì làm mình mất thời gian, dành trọn vẹn thì giờ cho công phu tu tập. Quý vị thấy thời gian qua nhanh, mọi thứ đổi thay, vô thường, nên ta không thể lơ là chờ đến sắp già sắp chết mới tu. Nếu người không vững thì sẽ chao đảo, phiền não trước những biến động chung quanh cuộc sống. Vậy nên nghĩ tới mình, xoay nhìn mình là cách hết sức giản dị để bắt đầu công phu.

Bây giờ duyên đã tốt thuận, quí vị có đạo tràng, có huynh đệ, có thầy, có pháp, tất cả đều nắm rõ cương lĩnh, đường lối chủ trương tu hành. Mỗi vị nên sắp đặt thời gian để tu tập, bây giờ chỉ còn lên đường thôi. Nói một cách chuyên môn là chỉ còn hạ thủ công phu. Người xưa mỗi một lần công phu đốt một nén hương, khi nén hương tàn thấy tâm chưa yên thì tự cảm thương rơi nước mắt. Tại sao như thế? Vì thấy phiền não không có hình tướng, nhưng sao nó to lớn, khỏe mạnh, dữ dằn quá, muốn bỏ bỏ không được, muốn cắt cắt không đứt. Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Tuy nhiên không phải chúng ta không làm được. Chúng ta làm với tất cả quyết tâm, ý chí, nhất định sẽ thành công. Người tu thiếu những yếu tố đó thì không tới đâu hết.

Chúng ta đã hội đủ duyên lành, nhưng từ phía bản thân cũng phải đầy đủ những yếu tố cần thiết cho việc hành trì tu tập. Không có vị Phật nào tu một thời gian ngắn, một sớm một chiều mà thành Phật. Đức Phật Thích Ca, vị Giáo chủ cõi Ta bà tu trải dài ba vô số kiếp mới thành đạo. Tu hành, chịu khó chịu khổ vô vàn, đầy đủ công đức mới thành Phật. Thời gian chúng ta tu tập đây, có lẽ cũng đã bắt đầu trong vô số kiếp nào đó của chính mình, chứ không phải là không. Nhưng chúng ta không biết thời gian qua đã bao nhiêu, thời gian tới còn bao nhiêu nữa? Việc ấy cũng không cần biết, chỉ hạ quyết tâm khẳng định công phu phải khắc tiến và tiến không ngừng. Hòa thượng dạy người tu giống như kẻ lên dốc ngược, phải leo tới đỉnh, không có quyền đứng lại hay chần chờ ngó hai bên. Chừng nào tới chỗ, ngồi hống gió bốn phương trời thống khoái mới có thể nói là yên. Còn trong giai đoạn đi thì không có quyền dừng nghỉ.

Vấn đề tu hành bước đầu là biết mình, điều này quan trọng lắm. Bởi vì nếu không biết mình thì chẳng tu tới đâu hết. Có khi chúng ta công kênh tưởng mình yên ổn, nhưng đụng chuyện liền phiền não. Nhiều vị tự thấy mình yên ổn, phiền não không làm gì được, nhưng tới lúc đụng cảnh phiền não quật ngược, đứng dậy không nổi, như muốn liệt luôn vậy. Đó là những phiền não nổi cợm, to lớn. Tại sao có phiền não nhỏ, phiền não lớn? Vì như những trường hợp thông thường, mình điểm trán nó qua, còn có lúc gặp phiền não, quí vị tụng không biết bao nhiêu biến Bát-nhã mà nó vẫn hoành hành, không tỉnh nổi. Cuối cùng phải làm sao? Phải vật lộn với nó. Cho tới chừng nào mình thấy nó không thật, thắng được nó, chừng đó mới yên. Tất cả những tình trạng đó đều là sự chuyển hóa trong công phu tu học của mỗi chúng ta.

Trong công phu tu hành, huynh đệ chúng ta không ai giống ai cả. Bởi vì mỗi người có căn nghiệp, tập khí, chủng tử khác nhau. Cho nên tuy học pháp chung, thầy chung, nhưng việc áp dụng của mỗi vị tùy phần khác nhau. Dù thế, khi chúng ta có tu là có tiến. Tiến như thế nào, cấp độ ra sao còn lệ thuộc phước duyên và tinh thần tu tập của mỗi người. Như chúng tôi là người xuất gia, cách tiếp cận của chúng tôi khác quí Phật tử, vọng tưởng cũng khác, các thói quen trong sinh hoạt thường ngày cũng khác, cho nên kết quả tu tập giữa Tăng Ni và Phật tử cũng khác nhau. Chúng ta không thể đòi hỏi giống nhau về phương diện hình thức, mà chỉ cần mỗi vị giữ vững tâm nguyện tu hành, đặc biệt biết ứng dụng Phật pháp vào đời sống và hoàn cảnh của riêng mình.

Có một điều dù Tăng Ni hay Phật tử cũng phải nhớ rõ là: Còn phiền não thì chưa giác ngộ, chưa giải thoát, chưa thật sự an lạc. Bây giờ phải trị phiền não, vận dụng trí tuệ của mình tu hành, làm sao làm chủ được phiền não. Chừng đó mới nói giác ngộ, giải thoát, tự tại sống với ông chủ. Ngược lại phiền não còn lẩn quất đâu đó trong người mình, thì nói gì cũng phải dè dặt một chút. Nếu không mình vừa nói thật hay mà phiền não lòi ra thì kỳ lắm. Phiền não là gì? Là những bức xúc, bất an bất ổn trong tâm. Chúng ta vận dụng công phu tu hành là để giải trừ phiền não. Hết phiền não mình mới an vui. Tuy chúng ta chưa hưởng được niềm vui miên viễn như đức Phật, nhưng ít ra trong lòng cũng có niềm vui chân thật phát ra từ chính tâm mình.

Bây giờ làm sao sạch phiền não? Khó lắm. Bởi vì lúc nào chúng ta cũng hoặc vui hoặc buồn. Có khi vui cười hỉ hạ, có lúc vô cớ buồn ảm đạm. Những điểm nhỏ xíu như vậy trong đời thường, cũng biểu hiện công đức tu tập của mình nhiều hay ít. Cho nên nhiều vị đến trình với Hòa thượng: - Con tu hoài sao không hết vọng tưởng? Là bởi vì quí vị còn cười sảng, còn buồn khơi thì nhất định chưa hết vọng tưởng. Bao giờ chúng ta như như bất động là hết vọng tưởng. Con người sống luôn luôn thất thường, thất niệm. Lúc vui quá là vui, cười hoài. Trưa ngủ dậy cũng cười, đang ăn cơm cũng cười, đi một mình cũng cười… Nhưng một khi đã buồn, người ta chọc cho cười, cười cũng không nổi! Ráng cười mà cái miệng méo xẹo. Bây giờ phải làm sao bình thường những thứ đó, bằng cách tỉnh táo, thắp lên ngọn đuốc trí tuệ nơi tự thân. Đó là người biết mình.

 2- Phát huy sự tỉnh sáng:

 Đến điểm thứ hai là tỉnh sáng. Người tu mà thiếu tỉnh sáng là không được. Hòa thượng dạy vừa có một niệm dấy khởi, liền biết niệm nó không thật, buông đi, không chạy theo, không mắc míu những niệm đó. Cái không chạy theo đó là gì? Là tâm định tĩnh. Không mắc míu vì biết nó không thật, đó là trí tuệ hiện tiền.

Nếu chúng ta thiếu tỉnh sáng, bị những lăng xăng quấy rầy kéo lôi thì sẽ mất mình. Không tỉnh thì dù có tu năm năm mười năm, hai mươi năm cũng cứ lăng xăng, cứ trôi lăn thôi. Lực tỉnh này chẳng những giúp chúng ta an ổn khi đang sống mà còn đảm bảo cho lúc mình xả bỏ thân tứ đại nữa. Mang thân này giống như một bản án đã bị tuyên án rồi. Có thân thì sẽ đi đến ngày mất thân, không có đường khác. Báo thân công đức như Thế Tôn tới tám mươi tuổi cũng giải bỏ, vì nó do tứ đại hợp thành, không thật. Huống là thân chúng ta phước báo không nhiều, bệnh hoạn đủ thứ, làm sao kéo dài trăm năm được? Cái chết là đương nhiên. Bỏ thân này là chuyện phải tới, một bản án đã tuyên.

Tuy biết thế nhưng chúng ta chưa chuẩn bị gì cho mình, điều này mới thiệt thòi. Rõ ràng chúng ta chưa biết thương mình, việc chính mình chưa làm được. Bây giờ tập trung thời gian, tâm lực phát huy tròn đầy sự định tĩnh, từ đó có trí tuệ Bát-nhã để ta hoàn toàn làm chủ. Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ gì? Là trí tuệ cắt đứt những đắm trước về thân, về cảnh. Phật nói trí tuệ này như kiếm bén, phẫu thuật chi ly cho chúng ta thấy những gì từ lâu nay ta mắc mứu, bây giờ phanh phui ra hết, cuối cùng mình nhận rõ  không gì có thể bám víu cả. Bởi không có gì phản kháng lại được sự thay đổi nhanh chóng của vô thường. Khi kiểm lại, nếu chúng ta thấy trí tuệ chưa có, đó là công phu chưa tốt. Vậy phải nỗ lực làm cho tốt hơn. Phật tử không phải lo lắng thiếu địa vị, thiếu cơm gạo mà lo mình có tỉnh chưa, có trí tuệ chưa. Nếu chưa tỉnh, chưa có trí tuệ thì phải chuẩn bị, điều này không thể xin Phật ban cho được.

Phật dạy mỗi chúng sanh có chủng tử, có khả năng thành Phật, làm sao nhận lại cái gốc của mình. Chư Phật ra đời vì chỉ cho chúng sanh cái ấy. Chừng nào nhận được thì giàu có, không nhận được thì nghèo khó. Thế thôi. Hòa thượng Viện trưởng thường nhắc nhở, đêm ba mươi muốn không nói chuyện với quỷ sứ, thì bây giờ phải tỉnh phải tuệ. Thiếu điều này là coi như chúng ta quờ quạng trong đêm đen. Tội nghiệp lắm! Bao nhiêu đời chúng ta đã lầm mê, đã đi, đã lang thang trong vòng loay hoay lẩn quẩn ấy. Bây giờ nhờ duyên lành ta gặp được Phật pháp, hãy thắp sáng trí tuệ lên, để con đường đi của mình không mờ mịt, không sa hầm sụp hố, đồng thời chúng ta không làm ảnh hưởng đến những người bạn xung quanh. Thắp sáng được ngọn đèn trí tuệ của mình rồi, thì đi trên con đường thênh thang. Nếu ai đi gần thiếu ánh sáng, họ có thể theo ánh sáng của mình mà đi.

Chúng ta có tỉnh, có tuệ nhất định công phu tu hành sẽ thành công. Dù quí vị không muốn thành công cũng thành công. Như trong kinh Pháp Hoa, Phật nói mấy đứa bé chơi giỡn vùa cát, rồi nói: Đây là Phật tượng, gì gì  Mấy đứa bé này đâu có muốn thành Phật, song Phật vẫn thọ ký, do chủng tử này sau sẽ thành Phật. Tất cả huynh đệ chúng ta đều sẽ thành Phật, đó là điều chắc chắn, nhưng bao lâu tùy ở mỗi người.

 3-Tự ổn định mình.

 Giai đoạn thứ ba là tự ổn định việc của mình. Sự ổn định rất cần thiết trong đời sống, trong tương giao. Chúng ta ổn định việc của chính mình, những va chạm xung quanh sẽ bớt đi. Ổn định thế nào? Tức sau khi đã biết mình là gì, đã đặt định công phu tu hành, thì nên quyết tâm. Thẳng một con đường đi tới, không nói khác, không nhìn khác. Ở Chơn Không và Thường Chiếu, cất thiền thất cho thiền sinh nhập thất, những thiền thất đó không có cửa hậu. Có người trình với Hòa thượng:

- Sao Thầy cất mà không cho làm cửa hậu? Mỗi lần đi ra phải vòng cửa trước!

Hòa thượng đáp:

- Tiến thẳng một bề. Không cho đi ngã sau.

Có khi chúng ta chuồn ngã sau, nên rồi bị mất mình. Bây giờ ổn định, khẳng định, không có sự thay đổi. Chúng ta là con Phật, có khả năng thành Phật, tin chắc chắn như vậy, không gì có thể lay chuyển. Chỉ thời gian mình trở về nhanh hay chậm là tự chúng ta thôi. Đã khẳng tin như thế thì còn gì khác có thể lay chuyển nổi. Chỗ này chúng ta thấy các thiền sư rất hay.

Ngài Văn Hỷ thường đi hành cước, lên Ngũ Đài Sơn, tìm lễ Bồ-tát Văn-thù. Nhưng khi ngài ở trong đạo tràng ngài Ngưỡng Sơn, hôm đó nấu cháo, Ngài đang cầm dầm quậy cháo, trong làn khói bốc lên Bồ-tát Văn-thù hiện. Ngài dùng cái dầm đập nói: Văn-thù là Văn-thù, Văn Hỷ là Văn Hỷ, chỉ nấu cháo thôi, không có việc khác. Đó là gì? Ở đây nói lên mình tin tưởng vào sức mạnh, vào khả năng của mình.

Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật dạy mỗi chúng ta đều có cái Viên trạm thường tính. Tôi dụ nó giống như một khối sáng, được đặt trong ngôi nhà có sáu cửa. Viên trạm thường tính phát sáng ra sáu cửa. Nếu chúng ta là người có trí tuệ, thì từ ánh sáng Viên trạm thường tính, ta nhận trở lại cái Viên trạm thường tính của mình. Trái lại nếu chúng ta là người chưa vững tin, chưa ổn định, chưa thật sự sáng việc của mình, thì từ ánh sáng phát qua cửa, mình phóng ra. Phóng ra là mất mình. Một chút xíu đó thôi, nếu chúng ta nhận được thì có thể cắt đứt dòng hấp dẫn kéo lôi mình từ bao đời.

Có người hỏi:

- Làm sao để cắt đứt được dòng sinh tử luân hồi?

Thiền sư trả lời:

- Nếu biết vọng tưởng kéo lôi, làm cho mình ngược xuôi lăng xăng, cắt đứt nó đi là cắt được vòng sanh tử luân hồi.

Trở lại chúng ta, những tơ tưởng, những niệm khởi, nếu làm chủ được, chúng ta có sức mạnh cắt đứt vòng luân hồi sinh tử. Có gì đâu, đang đi, đang làm, đang nghỉ, đang tiếp khách, đang ăn cơm, đang tụng kinh, đang ngồi thiền…, có niệm nào dấy lên, cắt. Nếu cắt không được thì điểm trán nó: - Bị mày kéo cho nên tao khổ! Bây giờ tao không lầm nữa! Đó là gì? Là con dao đầu tiên đặt định nấc thang đầu trên lộ trình giải thoát sanh tử. Cho nên ổn định là sức mạnh. Nếu không ổn định chúng ta không sống được với tánh giác, cứ chạy ra, cứ sợ sệt, không bao giờ phát huy được tánh giác. Tánh giác là gì? Là khả năng thành Phật, khả năng sáng suốt của chúng ta. Cái đó không ngược xuôi, không mắc mứu, không dính dáng với bất kỳ thứ gì. Nó là bảo châu vô giá của chúng ta, từ lâu mình lỡ bỏ quên, bây giờ nhận lại.

Người con Phật trước nhất phải dùng con mắt tuệ soi thủng mọi vấn đề thì những góc cạnh, những va chạm sẽ không còn nữa. Nếu mỗi người ôm một ý kiến riêng, chấp ý riêng của mình là đúng, nhất định sẽ va chạm. Càng đi sâu, càng tới gần, càng đụng độ. Bởi vì cái thấy của anh như thế, cái thấy của tôi như thế, không hòa đồng được. Chỉ khi nào chúng ta thấy thủng vấn đề, các pháp không cố định, không thật thì không còn gì để tranh cãi. Ngược lại, càng bàn càng đụng, càng nói càng gây, chả tới đâu hết.

Phật nói thân này không thật, các pháp không thật, cảnh duyên không thật, nếu chúng ta sống bằng đúng cái nhìn như vậy thì không có vấn đề gì cả. Còn nếu chưa sống đúng thì càng bàn cãi, càng gay cấn. Gay cấn đến độ hai bên không còn tôn trọng nhau đi đến gây gổ, ấu đả nhau thì càng rối. Tóm lại làm sao thấy được lẽ thật các pháp là mở được con mắt trí tuệ. Chúng ta còn nhớ bài pháp đầu tiên đức Thế Tôn nói là bài Tứ đế. Trong đó Phật đưa ra Khổ đế đầu tiên. Như Lai đưa ra hiện thực ấy để mọi người nhận, từ đó phăng dần đến lý đạo. Nhận được lý đạo rồi chúng ta sẽ bình ổn, mọi phiền não giải trừ, đời sống an vui. Lẽ thật của các pháp là không có gì tồn tại hết. Khi chúng ta nhận như thế rồi, giống như người gánh một gánh nặng để được xuống, nó nhẹ ơi là nhẹ.

Muôn sự muôn vật không có gì tồn tại vĩnh cửu, không có gì không bị đổi thay, không có gì không bị sự chi phối của vô thường. Thân tâm cảnh, tất cả đều bị xoay chuyển. Chúng ta đã không làm chủ chúng thì có gì phải mắc mứu, phải gây với nhau. Khi nhận tới đó rồi, quả thật là gánh nặng được để xuống. Song song với cái khổ, đức Phật còn hướng dẫn cho chúng ta thấy nguyên nhân nào hình thành ra khổ. Đó là điểm phấn khởi nhất khi chúng ta học Phật pháp. Rõ ràng Phật pháp không mị đời, không phải lý thuyết ru ngủ, dẫn chúng ta vào trong chỗ mê mang tăm tối. Mà Phật dùng trí tuệ Bát-nhã chỉ rõ cho chúng ta thấy được lẽ thật, thấy nguyên nhân hình thành tất cả pháp. Thấy tới nơi như Phật là giác ngộ, là giải thoát.  Ngay thân của mình cũng không thật, ôm giữ cái gì? Biết rõ như vậy đâu còn phiền não nữa.

 4- Tinh thần rõ ràng:

 Sau khi chúng ta đã có quá trình tu tập, các giác quan rất tinh nhuệ, sáng suốt. Ở đây tôi nói rõ ràng nghĩa là thường biết rõ ràng, không thể lầm được. Ngay trong lúc chúng ta ngồi thiền hay ở mọi sinh hoạt, nghe rõ ràng, thấy rõ ràng, biết rõ ràng. Ví dụ tôi nhìn phía trước thấy cửa của Phật điện, kế nữa là các Phật tử nam và Phật tử nữ. Rõ ràng, người nam tôi thấy người nam, người nữ tôi thấy người nữ, cây cột tôi thấy cây cột, cành hoa tôi thấy cành hoa, không thể lẫn lộn.

Đây là chỗ yếu lý của việc tu hành. Bởi vì pháp tu của chúng ta là nhận ra được tánh giác thông qua các giác quan, không mắc mứu, không chạy theo, không để những lăng xăng làm mờ đi cái thấy biết chân thật của chính mình. Vị nào ngồi thiền nhắm mắt hoặc lấy bông gòn nhét lỗ tai, đừng thấy đừng nghe gì hết để được định là lầm to. Nghe mà không bị âm thanh dẫn đi, thấy mà không bị sắc tướng làm mất mình, mũi lưỡi tất cả các căn xúc chạm, thường biết rõ ràng, đó là có trí tuệ Bát-nhã. Sống được như vậy thì chận đứng hết vọng tưởng rồi. Sở dĩ chúng ta tu mấy chục năm chưa hết vọng tưởng là vì chạy theo cái thấy, cái nghe. Bây giờ chỉ thấy rõ ràng, không bị các trần cảnh bên ngoài dẫn đi, đó mới là công phu.

Chúng ta còn phàm phu, sống trong sự va chạm thường xuyên, nếu sơ hở một chút là bị lầm. Sơ hở thế nào? Ví dụ như tiếp khách, không tỉnh giác một chút là mình nói sai, quyết định không đúng. Giữa cái cuộc đời thường này mọi thứ xung quanh nó rần rộ nó khoẻ mạnh, nếu chúng ta không có rõ ràng, không có tự chủ thì bị mất mình. Cho nên phải rõ ràng. Mắt thấy rõ ràng, tai nghe rõ ràng. Chúng ta nghe đúng, nói đúng, làm đúng, sắp đặt mọi việc đúng thì không bị sai phạm. Do không sai phạm nên không tổn hại ai, không tổn hại nên không phiền não. Việc tu hành của chúng ta là như vậy, ngay bây giờ, không hẹn, không trông đợi ai cả. Người Phật tử phải gan dạ thấy rõ mình cần tu, cần làm gương cho huynh đệ cùng tu. Nếu chúng ta còn yếu điểm nào, nên cố gắng khắc phục vươn lên. Lúc nào cũng vui vẻ, tinh thần sáng suốt rõ ràng.

Như câu chuyện ngài Huệ Tịch hỏi thầy là ngài Quy Sơn:

- Trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến, phải làm sao?

- Rõ ràng xanh chẳng phải là vàng, dài chẳng phải là ngắn. Các pháp mỗi pháp ở địa vị của nó, không can hệ đến việc của ta.

Câu trả lời này là một bài học, là một pháp tu để chúng ta tu. Tất cả huynh đệ mắt sáng thấy rõ ràng vàng là vàng, xanh là xanh, không cái nào lẫn lộn cái nào. Nhưng tất cả những thứ đó không can hệ đến việc của thiền sư. Đó là việc gì? Là cái Viên trạm thường tính hoặc Bản lai diện mục. Chúng ta có cái đó, sống được với nó, xanh vàng đỏ trắng bên ngoài không can hệ. Rõ ràng như thế. Được vậy ngày giờ nào mình không tu. Cho nên Phật tử đến với đạo tràng là đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhau. Quí vị đến để trao đổi động viên cho các bạn đồng tu cùng nhận, cùng được như mình. Khi nào Phật tử này quên, Phật tử kia nhắc, chúng ta có Phật tánh nha, đừng để phiền não quấy nhiễu.

Đã có Phật tính, chỉ cần nhận và sống lại với Phật tính thì an ổn. Nếu không như thế, chúng ta sẽ bị vô minh vọng động lôi dẫn hoài. Hết vui tới buồn, không lúc nào an ổn. Mặc dù những thứ ấy không can hệ đến Phật tánh, nhưng nếu chúng ta không tỉnh giác thì chúng sẽ làm mình nhọc nhằn, phiền muộn ngay. Người sống mà không bị các duyên cột trói khỏe biết bao nhiêu. Ngược lại, cái nào cũng dính hết thì nhất định ăn không được ngủ không yên. Điều này thiền sư Huệ Hải đã chê, không thể thiền được. Ăn đòi cho ngon, không chịu ăn dở là thiền không được. Tới ngủ còn gác tay lên trán suy nghĩ chuyện này chuyện nọ là thiền không được. Bởi vì thiền là tới giờ ăn thì ăn, tới ngủ thì ngủ. Các pháp như thế, ly nước là ly nước, cây đèn là cây đèn, lọ hoa là lọ hoa, đồng hồ là đồng hồ. Tánh giác của chúng ta không can hệ, dính dáng cái nào hết. Hạnh phúc vô cùng nếu chúng ta sống được như vậy.

Qua lời chỉ giáo của tổ Quy Sơn, ngài Huệ Tịch nhận ra chỗ chân thật không can hệ ấy. Đó là chỗ rõ ràng thường biết, ai cũng sẵn có.

 5- Công phu khẩn thiết và chân chánh.

 Nhà thiền thường nhắc công phu phải khẩn thiết và chân chánh. Có chân chánh mà không khẩn thiết thì cũng chẳng tới đâu. Khẩn là thế nào? Là không thể một nắng mười mưa, không thể đi họp đạo tràng tháng này rồi tháng sau nghỉ, không thể tối nay ngồi thiền rồi khuya ngủ. Công phu phải luôn luôn được hâm nóng, liên tục. Hôm nay như vậy ngày mai cũng như vậy, càng ngày càng tăng lên, không được tuột xuống. Phải thường xuyên hâm nóng tinh thần khẩn thiết. Không nên để một chút dã dượi, lười nhác, xem thường xen vô làm mất thời gian của mình. Chúng ta làm sao bảo đảm được mình có thể khỏe mạnh hoài? Chính những vị bác sĩ giỏi nhất nước cũng không dám nói như thế! Thân này do nhiều thứ hợp lại, một trong những thứ đó không chịu bắt tay, duyên không thuận nữa thì sinh bệnh ngay. Nắng nhiều cũng bệnh, gió nhiều cũng bệnh, lạnh nhiều cũng bệnh,đủ thứ chuyện hết, có gì bảo đảm? Đã không bảo đảm mà mình hẹn là hẹn với ai? Không thể hẹn với ai được hết, cho nên chúng ta phải tự khắc tự hứa nỗ lực tu hành. Tôi nói khẩn thiết là vì thế.

Đã có tinh thần khẩn thiết mà không nắm vững phương pháp, khẩn mà không chánh, thì cái khẩn ấy dẫn chúng ta đi đâu không thể hiểu nổi. Cho nên phải chân chánh, nắm vững phương pháp tu hành. Chủ trương đường lối ta nắm vững, học Phật pháp phải tới nơi. Chúng ta trao đổi, xét nét thật kỹ rồi bắt đầu hạ thủ công phu. Hiểu đúng, làm đúng gọi là hạnh giải tương ưng. Hạnh giải tương ưng là Tổ, chúng ta không phải Tổ mà là con của Tổ, nếu không giống trọn vẹn quí Ngài, ít nhất cũng na ná chớ không thể chẳng có chút gì dính dáng. Có người hỏi tổ Đạt-ma: Thế nào là Tổ? Ngài đáp: Hạnh giải tương ưng là Tổ. Nếu chúng ta hiểu và hành đúng như vậy thì mình là con của Tổ.

Tóm lại, buổi nói chuyện đầu năm cho đạo tràng Tuệ Quang hôm nay, tôi muốn nhắc mấy điều, tất cả quý vị đã học pháp với Hòa thượng lâu rồi, nên làm sao chuẩn bị cho công phu sắp tới tốt hơn. Tự biết mình, tự ổn định, luôn luôn tỉnh sáng rõ ràng, cuối cùng công phu phải khẩn thiết và chân chánh. Được như vậy nhất định quý vị sẽ an lạc, mỗi Phật tử sẽ là những bông hoa thơm ngát thiền vị, mang lại lợi lạc cho mọi người xung quanh, cho cuộc đời.

Đầu năm tôi xin thay mặt Hòa thượng Viện trưởng, gởi đến toàn thể quý vị lời chúc mừng Viên trạm thường tính. Mỗi vị hãy thắp sáng tinh thần tu học khẩn và chánh, để có được nguồn an vui miên viễn.

[ Quay lại ]