headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hướng Tiến Tu Hành

Hôm nay là ngày khai pháp đầu năm tại tổ đình Thiền viện Thường Chiếu. Có một ít Phật tử đến hỏi tôi “bây giờ chúng con phải tu làm sao?” Tôi liền dẫn quí vị ấy ra La Hán Đường, rồi nói “Hôm nay là ngày công tác phổ thỉnh, chúng tôi xin mời các Phật tử cùng đại chúng sinh hoạt, xem đây là một trong những thời khóa tu học. Các vị ấy rất phấn khởi đi theo tôi. Tới nơi, thầy tri sự sắp đặt người trồng cỏ, người chạy nước, người ban đất… làm đủ thứ việc.

Tôi nói “các đạo hữu hãy tham gia đi, đây là giờ sinh hoạt tu học của đại chúng đó”, muốn nói gì lát nữa chúng ta sẽ bàn bạc sau. Quí vị làm việc cùng với đại chúng tới khoảng giữa buổi, chư tăng nghỉ ngơi giải lao một chút, Phật tử vui vẻ trở lại tìm tôi thưa: Thưa thầy, bữa nay chúng con được một bài học sống về pháp tu, nhưng không biết có chín chắn chưa?

Lâu nay chúng ta học thiền, hiểu Phật pháp nhiều, nhưng áp dụng lý thuyết vào đời sống sinh hoạt có kết quả tốt hay không lại là chuyện khác. Một thiền sư Trung Hoa khi có học nhân tới hỏi đại ý Phật pháp, ngài đạp cho một đạp té nhào. Vị tăng ngồi dậy, ngài cười hỏi “nhận ra đại ý Phật pháp chưa?”. Chúng ta làm sao hiểu nổi những bài học như vậy. Nhưng đó lại là cách chỉ dạy triệt để nhất. Thiền sư làm cho chúng ta chết hết những vọng tưởng điên đảo, những suy tư về cái gọi là đại ý Phật pháp. Nếu ngài giải thích đại ý Phật pháp thế này thế kia, chúng ta sẽ mắc kẹt trên ngôn ngữ, hý luận thì càng cách xa Phật pháp.

Tuy nhiên thời buổi của chúng ta ngày nay, không thể áp dụng phương pháp này. Vì thời nay đời sống văn minh, con người chú trọng nhân phẩm, cuộc sống đi theo chiều hướng phát triển của khoa học kỹ thuật, nói năng biện chứng rõ ràng, không thể úp mở khó hiểu hay dùng các hành động lạ lùng mà có thể nhiếp phục được. Nếu chúng ta tu thiền như các ngài hồi xưa, người ta sẽ cho mình điên loạn, xã hội không chấp nhận. Thế là vô tình ta làm mất đi tính khế thời khế cơ, khiến Phật pháp sẽ bị mai một, nói chi đến chuyện làm hưng thịnh dòng giống Phật.

Như vậy bây giờ chúng ta phải tu như thế nào mới nhận ra được diệu lý chân thật, mới cảm thông được   bài thuyết pháp kiểu xưa của Tổ sư. Một thiền sư đặc biệt như Tổ Lâm Tế, đụng tới là hét là đánh. Sau khi ngài ngộ đạo, truyền bá xiển dương tông phong Phật tổ sáng rực. Cho nên có thể nói Tổ Lâm Tế là một nhân vật kiệt liệt, kỳ khu trong nhà thiền. Năm xưa nơi hội tổ Hoàng Bá, ngài Lâm Tế còn là một học tăng, đến thưa hỏi Phật pháp qua sự hướng dẫn của người trưởng huynh là ngài Trần Tôn Túc. Ngài Lâm Tế nghe lời, lên hỏi Hòa thượng đại ý Phật pháp. Ba lần hỏi đều bị ăn gậy cả ba. Trong sử diễn tả hình dáng của ngài Hoàng Bá to lớn, như vậy nếu ngài thẳng tay nện ba gậy thì mệt lắm. Thế nhưng bài pháp trực tiếp giữa hai thầy trò ngài đến nay vẫn còn hiệu lực triệt để. Bởi vì ở đây không cho phép học nhân suy nghĩ. Suy nghĩ tốt cũng không được, suy nghĩ xấu cũng không được, suy nghĩ tới cũng không được, suy nghĩ lui cũng không được. Chạy qua chạy về bốn phương tám hướng, trốn chui trốn nhủi đâu cũng không được, đành phải ăn đòn. Ngay chỗ đó nhận ra được hay không thì tùy mình, ông thầy không bắt buộc.

 Cho tới bây giờ có thể nói ở Việt Nam, thiền Lâm Tế là phái thiền phổ thông và đặc biệt nhất. Do nhân duyên ngộ của thiền sư Lâm Tế cao vút như thế mà tông phong kéo dài đến ngày nay.

Thời đại chúng ta ngày nay không thể dùng những chiêu thức đó. Tuy nhiên nếu chúng ta không nắm được yếu chỉ nhà thiền vốn không nhiều lời, cứ chạy tìm trên danh văn nghĩa cú thì trọn đời cùng cũng không tu được. Phải nhận ra lẽ sống thực ngay nơi mình, căn cứ từ những phương tiện sinh hoạt bình nhật mà xoay trở lại ông Phật thật hằng hữu nơi mỗi chúng ta. Từ cuộc sống, từ mọi điều kiện ngõ ngách, ta có thể nhận lại được chính mình.

Tôi nghĩ quí Phật tử hôm ấy ít nhiều sẽ thầm nhận được điều tôi muốn nói với họ. Thầm nhận rằng tại thiền viện có một sức sống thật, ngoài những cách hành trì theo pháp môn truyền thống nhà Phật. Trong lao động chúng ta có cơ hội để học tập lẫn nhau, đồng thời cũng biểu hiện sức sống tỉnh giác thông qua việc làm của mình. Người ta nói tu là hướng thiện, là hành thiền, nhưng hướng thiện hành thiền như thế nào? Hòa thượng ở đây dạy chúng ta tu hành như thế nào mà biết được vọng tưởng không thật, đừng bị nó sai khiến kéo lôi. Muốn thế, ta phải làm chủ được các dấy niệm. Chỉ vậy thôi. Đối với các dấy niệm chúng ta làm chủ được thì bảo đảm làm chủ được vấn đề sinh tử. Chính những dấy niệm, những vọng tưởng, những so đo tính toán ngược xuôi, đẩy đưa chúng ta đi vào con đường sinh tử.

Trong mọi thời mọi lúc, mọi sinh hoạt, lúc ăn nghỉ, tiếp khách, làm việc, nói năng… ta làm chủ được mình là tu thiền. Chưa làm chủ được thì sao? Thì bị nó kéo đi. Bởi vì nó là một thói quen, nhà Phật gọi là nghiệp. Mà nghiệp thì có sức mạnh. Chúng ta không làm chủ nghiệp thì nó làm chủ lại mình. Cho nên suốt một đời tạo nghiệp, cuối cùng khi mất thức thần sẽ theo nghiệp thọ sanh. Do vậy vừa có dấy niệm là chúng ta lao theo nên mất mình. Nếu tu tập như vậy thì chừng nào mình mới làm chủ được sinh tử, mới đạt đạo? Nói theo danh từ chuyên môn trong nhà Phật chừng nào tâm mình thanh tịnh thì ngộ đạo. Giản dị như vậy. Muốn tâm thanh tịnh thì phải làm chủ các dấy niệm.

Nhiều khi chúng ta làm việc mệt mỏi, muốn ngủ chừng một tiếng đồng hồ để lấy lại sức khỏe, nhưng dễ gì. Nếu trước khi ngủ mình còn ưu tư, chuẩn bị một việc gì đó thì sẽ bị mất ngủ hoặc ngủ chập chờn với bao nhiêu việc trong mộng. Cho nên lúc thức hay ngủ, luôn luôn mình thấy mất sức khỏe. Thiền sư thì không như vậy, các ngài nói ăn là ăn, ngủ là ngủ. Do vậy các ngài dám trả lời một cách dứt khoát: “Thiền là gì?” Đói ăn mệt ngủ. Bởi vì các ngài khi ăn chỉ ăn, khi ngủ chỉ ngủ. Còn chúng ta ăn không ra ăn, ngủ không ra ngủ, trong đầu vướng bận trăm công ngàn việc. Sở dĩ ta dễ giận, dễ vui, dễ buồn là do bị động nhiều quá. Bao giờ mình đừng bị động nữa thì mới an ổn.

Có những vị còn rất trẻ nhưng muốn ngủ được phải uống thuốc, nghĩa là họ bị động quá nhiều. Bị động như vậy mà bảo thanh tịnh, bảo yên làm sao yên được. Sự sắp đặt công việc hằng ngày với những giao tế chung quanh càng nhiều chừng nào thì bị động càng lớn chừng ấy. Lúc quí vị làm phó giám đốc thì cái động trong phạm vi của phó giám đốc. Khi quí vị làm giám đốc, tổng giám đốc hoặc làm chức lớn hơn nữa thì cái động lớn bằng chức danh của quí vị. Như vậy bảo thanh tịnh, bình yên sao được. Do chỗ này mà có người tu Phật trải qua nhiều năm không thấy tiến bộ. Bởi vì họ nuôi dưỡng từng đoàn vọng tưởng, cả trời vọng tưởng nên dù tu học Phật pháp nhiều đạo tràng, nghe nhiều vị thiền sư giảng dạy nhưng cuối cùng trớt lớt hết.

Có nhiều buổi khuya tôi thức dậy, ngồi nhìn đồng hồ điện tử chớp, để xem hồi kiểng của đại chúng có ăn khớp với đồng hồ không? Kim chỉ giây chớp từng giây từng giây, tôi thấy nhanh quá. Rồi nghĩ đến hơi thở mỏi mòn của mình cũng nhanh như vậy. Cho nên người xưa nói: Có khi lên giường nghỉ, rút chân lên chưa chắc sáng mai còn có cơ hội thả chân xuống. Thật là cái thấy đáo để. Trở lại đời sống tu tập hằng ngày của chúng ta cũng vậy đó. Làm sao ta tranh thủ từng phút giây làm chủ với vô thường. Chúng ta phải làm chủ cho được những thứ tầm thường, những niệm loạn động, những nghiệp tập kéo lôi mình đi trong trầm luân sanh tử. Công tác hằng ngày không nhất thiết phải một thứ. Bữa quét rác, bữa tưới cây, bữa dâng hương cho Phật, bữa rửa chén, bữa nấu cơm… ta luân phiên làm trong tỉnh giác. Trong tất cả các thời, mọi sinh hoạt, phải làm chủ đừng để các niệm xen vô lôi dẫn ta đi. Việc này phải tập, tập lâu lắm mới quen, chứ không phải dễ đâu.

Chính bản thân chúng tôi trong những ngày đầu ở núi với Hòa thượng đã tập như vậy. Quí vị thử tưởng tượng, thời hai mươi mấy tuổi đi học bằng xe hai bánh, chạy rong chạy rêu dưới phố, nay hẹn nhóm này, mai tới nhóm kia, nó điên đảo lăng xăng cở nào. Nhưng lên núi rồi thì cột trâu lại, tất cả chuyện trần gian trả lại hết. Con trâu ăn cỏ ở đây, sống ở đây, không cho đi đâu. Chuyện nghe bình thường nhưng phải tập ba bốn năm trời, mới cột được chút chút. Đó là những chia xẻ rất thật của chúng tôi.

Nói đến vấn đề hướng thiện và tu thiền, thật ra nó giản dị vô cùng. Từ khi Hòa thượng thành lập thiền viện Thường Chiếu cho tới bây giờ, chưa lần nào Ngài đứng ra tổ chức, kêu gọi Phật tử đi hành hương. Hòa thượng nói chúng ta giản dị bớt về mặt hình thức để Phật tử có thời gian tu. Như chư tăng ở đây sáng mai thức dậy ai nấy đều lo quét dọn. Quét dọn có hai mặt: một mặt là quét dọn đạo tràng, sái tịnh trang nghiêm, một mặt nữa là quét dọn những cặn bã trong lòng mình, hốt đi hết. Một việc làm bình thường như vậy, nếu ai thâm ngộ thâm đắc thì vào cửa được. Đó là một pháp sống. Do vậy người xưa không nói dạy thiền, không nói tu thiền, chỉ ngay trong việc làm nhận lấy.

 Người xưa dạy sáng mai quét rác, trong lòng thầm nghĩ:

Cần tảo già lam địa,

Thời thời phước huệ sanh,

Nhược vô tân khách chí,

Tất hữu thánh nhân hành.

 Dịch:

             Siêng năng quét đất Phật,

Phước huệ thường thường sanh,

Nếu không có khách viếng,

Cũng có thánh nhân đi.

 Trong lòng chỉ duy nhất như vậy, không gì khác hơn. Không bồn chồn, không nghĩ ngợi, không toan tính, chỉ thế thôi. Biết chắc với một niềm tin vững vàng, việc làm của mình ngay bây giờ trang nghiêm thanh tịnh. Người được như vậy quả thật là người sống có lý tưởng. Thật ra người tu là người sống có lý tưởng, chứ không phải không có lý tưởng. Lý tưởng, sức sống ấy ấp ủ bên trong, người ngoài không thấy biết. Như tôi lên Trúc Lâm, chư tăng trên đó sinh hoạt khác hơn dưới này. Buổi sáng làm việc ngoài ngoại viện sớm hơn giờ ăn sáng, vì tránh lúc khách đến viếng đông. Có hôm trời lạnh xuống sáu độ, nhưng các thầy vẫn tự nhiên chạy ra sân, vừa hít hà, vừa quét dọn v.v.. làm các công việc với tính cách hồn nhiên, nhanh nhẹn, vui vẻ. Làm xong, chư tăng vào nội viện đóng cổng lại, không tiếp duyên bên ngoài. Chúng ta thấy quí thầy sống dường như thầm lặng ẩn mình, nhưng thật ra họ rất có lý tưởng. Phải có lý tưởng mới duy trì một đời sống như thế lâu dài được.

Ở thiền viện Thường Chiếu cũng vậy, tôi luôn nhắc nhở huynh đệ bớt tiếp duyên. Ai có phận sự mới ra ngoài, không phận sự gì thì ở yên một chỗ lo tu hành, nuôi dưỡng chí nguyện của mình. Đây là điều rất hệ trọng, phải chỉnh đốn nhắc nhở anh em thường xuyên. Nếu không họ sẽ quên mất mục đích xuất gia của mình. Chỉ một việc nhỏ thôi, chúng ta thấy đã khó làm rồi. Đó là việc gì? Như mình muốn đi đâu thì tự quở “đừng đi”. Vừa nghĩ muốn ra nhà khách liền tự hỏi “ra nhà khách làm gì?” Nếu thấy không cần thiết thì không đi. Một niệm dấy lên, mình dừng được là thành công. Bây giờ quí vị khởi niệm ra khỏi cổng chùa, đi chợ Phước Thái hoặc chạy ra xóm, vừa khởi niệm liền dừng, nói không cần thiết, quí vị sẽ yên. Chúng ta cố gắng vận dụng trí tuệ để cắt bớt những dây mơ rễ má, những dấy niệm, những vọng động, mai ra mới làm chủ được. Nếu không ta sẽ bị những dấy động dẫn đi hoài, không biết tới bao giờ mới dừng.

Những khi quí thầy bệnh thường hay nhớ nhà, nhớ ba má, nhớ anh chị… đó là tâm trạng chung của những người bệnh. Khi một niệm nhớ nhà dấy lên, thế là quí vị chạy tuốt về quê. Nào là vọng tưởng con đường đất đỏ xe chạy lọc cọc. Tới nhà má mình ra đón, rót nước, dọn cơm, ân cần thăm hỏi từng chút. Sẵn đó nhớ lui về dĩ vãng, hồi nhỏ mình đi học, nửa chừng trốn chạy về nhà đeo theo má. Bà già phải nắm tay dẫn vô trường, mình không chịu đi vùng vằng la khóc om sòm. Thế là má mua cho mấy cái bánh trám kín miệng lại. Mình mắc ăn bánh, quên khóc và cũng không hay má đã nắm tay giao cho cô giáo… thôi, nhớ đủ thứ. Vì thế mỗi lần bệnh lại muốn về nhà hoặc trông người thân lên thăm. Bệnh thân đã nhọc cọng thêm bệnh tâm nữa, thành ra yếu đuối quá sức.

Ở thiền viện có nhiều huynh đệ, nhưng khi bệnh mình chỉ nghĩ nghĩ đến người thân ở nhà. Lạ vậy! Vì thế tôi thường nhắc huynh đệ: trong viện, một trăm tám chục thầy, cho như một trăm thầy ghét mình thì cũng có tám chục thầy không ghét. Mình nhờ họ cạo gió họ cạo gió, nhờ họ lấy nước họ lấy nước, nhờ việc gì họ cũng sẵn sàng hết. Chẳng những nhờ mà đó nguyên tắc sắp đặt của thiền viện, cớ gì mình lại trông mong, dấy niệm phóng ra ngoài. Nhưng thật ra thói quen ấy nhất thời bỏ không dễ đâu. Bệnh xuống là nhớ má nhớ ba, nhớ chị nhớ em, nhớ quê nhà. Bây giờ muốn quên cũng phải có công phu. Những dây mơ rễ má như vậy, mình cắt đứt may ra cái hướng thiện, việc hành thiền mới vững. Nếu không sự tu hành của chúng ta sẽ chẳng đi tới đâu.

Những điều này chúng ta phải bảo vệ, chia sẻ và nhắc nhở nhau thường xuyên. Huynh đệ cố gắng làm chủ các vọng tưởng, các dấy niệm của mình thì hy vọng làm chủ được sinh tử. Từ đây về sau, dù huynh đệ có bị hoàn cảnh hoán chuyển, người phương trời này, kẻ góc biển nọ, chúng ta nhớ lời nhắc nhở của huynh đệ, nhớ pháp Hòa thượng chỉ dạy. Ai làm chủ được dấy niệm, người đó làm chủ được sinh tử. Làm chủ được sinh tử thì ở đâu cũng tự tại, kể cả trong địa ngục. Ở địa ngục vì mình tình nguyện vô đó nói chuyện với quỷ sứ, chứ không ai nói chuyện với mấy ổng hết. Hoặc ở trong bất cứ đường nào trong lục đạo, người làm chủ được vọng tưởng là đủ sức nói chuyện với những vị lãnh đạo trong đó. Vì vậy bây giờ huynh đệ chúng ta quyết tâm làm chủ cho được những dấy niệm.

Kinh nghiệm bản thân chúng tôi thấy, như sáng mai thức dậy ta lo làm những công việc bình thường của mình. Thức dậy rửa mặt, kiếm bình thủy chế ly nước trà, hớp vài ngụm, hít hà này kia rồi mặc ăo tràng lên thiền đường. Đó là con đường đi chung. Lên thiền đường thì phải im lặng, không ai nói gì với ai hết, mỗi người tự tu tự tỉnh. Việc làm ấy thành thói quen rồi, không cần ai nhắc nhở. Chỗ của mình đã có, bồ đoàn tọa cụ đã sẵn, lên đó sửa soạn ngồi ngay ngắn, trong vòng 15 phút thôi là vô khuôn vô nếp hết. Ông già ngồi trên bàn ngó xuống trợn mắt cũng không nói gì, dưới này hàng trăm ông nhỏ ngồi ngó lên cũng không dám hó hé. Chỉ một thầy vác thiền bảng đi, thấy ông nào ngồi không yên là đập, ông nào ngồi cong là kê thiền bảng vào, mình biết ngồi cong thì kéo lại. Làm theo thói quen như vậy, cũng phải trải qua một thời gian tu tập.

Thật ra chỗ này mất thời gian lắm. Có vị tới giờ lên thiền đường lại không muốn lên. Chung bảng đã đánh, luật đã định, nếu có bệnh duyên thì phải xin phép. Do vậy có người tới thưa “Bạch Thầy, bữa nay con bệnh quá, xin được ở dưới”. Ông thầy không nói gì hết, nhưng con mắt ngó sửng “Bệnh thiệt không đó!” Thế là một lát đi kiểm tra, bệnh thiệt thì thông qua, còn vì ham trùm mền ngủ là không được. Trong thanh quy có quy tắc đàng hoàng mới trị nổi mấy tay làm biếng. Thật ra vì chúng ta còn dở, còn yếu nên phải sử dụng những phương tiện như vậy. Nếu còn dấy niệm, còn ỷ lại tha lực bên ngoài là chúng ta còn yếu, chưa tự quyết. Bây giờ ta phải cố gắng giữ được chủ lực mới vào được bước thứ nhất.

Kế nữa, người tu phải chuyển hóa và thực hiện tất cả những công đức. Chuyển hóa như thế nào? Chúng ta thẳng thắn đi vào nề nếp tu học. Nếu tu mà chỉ ngồi nói thì dù tụng nửa ngày cũng chẳng dính vào đâu. Tâm vọng động là bóng dáng của các trần cảnh bên ngoài, nó chưa phải thực tâm, nên lén lút làm đủ thứ chuyện, chúng ta chưa kiểm soát được. Chừng nào sống được với chân tâm ta mới kiểm soát, làm chủ nó dễ dàng. Như thế là chuyển hóa trọn vẹn vọng tâm, tu tạo tất cả công đức lành.

Ngày xưa, trong sinh hoạt của đức Phật, ngài cũng có giờ nằm nghỉ, giờ tiếp chư tăng từ các nơi về thăm viếng, giờ pháp thoại… Giờ giấc của ngài thành thời khóa đặc biệt như vậy, không ai dám xen vô. Bây giờ chúng ta thấy Hòa thượng ân sư cũng có giờ. Ví dụ Phật tử lên thăm ngài nhằm khoảng 12 giờ trưa,vị tri khách của Thiền viện báo giờ này là giờ nghỉ của Hòa thượng, quí vị vui lòng đợi tới giờ thức chúng mới thăm được. Hoặc buổi sáng khoảng 7 giờ, quí vị muốn trình Hòa thượng việc gì, vị tri khách hướng dẫn cũng báo giờ này Hòa thượng còn đang chống gậy đi bên ngoài các công trình, để hướng dẫn công việc cho chư tăng. Khoảng tám giờ ngài mới về thất, quí vị đến đó thưa hỏi v.v.. Những công việc bình thường, ta cũng nên bắt chước các ngài, sắp xếp có thời khóa giờ giấc đàng hoàng. Giờ nào việc đó. Đây cũng là pháp tu.

Nhiều Phật tử phàn nàn chúng con nhiều việc quá tu không được. Hòa thượng vui vẻ nói “ngày xưa vua Trần Nhân Tông công việc hơn chúng ta gấp trăm ngàn lần mà còn tu được”. Quí vị đọc câu chuyện nửa ngày của Thái Thượng Hoàng sẽ thấy Ngài làm việc nửa ngày tu nửa ngày, đều đặn như vậy, không sót mất một thời khóa nào. Bây giờ chúng ta cũng bắt đầu như vậy đi. Vua Trần ngày xưa khi giao ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, ngài làm Thái Thượng Hoàng, nghĩa là vẫn còn nhiếp chính. Do vậy có lần ngài về triều đột xuất, vua Anh Tông không biết trước. Đêm đó nhà vua uống rượu quá chén, sáng ngủ say không hay vua cha hồi triều, mà quần thần chẳng ai dám gọi dậy, do đó vua không ra nghinh tiếp.

Thái Thượng Hoàng biết chuyện, không nói không rằng bỏ đi thẳng về phủ Thiên Trường triệu tập bá quan về chầu tại đó. Khi tỉnh rượu, Anh Tông hay ra cớ sự, thất kinh hồn vía, chạy ra trước sân rồng, thấy một thư sinh còn đứng đó. Nhà vua gọi vào viết một tờ tấu chương xin sám hối vua cha. Rồi hai vua tôi dong thuyền suốt đêm đuổi theo Thái Thượng Hoàng. Đến sáng, vua Anh Tông quỳ sẵn nơi tiền sảnh, xin được dâng biểu vua cha. Ngài Nhân Tông không thèm ngó tới. Vua quỳ suốt như vậy cả buổi, không dám nhúc nhích. Bá quan nóng ruột, tất cả đều quỳ mọp thỉnh cầu Thượng Hoàng Nhân Tông xá tội cho vua con. Sau khi đọc xong tờ biểu, thấy lời lẽ phải đạo, văn từ trôi chảy, ý tứ sâu lắng, vua cha mới chịu tha, nhưng bố cho vua con một trận ra trò. Vua Trần Nhân Tông dạy con nghiêm chỉnh nổi tiếng trong lịch sử nước ta đến thế. Nhờ vậy triều đại nhà Trần tồn tại lâu dài và vua tôi đều nổi tiếng vua hiền tôi sáng đến bây giờ. Lịch sử nước ta luôn xem Trần triều là chuẩn mực một thời hưng thịnh của nước nhà, lấy đây làm tấm gương soi chung cho các thế hệ mai sau.

Bây giờ chúng ta tu tập là chuyển hóa nghiệp, làm chủ nó. Người tu thiền không ỷ lại, không trông chờ, cố gắng tự chuyển hóa và làm tròn bổn phận của mình bằng tất cả tâm thành. Như lúc xưa, khi mới về đây chúng tôi cũng bôn ba đi cuốc, đi cày với đại chúng, bây giờ không làm nổi nữa. Không làm nổi chẳng lẽ đi ngủ, phải thành tâm góp sức, bằng cách chỉ đạo hướng dẫn việc làm cho anh em, đồng lao cộng khổ với chư tăng. Người xưa hay nói “chịu đấm mới được ăn xôi”, ai không chịu đấm nổi thì khỏi ăn xôi, không chịu cực làm sao tu. Công việc nào cũng phải chịu khó mới thành tựu, huống là việc tu cầu giác ngộ giải thoát. Trong sự tu hành chúng ta chân thành, sắp xếp công việc hằng ngày thế nào để không mất thì giờ tu. Như vậy từ từ sẽ yên.

Hôm nay buổi khai pháp đầu năm, tôi trình bày vài phương tiện nhỏ trong việc tu hành để tất cả chúng ta, bắt đầu công phu tu hành bằng tâm chân thành của mình. Điểm quan trọng chúng tôi muốn nói  là người tu phải làm chủ được các dấy niệm của mình mới làm chủ được sinh tử. Đó là đỉnh cao, là lý tưởng trong đời tu của chúng ta. Rất mong Tăng Ni cũng như Phật tử, chúng ta đều năng nổ thực hiện cho được lý tưởng ấy ngay trong đời này. Có thế ta mới thật sự nếm được pháp vị an lạc, giải quyết việc sinh tử của mình.

[ Quay lại ]