headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 27/11/2024 - Ngày 27 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Ghi nhận Công Phu Ngày Đầu Năm

Thích Nhật Quang  

Hôm nay là ngày kỷ niệm đức Phật Di Lặc, đức Phật tương lai giáng sinh. Trước khi nói đến phần đạo lý nhân ngày đầu năm, chúng tôi nói sơ lược về danh hạnh của Bồ-tát Di Lặc. Tất cả chúng ta đều biết Bồ-tát Di Lặc có thân hình mạnh khỏe, bụng to, miệng cười toe toét.

Ý nghĩa chữ Di Lặc là đại hoan hỷ hay là đại từ bi. Tiếng Phạn là Maitreya, âm Hán là Mai Đát Lệ Da Bồ-tát hay Mê Để Cửu Bồ-tát, Di Để Lễ Bồ-tát. Việt dịch là Bồ-tát Từ Thị. Bồ-tát Từ Thị cũng chính là Bồ-tát Di Lặc.

Bồ-tát xuất thân từ gia đình Bà La Môn, là một trong bốn giai cấp ở Ấn Độ thời xưa. Về sau Ngài quay về với Phật pháp, làm đệ tử Phật. Ngài nhập diệt trước Phật. Dùng thân Bồ-tát trụ cõi Đâu Suất và giáo hoá trên cõi trời này. Trong thời tu nhân Ngài đã phát nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh và không ăn thịt tất cả chúng sanh. Lời nguyện nghe thông thường nhưng khó thực hiện.

Chúng ta cũng phát nguyện giữ giới không ăn thịt hay không giết hại chúng sanh. Các vị đại Bồ-tát, các vị cổ Phật trong thời tu nhân xa xưa, cũng phát nguyện như vậy. Có điều các Ngài giữ trọn vẹn, nên thành tựu Bồ-tát, Phật vị. Còn chúng ta giữ chưa trọn vẹn nên chúng ta chưa thành Bồ-tát, thành Phật. Nếu chúng ta gìn giữ trọn vẹn, đầy đủ thì chúng ta cũng là những vị Bồ-tát hay những vị Phật tương lai.

Vì hạnh nguyện như vậy nên Ngài được tôn xưng là Từ Thị. Chữ Từ là thương tất cả chúng sanh. Tâm đại từ là một trong bốn tâm lớn Từ, Bi, Hỷ, Xả mà các vị đại Bồ-tát thường áp dụng tu hành. Thời tu nhân, Bồ-tát tu hạnh Đại thừa, phát nguyện không ăn thịt chúng sanh và được tôn xưng là Từ Thị, là vị Bồ-tát có lòng từ đối với tất cả chúng sanh.

Nhiều khi chúng ta cứ tưởng tượng hồi xưa chư Phật, chư Bồ-tát có phương pháp tu đặc biệt, độc đáo mà chúng ta không có, không hiểu. Nhưng không ngờ cũng từ những pháp tu đó mà các Ngài thực hành với tâm chắc thực, khẳng quyết cho nên các Ngài thành công. Chúng ta cũng phát tâm nhưng không có ý chí lâu bền liên tục, nên thành công không viên mãn. Từ chỗ khuyết này, chúng ta biết và cố gắng khắc phục để việc tu học được viên mãn. Dù tu pháp nào nếu có đầy đủ ý chí, có tâm khẳng quyết thì chắc chắn sẽ thành công. Trái lại nếu hiểu tất cả phương pháp Phật dạy, công án tu hành của các đời Tổ sư, nhưng không kiên tâm trì chí thì sự tu học cũng không tới đâu.

Bồ-tát Di Lặc được đức Phật Thích Ca Mâu Ni thọ ký sẽ thay đức Phật Thích Ca giáo hóa chúng sanh trong cõi Ta Bà trong đời đương lai. Cho nên Ngài thường được tôn xưng là Đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật. Tức vị Phật tương lai hiệu Di Lặc. Gần đây có những vị giảng về hội Long Hoa, khuyến khích người ta tu mau kẻo trễ v.v… Nhưng thật ra họ không hiểu gì về Phật Di Lặc cả, không biết hội Long Hoa ra đời vào lúc nào ở đâu v.v…

Đức Phật Thích Ca huyền ký vào thời kỳ con người sống lâu đến bốn ngàn tuổi thì Bồ-tát Di Lặc mới ra đời, chớ không phải một hai năm nữa tận thế. Thái dương hệ hay tam thiên đại thiên thế giới này có các thời kỳ sinh, trụ, hoại, diệt hay thành, trụ, hoại, không.

Người tu Phật không sợ tận thế mà chỉ sợ không làm chủ được mình, gây tạo những nhân ác. Bất cứ lúc nào, trong mọi sinh hoạt mà không làm chủ được để nghiệp dẫn lôi, gây nhân bất hảo thì đó là điều đáng sợ. Bởi vì gây nhân xấu thì cảm quả xấu. Nhân xấu quả xấu cứ nối nhau liên tục như vậy, thì chừng nào chúng ta mới được an lạc. Người tu Phật phải luôn luôn bình tĩnh đối với các cảnh duyên. Đã không gây nhân bất hảo thì không sợ quả báo xấu. Dù sống ở cảnh giới nào, nếu là người đầy đủ phúc duyên thì những cảnh giới xấu cũng không ảnh hưởng đến chúng ta.
Năm 1968 tức năm Mậu Thân, tôi từ Huệ Nghiêm về Thủ Đức. Trong nước đang có chiến tranh. Hòa thượng dạy, học rồi thì mấy thầy về lo phụ việc trong chùa. Nghe lời Thầy, tôi về chùa phụ lo các việc. Song song với tôi, có một huynh đệ lớn tuổi hơn, thầy lên Lái Thiêu lãnh chùa. Từ chợ phải qua sông mới tới chùa của thầy. Chùa này rất lý tưởng, có vườn cây trái, phía trước có sông lớn. Nhưng vùng đó lại là vùng mất an ninh.

Ban đêm máy bay trực thăng bắn, có một gia đình Phật tử chui xuống hầm, nhưng chẳng may luồng đạn bắn vô hầm làm chết hết, chỉ còn một đứa bé. Đứa bé được đem đến cho người huynh đệ tôi, thầy đặt tên nó là Phước. Ông rất cưng, Phật tử biết cũng đem thức ăn cho. Khuya thầy thức dậy tu thì nó cũng bò dậy hoe hoe. Thầy uống một ly cà phê, nó cũng uống một ly cà phê. Tôi nói thầy dạy đệ tử kiểu này thì không khá. Lớn lên nó quậy thiệt. Những năm sau tôi về núi, không biết bây giờ chú bé đó lưu lạc ở đâu.

Có phước như vậy, nhưng không có duyên để huấn luyện, uốn nắn theo hướng tốt thì phước chuyển thành họa. Ví dụ như gia đình giàu có mà cha mẹ giáo dục con không được ngay từ nhỏ, thì lớn lên sẽ bị hư hỏng, tiêu tan sự sản. Chú bé này có phước nên cả gia đình chết hết mà chú vẫn còn sống khỏe mạnh, nhưng vì thầy quá cưng chiều nên làm hỏng chú. Người ta nói một là có phước không nên hưởng hết, hai là phước không đến lần thứ hai, thứ ba. Đó là điều mà người Phật tử phải biết để tu tập, tạo duyên cho phước tăng trưởng theo hướng tốt.

Ví dụ như chúng ta có phước gặp Phật pháp, phát tâm tu hành và không bị sự cản trở nào cả. Chúng ta không phải là người thiếu nợ, hết cơm gạo hay mất mát điều gì. Trong khi đó, có những người cùng chung huyết thống, hoặc chung hoàn cảnh lại không được như chúng ta. Bởi vì họ thiếu phước, không có duyên với đạo. Họ tạo vô vàn nghiệp, phần nhiều trong lúc không bình tĩnh, sáng suốt. Đã tạo nghiệp không tốt thì phải chiêu cảm quả báo không tốt. Quả thực, từ chỗ tương đối có những thuận lợi mà không tỉnh, không đủ duyên thì đi dần vào chỗ bị ràng buộc, mất ánh sáng để rồi tăm tối. Trong kinh nói đó là hạng người đi từ sáng vào tối.

Còn người được tu hành đàng hoàng, thuận duyên là từ sáng đi vào sáng hoặc từ tối đi vào sáng, không phải từ sáng vào tối hoặc từ tối vào tối. Cho nên nói người đó có phúc duyên. Từ phúc duyên ấy lại phát huy thêm những chủng tử lành, thì việc tu học ngày càng thêm tiến.

Pháp tu của Bồ-tát Di Lặc là lòng thương đối với tất cả chúng sanh. Nếu chúng ta chưa phát huy lòng thương đó đến tột cùng, thì bây giờ bắt đầu phát huy, tu tập cho hoàn chỉnh pháp tu này. Không nỡ ăn thịt chúng sanh, là pháp mà Bồ-tát Di Lặc đã tu thành tựu. Chúng ta nỗ lực phát huy, hành trì. Trong mọi sinh hoạt hằng ngày, trong từng phút giây cố gắng thực hiện cho được tâm đó. Như vậy chúng ta sẽ thành tựu được hạnh đại từ đại bi, sẽ được danh xưng như Bồ-tát Di Lặc. Đó là tinh thần tu hành của đạo Phật.

Tôi dẫn bài kệ của Thiền sư Tuyệt Chiếu hiệu Duy Công. Bài kệ này là một bài Tự thán. Tự thán nghĩa là tự than. Ngài tự than mặc dù mình nỗ lực công phu nhưng chưa đạt được an lạc, chưa làm chủ hoàn toàn đối với các cảnh duyên. Cảm nhận như vậy nên Ngài ghi lại lời này để tự gắng nỗ lực, thực hiện cho kỳ được sở nguyện của mình. Bài kệ như thế này:

                    Công phu vị đáo phương viên địa

                    Kỷ độ bằng lan độc tự sầu

                    Kim nhật thị tam minh nhật tứ

                    Tuyết sương dung dị thượng nhơn đầu.

Tạm dịch:

                    Công phu chưa đến chỗ vuông tròn

                    Hằng tựa lan can luống lo âu

                    Hôm nay là ba mai lại bốn

                    Tuyết sương dễ đến phủ trên đầu.

Lời than này gần gũi, hợp tình hợp cảnh với chúng ta. Ngài than công phu của mình chưa đến được chỗ an toàn, gọi là phương viên địa. Cho nên bao nhiêu lần đứng tựa lan can lo sầu, sợ cho chính mình. Những lúc ra ngoài, khi ngồi một mình, hay phải đối diện với công việc gì đó mà nhớ đến công phu chưa được hoàn bị thì luôn luôn bất an, lo lắng. Đọc câu này chúng ta thấy hiện rõ ràng tâm trạng của chúng ta.

Thử một hôm nào, nếu chúng ta có bệnh tật hoặc ăn ngủ không yên, tụng kinh không được, ngồi thiền không ổn, không có sự an lạc. Lúc nào đó mình mới soi rọi lại, rồi chạnh thương cho mình. Tuổi đã lớn, thân thể nay đau mai yếu, việc tu hành không có sự phấn chấn. Phật pháp sờ sờ ra đó mà tu hoài không thành công. Nghĩ mà thương mình. Lại thêm bệnh tuy nhẹ mà thuốc men không đầy đủ, không gặp thầy, không hết được thì bệnh nặng. Nếu không đủ duyên nữa thì chết. Trình tự của nó là như vậy. Không ai có năng lực gì có thể cản ngăn được luật vô thường cả. Bởi vậy nhớ đến thân phận, sự tu học của mình mà chạnh thương mình. Vì vậy Hòa thượng thường dạy chúng ta, các vị phải tự thương mình mà nỗ lực tu hành.

Bao nhiêu lần Ngài đứng tựa lan can, riêng một mình sầu lo. Vì ngày nay là ba, mai lại bốn. Nghĩa là ngày hôm nay là mùng một thì ngày mai là mùng hai, chứ không thể hôm nay là mùng một mà ngày mai quay trở lại ba mươi được. Hết mùng một thì mùng hai, mùng ba, mùng bốn v.v… Năm nay mình năm mươi ba tuổi, năm tới là năm mươi bốn, năm mươi lăm tuổi v.v… cho đến chết, không dừng được.

Thử nghiệm xem mình mừng xuân, mừng tuổi có đúng như vậy không ? Tu hành không có kết quả lợi lạc, trong lòng bất an, thời gian cứ chồng chất thì thật là đáng sợ. Như vậy thì mừng vui ở chỗ nào ? Mình phải lo sợ, phải thương mình. Thời gian cứ tiếp nối mãi, không dừng cũng không đi ngược lại. Đó là luật vô thường. Chúng ta tu mà không tỉnh, không sáng, không làm chủ được thì vô thường chụp lấy chúng ta. Rồi theo đó tạo nghiệp, chịu khổ, lẩn quẩn trong vòng luân hồi sanh tử.

Chỉ khi nào chúng ta tỉnh sáng, làm chủ được, sống được với cái bất sanh bất diệt thì dù cho luân hồi có xoay chuyển cỡ nào chúng ta cũng an được. Cho nên nói Hôm nay là ba mai lại bốn, tuyết sương dễ đến phủ trên đầu. Tuyết sương là những bụi bặm hay tóc bạc báo hiệu cho sự già yếu của mình.

Tóm lại đây là lời của một vị Thiền sư trong giai đoạn tu hành chưa xong việc, than cho thân phận của mình. Ngày hôm nay tu không có kết quả, không được lợi lạc, ngày ngày cứ qua suông như vậy và cái già phủ lên đầu mình. Cuộc sống suy giảm rồi già bệnh chết, đó là khổ.

Lời ghi này đối với công phu tu hành như huynh đệ chúng ta, là lời nhắc nhở rất cần thiết, rất hay, rất thấm trong ngày đầu năm. Vì vậy tôi dẫn ra để tự tôi phải học thuộc nó. Chúng ta không thể nào giữ được những gì mình mong muốn cả. Mình muốn cho mình luôn được khỏe mạnh nhưng thử hỏi có thể giữ được không ? Rất khó, bữa nay giữ được nhưng nếu ngày hôm sau bệnh thì công phu cũng theo đó mà suy giảm. Vì vậy đọc bài thơ Tự thán của vị Thiền sư này tôi thấy thật là hay.

Kế đến tôi dẫn bài kệ của Thiền sư Tiếu Ẩn, Ngài có công phu tu hành đắc lực, để chúng ta theo đó mà phấn đấu.

                    Kim cang chánh thể hiện rõ ràng

                    Cảnh vật muôn vàn Bát-nhã quang

                    Bặt lối lại qua đương niệm thoát

                    Âm dương đất trống lý toàn bày

                    Gáy sáng gà cây trong nẻo vắng

                    Mừng xuân gái đá ra động phòng

                    Đáy hồ rồng vẫy vui vô hạn

                    Đưa tiễn gió xuân một lò trầm.

Ngài tu hành đắc lực nên phấn khởi trong lời ghi lại cho chúng ta. Kim cang chánh thể hiện rõ ràng, cảnh vật muôn vàn Bát-nhã quang. Nghĩa là Ngài đã làm chủ hoàn toàn cho nên lúc nào Kim cang chánh thể cũng hiện bày. Trí tuệ Bát-nhã luôn soi sáng, mọi hiện tượng chung quanh không làm gì được Ngài nữa.

Bặt lối lại qua đương niệm thoát, âm dương đất trống lý toàn bày. Nghĩa là tất cả những dấy niệm Ngài đều làm chủ được hết. Công phu này gần gũi với chúng ta lắm. Không nói là được an lạc hay thành tựu pháp thân hoặc giải thoát thanh tịnh gì hết, mà chỉ nói mọi dấy niệm đều làm chủ được. Chính Hòa thượng đinh ninh dạy rõ chúng ta về điểm này. Làm sao chúng ta làm chủ được các dấy niệm của mình. Đi đứng nằm ngồi, trong mọi sinh hoạt, có niệm nào dấy khởi, mình làm chủ được không để nó kéo lôi. Như vậy rất là thích thú. Tu bình thường thôi, lúc ăn, khi làm công tác, tụng kinh, ngồi thiền, đọc sách, tiếp khách lúc nào cũng làm chủ được. Được vậy thì trí Bát-nhã thường sáng suốt hay chánh thể Kim cang hiện bày.

Gáy sáng gà cây trong nẻo vắng, là con gà bằng gỗ mà gáy vào buổi sáng. Thử xem xưa nay có con gà bằng gỗ nào mà gáy được không. Nếu gáy được và gáy ở chỗ không có người nào hết thì có tác dụng gì đâu. Giả dụ như bây giờ trăm ngàn thứ vọng tưởng, bao nhiêu niệm dấy lên mà chúng ta làm chủ được, không chạy theo bất cứ niệm nào hết, thì đúng là gà cây gáy trong chỗ vắng vẻ, không có tác dụng gì hết.

Mừng xuân gái đá ra động phòng. Ngày xuân là nói đến tuổi xuân hay để diễn tả người con gái đang trong thời điểm xinh tươi, rộn ràng với bao tình ý v.v… Nhưng với người tu đến đây thì giả như có những hiện tượng đó cũng không thể kéo lôi được nữa. Người con gái đá thì cảm tình có tác dụng gì đối với chúng ta. Đúng như lời Thiền sư Phù Dung nói “trồng hoa trên đá”. Tóm lại đây là lời ghi của một vị công phu đắc lực, làm chủ hoàn toàn đối với tất cả các hiện tượng.

Hai câu kết Ngài nói Đáy hồ rồng vẫy vui vô hạn, đưa tiễn gió xuân một lò trầm. Các vị ở trong gia đình hay am cốc, Thiền viện, các vị luôn tiếp cận với tất cả các công việc nhưng nhớ lúc nào cũng sống được với tâm thể của mình. Sống được với tâm thể của mình tức là sống được với mùa xuân Di Lặc hay mùa xuân miên viễn ở trong lòng chúng ta. Sống được như vậy thì có thần dụng, nên ở đây Ngài nói đáy hồ rồng vẫy vui vô hạn. Giống như rồng gặp nước, ở dưới nước vẫy đuôi, lên cao thì hớp gió tụ mây v.v… Bao nhiêu thần dụng chấn động từ con người đã làm chủ được mình.

Tóm lại lời ghi này của vị tu hành đắc lực, làm chủ được mình và có được những thần dụng. Thần dụng cũng giống như thần thông vậy. Nếu tu được đắc lực, sống được với tánh giác, không bị kéo lôi thì chúng ta cũng có thần thông. Còn sống mà tâm tư bị xẻ manh xẻ mún, bị ngược xuôi năm trên năm dưới, đầu nọ đầu kia thì không có thần dụng.
Chúng ta có thể thực hiện được như vậy không ? Tôi xin trả lời thế cho các vị mà cũng là trả lời cho tôi “Chắc là được”. Với điều kiện thứ nhất là phải phát tâm kiên cố, nghĩa là phát tâm chắc chắn, vững mạnh. Thứ hai là phải có tâm trường viễn, tức là không bao giờ ngán sợ bỏ cuộc, lúc nào cũng phấn chấn tiến bước. Được hai tâm này cộng với sự tha thiết thì công phu nhất định thành tựu.

Người xưa tu hành cũng những phương pháp như chúng ta mà các Ngài thành công. Chúng ta bây giờ hiểu nhiều hơn, biết được cả chuyện trong vũ trụ. Văn hóa, văn minh là thế nhưng về công phu miên mật trường viễn thì thiếu. Đây là mặt yếu mà chúng ta cần phải khắc phục để sự tu hành được kết quả trọn vẹn.

Những điểm yếu trong lòng chúng ta ai mà biết được, có khi nào mình nói ra đâu. Ví dụ khi trình bày điều gì với Thầy mình, chắc rằng không ai dám nói thẳng ra những thói xấu hay điểm yếu của mình, mà chỉ nói xa xa vậy thôi. Thầy hiểu được thì Thầy chỉ cho. Hồi nhỏ có mẹ, chuyện gì cũng nói với mẹ nhưng đến tuổi mười tám, mười chín thì không dám nói nữa. Có những ẩn khuất không bao giờ dám nói cho mẹ nghe. Cũng vậy, đáng lẽ chuyện tu hành cần nói cho thầy nghe nhưng cũng không dám nói. Thôi thì bây giờ mình nói cho mình nghe. Nói rằng chỗ đó là chỗ mình cần phải phấn đấu vượt qua, tiến lên.

Phật tổ đã dạy cảnh là huyễn, các duyên bên ngoài là huyễn. Chúng ta biết và hằng sống như vậy để đừng bị các thứ huyễn kéo lôi. Nói Kim cang chánh thể, Bát-nhã quang hay trí Bát-nhã tức là tánh giác, Phật tâm của mình, đó là cái bất sinh bất diệt. Mình có nhưng đã để phủ nhiều lớp bụi nên bây giờ phải phủi sạch, để nó hiện ra và chiếu sáng.
Thêm một vị Thiền sư khác có lời cảm tưởng về con người trong ngày đầu xuân:

                        Năm trước gặp thanh xuân

                        Má hồng khoe đào lý

                        Năm nay gặp thanh xuân

                        Tóc bạc đầy mái đầu

                        Người đời tuổi bảy mươi

                        Nhanh như dòng nước chảy

                        Chẳng ngộ tâm xưa nay

                        Sanh tử làm sao khỏi.

Trong ngày đầu xuân các vị tu hành gặp gỡ, trao đổi với nhau về công phu, về chỗ đến của mình để thu nhận sự kiểm nghiệm. Hoặc nói cho bạn nghe, hoặc trình bày với thầy để được chứng minh chỗ đúng sai của mình, nhằm giúp công phu tiến triển hơn. Vị này nói năm trước gặp thanh xuân, má hồng khoe đào lý, tình hình năm trước như vậy nhưng năm nay gặp nhau thì tóc bạc đầy mái đầu. Không biết năm trước là năm nào nhưng tới mùa xuân năm này soi gương thấy tóc bạc đầy đầu.

Người đời tuổi bảy mươi, nhanh như dòng nước chảy, tuổi lớn chồng chất lên con người chúng ta nhanh như dòng nước chảy. Đứng trên cầu nhìn dòng nước chảy qua rất nhanh. Trên nguồn thì thấy lưu lượng rất chậm nhưng đến chỗ xiết thì chảy rất nhanh. Một lúc nào đó, ngồi yên nhìn lại quãng đường đã đi qua của mình, mới hôm nào còn học ở cấp tiểu học, mình nhớ thằng bạn này, thằng bạn kia v.v… Nhưng bây giờ nhìn lại thì thấy mình đã lớn tuổi rồi.

Khi tóc bạc hoa râm, hai chân không còn vững như hồi xưa, da dẻ nhăn nheo, mắt không còn tinh sáng như thời trai trẻ nữa. Cái khỏe cái đẹp đã đi đâu mất mà chính mình lại không muốn mất nó. Mình đi thầy thuốc, đi núi non cầu cho được khỏe mạnh sống lâu v.v… Nhưng khi nhìn lại thì những điều cầu nguyện mất hết. Quả thực những gì mình muốn thì không giữ được. Cái không giữ được mà cố giữ thì chúng ta phải đối đầu khổ đau thôi. Nó không phải là gì hết nhưng bảo nó dừng thì nó không chịu dừng.

Hai câu sau cùng Ngài nhắc nhở chúng ta Chẳng ngộ tâm xưa nay, sanh tử làm sao khỏi. Người tu hành không nhận được bản tâm, không sống được với tánh giác của mình thì làm sao thoát khỏi sanh tử. Chúng ta sống thì mê, chết thì đọa. Bởi mê tạo nghiệp nên chết bị đọa, không an được tí nào cả. Trong lúc sống mình mê man, mong cái này, muốn cái kia, lăng xăng đủ thứ chuyện, vì vậy nên không sáng.

Nhưng mình không dám nói là mình mê, mình có trí tuệ, có bằng cấp cao, có địa vị thì làm sao mà mê được. Phật nói chúng sanh mê đáo để. Mê cái gì ? Mê sanh tử. Thực chất của nó như vậy mà không dám thấy, không dám sống đúng như vậy nên mê. Chúng ta là một trong những người mê đó. Cái giả không thật mà chúng ta không chịu nhận.
Phật nói thân mình là đồ giả nhưng có ai chịu là giả đâu, lúc nào mình cũng lo sửa soạn, cạo gọt cho nó. Nó bệnh thì phải lo thuốc men chạy chữa. Có ai nói tôi sống đến hai mươi tuổi cảm thấy mệt mỏi quá, tôi chết cho rồi. Không ai dám nói như vậy. Dù bệnh hoạn cũng muốn sống lây lất, không thể sống nổi nhưng vẫn cứ sợ chết. Chết là gì mà người ta phải sợ dữ vậy ? Chỉ có người tu mới có thể giải đáp được điều này.

Nếu như Thiền sư, sống được với tánh giác của mình thì chết như cởi áo hạ, rất nhẹ nhàng. Mùa hạ cởi được chiếc áo thì được thư thả, mát mẻ biết chừng nào. Như vậy chết đâu có gì đáng sợ. Bởi chưa nhận, chưa sống được với tánh giác cho nên mình sợ chết. Vị Thiền sư này nhắc nhở chúng ta, nếu không sống được với cái bất sanh bất diệt của mình thì không thể làm chủ được sống chết. Như vậy người làm chủ được sống chết thì phải sống được với tâm chân thật của mình.

Tới đây chúng ta nhớ lại đoạn sử, trước khi Bồ-tát Sĩ Đạt Đa vượt thành xuất gia. Sau thời gian được tắm mình trong cung đình, thụ hưởng tất cả những dục lạc ở thế gian, Ngài sanh nhàm chán. Một hôm Ngài xin Phụ hoàng cho đi ra ngoài thành để tiếp cận sinh hoạt của quần chúng nhân dân.

Lần thứ nhất, được sự chuẩn bị của nhà vua, những cảnh tốt đẹp được mở bày, dẹp hết những gì không tốt trước mắt Thái tử. Nhưng chẳng may, lần ra đi này Ngài gặp một người già đi lụm khụm, có vẻ mệt nhọc. Ngài hỏi người hầu cận đó là người gì ? Được biết đó là người già. Ngài hỏi: Ta có già không ? Ngài cũng sẽ già chớ không thể son trẻ hoài được. Thế là một nghi án đập vào tâm não ngài. Phải giải quyết như thế nào để mọi người và chính mình đừng bị cái già chi phối. Từ đó tâm đại từ đại bi của Ngài phát sinh. Đó là dữ kiện khiến cho Ngài băn khoăn về kiếp nhân sinh.

Lần thứ hai gặp người bệnh, lần thứ ba gặp một thây chết. Những hiện cảnh thống khổ mà con người phải nếm trải nhưng không ai quan tâm cả. Thêm những dữ kiện nữa để cuối cùng Thái tử quyết định từ bỏ tất cả những phù hoa của bậc đế vương để đi tìm một chân lý, một lối thoát cho mình và tất cả mọi người.

Chúng ta có duyên gặp được đạo lý của Ngài, khỏi phải tìm đâu hết. Biết già bệnh chết là những oan khiên mà mình phải đương đầu, nên lo gầy dựng một sức mạnh để đối phó. Không cho già bệnh chết thúc bách làm mất đi sự an ổn, tạo những nghiệp nhân xấu xa tăm tối để bị khổ. Đây là chỗ công phu của mỗi người chúng ta.

Nên lời răn nhắc của Thiền sư chẳng ngộ tâm xưa nay, làm sao khỏi sanh tử. Nếu người tu Thiền mà không nhận được tâm thể của mình thì không làm sao làm chủ được sanh tử. Sống được với tâm thể rồi thì sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ, có gì bận rộn đâu. Sanh cũng tốt mà tử cũng tốt. Nghĩa là sống với tinh thần tỉnh giác, sống với tâm thể thanh tịnh cho nên sống cũng tốt mà ngay bây giờ chết cũng tốt.

Thiền sư Quang Giác, trong thời gian tu hành chưa thành tựu, Ngài bị bệnh kiết quá nặng, hơi thở không còn đủ để thở nữa. Vì quá kiệt sức nên Ngài nhờ huynh đệ lau rửa sạch sẽ rồi đỡ ngồi dậy, đốt ba nén hương, Ngài thầm khấn: “Con đang tu tập như vậy, nếu bây giờ cái chết đến với con, con nguyện chấp nhận trả hết những quả báo xấu mà con đã gây tạo. Nguyện trả hết để chủng trí Bát-nhã hiện tiền. Đời sau vừa sanh ra là quay về với chủng trí Bát-nhã và tu tập đến ngày viên mãn”. Sau khi khẳng tâm thầm khấn như vậy rồi thì mồ hôi toát ra, bệnh giảm dần. Nhờ thuốc men của huynh đệ, Ngài khỏe dần và sáng đạo. Đây là công phu trong lúc chí tử.

Tóm lại tu hành là phải làm chủ, kiểm soát chính mình, không có gì khác hơn được cả. Trong việc ăn mặc, nói năng, đi lại mà chúng ta làm chủ được tức là chúng ta tu đắc lực. Nếu chưa làm chủ được thì phải cố gắng làm chủ lấy.
Tới một Thiền sư cư sĩ Việt Nam, tức Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nhân ngày xuân Ngài có ghi:

                    Thời tiết xoay vần xuân đến thu

                    Cái già sồng sộc đã trên đầu

                    Giàu sang ngó lại trơ tràng mộng

                    Năm tháng mang theo chất hộc sầu.

                    Nẻo khổ vành xe lăn lốc khắp

                    Sông yêu bọt nước mất còn đâu

                    Trường đời nếu chẳng rờ lên mũi

                    Ngàn thuở lương duyên chỉ bóng màu.

Tuệ Trung Thượng Sĩ là vị Thiền tổ của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Đây là phái thiền gốc của tông phái Thiền Việt Nam chúng ta.

Thời tiết xoay vần xuân đến thu, cái già sồng sộc đã trên đầu. Ý này cũng giống như những điều chúng ta đã nói. Sự thay đổi, hết xuân đến hạ, hết hạ đến thu, hết thu đến đông, xoay vần mãi. Cái già cũng như thế, nó sòng sọc ở trên đầu chúng ta.

Giàu sang ngó lại trơ tràng mộng, năm tháng mang theo chất hộc sầu. Dù cho có giàu sang gì chăng nữa, thì qua một giai đoạn, nhìn lại chúng ta chỉ thấy chồng chất những khổ đau. Người xưa nói: Nhất tướng danh thành vạn cốt khô. Một người thành danh tướng thì đã trải qua muôn vạn cốt khô, tức là nhiều người đã nằm xuống.

Nẻo khổ vành xe lăn lốc khắp, sông yêu bọt nước mất còn đâu. Đây là những khổ sở mà mình đã nếm trải, nó luôn thay đổi và qua mất. Ngài chỉ nỗi khổ đau trầm thống lớn lao nhất là vô thường, nó phủ trùm hết. Không thoát được vô thường thì bị nó chi phối, bị nó làm khổ. Mình không muốn đổi thay mà nó cứ đổi thay. Xây một ngôi chùa, muốn nó tồn tại được cả trăm năm nhưng đâu có được. Một hai năm thì nó cũ hư rồi bị sập đổ. Cứ như thế, hữu hình thì hữu hoại. Phật nói chư hành vô thường, các pháp sinh diệt là như vậy.

Trường đời nếu chẳng rờ lên mũi, ngàn thuở lương duyên chỉ bóng màu. Trên cuộc đời này, chúng ta chỉ nhìn thiên hạ, thấy cái hay dở của thiên hạ thì lỗ mũi của mình sờ sờ ra đó mà mình không thấy. Chỉ cần kiểm lại các giác quan của mình thì cũng đủ tu, cũng đủ thành Phật rồi chứ không có gì xa xôi. Ngài nói trên trường đời này nếu mình cứ ngược xuôi mãi theo vọng tưởng, theo những nhân duyên, hình ảnh bên ngoài thì tất cả chỉ là bóng màu thôi. Nếu chúng ta nhận lại mình thì cái bất sanh bất diệt hiện tiền.

Tuệ Trung Thượng Sĩ nêu lên những hình ảnh cụ thể trong cuộc đời để chúng ta tỉnh. Đọc lại những hình ảnh này chúng ta rất dễ tỉnh. Đây là lời dạy của vị cư sĩ Thiền sư, là thầy của vua. Mặc dù là cư sĩ nhưng hạnh của ngài cũng giống như các vị Thiền sư.

Tất cả chúng ta đều có tâm thể, có tánh giác, nhưng ai sống được với tánh giác đó ? Chúng ta cứ chạy theo bên ngoài mà bỏ quên, không đoái hoài gì đến tánh giác của mình. Nên ở đây Ngài dạy nếu muốn hết khổ thì chúng ta phải có công phu tu hành. Muốn làm chủ các giác quan thì phải làm chủ được mình.
Ngài Tuyết Đậu - Trùng Hiển nói:

                    Núi xuân chồng chất xanh

                    Nước xuân lóng lánh biếc

                    Thênh thang bầu trời không

                    Đứng riêng trong mù tột.

Ngày xuân nhìn ra cảnh bên ngoài như núi xuân chồng chất xanh, tức là con người tự tại giải thoát rồi nên thấy cái gì cũng xinh tươi. Bởi vì bên trong không còn bất an, nên nhìn cái gì cũng đẹp hết. Nước xuân lóng lánh biếc, nhìn cảnh nước mùa xuân rất tươi mát. Thênh thang bầu trời không, đứng riêng trong mù tột. Người đã hoàn toàn làm chủ lấy mình rồi thì cảnh duyên không làm gì được nữa. Người đó trong lòng thênh thang, tất cả hiện tượng bên ngoài đều được hiện bày qua tánh giác.

Nhân ngày đầu xuân, cũng là ngày sinh hoạt đạo lý đầu năm, tôi nêu một số kinh nghiệm của các bậc tu hành đã thành tựu, được lợi lạc thiết thực đối với đạo để chúng ta noi theo. Đồng thời chúng tôi cũng ghi nhận những lời cảm khái tự thán, tự trách của những vị trong giai đoạn công phu chưa đắc lực, chưa đến nơi đến chốn. Chúng ta theo những kinh nghiệm này mà gắng nỗ lực cho mình.

Người con Phật nhận được cái bất sanh bất diệt rồi thì những dao động bên ngoài không làm gì được chúng ta, do đó chúng ta an lạc. Ngược lại nếu không nhận được như vậy thì công phu tu tập của chúng ta khó có được kết quả viên mãn.

Mong rằng từng giờ mới từng ngày mới, tất cả huynh đệ chúng ta ý thức được việc tu hành của mình. Mỗi người nỗ lực làm sao để không uổng phí cuộc đời, đạt được lợi ích thiết thực đối với Phật pháp mà mình đã có duyên tu học. Đó là lời cầu chúc đầu năm của chúng tôi.
 

[ Quay lại ]