headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 27/11/2024 - Ngày 27 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Tinh thần tu học của người con Phật

 Hôm nay là ngày đầu năm, với tâm thành chúng ta hướng niệm chúc nguyện cho Phật pháp còn mãi trên thế gian để mọi loài đều được thấm nhuần mưa pháp, ngõ hầu cuộc đời hết khổ được vui.  Trong buổi nói chuyện đầu năm tại tổ đình Thiền viện Thường Chiếu, chúng tôi muốn nhắc nhở quí Phật tử tinh thần tu học của người con Phật. Bởi vì nhiều Phật tử đi chùa nhưng người thân không hoan hỷ.

Bây giờ quí vị tu hành thế nào để người chung quanh dần dần bớt đi những chướng ngại. Có thế việc tu tập mới lợi lạc, chớ càng đi chùa mà tình cảm gia đình càng đổ vỡ thì Phật pháp không thể tồn tại trên thế gian được. Mẹ đi chùa con không đồng ý, anh chị đi chùa, em út bài bác. Những trường hợp như thế, nếu quí vị không để ý, cứ làm tới một thời gian, nhất định sẽ đổ thôi. Vì vậy Phật tử nên quan tâm đến vấn đề này để có thể thực hiện tâm nguyện tu hành của mình, không làm thương tổn đến người thân. Hay hơn nữa là chuyển hóa cả gia đình đồng tình, ủng hộ và tham gia tu tập với mình. Được vậy mới thật xứng đáng là con của Phật. 

Tôi có một người huynh đệ rất thông minh, thường về thiền viện thăm tôi. Anh nghịch với bà chị dâu trong nhà nên cứ theo dõi, đợi bà chị có sơ hở là tấn công liền. Nguyên nhân là vì anh không chấp nhận pháp tu của bà chị dâu. Một hôm không cho bà chị biết, anh đến chỗ vị thầy của người chị. Sau khi quan sát và nghe cách nói chuyện của vị thầy, anh biết đây không phải là người tu chân chánh.  Bởi vì chủ đích của đạo Phật là giác ngộ giải thoát, nhưng vị thầy ấy dạy môn đệ của mình cứ lập gia đình, có vợ con sẽ được khoái lạc tự tại. Kể từ đó anh bài bác, phản đối bà chị dâu triệt để, dẫn tới kết quả hai chị em bị nghịch nhau rất quyết liệt, không thể thông cảm được.

Tôi muốn nói trường hợp trong nhà có những người thân học đạo, cùng hướng về Tam bảo nhưng không đồng quan điểm, nếu không hóa giải được, quí vị sẽ làm hỏng cả công phu của mình và những người chung quanh. Trường hợp này mình phải làm sao? Đây là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải tế nhị. Tế nhị ở chỗ tinh thần, pháp hành, tư cách của mỗi người. Chúng ta tu theo đạo Phật nhất định phải giữ sự thanh tịnh cho mình và người. Nếu không thanh tịnh giải thoát thì dù làm gì, được gì chăng nữa cũng phi pháp. Tôi cũng đồng ý với người huynh đệ trên tinh thần tu tập, nhưng cách hành xử của chúng ta phải tùy duyên, sáng suốt mới không gây phiền não cho mình và người. Cốt tủy là như vậy nhưng mình phải nuôi dưỡng, phát huy, gia tâm thực hành chứ không phải nói mà được. Tôi khuyên người huynh đệ, phải có thái độ trao đổi, thiện chí, vị tha để nâng đỡ, hỗ trợ nhau trên bước đường tu học, không thể có thái độ, ngôn ngữ đả kích bắt người ta phải nghe theo mình.

Bởi vì mỗi chúng ta là một chúng sinh đang nỗ lực tu, nên lời nói của mình có giới hạn của nó. Ta phải sử dụng ngôn ngữ thật tế nhị. Tôi thấy anh bạn của mình không được tế nhị. Tại sao? Vì anh nghĩ mình là em, là người thân nên đối với bà chị, tuy anh nói đúng nhưng cách nói không đúng, do vậy bà chị không chịu nghe. Do vậy tôi đề nghị anh phải chỉnh lại chỗ này. Quí Phật tử lưu ý đạo đức, tư cách của mình rất quan trọng đối với người thân.

Thế hệ trẻ ngày nay khi được cha mẹ nhắc nhở, nó nói mai mốt con lên con méc thầy ba còn đi chơi, còn hút thuốc mà lại rầy con. Như vậy là biết mình còn chưa ổn. Một chút như vậy thôi, nếu mấy đứa nhỏ nêu lên, rõ ràng mình có vướng. Vì vậy tư cách, đạo đức thể hiện qua tinh thần của đạo Phật, phải đi từ sự thể nghiệm chắc thực trong cuộc đời tu hành, chứ không phải nói khơi khơi cho thỏa thích. Đạo Phật không chấp nhận như vậy.

Cho nên chúng ta phải xét lại nội tâm khi tu, phải sống thật đạo đức và nâng cao đạo đức tâm linh ngày càng trong sáng hơn. Có khi vì những cái lợi nho nhỏ, chúng ta lại làm mờ đi ánh sáng tâm linh. Nếu người có công phu, thực sự thể nghiệm thì tâm chẳng những yên mà còn sáng nữa. Khi nào tôi nhìn cái gì cũng bực bội hết là biết công phu của mình lượm thượm, không tốt nên sự thể hiện ra ngoài bất ổn. Sự thể hiện ra ngoài bất ổn thì đụng, giống như lửa với lửa đụng nhau, cứng với cứng cộm nhau, nhọn với nhọn choảng nhau. Trong kinh nói một vị chứng thánh, tất cả loài hữu tình chung quanh vị đó đều được ảnh hưởng sự an lạc. Đó là biểu hiện nội tại của những bậc thánh có công đức lực.

Thánh nhân là những vị trải qua thời gian tu hành miên mật, lâu xa, nội tại đầy đủ, không bị khiếm khuyết trong công phu. Như chúng ta bây giờ tu chưa tới đâu, phải gắng gổ lắm mới được một chút khinh an, làm sao có đủ công đức như các ngài. Tuy nhiên nếu quyết tâm, mình cũng sẽ đi đến chỗ cứu kính ấy. Bây giờ chúng ta làm, chúng ta sống với quyết tâm nhất định sẽ đi đến đích. Công đức lực tức là sức mạnh của việc làm chân chánh bền bĩ mà ra. Nó viên mãn, tròn đầy, vững chắc thì thành lực.

Ngay như trong nhà hoặc bố mẹ, hoặc anh chị, hay những đứa em, nếu người thực sự có chất đạo đức, quí vị tiếp xúc với họ có cảm nhận khác. Còn người biểu hiện cách sống theo bản ngã, theo nghiệp lực thì khi tiếp xúc quí vị thấy khác. Do vậy với người tu, tinh thần gìn giữ giới luật, tập trung đời sống theo hướng tịnh hóa thân tâm phải luôn luôn đặt hàng đầu. Một khi chúng ta không tự kiểm, không làm chủ được, tập thành thói quen xấu rồi thì theo nghiệp luân chuyển mãi. Chỉ có đạo lực, công phu mới thắng, mới dừng được nghiệp. Không tiêu hóa nổi phiền não, nó sẽ bung ra ánh mắt, cử chỉ, ngôn ngữ… dù là một hành động nhỏ thôi, nhưng cũng sẽ làm cho người đối diện không dám hay không muốn đứng gần.

Công đức lực của các vị đại Bồ tát rất lớn. Như Bồ tát Quán Thế Âm, một bước đi của ngài chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới, mọi người đều cảm nhận an lạc, chẳng những loài người mà những loài khác cũng vậy. Bước chân của Bồ tát Đại Thế Chí phát ra hào quang sáng suốt, hương thơm lan tỏa, đem đến sự an ổn cho chúng hữu tình. Người tu chúng ta phải luôn tế nhị xét lại để bảo vệ chủng tử Phật nơi chính mình. Chúng ta phải giải trừ, cắt bỏ những gì không cần thiết, làm chướng ngại công phu tu hành của mình. Lúc nào cũng nghĩ nhớ đến mục đích vì giác ngộ giải thoát mà gạt qua mọi vọng tưởng đảo điên, quyết bảo vệ kỳ được công phu tu hành. Đó là giá trị đạo đức chắc thực của người tu.

Chúng ta có nhân duyên to lớn mới gặp Phật pháp, có điều kiện phát huy trọn vẹn nhân duyên đó mà không chịu cố gắng thì thật đáng tiếc. Cho nên quí Phật tử đừng bao giờ bỏ qua cơ hội nào để thành tựu đạo nghiệp cho mình. Bởi vì một khi chúng ta bỏ qua rồi không biết bao giờ mới gầy dựng lại được. Trong đời sống, chúng ta luôn đối đầu với tham sân, phiền não. Đừng nói những vấn đề lớn lao như trách nhiệm đối với đoàn thể, xã hội, nội chuyện bản thân mình thôi, có khi ta thấy bực bội hết sức. Ví dụ lúc tết, mình đâu muốn bệnh mà nó ho, mình đâu muốn chảy mũi mà nó cứ khì khịch, cái thân này bày ra đủ chuyện. Có khi mình thấy nổi nóng với nó mà rồi chẳng làm gì được nó. Có nhiều người nam nóng dằn không được, đập bàn một cái rầm. Sau đó nghĩ lại tức cho mình, đập như vậy thì được gì đâu, chỉ thấy khùng thêm chứ có lợi ích chi. Cho nên Phật tử làm sao giải trừ được những nghiệp tập, những chủng tử mình đã huân tập từ nhiều đời. Nếu xem thường, không tu tập, không chuyển hóa thì nhất định sức nghiệp sẽ kéo lôi quí vị đi theo nó.

Nói đến nghiệp lực, tôi nhớ câu chuyện này. Có một vị tăng đã xuất gia, ban đầu phát tâm tu hành mạnh lắm. Thầy ăn nói lưu loát, trôi chảy nên đi theo con đường diễn giảng. Do vậy nghi biểu bên ngoài thầy phải gìn giữ kỹ lưỡng. Thầy kể khi chưa tu, gia đình công chức tương đối cũng có tiền. Cứ chiều lại cả nhà đều đi ăn tiệm, thành ra rất quen mùi vị của tiệm. Đến khi xuất gia, trong chùa cấm không cho như thế. Vì sao cấm? Vì nếu một ông thầy tu vào tiệm ngồi, Phật tử sẽ đàm tiếu. Có những người không từng đi chùa, không phải Phật tử, mà thấy ông thầy vô tiệm ăn là họ phản đối. Đó là vì tinh thần đạo đức, vì muốn bảo vệ ông thầy, bảo vệ Phật pháp. Họ tỏ thái độ khinh chê như thế để mình chỉnh đốn lại.

Kể từ lúc xuất gia làm giảng sư thầy tiu nghỉu mỗi khi đi ngang quán ăn. Ban đầu thấy khó khăn, sau cũng quen dần. Về già, gần bảy mươi tuổi thầy thấy việc hoằng pháp đã mệt mỏi, nên xin giáo hội ở yên tu hành. Thầy cất một cái thất trong ngôi chùa tại thành phố. Đến lúc ấy tự nhiên thầy trở nên hư hỏng, những lúc đi ngang tiệm ăn, tự nhiên mùi vị ngày xưa sống lại mạnh mẽ, thầy muốn dừng lại. Thầy cũng không hiểu tại sao bây giờ mình già mà lại dở như vậy. Gặp tôi thầy hỏi tại sao, tôi có biết tại sao đâu, nhưng cũng khuyên thầy đừng đi ngang chỗ đó nữa. Nếu đi ngang dừng lại hoài, có khi thầy ghé vào luôn. Quả nhiên như thế. Hôm đó giáp tết, thầy có việc đi đâu một mình, ngang chỗ ấy thầy ngập ngừng, cuối cùng bước vô luôn. Chủ tiệm ra hỏi thầy mua cái gì? Thầy nói đâu có mua gì. Mấy người trong tiệm phở nghĩ chắc thầy không bình thường nên họ mời thầy đi ra. Thầy thấy xấu hổ quá và kể lại cho anh em nghe về sức mạnh của nghiệp đã lôi dẫn một ông thầy tu bảy mươi tuổi như thế. 

Quí vị thấy chủng tử nghiệp thấm trong người mình không phải một đời này đâu mà đã nhiều đời huân tập. Vì vậy nó có sức mạnh, đến một vị tăng già cũng không chống cự lại nổi. Đối với ông thầy lớn tuổi còn như vậy, hà huống các thầy trẻ, cho nên thầy ấy đề nghị quí thầy trẻ lên núi ở. Tôi nói lên núi rồi cũng đi xuống, không lẽ ở trên đó hoài. Thầy nói nhưng cũng đỡ hơn, có cơ hội tránh duyên. Điều này trong kinh Phật cũng dạy mình nên tránh duyên. Đã yếu mà đi vào những chỗ lôi cuốn ấy hoài, dần dần nó huân đậm thêm thì sẽ chạy theo luôn. Đó là câu chuyện về nghiệp lực, tôi kể quí vị nghe để huynh đệ thận trọng gìn giữ bảo vệ đời tu của mình.

Trong điều kiện xã hội văn minh hiện nay, người tăng sĩ rất khó tu, khó giữ mình. Hồi xưa xuất gia ở những ngôi chùa quê, trọn đời ở yên trong đó, chiếc xe hơi còn không biết huống là chuyện gì khác. Vậy mà dễ tu, dễ sống với cái chân thật của mình. Còn bây giờ văn minh tiến bộ quá chừng, chuyện trên trời trên mây gì mở máy vi tính ra là biết hết, mấy đứa nhỏ bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ nhà, dán con mắt trong trò chơi điện tử. Ở gần đây có một đứa bé còn nhỏ xíu, sáng má nó cho tiền ăn sáng. Nó không ăn mà đi thẳng vô quán chơi điện tử. Tới trưa ở nhà trông hoài không thấy về mới đi tìm. Cuối cùng phát hiện nó trong quán chơi game, má nó dẫn về. Tới nhà nó té xỉu, hỏi ra mới biết nó đói bụng quá, chớ không bệnh hoạn chi cả, cho một tô cơm là khỏe ngay. Hoàn cảnh chúng ta bây giờ là nhân tố tác động làm cho việc tu hành không bình thản như xưa.

Tôi nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chạy trốn hoàn cảnh hiện tại, đi tìm bình thản ở đâu. Nếu trong lòng mình không yên thì chắc chắn ở đâu cũng không yên. Ở trên núi cũng phải tuột xuống kiếm tiền về trần gian thôi. Do vậy việc chính của người tu là giữ cái tâm của mình. Tâm nào? Tâm thường biết rõ ràng đây. Ví dụ chúng ta nhìn cái nhà biết cái nhà, nhìn cây đèn biết cây đèn, cái biết ấy tạm gọi là tâm. Nếu không có tâm làm sao chúng ta biết được. Cho nên cái biết là năng dụng của tâm. Người tu thiền phải nhắm thẳng tâm đó, bảo vệ phát huy. Nếu chúng ta không quay trở lại với tâm chân thật sẵn có này, cứ chạy ra ngoài thì giống như người bỏ nhà đi ra đồng vậy. Người tu mà cứ chạy ra ngoài thì không biết tu cái gì. Bởi vì việc chính của chúng ta là phải sống, phải nhận lại tâm chân thật của mình.

Kiểm nghiệm lại quí vị thấy, nếu không khéo chúng ta cứ lẻo đẻo chạy theo trần cảnh. Ví dụ ngồi đây mà nghe mùi gì đó là lao theo, thấy người thấy vật liền dấy niệm lao theo. Cái dấy niệm lao theo này nặng nề lắm. Như đang trong hiện tại, quí vị có một dấy niệm lui về bảy tám năm về trước, giờ này mình đang ở đâu, làm gì… Vọng tưởng dài dài nhưng nào có biết, cứ lao theo rồi ngồi đó mà gục gặt với quá khứ. Buồn vui thay nhau hành hạ chúng ta. Vọng tưởng, dẫn đi làm khổ mình như vậy nhưng không ai dám buông bỏ nó. Đôi khi muốn buông mà buông không được. Nếu chúng ta không tỉnh, không sáng suốt, không nhận được tâm thể thì khó yên với vọng tưởng lắm. Do vậy không làm chủ được các dấy niệm thì khổ thôi. Dấy niệm lao theo không dừng được là khổ rồi, sau đó phải đối đầu với những dấy niệm như thế nào, còn khổ hơn nữa. Cho nên khổ lại càng khổ, không làm sao dừng được.

Trong đời sống, chúng ta dễ bị trở ngại bởi danh văn lợi dưỡng. Có khi mình dám bỏ cái lớn lao của công đức tu hành để được một chút bả danh bả lợi. Hai huynh đệ đi chùa học đạo, trao đổi công phu tu hành với nhau trên mười năm. Một hôm rủi người bạn nói điều gì không khéo làm mình hờn lòng. Từ đó về sau giữa hai người có sự ngăn cách. Sự ngăn cách ấy lớn dần tách hẳn hai người. Do vậy công phu thường xuyên mà mình phát triển cùng với người bạn không còn liên tục nữa, cuối cùng mỗi người đi mỗi ngã khác nhau.

Hiện nay trên thế giới, những người tri thức hướng về con đường thiện lương, có người không phải Phật tử, không đi chùa nhưng họ ăn chay trường. Vì ăn chay và ngồi thiền trị được một số bệnh không có thuốc trị. Nhất là ngồi toàn già tăng trưởng sức mạnh nội tại rất lớn. Quí vị ngồi toàn già được sẽ thấy sức chịu đựng của mình mạnh dần. Ví dụ hồi xưa chúng ta nghe ai nói xốc một chút là nổi khùng, nhảy dựng lên. Nhưng sau khi ngồi toàn già ổn định được rồi, tự nhiên có sức mạnh, mình nghe những điều trái tai vẫn bình thường.

Ở đây tôi muốn nói chúng ta nâng cao giá trị tâm linh, công đức tu hành, không để cho nghiệp lực ràng buộc, hệ luỵ. Quí thầy truyền tam quy ngũ giới cho quí Phật tử thường dặn, ăn chay ăn mặn không thành vấn đề, mà giữ được năm điều giới là biết tu. Chúng ta cố gắng bảo vệ tâm sáng suốt bình ổn, dứt khoát hướng về con đường tu hành. Đối với huynh đệ, mình trợ duyên khuyến khích, huynh đệ nào chưa làm được quí vị tìm cách nâng đỡ cùng nhau tiến tu. Những gì bên ngoài, không dính dáng đến việc tu học chúng ta bỏ đi. Dứt khoát như vậy tu mới yên ổn. Chẳng những mình tu được mà còn có thể hỗ trợ cho huynh đệ tu nữa. Trên con đường đạo, chúng ta không thể đi một mình và còn phải trải dài bao nhiêu thời gian kiếp số nữa. Tất nhiên chúng ta còn gặp không biết bao nhiêu thiện hữu tri thức, còn phải học hỏi, phải hành trì rất nhiều. Nguyện của chúng ta là nguyện thành Phật, không có nguyện khác. Cho nên mình phải giữ vững và kiên trì thực hiện tâm nguyện này cho tới ngày viên mãn.

Người Phật tử chân chính, đủ duyên quí vị đến với tam bảo, gần chư tăng, gần Phật pháp, phát tâm qui y gìn giữ năm giới. Như vậy là có thiện căn rất lớn, cố gắng phát huy thêm chớ đừng để bị thối thất. Chúng ta từng bước thực hiên con đường tu tập đúng chánh pháp. Kiến quyết cắt đứt, loại bỏ hết những sự duyên tạp loạn, để yên lòng tu. Đó là tu tâm. Mỗi bước đi, chúng ta bước thật vững vàng, từng bước từng bước gần đến quê hương. Phật nói chúng ta như những đứa con bị lạc loài, xa quê hương lâu quá, có khi không nhớ đường về, không biết quê hương của mình ở đâu. Do vậy bây giờ có duyên gặp Phật pháp, huynh đệ cố gắng nương Phật pháp làm thuyền bè, theo sự hướng dẫn của thiện hữu tri thức cùng nhau quay về, không bước lệch ra ngoài.

Hôm nay, tôi nói về tinh thần tu tập của người Phật tử, mong rằng tất cả quí vị ghi nhận, nuôi dưỡng, thực hành nền tảng đạo đức căn bản này thật tốt. Trên con đường Phật đạo nhất định chúng ta sẽ đến nơi đến chốn. Với tâm nguyện chân thành, với sự hộ trì của tam bảo, mỗi vị hãy tự tin nơi khả năng giác ngộ của mình. Tuy nhiên, con đường Phật đạo trải dài với nhiều thử thách trở ngại, mỗi người mỗi duyên mỗi nghiệp, do vậy chúng ta phải quyết tâm chuyển hóa và làm chủ nghiệp lực, kiên trì tu tập mới có thể thành tựu.

Nhân ngày đầu năm xin hướng về mười phương tam bảo, tôi chúc nguyện cho tất cả quí Phật tử lúc nào cũng tỉnh sáng, đi đúng theo sự chỉ giáo của chư Phật, Bồ tát, chư Tổ sư. Có thế, nhất định chúng ta sẽ về tới nhà, vào nhà Như Lai, ngồi tòa Như Lai, mặc áo Như Lai. Một lần nữa kính chúc toàn thể quí Phật tử đều thành công trên bước đường tu học.

[ Quay lại ]