headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 05/01/2025 - Ngày 6 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CĂN CỨ TỪ CÔNG PHU TU HÀNH

Buổi sinh hoạt hôm nay, chúng tôi sẽ nói về đề tài căn cứ vào công phu tu hành mà biết được nguồn an vui giải thoát hay khổ đau triền phược của mỗi chúng ta.

Việc tu hành nói nghe bình thường, nhưng khi áp dụng vào đời sống, có người tu tiến bộ, được lợi lạc an vui nên phát tâm dũng mãnh hơn. Tuy nhiên cũng không ít Phật tử gặp trở ngại khó khăn chưa khắc phục được, từ đó không tiến nên không có niềm vui trong đạo. Vì thế quí vị chùng bước, dần dần thoái tâm. Một khi mình đã thoái tâm rồi, khó gầy dựng trở lại lắm. Thành ra bước đầu, chúng ta xét nét thật kỹ, xem vấn đề nào còn vướng mắc mình khắc phục, phải trị nó thì việc tu mới tiến. Trên đường tu nhất định không đầu hàng, không bỏ cuộc. Với quyết tâm như vậy dù gặp khó khăn gì, hoàn cảnh thế nào mình cũng tiến thôi.

Thật ra những trở ngại trên đường tu hành là phương tiện cần thiết giúp chúng ta trên bước tiến tu. Nhưng nếu mình thiếu tỉnh, không khắc phục được thì đó là lỗi lầm. Nói về lỗi, trước nhất người tu phải trị được bệnh lăng xăng. Người ta hay quở “Sao thầy tu mà lăng xăng quá!”. Lăng xăng là gì? Chẳng là gì hết, vì nó vốn hư vọng không thật. Nếu tỉnh một chút thì hết lăng xăng. Không cần một pháp nào để trị nó, với điều kiện chúng ta phải tỉnh. Tỉnh biết thấy rõ nó là lăng xăng thì yên, hết lăng xăng. Nhưng đa số chúng ta không tỉnh, thành ra cứ bị lăng xăng cuốn dẫn, mất mình hồi nào không hay.

Khi đã tỉnh chúng ta sắp xếp mọi việc thật sáng suốt, hợp lý, không mất thì giờ vô ích. Những công việc quan trọng cần thiết, ta giải quyết trước, dứt khoát, rõ ràng. Ngoài ra tất cả việc khác, thuộc phạm vi tu hành thì cứ chiếu theo chủ trương đường lói có sẵn của thiền viện. Song việc chính vẫn là tập trung tu hành. Do đó mình đủ sáng suốt để cắt bớt những việc tạp. Có vậy mới buông, mới tu được. Hòa thượng dạy tổng quát là phải buông. Bây giờ chúng ta buông như thế nào? Không thể không đi nấu cơm ăn, không thể không quét dọn vệ sinh, không thể bỏ những việc liên hệ đến đời sống thường nhật, mà buông là buông vọng tưởng, buông những niệm tạp. Làm việc gì để tâm nơi việc ấy. 

Nghĩ đến sự tu tập, chúng ta không nên để mất thì giờ bởi những việc không đâu. Phải tiếc từng chút thời gian quý báu, đó là biết thương mình, biết nghĩ đến chuyện của mình. Dù cho người bận rộn, tiếp cận nhiều công việc, nhưng khéo léo sắp đặt nhất định sẽ có thì giờ tu tập. Thành ra người tu phải chấp nhận người ta không hoàn toàn đồng ý mình. Quí vị nào muốn chuyên tu mà thích sung sướng, ham thích được nhiều người quý trọng thì phải sửa. Phải cắt, phải mạnh, phải dứt khoát, nghiêm chỉnh đối với chính mình.

Ví dụ Phật tử gặp bạn bè rủ nhau đi chơi. Cuộc du ngoạn rất thú vị, huynh đệ hài lòng cảm thông với nhau. Vì thế quí vị lại hẹn tiếp tục có những chuyến đi như thế nữa. Nhưng với người tu như vậy là không được. Ta phải nhìn lại. Nếu bạn có mời việc gì hoặc yêu cầu ta làm việc gì, mình xét xem việc ấy cần thiết không, vắng mặt ta có hại cho bạn không. Nếu thấy không cần thiết, vắng mình cũng không sao thì ta từ chối, không nên lao theo cả ngày cả buổi, mất thì giờ, ảnh hưởng đến công phu tu tập của mình. Gan dạ, dứt khoát và sáng suốt là những đức tính phải có của người tu Phật.

Tôi còn nhớ lại lời của các vị tôn túc dạy, nhất là Hòa thượng Viện trưởng dạy: “Dù ông có thông minh, có nhận ra pháp yếu, có tài ba cỡ nào mà không tránh duyên thì tu không tiến”. Tránh duyên là sao? Là khéo biết sắp đặt. Việc ấy cần bao nhiêu năng lượng mình xài bao nhiêu đó thôi, đừng có xài hết ga, hết pin đi. Hết pin cái này thì mấy cái khác sắp xếp không được. Do đó tránh duyên là giảm bớt những việc, những tiếp xúc không cần thiết, có ảnh hưởng bất lợi cho việc tu hành.

Trong kinh A-hàm, đức Phật trả lời cho các vị Bà-la-môn khi được hỏi về nội tình tu học của các thầy Tỳ-kheo. Các vị đó hỏi thế này: “Những người học đạo với Cồ-đàm đều được Niết-bàn, hay có người được có người không?”. Phật trả lời: “Có người được, có người không”. Nếu ai nghe lời Phật dạy và áp dụng tu tập đúng như thế thì được Niết-bàn, còn những người không chịu tu tập đúng lời Phật dạy làm sao thành tựu đạo quả được. Từ lời dạy đó, ta tự sắp đặt việc tu học cho mình.

Thời nay cách Phật xa xôi, các vị thiện hữu tri thức cũng hiếm cho nên chúng ta phải cố gắng nhận được đạo lý, sắp đặt việc tu tập cho tốt, may ra có được kết quả tương xứng như chỗ mong mỏi của mình. Chứ còn nhận ra yếu chỉ mà không tu tập, không hành pháp thì làm sao ngộ đạo. Khi tu quí vị đừng sợ mích lòng, bởi một khi bạn hữu hiểu mình ham tu, biết tu, lo tu thì sẽ thông cảm, do đó dễ tha thứ những sơ suất hay sự lãnh đạm của mình. Chúng ta tránh họ, làm mất đi sự sắp đặt của họ mà lo tập trung vào việc tỉnh tu, học Phật pháp chân chính thì họ sẽ không trách. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai, Hòa thượng dạy “Không ai mà không có lỗi lầm.” Cuộc đới là tương đối, thế nên không có người nào hoàn bị tuyệt vời cả. Vị thánh nào, vị Bồ-tát nào cũng phải trải qua một thời gian dọc dài kiếp số vô lượng để gột rửa, bỏ đi những cái dỡ khuyết của mình, chứ có ai sinh ra hoàn bị liền đâu. Chúng ta cũng vậy. Ngồi nghiệm lại, mình thấy từ những tâm niệm nhỏ cho tới tâm niệm lớn, nó hình thành những gốc cạnh, rằn ri, lỉnh kỉnh nhiều hơn những cái bình thường, suông sẽ, an nhiên, nghĩa là cái xấu nhiều hơn cái tốt.

Người biết tu hễ thấy cái gì không hay thì bỏ đi, cái gì cần sửa thì sửa, đừng đợi ai biểu. Ví dụ như huynh đệ chúng tôi sống trong một tập thể hàng trăm thầy, Hòa thượng lại ở trên núi cách xa hàng ba bốn trăm cây số. Một tháng Thầy về một lần năm ba ngày, nhắc nhở chỉ dạy việc này việc kia, cho nên làm sao Thầy thấy hết được những nội tình, gốc cạnh, anh này ngó anh kia v.v… đủ thứ chuyện. Không thấy thì làm sao Thầy hóa giải hướng dẫn được. Cho nên chỉ có tự mình thấy mình thôi. Làm sao những cái dở khuyết, những tỳ vết, mình tự thấy tự bỏ, tự khắc phục. Huynh đệ chúng tôi đã tập sống bằng tinh thần tự giác, tinh thần tu tập như thế.

Tu là sửa. Hòa thượng dạy chú nào nói năng thô lỗ, cứng cỏi, mỗi khi được huynh đệ góp ý mà nổi nóng lên thì phải sửa. Sửa được cái đó là tu. Chú nào lơ đễnh không quyết tâm tu hay còn mộng mơ việc này việc nọ, biết đó là dở thì sửa. Bây giờ sửa chưa được thì rán sửa cho được. Đó là bệnh, là những bức xúc làm cho mình trăn trở. Nó ở trong chúng ta, không phải của ai. Đã là của mình thì ta biết nó hơn ai hết. Người bên ngoài biết khi nào nó hiện hình ra, chứ còn giấu kín thì làm sao biết được. Tu sửa được những khuyết điểm thì sẽ có niềm vui, có sự phấn khởi trong công phu nhiều hơn. Mỗi lần Hòa thượng về thăm, nghe thầy nào sửa hay sám hối được bệnh của mình, Ngài rất hoan hỷ.

Nếu chúng ta không tỉnh thì không thể nào sáng được. Nhờ tỉnh nên mình làm chủ được tất cả dấy niệm, những lăng xăng trong lòng. Quan trọng là đừng bao giờ để mình bị lệ thuộc những hiện tượng, những sự việc bên ngoài. Được như thế thì tuệ giác sẽ hiện bày, không cần phải tìm kiếm ở đâu cả. Cho nên yếu chỉ của người tu thiền là tỉnh sáng. Chúng ta chưa thành Phật thành Tổ, chưa thể nói rằng mình thấu triệt tất cả yếu nghĩa giáo pháp, nhưng ít ra trong hiện tại mình cũng tỉnh. Biết rõ từng bước đi của mình là từng bước đi tỉnh thức, từng bước đi chủ động, không bị lôi kéo bởi các cảnh duyên.

Người sống không bị lệ thuộc ngoại cảnh sẽ thấy thích thú, nhẹ nhàng vô kể. Nó như là gánh nặng mình đã mang gánh từ lâu, bỗng dưng nay được quăng xuống, khỏe làm sao! Người xưa nói: “Kẻ đi lên dốc ngược, muốn cho gánh nhẹ thì phải thảy hết đồ trong đó ra”. Thảy hết ra chứ không chỉ thảy bớt. Gánh nặng muốn cho nhẹ, mình thảy những món đồ thường ra, còn ngọc ngà châu báu không chịu thảy thì vẫn nặng thôi. Do đó phải thảy ra hết. Bởi vì bây giờ không thảy hết, mai mốt mình cũng bất lực, không dùng được.

Tôi có một người huynh đệ, lúc ở đây vị ấy rất gần gũi, rất cảm thông với tôi. Khi bị bệnh, người nhà đem về lo liệu thuốc men. Thời gian sau tôi đến thăm thấy vị đó tỉnh bơ. Tôi ngạc nhiên không hiểu sao kỳ vậy. Người nhà lay nói: “Có Thầy trụ trì đến thăm nè!”. Ông ngó tôi tỉnh bơ. Quý vị biết sao không? Quên hết rồi. Quên đến mức độ người đó trước kia rất thân, rất gần gũi với mình, từng ngồi giảng cho mình những câu kinh, những chữ Hán, từng chia sớt thức ăn để huynh đệ cùng dùng cho vui, bây giờ quên hết. Người nhà nhắc bao nhiêu cũng không thể nhớ ra.

Huynh đệ chúng ta đã có người như vậy, tới phiên mình một lúc nào đó cũng có thể như vậy. Điều đó không ai đoán trước được. Thân này, tất cả cảnh duyên, những gì ta đang sở hữu đây, có những thứ nằm trong tầm tay nhưng có những thứ vuột ra ngoài tầm tay của mình, lúc nào đó ta hoàn toàn bất lực, không còn đủ thẩm quyền với nó nữa, tất cả sẽ phải buông xuống thôi. Như mình đang nói như thế này mà gục xuống một cái là rồi. Quả thật thế gian vô thường, mạng sống mong manh giả tạm, không có gì trường cửu cả. Nên điều thứ hai chúng ta cần lưu ý là tinh thần tu sửa những gì không hay của mình. Phải biết buông bỏ đi.

Điểm thứ ba, người đã quyết tâm tu tập thì phải phát huy nuôi dưỡng ý chí của mình, đưng bao giờ để lui sụt. Ý chí phải mãnh liệt, không để một phút giây nào bị lui sụt, hay vì một lý do gì cản trở, không vươn lên được. Quý vị có ngồi yên lắng sẽ thấy khi tâm càng lặng lẽ, thì trí tuệ càng sáng và ý chí càng mạnh mẽ, càng tinh nhuệ phi thường. Nếu không tinh nhuệ phi thường thì không khi nào ta làm chủ được các dấy niệm. Nếu dễ duôi, không phấn chấn vươn lên, chúng ta sẽ bị vọng tưởng kéo lôi. Như huynh đệ có thân nhân ở xa, mà vọng tưởng nối vào thì không còn xa nữa. Vừa ngồi yên, hai mắt lim dim, môi khít, lưỡi để đúng chỗ, thoải mái, thân thể an nhiên, một niệm không biết lớn nhỏ cỡ nào, nó xen vô dẫn đi mình liền chấp nhận lao theo. Thế là suốt thời gian đó, quí vị sống bằng những niệm tưởng lăng xăng, chung quanh người thân của mình, nhưng thật ra cách nhau hằng mấy chục ngàn cây số. Đó là sức mạnh của vọng tưởng. Một khi ta bị nó kéo lôi thì mình đi xa như vậy. Ghê gớm lắm. Vì thế nếu kém ý chí chúng ta sẽ thua cuộc dài dài.

Ta cứ để cho nó dẫn đi bình thường, để nó khống chế, nó làm chủ mình thì làm sao phát huy được sự định tỉnh. Không định tỉnh làm sao tu thiền được. Bước đầu của pháp tu thiền là phải định tỉnh, khoan nói kiến tánh, sống được với ông chủ. Vọng tưởng đôi khi rất êm dịu, nó đến thầm lặng không có kêu cửa. Cho tới mình ngủ nó lay dậy hồi nào không hay, dẫn đi chừng một hai tiếng, chợt giật mình ủa, nãy giờ mình mất ngủ. Chứ chi nó kêu cửa hầm hét mình còn kịp đối phó, đàng này rất nhẹ nhàng thân thương, yên lắng làm sao. Cho nên người tu phải có ý chí, tỉnh giác cao độ mới phát hiện sớm mà điều phục, chiến thắng vọng tưởng.

Người tu giỏi là bén nhạy phát hiện những dấy niệm. Ví dụ tôi đang ngồi yên như thế này, một niệm nghĩ về nhà khách dấy lên, thì phải bén nhạy phải phát hiện và cắt liền. Nhạy bén, mạnh mẽ, dứt khoát như vậy mới có thể cắt đứt được những thứ đó. Cây kiếm dùng để cắt vọng tưởng, nhà thiền gọi là kiếm trí tuệ. Người cắt được những thứ đó gọi là anh hùng bậc nhất, vì đã tự chiến thắng mình.

Công phu tu hành tạo nên đạo lực cho chúng ta, đây là cái rất quan trọng. Đạo lực mạnh thì mới thắng được nghiệp lực. Ngược lại công phu tu hành yếu kém, không có đạo lực thì sẽ bị nghiệp lực kéo lôi. Ngay trong thời Phật đã xảy ra sự việc thế này. Ông Cấp-cô-độc là một cư sĩ đã chứng quả Dự lưu, tức dự vào dòng Thánh. Sau đó cuộc đời, sản nghiệp của ông đều tập trung vào việc trang nghiêm giáo hội, cúng dường Tam bảo, ngoài ra không làm việc gì khác. Cho nên mỗi ngày tại tư gia của ông có hàng nghìn chư tăng Tỳ-kheo đến thụ trai. Việc sắp đặt cúng kiến này rất nặng nhọc. Ông bận nhiều việc nên sắp đặt người trong gia đình thay mình tiếp đãi chư tăng cho chu toàn.

Trong số những người ông chọn, đầu tiên là cô con gái lớn. Cô này làm việc thành tâm, quý kính Tam bảo, ông rất hài lòng. Tuy nhiên sau đó cô có gia đình, thế là Cấp-cô-độc mất đi một người đảm đương công việc này. Người thứ hai ông chọn là cô con gái kế. Người này cũng rất nhiệt tình, làm tròn tất cả công việc Phật sự cha giao phó trong niềm hoan hỷ. Nhưng thời gian sau cô lại cũng có gia đình. Ông Cấp-cô-độc mất đi hai người cộng sự đắc lực. Tới người thứ ba là cô con gái út. Cô này cừ khôi lắm, rất hiền và có nhận định đối với chánh pháp thật sâu sắc. Cấp-cô-độc rất ngạc nhiên, không ngờ con gái út của mình lại như thế, tuy tuổi còn nhỏ. Cô làm việc bằng tâm thành khẩn và từ chủng tử lành ấy, cô chứng quả Dự lưu, rồi vượt hơn cả quả Dự lưu. Phụng sự chư tăng vất vả nhưng cô rất an lạc.

Một hôm gặp Cấp-cô-độc, cô bỗng kêu là em nhỏ thay vì kêu bằng ba. Cấp-cô-độc ngạc nhiên hỏi:

- Chuyện gì xảy ra cho con gái cưng?

Cô bảo:

- Em nhỏ hỏi gì?

Nghe cô nói thế, ông bảo:

- Con nói chuyện thật là lộn xộn.

Cô nói:

- Này em nhỏ, tôi không nói lộn xộn đâu.

Thấy con gái bất bình thường, Cấp-cô-độc bức xúc đem sự việc này trình lên đức Thế Tôn. Phật bảo: “Này Trưởng giả Cấp-cô-độc! Con gái cưng của ông không có mất bình thường đâu. Cô ấy nói như thế là đúng đấy. Này Cấp-cô-độc! Quả chứng của ông mới là Dự lưu, còn cô con gái đã chứng đến quả vị cao hơn ông. Ở đây cô muốn nói căn cứ từ chỗ tâm chứng mà phân định địa vị cao thấp trong pháp của Thế Tôn, chứ không phải y cứ trên hình thức bên ngoài thế gian. Vì vậy cô đã nói thế”.

Trong đạo không chú trọng tuổi tác thế gian. Như trước mắt chúng tôi, các vị người lớn tuổi, người nhỏ tuổi, người đi chùa lâu, người mới học pháp v.v… Nhưng ở đây, căn cứ vào pháp vị pháp lạc, vào công phu tu hành mà chúng ta có sự quý trọng lẫn nhau. Căn cứ như vậy để làm gì? Để mỗi chúng ta nỗ lực khắc tỉnh, nuôi dưỡng ý chí mạnh mẽ hơn, vững niềm tin đối với sự tu tập. Dù quí vị đi chùa lâu, học pháp nhiều mà cứ buông trôi, không chịu công phu, không có tỉnh lực thì quí vị vẫn là “em nhỏ”, như cô con gái út gọi bố mình vậy. Người đi chùa lâu mà đối duyên xúc cảnh phiền não, thì vẫn thua người mới đi chùa nhưng đối duyên xúc cảnh họ bình thường, không phiền não. Thành ra ở đây nhắm vào chỗ an lạc mà đặt định giá trị của mỗi hành giả.

Bây giờ nói đến những cù cặn nhất trong việc tu hành. Đây là điều nói ra ai cũng sẵn sàng, nó cả dề chớ không phải ít. Đó là gì? Là năm thứ ác kiến. Tại sao gọi ác kiến? Vì chúng là những cố chấp thành ra ác tính. Nếu chúng ta không điểm trán nó được, không làm chủ, không ổn định nó thì chúng thao túng, dẫn mình đi. Đã thế, chẳng những mình tu hành không lợi lạc, không hưởng chút pháp vị nào mà còn thoái tâm, bất mãn, rồi không quý kính đạo pháp nữa. Năm thứ ác kiến ấy là:

1. Thân kiến:

Thân kiến là những kiến chấp sai lầm về thân. Như Phật nói thân này không thiệt mà mình chưa tin. Bởi vậy nên gọi là ác kiến, tức là thấy hiểu không đúng với chánh pháp, không đúng lời dạy của Phật. Không đúng mà nuôi giữ hoài, làm sao tu thành Phật, làm sao hết khổ được vui, nên rất nguy hiểm.

2. Biên kiến:

Biên kiến là những kiến chấp sai lầm nghiêng về một bên. Như nói thân này chết rồi hết, hoặc chết rồi còn linh hồn sống mãi... Những cái chấp như thế làm mình hiểu lệch lý đạo, không tu được. Chữ “Biên” là một bên, không phải chính, không ở trục giữa. Loại ác kiến này cũng làm trở ngại việc tu hành của chúng ta.

3. Tà kiến:

Tà kiến là kiến chấp tà vạy. Tà thì không phải chánh. Tà kiến ở đây nói thứ nhất là đối với nhân quả, không tin nhân quả hoặc phủ nhận nhân quả. Là đệ tử Phật, tu theo pháp Phật mà phủ nhận nhân quả thì gia nhập nhà ma, chẳng bao lâu mình là ma thôi. Như có người rủ chị lại đây, tôi ban phép tu ba tháng thành Phật. Nghe thế quí vị khoái nên theo liền. Tu theo thầy mấy năm mà chưa thấy gì hết, bây giờ người ta nói tu ba tháng thành Phật, ham quá. Hoặc dưới gốc đá, họ đốt ba bốn lư nhang, quý vị đi núi Ông Cấm sẽ thấy, đốt muốn cháy luôn cục đá. Họ kêu lại nói quá khứ chị là gì gì đó, rồi tương lai sẽ thế này thế nọ, mình nghe tin hết trơn. Hồi trên núi xuống không có mấy thứ đó, đi nghe khỏe re. Bây giờ gặp bà này bả nói nghe ậm ừ trong bụng, đi muốn hết nổi. Người như thế là tà kiến, chưa nắm vững lý nhân quả.

Phật nói với chúng ta Ngài phải tu ba vô số kiếp, mỗi vô số kiếp tính không biết bao nhiêu thời gian. Như vậy có nghĩa là Phật đã tu, đã chịu cực chịu khổ một thời gian dài vô cùng vô tận, chứ đâu phải hai ba tháng gì. Một điều này thôi có khi huynh đệ cũng dễ duôi lầm nhận theo tà kiến. Bởi vì tu riết rồi mệt. Tụng kinh, ăn chay, đi chùa, học pháp, ngồi thiền, sám hối… đủ thứ mà không thành Phật. Gặp việc bất như ý cũng nổi nóng. Bây giờ nghe ai nói dễ dễ là mình chịu, tin theo tức thì, vì vậy nên lạc vào tà kiến. 

4. Kiến thủ:

Đây là những chấp chặt về kiến giải sai lầm của mình. Nghĩa là chúng ta có những kiến giải sai lầm gì đó, rồi chấp chặt như thế, không chịu bỏ đi, nên không tu tiến được. Vướng vào những cố chấp này, không buông nổi cuối cùng bị loay hoay lẩn quẩn trong đó không ra được. Người tu kẹt trong kiến thủ rất khó xây dựng, sửa đổi, chuyển hóa. Vì vậy việc tu của họ không tiến được. Bệnh này cần phải dùng ánh sáng trí tuệ phá tan. Nếu giữ mãi sẽ không có cơ hội gặp Phật pháp và giác ngộ đâu.

5. Giới cấm thủ:

 Đây là kiến chấp do thọ nhận những giới điều tà vạy, vô lý của ngoại đạo. Ví dụ như chấp khổ hạnh, nhận định sai lầm trong pháp tu, rồi chết cứng trong đó nên rơi vào đường tà, không trở về với chánh đạo được. Loại giới cấm thủ này rất nguy hiểm cho người tu. Như Hòa thượng thường dạy “Ăn chay cũng tu mà ăn mặn cũng tu, không nhất thiết người ăn chay tu được, người ăn mặn tu không được”. Rõ ràng đâu có gì cố định, chấp chặt, chết cứng trong pháp tu. Phật tử mới tập tu chưa ăn chay được thì cứ ăn mặn bình thường. Mai mốt tập ăn chay được thì ăn chay. Đâu có gì cố định. Nhưng nhiều người tự ấn định phải như thế, đâm ra có thiên lệch ác kiến nên việc tu không tiến.

Đó là năm điều ác kiến. Những ác kiến này nếu không định tỉnh nhận ra, mình làm sao ta khắc phục được. Từ đó mình bị nó khung lại, dẫn dắt, nó chủ động sinh hoạt tu tập hằng ngày của chúng ta. Vì vậy công phu càng gắng gỗ bao nhiêu càng phiền não bấy nhiêu.

Hồi đó tôi có một người huynh đệ bao tử yếu, ăn cơm chiều xong tới giờ tụng kinh thì thầy đi tụng kinh. Thầy rất siêng tu. Mỗi thời kinh là hai tiếng đồng hồ. Bắt đầu tụng khoảng tám giờ, tụng xong là trên mười giờ. Trải qua một thời gian như thế, bao tử sình lên, cái bụng bự ra. Mấy thầy thuốc coi nói thầy bị bao tử hành, do vừa ăn xong tụng kinh nhiều quá. Bây giờ đề nghị thầy bớt giờ tụng kinh sau bữa cơm chiều thì tôi mới trị bệnh cho thầy. Thầy nói: “Không! Bệnh thì cứ bệnh mà tu thì cứ tu”. Thầy cương quyết như vậy. Thời gian sau thầy bệnh nhiều, không ăn được mà cũng không còn tụng kinh nổi nữa.

Cho nên người khéo tu phải biết sống trung đạo, dung hòa, những gì không thích hợp thì giản dị bớt. Chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt, không nên chấp chặt vào các loại ác kiến như trên. Nói đến tu hành thì phải có tiến hoặc không tiến. Ở đây chúng ta phải biết cách khắc phục để được tiến. Bởi vì thời gian, tuổi tác không cho phép chúng ta dây dưa, cố gắng thực hiện công phu thật tốt.

Trước mắt chúng ta có nghịch cảnh, thuận cảnh, làm sao đối với nghịch cũng như thuận đều tu được. Đây là vấn đề thiết yếu. Người quyết tâm tu phải nhẫn được với những thuận cảnh. Bởi vì chính thuận cảnh gây trở ngại cho người tu lớn hơn nghịch cảnh. Nghịch cảnh dễ thúc ta tiến, còn thuận cảnh làm tâm trí mê mờ, nên thụt lùi mà mình không hay hoặc hay chăng nữa cũng không vượt qua nổi. Cho nên đối với nghịch cảnh mình phải tỉnh đành rồi, nhưng với thuận cảnh chúng ta càng quan tâm khắc phục hơn nữa.

Thuận cảnh là gì? Là sự thành công hay được nhiều ưu đãi của thầy bạn, thiện hữu chung quanh. Do thế nên mình tự kiêu, tự đắc. Như vị nào tu hành tiến bộ, thấy các vị chưa tiến, trong tâm ngầm tự đắc mình hơn người thế này thế khác. Một lúc nào đó không khéo, cái kiêu căng nó lòi ra. Người tính gì cũng đúng, làm gì cũng thành công, giống như ngoài đời đi thi đỗ đạt, làm quan lớn, giàu có v.v… dễ sinh kiêu khí, ngạo mạn. Đối với người tiến đạo nghiêm thân, học pháp thanh tịnh giải thoát, phải để ý điểm kiêu căng này. Chúng ta nhớ đường dài dốc ngược, trời trưa nắng gắt, gánh nặng cần phải buông nữa, phấn đấu hơn nữa chứ không phải ngang đó là rồi, không nên tự mãn kiêu khí chứng tỏ mình được để người ta thán phục. Tất cả những cái đó buông đi thì mới làm chủ được.

Bây giờ trong đời sống, hầu hết chúng ta buông trôi theo thuận cảnh, vì chúng ta không đủ tỉnh lực làm chủ nó. Bởi vậy nên ta dễ điên đảo, buông lung trong lúc thuận cảnh kéo lôi. Thế nên muốn tu hành có kết quả tất cả huynh đệ chúng ta gắng lên một chút. Khi đối diện với thuận cảnh, với những dấy niệm vừa lòng thích ý, ta gắng làm chủ. Tại sao phải làm chủ những dấy niệm? Vì chính những dấy niệm đó kéo lôi, khiến chúng ta bị trôi giạt ngược xuôi. Làm chủ bằng cách nào? Đừng để nó dẫn đi, không chấp nhận nó, không lao theo nó, không lầm đối với nó nữa. Làm chủ được những dấy niệm thì chúng ta an toàn, giải thoát, khỏi cầu giác ngộ cũng giác ngộ. Chúng ta có cơ hội, có năng lực đứng dậy cắt đứt mọi sự ràng buộc và quyết định vận mệnh cho mình trong tương lai. Đó là làm chủ được đối với thuận cảnh.

Bây giờ tới nghịch cảnh. Nghịch cảnh là sao? Là những bực tức, thù ghét trước sự chửi mắng mạ lụy của người v.v... Hòa thượng dạy người ta chửi mình, mình đừng chửi lại, người ta mắng mình, mình đừng mắng lại. Nếu bực tức hãy nên quán chiếu lời mắng đó không thiệt. Quán như vậy vẫn chưa bớt giận thì phân tích cái miệng không thiệt, lời nói không thiệt, câu nói không thiệt v.v... Trí quán luôn luôn nhiệm vận, điều hành cùng một nhịp với đà công phu, chúng ta sẽ chiến thắng được những nghịch cảnh. Điều này cũng không phải dễ, nên cần nỗ lực nhiều mới có thể nhẫn chịu, vượt qua.

Chuyện kể trong thời tu nhân, đức Phật hành hạnh bố thí. Có lần Ngài phát tâm bố thí hai mắt. Có người đến nói cần con mắt, Ngài hoan hỷ móc con mắt đưa. Người kia cầm một hồi nổi giận nói: Tôi cần con mắt phải, chứ không cần con mắt trái, sao ông đưa tôi con mắt trái. Nói xong kẻ ném con mắt đi. Phật bình thản móc con mắt còn lại đưa cho người kia. Đó là hạnh nhẫn nhục khó khăn nghịch cảnh của đức Phật, mức độ hành trì như thế mới gọi là ba-la-mật.

Người tu còn một vấn đề nữa là chiến thắng phiền não. Đây là vấn đề gay gốc, bức xúc bên trong chúng ta. Bởi mình nhăn nhó, la lối, bực dọc, hầm hét là vì không làm chủ được những phiền não bên trong. Không khi nào đêm hồi hôm mình ngủ ngon, ăn được, khỏe khoắn mà sáng mai ai nói gì mình nổi giận, la hét. Sở dĩ nổi giận, la hét là tại chiều qua có vấn đề, hồi hôm có vấn đề, sáng nay đùng một cái nữa mình chịu hết nổi, coi như trời sập. Kệ nó, cứ búa đi, tới đâu hay tới đó. Đây là gốc từ phiền não. Cho nên nhẫn chịu thứ ba là nhẫn chịu phiền não. Nhẫn được những dấy niệm nhỏ nhiệm li ti lăn tăn bên trong mới không phiền não, giữ quân bình trong sinh hoạt tu tập.

Thiền sư Bạch Ẩn đương thời rất nổi tiếng là người có thể sức giác ngộ mãnh liệt. Ngài được mọi người quý trọng. Bấy giờ có cô gái trong xóm phải lòng ai đó không biết, cho tới có mang. Ông già cô mắng chửi biểu khai ra. Biết khai ai bây giờ, bỗng cô nhớ ra hằng ngày bố kính trọng ông thầy Bạch Ẩn, nên nói đại sư là tác giả, may ra khỏi bị đòn. Ông già chưng hửng, quá bất ngờ. Nhưng rồi tin con gái nên ông lôi cô gái tới trước mặt thiền sư Bạch Ẩn làm dữ. Ổng chửi mắng nặng lời vì lâu nay quý trọng ngài như Phật sống, bây giờ sự việc tồi tệ như vậy.

Thiền sư nghe xong nói: “Thế à!”. Chửi mắng đã cha con ra về. Thời gian sau cô con gái sinh nở xong, ông xách đứa nhỏ tới nói: “Đây, con của ông nè, tôi giao cho ông!”. Ngài Bạch Ẩn lại: “Thế à!”. Thiền sư nuôi nấng đứa bé trong sự nhục mạ của tất cả mọi người. Cuối cùng cô con gái chịu hết nổi, nên thú thật với cha: “Cha ơi con hư hỏng với người khác, chứ không phải thiền sư đâu. Vì hồi đó sợ cha giết nên con nói đại, mong cho được yên. Bây giờ thấy thiền sư bị nhục mạ oan ức quá, lương tâm con không chịu nổi nữa”. Ông già nghe nói hết hồn hết vía, chạy lên chùa lạy lục sám hối, xong xin đem đứa nhỏ về. Thiền sư chỉ tiễn một câu “Thế à!”.

Muốn được như vậy bên trong phải không có phiền não. Chúng ta chưa được thế thì cố gắng cho được, chứ biết làm sao bây giờ. Giữa cuộc đời này bao nhiêu những bất như ý, phiền bực, lúc nào nó cũng chực hờ, không buông tha mình. Có nhiều chuyện không đáng chi hết, nhưng ta bất giác là phiền não có cơ hội chen vô nhiễu loạn. Hoặc sợ, hoặc lo, hoặc buồn, hoặc giận, tất cả những thứ đó đều là phiền não, rất tai hại đối với người tu. Phiền não có nhiều lắm, trong kinh Phật nói: Phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu v.v... hai mươi thứ. Bây giờ chúng ta phải cố gắng gột rửa sạch bọn chúng thì mới yên ổn.

Kính chúc quý Phật tử hãy cầm chắc thanh gươm trí tuệ, mạnh mẽ vun lên để sẽ chiến thắng, chứ không thể chiến bại trước đội quân phiền não ấy.

[ Quay lại ]