headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 05/01/2025 - Ngày 6 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

MỞ CỬA TU HÀNH

Thời Phật còn tại thế, chư Tăng Ni cũng như Phật tử được Phật giáo hóa chỉ trong một thời gian ngắn là ngộ đạo, chứng Thánh. Có vị tu tập hai tháng, sáu tháng, tám tháng nhưng cũng có vị ngay khi vừa được Phật khai thị liền xong việc. Vậy pháp của Phật ngày xưa với pháp của Phật bây giờ, chất vị có khác nhau không? Nếu không khác tại sao người xưa thành tựu dễ dàng, còn chúng ta ngày nay tu mãi vẫn không đi tới đâu.

Trong chúng hội này, có những vị Phật tử đã học pháp với sư ông của tôi hồi xưa, qua tới đời các bậc thầy, rồi tới đời chúng tôi, quý vị ấy đã phải chống gậy, đi có người dìu nhưng rồi cũng y nguyên. Như vậy pháp của Phật nó có hiệu dụng, có năng lực không? Thật ra học Phật mà không áp dụng thì không thấy hiệu lực, không có lợi ích gì cả. Thế nên huynh đệ học Phật, tu Phật nên cố gắng ứng dụng để phát huy diệu dụng của Phật pháp. Hiểu được như thế nào, chúng ta phải hành. Như vậy rất vui.

Hồi xưa đức Thế Tôn kêu một chú bé đến phủi tóc cho Ngài. Chú rất sợ nhưng không dám cãi nên đành phải cạo tóc cho Phật. Vì sợ quá nên trong lúc cạo chú thở hổn hển, đức Thế Tôn hỏi: “Tại sao hơi thở của con mạnh quá vậy?” Nghe đức Phật hỏi thế, chú ngầm hiểu đã bị Phật quở nên kiềm giữ hơi thở điều hòa trở lại. Đức Phật không nói gì hết, nhưng rất hài lòng công phu điều hòa hơi thở của tiểu tăng. Cuối cùng sau khi phủi tóc xong, chú ngộ đạo. Khỏi tụng kinh, khỏi ngồi thiền thời nào hết, mà cũng chưa từng đi chùa cúng Phật chi cả, chỉ trong quãng thời gian phủi tóc thôi, điều hòa hơi thở, chánh niệm phủi tóc cho Phật xong là ngộ đạo. Nhanh như vậy.

Thời đó rất nhiều vị Tỳ-kheo trẻ tuổi, đến trình với đức Thế Tôn: “Mùa an cư năm nay, xin Thế Tôn cho con một pháp tu, con sẽ tìm nơi thích hợp để hành trì”. Đức Thế Tôn rất hoan hỷ, biết được căn khí của từng vị, nên Ngài cho pháp tu thích hợp. Thầy nào tu chừng ba tuần lễ thấy có kết quả đặc biệt, xin được về đảnh lễ đức Thế Tôn, trình lại quá trình thực hiện công phu, đức Thế Tôn nghe trình bày xong, bảo “Ừ được, cứ thế mà tu”, thì chỉ thêm hơn một tuần hay hai tuần nữa, các vị đó xong việc, chứng A-la-hán. Các vị tăng xuất gia thường thường chứng đệ tứ quả A-la-hán, còn hàng tại gia cư sĩ chứng từ sơ quả lên đến Tam quả A-na-hàm.

Mùa an cư ngày xưa là một trăm ngày, Trung Hoa gọi là “Cửu tuần bách nhật”, chúng ta bây giờ nhập hạ ba tháng tức chín mươi ngày. Trong đó trừ hao chuyện bệnh hoạn, đi lại cúng kính, nghỉ ngơi gì gì thì còn chừng năm mươi ngày, chứ không nhiều. Chỉ xin được dự vào Sơ quả thôi, không biết chúng ta đã thực hiện được chưa nói chi đến Tứ quả. Người thời nay phần nhiều không nỗ lực, tu hành trậm trì trậm trật, nay bị rầy, mai bị quở, đi đây đi đó. Nay đổi chùa này, mốt dời am kia mà thấy vui, chớ thành đạo một cái rụp, không biết làm sao, buồn chết luôn! Trong bốn quả, quả thấp nhất là Dự lưu. Hàng cư sĩ có khi gặp Phật được nghe pháp, chỉ trong vòng đôi phút có thể vào quả này tức nhập dòng thánh. Đã dự vào trong dòng thánh rồi thì không bao giờ lui sụt.

Như ông Cấp Cô Độc là một vị Trưởng giả. Ban đầu ông không biết gì về đức Phật cả. Nhân dịp đi làm ăn xa, ông nghe bạn bè kể về đức Phật với những công đức thù thắng nên rất lấy làm lạ. Lại trong lúc ấy mọi người rộn rịp sắm sửa thức ăn, chuẩn bị ngày mai cung thỉnh Phật và Thánh chúng tới để được cúng dường. Tuy không biết cúng dường như thế nào nhưng ông thấy phấn khởi lạ thường. Bạn bè rủ ông nghỉ lại để sáng mai gặp Phật. Đêm đó ông ngủ không được, trong lòng nao nao muốn gặp Phật ngay. Vị chủ nhà thấy vậy, nên trong đêm tối dẫn ông tới gặp đức Thế Tôn.

Cấp Cô Độc nghĩ đoàn Tỳ-kheo của Phật là 1250 vị, nếu ở một chỗ chắc ồn ào lắm. Người nói một tiếng cũng thành cái chợ nhỏ chứ đâu phải ít, nhưng tại sao đi gần tới chỗ đức Phật mà thấy yên phăng phắt. Màn đêm phủ xuống, cảnh trí thiên nhiên bất động. Ông lấy làm lạ, không biết người bạn có gạt mình, dẫn đi đâu không. Tại sao tới chỗ cả nghìn người mà không nghe một tiếng động như thế này? Một lúc sau, thấy dáng đức Phật từ xa, Cấp Cô Độc đã nghe một niềm cung kính dâng tràn và dường như đức Phật biết trước, nên kêu: “Cấp Cô Độc! Hãy tới đây”. Sau đó, đức Phật chỉ nói vài câu ông liền dự vào dòng thánh. Niềm tin đối với Tam bảo kiên cố, tất cả công đức lành ông đã tu tạo trong nhiều đời, tới lúc đó phát triển. Tâm ông mở rộng, niềm tin niềm hoan hỷ đối với chánh pháp không gì có thể lay chuyển. Ông đảnh lễ đức Phật trở về xứ.

Trước khi chuẩn bị về xứ ông nghĩ phải thỉnh Phật và đoàn thánh tăng qua chỗ của mình, để đức Phật hướng dẫn pháp mà Ngài và chư vị thánh tăng đã tu chứng cho dân xứ ông được thắm nhuần, giúp họ hết khổ. Cái khổ sinh tử bì lao từ nhiều đời trầm luân, chỉ có học pháp Phật mới giải tỏa được. Ông liền đê đầu đảnh lễ thỉnh cầu đức Phật và chư Thánh tăng theo nguyện vọng của mình. Đức Thế Tôn hoan hỷ chấp thuận. Sau đó ông mua đất của Thái tử Kỳ Đà và kiến lập tinh xá Kỳ Hoàn. Tại đây đức Thế Tôn nhập rất nhiều mùa hạ, trú xứ này là nơi mà đức Phật đã hướng dẫn, khai đạo cho vô lượng Thánh chúng thành tựu Phật đạo.

Chúng ta chắc cũng đã kết chủng Bát-nhã, chủng Phật nên mới gặp Phật pháp, phát tâm tu hành nhưng có lẽ tu chưa tốt nên tới bây giờ cũng còn nguyên đây. Tuy nhiên hy vọng với chủng duyên tốt sẵn có từ trước, chúng ta sẽ thành tựu Phật đạo trong tương lai. Muốn thế chúng ta phải có cách tu tập để giải quyết được việc sinh tử của mình. Vì đây là vấn đề lớn lao đáng ngán đáng sợ nhất. Sinh ra không có sung sướng gì hết nên vừa chào đời là đã khóc rồi. Nếu không khóc được thì bị đánh cho khóc, cuộc đời này nó lạ lùng như vậy. Sự có mặt của mình bắt đầu bằng tiếng khóc, đó là dấu hiệu báo trước sự khổ của một đời người. Những giai đoạn kế tiếp tùy theo căn duyên, nghiệp quả của từng người mà có báo chướng khác nhau. Ngoài cái riêng còn có cái chung nữa, chúng sanh phải chịu những nỗi khổ chung riêng này tác động qua lại lẫn nhau. Trong đoạn nhân duyên đó không có gì bình ổn cả, một trăm điều thì đã tám chín mươi điều không như ý, họa hoằn lắm có một đôi điều tương đối như ý. Nhưng cái như ý đó cũng tạm thời, giả hợp, không thực, nó ngầm chứa những bất an bất ổn trong ấy. Chúng ở đâu ta không biết, nhưng dường như lúc nào nó cũng sẵn sàng có mặt. Ta phải đương đầu tiếp cận giải quyết trôi tròn như thế nào, đó là việc của mình. Trôi tròn như thế nào? Có người sanh con cái lớn lên, cưới gã xong thì nói trôi tròn. Có người tới gần tắt thở mà chưa chia chát sắp đặt mọi việc trong nhà là chưa trôi tròn. Sự việc muốn trôi tròn là phải giải quyết khi mình còn thở, chứ lúc đứng tròng rồi, đạo lý không còn, con cái tranh giành với nhau, thì cái gọi là trôi tròn thành ra bất toàn.

Vấn đề sinh rồi vấn đề tử chiếm hết thời gian của chúng ta. Mỗi ngày công việc của mình, đâu phải chỉ ăn uống nước, mà còn phải đi lại giao tiếp, đủ chuyện. Do vậy cả ngày mình gặp nhau trong bận rộn. Người này hỏi người kia “sáng giờ làm gì?”  - Quét nhà, đi chợ, nấu cơm, chuyện này chuyện kia, chưa rồi chuyện nào hết. Chuyện buổi sáng chưa rồi chuyện buổi trưa tới, chuyện buổi trưa chưa rồi, chuyện buổi chiều tấn công, chuyện buổi chiều chưa xong, mặt trời xuống lại ngủ vùi trong đêm tối, mù mịch. Quý vị thấy nguy cơ của hiểm họa của khổ đau đổ xuống thân phận con người như vậy. 

Bài pháp đầu tiên đức Thế Tôn dạy tại Lộc Uyển là khổ đế. Con người vừa mở mắt ra đời là khổ. Lớn lên đối duyên trái nghịch khổ, bệnh tật ốm đau khổ, rồi dần già yếu khổ. Tới chết là cái người ta sợ hãi nhất nên cũng khổ. Khổ đó từ những tập nhân phiền não mà ra. Khổ chẳng qua là quả thôi, các tập nhân mới là nguyên nhân tạo khổ. Cho nên muốn dứt khổ phải trừ từ các tập nhân. Nhận ra khổ và tập nhân gây khổ rồi, đức Phật mới dạy sang phương pháp trừ bỏ tập nhân khổ gọi là đạo đế. Hết khổ đến được chỗ an vui gọi là diệt đế. Con đường để thực hiện hết tập nhân khổ là các ông phải sống chân chính, đừng nghĩ sai, nói sai, làm sai. Đó là con đường Bát chánh đạo, con đường không dính bên này không mắc bên kia.

Hầu hết kinh điển Đại thừa Phật dạy, muốn cho mình trót lọt đến nơi đến chốn, đừng vướng bờ này, đừng mắc bờ kia, đừng bị hủy thể giữa dòng, không bị ma quỷ ốp, nhất định phải đi con đường trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Bây giờ không phải Khổ đế, không phải Tập đế, không phải Diệt đế, không phải Đạo đế mà là Trung đạo đệ nhất nghĩa đế, nó trót lọt, vượt qua hết. Phật nói giản dị, bài pháp chỉ có năm phút đồng hồ, năm vị bạn đồng tu chứng thánh quả, trở thành năm vị đại thánh A-la-hán. Chúng ta thấy con mắt trí tuệ khi mở ra thì chuyển hóa rất nhanh, rất an toàn.

Thế nên Phật dạy:

Thế gian vốn vô thường,

Cõi nước rất mong manh,

Thân tứ đại khổ, không,

Năm ấm là vô ngã,

Luôn sinh diệt biến đổi,

Giả dối không có chủ,

Tâm là nguồn việc ác,

Thân là rừng tạo tội,

Nếu mở được cửa này,

Thay đổi được quan điểm,

Thường tu tập như vậy,

Thì sẽ thoát sinh tử.    

“Thế gian vốn vô thường”, biết tất cả mọi thứ trên thế gian đều vô thường. Vô thường là gì? Là sự đổi thay lớn lao mà không ai có thể ngăn cản được. Tất cả chúng ta cho tới muôn sự muôn vật chung quanh đều bị vô thường chi phối. Chúng ta cũng thấy biết vô thường nhưng vẫn cứ bình thường, chứ không chịu thức tỉnh. Như hôm nào chùm tóc của mình đen thui, bây giờ trắng hết chỗ này. Ai làm nó trắng? Vô thường làm nó trắng. Ta thử nhìn gương mặt của ta, hồi mười mấy tuổi cho tới bốn năm mươi tuổi, vẫn tên họ như thế nhưng thay đổi hết. Hồi xưa gương mặt hơi bầu bầu đầy đầy, bây giờ nó dài dài xuống, hủn chỗ này lỏm chỗ kia. Ngộ quá! Mình đâu có muốn như vậy. Hay hàm răng đổi chừng vài cái thì miệng của mình nó kỳ lắm, xấu lắm. Sự thay đổi không ai muốn mà nó cứ thay đổi. Chúng ta luôn luôn muốn toàn vẹn, muốn an ổn như thuở nào, nhưng vô thường không cho phép. Con người đối phó với vô thường thật điên đầu. Không ai chống trái được, thiên hạ đều khóc, đều run sợ hết.

Bà cụ kia có thằng con trai cưng lắm, học rất giỏi nhưng khi thi tú tài một xong, bỗng nhiên nổi chướng không chịu học nữa. Bà bắt nó phải đi học, nó không nghe và bỏ nhà đi. Sau đó la cà tập tành theo bạn bè hút thuốc uống rượu, chơi bời đủ thứ chuyện. Thời gian không bao lâu, thấy nó tàn tạ quá, bà mẹ khổ sở vô cùng nên dẫn vô Thường Chiếu cạo quách cái đầu, cho mày học làm thầy chùa, quét lá đa ăn cơm qua ngày, mai ra thay đổi tâm tánh. Khuya ba giờ, mấy thầy kêu dậy, ảnh nói “ở nhà không có dậy ba giờ, bảy giờ kêu dậy chưa chắc dậy tui đã dậy, chứ mấy ông kêu ba giờ!”. Mấy thầy ở đây cũng cứng lắm. Không dậy, ông lấy nước đổ ướt hết, phải dậy thôi. Đổ vài lần ảnh quen không thèm dậy, mấy thầy lấy nhang đốt cặm chung quanh, ảnh ngủ không được nhưng không dám cục kịt sợ bị phỏng, rồi cũng phải dậy. Dậy mà không thèm đi rửa mặt, ngồi đó. Mấy thầy bắt lên chùa ngồi thiền, ban đầu ảnh không chịu lên nhưng cuối cùng cũng phải dẫn xác lên. Ngồi thiền bữa đầu đau quá muốn thối lui. Mấy thầy bảo rán lên, ở đây ban đầu ai cũng đau vậy đó, bây giờ hết rồi. Một thầy đứa cái chân ra nói coi đi, cái chân của thầy móp vô, chỗ đó bầm hết, da lột ra. Nó nói: “Trời ơi! Thuở nay con chưa từng học được mấy cái này, bây giờ con quyết tâm học. Nó phát nguyện học”. Thời gian khoảng một tháng nó ngồi thiền được, từ từ ngồi lên một tiếng rồi tiếng rưởi. Quý thầy nói chừng nào ngồi thiền tự tại là thành công. Nó hỏi “ngồi tự tại là sao ?” Ngồi tự tại là muốn ngồi bao nhiêu thì ngồi, không thấy đau nữa. Nếu tự tại được một cái này thì tất cả những cái khác cũng làm chủ được, bấy giờ mình tự tại với sanh tử.

Cho tới bây giờ ảnh rất tiến bộ. Khuya ba giờ đánh kiểng thức chúng là ảnh dậy, khỏi phải kêu. Dậy rồi đi rửa mặt lên ngồi thiền, không phải nhắc nhở. Sáng ra cũng đi làm công tác tự nhiên, tới giờ thọ trai đi thọ trai, tới giờ tụng kinh sám hối đi tụng kinh sám hối. Anh đem bài học thuộc lòng này về trình với mẹ, bà mẹ vui lắm. Bà nói rằng: “Ngày xưa tưởng đâu con chết rồi. Mẹ chỉ có một mình con thôi mà con hư hỏng, mẹ khổ sở biết chừng nào. Bây giờ con được như vầy mẹ mừng quá trời đất”. Bà mẹ đã chọn được một nơi cho con mình nương thân, ở đó nó mở cửa trí tuệ, phát huy cái đặc biệt nơi con người mình. Cái đặc biệt này ai cũng có thể làm được, phát huy được, nhưng nếu yếu đuối một chút thì không được gì hết. Yếu đuối là ví dụ như ngồi thiền đau chân quá, không rán nữa gỡ chân ra thì cứ tới mức đó là gỡ ra thôi, không rán được thêm tí nào hết. Bởi vậy chuyện tu hành, nhiều khi bình thường thôi mà mình không quyết tâm, không được hướng dẫn kỹ lưỡng chu đáo, không có duyên tốt, kém ý chí thì không làm được. Khó lắm chứ không phải dễ đâu.

Cửa vô thường không tha bất cứ một ai. Cho nên khi ta nhìn lại thấy mình lớn lên, anh chị mình cũng lớn hơn thì cha mẹ mình đã già đã chết. Khó tìm gia đình nào mà ông cố, bà cố còn sống, ông nội bà nội còn nguyên, cha mẹ anh chị em đầy đủ. Xưa nay trong đời chưa có một gia đình nào như vậy. Chúng ta đọc kinh còn nhớ chuyện một bà mẹ có đứa con duy nhất chín mười tuổi vừa chết. Bà khổ sở vô cùng ẵm xác con chạy tìm thuốc cứu sống. Chạy tìm mãi không ra, cuối cùng bà tìm đến cầu cứu đức Phật. Phật bảo: “Con đi tìm cho đức Thế Tôn một nắm tro của nhà nào chưa từng có người chết, đem về đây ta sẽ cứu cho”. Người mẹ ấy vì quá thương con nên chạy tìm khắp, nhưng không tìm được nhà nào xưa nay chưa có người chết. Bà trở về trình lại với đức Thế Tôn. Phật bảo: “Đúng thế, trên đời này ai cũng phải chết, gia đình nào cũng có người chết. Mình không chết thì những người thân mình chết”. Nhờ thế bà mẹ ấy thức tỉnh không còn sầu khổ ôm xác con đi tìm thuốc cứu sống lại nữa.

Có nhiều đứa bé sinh ra, chưa biết mặt cha mẹ mình là ai thì cha mẹ đã chết. Ngày xưa lúc tôi ở Vạn Đức, buổi khuya có người đem một đứa bé lại bỏ trước cổng chùa. Họ ghi trong giấy là hai mươi bốn tháng, nó nằm ngoa ngoe, kiến bu đầy. Thầy chống gậy đi tới thấy đứa bé, kêu mấy chú đem vô, nhờ mấy cô Phật tử ở nhà bếp nuôi dùm. Những trường hợp như vậy, lớn lên nó nói con không có cha mẹ hay cha con là ông thầy, mẹ con là mấy cô công quả nhà bếp. Nói vậy mấy ông thầy mang tiếng chết đi. Cho tới hai mươi mấy gần ba mươi tuổi, nó không tu mà lập gia đình, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện, vô năn nỉ thầy: “Ngày xưa con bị lỗi lầm, chồng con đánh đập quá. Nếu con không làm như vậy thì đứa bé này bị chồng con giết, bởi vậy con phải cam lòng như thế”. Cuộc đời có nhiều sự đau khổ bất toàn như vậy.

“Cõi nước rất mong manh”, điều này cũng dễ thấy. Như vừa rồi chúng ta nghe những vụ khủng bố, động đất, sóng thần… thây người chết như rạ. Cho nên Phật nói cõi nước mong manh, không bền chắc. Như tòa nhà bên Mỹ, nghe nói cũng chắc lắm nhưng máy bay đâm vô cũng sập, có gì chắc đâu. Nhận được lời Phật dạy chúng ta không mê đắm theo vật chất cảnh duyên bên ngoài là dự được vào trong dòng thánh rồi. Nhận tới nơi tới chốn là thấy chân lý, là kiến đế. Nhờ thế chúng ta giảm bớt những hình thức làm mất thời gian, hao sức tổn thần, mà tập trung vận dụng trí tuệ soi chiếu lẽ thực của tất cả các pháp. Bởi vì nếu không thấy được lẽ thực của các pháp, con người sẽ khổ vô cùng.

“Thân tứ đại khổ, không”, nhà Phật nói có thân là có khổ. Ví dụ như mấy cái răng cùng mọc mình cũng đau, đau bất kỳ chỗ nào cũng thấy khó chịu. Lần đó tôi bị sạn thận, vô thầy Năm coi mạch. Tới nơi thấy cô kia, trong con mắt có một cái mụt, nó lấn làm cho con mắt trồi xuống, tôi chắc là bệnh nhân phải đau đớn lắm. Quả nhiên, đến hồi hỏi ra mới biết cô bị ung thư mắt. Mình bị sạn là đã nghe đau thấu trời rồi, vậy mà cô ta bị ung thư mắt, không biết còn đau tới đâu! Người bị phong thấp viêm khớp, nay sưng chỗ này mai sưng chỗ khác cũng khổ. Bệnh nhân sức dầu giảm đây nó sưng kia. Kệ nó, nó sưng chỗ nào thì sưng, thay đổi riết cũng quen. Đầu gối đau, trên cổ tay cũng đau, tuy nhiên không đến đỗi, còn nhè trên mặt trên mắt mà lở loét thì thật chướng đời. Đó là những thay đổi bệnh thật của thân mà chúng ta không làm chủ được, khổ như vậy đó.

Thân ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là sắc chất, gồm bốn thứ địa, thủy, hỏa, phong. Thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tâm. Thọ là cảm thọ, tưởng là tưởng tượng, hành là những suy nghĩ biến đổi, thức là sự phân biệt. Năm uẩn này luôn luôn thay đổi. Bởi thế hồi sáng gương mặt của mình tươi, đến trưa nghe ai nói gì không bằng lòng mình nổi giận, mắt trợn trừng, miệng méo môi giựt, gương mặt thay đổi tức thì. Lát sau mấy người trong nhà an ủi, mình vui lên, hết hung tợn như khi trưa. Vui buồn thay đổi liên tục, làm thân tâm chúng ta dao động bất an. Hễ vui thì chân mài ngang tầm dễ coi, còn nổi giận lên thì chân mài dựng ngược, mặt đỏ gay nhìn thấy phát sợ. Vì vậy Phật nói nó không thật, không cố định, thân tứ đại là khổ, không. 

Thiền sư Tông Bổn, tác giả quyển “Sơn Cư Bách Vịnh” mới mười hai mười ba tuổi đã nhận ra điều này. Trong gia đình Ngài có một người cậu tuổi tác tương đương nên rất thân nhau. Ông cậu lớn hơn vài tuổi, nhưng tâm tình cả hai rất hợp. Bữa đó Ngài đến rủ cậu đi chơi mà sao thấy cậu nằm hoài không chịu dậy. Ngài hỏi mẹ:

- Sao bữa nay ông cậu nằm không dậy?

Mẹ Ngài nói:

- Con đi ra ngoài chơi đừng động đến cậu, cậu chết rồi.

Ngài hỏi:

- Chết là sao hả mẹ?

Bà mẹ giải thích một hồi, Ngài hỏi tiếp:

- Sao lại chết, cậu chết rồi mai mốt con có chết không?

- Chết chứ, mẹ cũng chết, con cũng chết, ba của con cũng chết, tất cả người trong nhà này đều phải chết hết.

Ngài hoảng lên hỏi:

- Nếu vậy, sau này con sống với ai?

Bà mẹ không trả lời được.

Sự thắc mắc đó không ai giải quyết được. Cuối cùng hôm ấy có mấy vị thầy trên núi về, ghé thăm nhà Ngài. Thiền sư hỏi:

- Thưa mẹ, mấy ông này là ai?

- Là mấy thầy.

- Mấy thầy làm gì?

- Mấy thầy tu.

- Thưa mẹ, mấy thầy tu có thể biết được mai mốt con ở với ai không?

- Con hỏi đi, chắc có lẽ mấy thầy biết.

Ngài lại hỏi mấy thầy:

- Thưa thầy, mai mốt mẹ con chết, tất cả người trong nhà chết hết, con ở với ai?

- Con ở với thầy.

- Vậy giờ con theo thầy được không?

- Ở với thầy thì theo thầy chứ sao!

Ngài liền nói với mẹ chuẩn bị đồ đạt theo mấy thầy về núi. Vài năm sau Ngài ngộ đạo, trở thành một vị thiền sư đặc biệt. Đặc biệt nhất của Ngài là thấu triệt được những sự đổi thay mất mát của con người trong cuộc đời. Cho nên những lời Ngài dạy trong “Sơn cư bách vịnh” nói lên được phong thái của một thiền tăng tự tại ở núi. Một người tu ở núi một mình không có chùa to, không có đệ tử là quá tự tại rồi. Nhà tranh, cửa tre, thật đơn sơ giản dị, ung dung thanh thản, không gì có thể buộc ràng, quả đúng với hai chữ “tự tại”.

“Các pháp không chủ”, các pháp do duyên sinh, không có chủ thể cố định. Ví dụ chủ của cái nhà này là ai? Chắc có lẽ là người sáng lập, phải không? Thật ra không có ai là chủ cả. Cái nhà từ vọng tưởng của người sáng lập hợp với các thứ nhân duyên khác như cột, kèo, trính, xuyên… công thợ chung hợp tạo thành hình thức như thế này gọi là cái nhà. Bây giờ tháo gỡ ra ra hết, hỏi “Cái kèo là nhà phải không?” “Không phải, nó chỉ là một khúc gỗ”. Tìm trong vách tường cũng không có chủ, trên nóc nhà cũng không có chủ, chỗ nào cũng không có chủ hết. Cái nhà là do con người giả định đặt ra, gọi đây là Pháp Đường, Trai Đường, Thiền Đường, điện Phật v.v... tùy theo công dụng của mỗi nơi mà có tên khác, còn chủ thể của nó thì không có.

Thân chúng ta cũng vậy, không tìm ra được chủ thể. Từ đầu, mắt, tay, chân, mặt, mũi… hơp lại, thành ra thân. Bây giờ gỡ từng bộ phận ra, hỏi mỗi thứ có phải là thân không thì rõ ràng không phải. Như cái tay của mình lỡ có sự cố, người ta tháo khớp thảy ra, hỏi cái này phải tay của ông không? Nói không phải, cái tay tôi hư rồi. Khi cái tay còn trên thân thì nói của mình, vừa bỏ ra lại bảo không phải của mình. Rõ ràng không có gì thật, không có gì cố định. Đạo Phật dạy cho chúng ta có cái nhìn không thiên lệch, không cố chấp, các pháp luôn đổi thay và không có chủ tể.

Phật nói thế gian vô thường nhưng vì chúng sanh chấp là thường nên khổ. Càng chấp càng gìn giữ, càng bảo trì thì càng khổ. Vì chắc chắn giữ không được. Phật tử biết rõ thân này giả hợp, ta nên dùng nó để tập trung hoán chuyển những quan niệm sai lầm, những cái nhìn không đúng chân lý, từ đó thoát khỏi sự trói buộc của thân. Ai thường thấy biết như vậy, sống thực với những hiểu biết chân chánh thì dần dần hết khổ, là người sáng đạo, được dự vào dòng Thánh. Ví dụ như bây giờ có ai tới gõ vào thân mình, hỏi “thiệt không?”, ta nên nói thiệt hay nói không thiệt? Nếu nói không thiệt họ đánh cho một cái chắc đau lắm. Mình nói “Không thiệt nhưng đang tạm dùng nên cũng phải nương tay”.

Mong chư huynh đệ hiểu rõ những gì Phật dạy, mở những cánh cửa tu hành ra để bước vào đạo lộ giác ngộ giải thoát.

[ Quay lại ]