headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 03/01/2025 - Ngày 4 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÌNH ẢNH TU TẬP HẰNG NGÀY

Kính thưa chư tôn đức Tăng Ni, thưa toàn thể quý Phật tử, buổi nói chuyện Phật pháp đêm nay, lẽ ra quí vị được nghe trực tiếp từ Hòa thượng, nhưng Ngài đã lớn tuổi, sức khỏe không cho phép, do vậy nên Hòa thượng chỉ dạy chúng tôi thay nhọc Ngài nói chuyện Phật pháp cùng quý Phật tử.

Kính thưa quí vị,

Chuyên môn của chúng tôi là chỉ hướng dẫn trực tiếp về phương diện tu học, nên đề tài nói chuyện ở đây nghiêng về việc tu học thôi.

Từ những kinh nghiệm tu hành nhỏ nhoi, chúng tôi sẽ nói một số phương tiện cần thiết đối với người tu Phật. Theo tôi người tu Phật trước nhất phải có những hiểu biết đúng về Phật pháp. Phật pháp chân chính dạy cho chúng ta tu hành đi đến kết quả hết khổ được vui, tiến xa hơn nữa là giác ngộ, giải thoát. Thế nên người Phật tử muốn tu theo đạo Phật, trước nhất phải tìm hiểu Phật pháp.

Phật pháp rất nhiều, như quý vị thấy tam tạng kinh điển chữ Hán chữ Pali rồi chữ Việt, nhiều loại lắm. Đối với biển Phật pháp vô lượng vô biên ấy, chúng ta chỉ học hiểu những thứ nào có thể áp dụng trong phạm vi tu hành của mình. Mỗi người tồn đọng bên trong những cố tật, những phiền não tham sân si… Khi học Phật ta đọ lại với mình xem thứ cù cặn nào nhiều nhất, nặng nhất, thứ nào mình muốn buông mà buông không được, những thứ ấy chỉ có Phật pháp mới giúp ta giải quyết ổn thỏa thôi.

Chúng ta học Phật để áp dụng, đưa Phật pháp vào trong đời sống thường nhật của mình. Khi áp dụng phải hết sức tích cực. Bởi vì như chúng tôi nói, có những món tồn đọng bên trong tuy rất bình thường, nhưng muốn buông bỏ nó lại không dễ chút nào. Buông không được, bỏ không rồi, đôi khi ta không biết phải làm sao. Nhiều người tu theo đạo Phật, trải qua một thời gian nghiên cứu, học hỏi và được sự hướng dẫn của chư vị tôn đức, nhưng việc tu hành vẫn chưa được an lạc, vẫn còn những cù cặn làm cho họ bức xúc, phiền não. Do đó chúng ta phải quan tâm tích cực, hành trì liên tục để đừng bị những thứ đó quấy nhiễu.

Có một số vị nói rằng tu không cần hình thức. Điều này cần phải nghiệm kỹ lại. Nếu chúng ta có năng lực phi thường, một khi nói buông là buông, thì không cần hình thức. Nhưng đối với những nghiệp tập, những phiền não ẩn náo sâu kín bên trong, không biết nó ở đâu, hình dạng ra sao, rất khó trừ. Vì vậy cần có những phương tiện để hỗ trợ cho việc tu hành. Có vị niệm Phật, có vị tụng kinh, có vị ngồi thiền, đó là những phương tiện giúp Phật tử trị những thứ lăng xăng, phiền não trong lòng. Nếu không khéo điều phục phiền não, để cho nó dấy khởi lên hoài, thì chẳng những mình bị nhiễu loạn mà còn làm phiền đến người khác nữa. Như khi phiền não nóng giận nổi lên, ta la lối um sùm làm khổ những người chung quanh, tạo nghiệp miệng không tốt, do vậy nên phải tu. Một khi trị được phiền não nóng giận rồi, chẳng những mình được yên mà chung quanh cũng yên nữa. Đó là lợi ích thiết thực của việc tu hành.

Khi sử dụng những phương tiện, những hình thức tu tập, chúng ta phải có sự sắp đặt, phải có thời khóa biểu đàng hoàng. Vì thời khóa chính là rào giậu bảo vệ sự tu hành của mình. Nếu không giữ thời khóa, không theo sự sắp đặt nào hết, thì giờ này mình làm chuyện khác, tu như thế không thể nào có kết quả được. Cho nên nhiều vị tu mười mấy năm, nhưng không có thời khóa, cuối cùng phiền não, thói hư tật xấu vẫn còn. Phật tử sống trong gia đình luôn gặp bất an bất ổn, là do thiếu tu. Vì thiếu tu nên không có cách trị phiền não. Nói phương pháp nhưng thật ra cũng không có một phương pháp gì cố định cả. Như bây giờ chúng ta kiểm nghiệm xem mình nặng cái gì, vướng cái gì, hễ nặng cái gì vướng cái gì, thì sử dụng phương pháp thích hợp để điều trị.

Thật ra cách điều trị phiền não cũng không nhiều, không có gì lạ. Phật bảo buông đi, vì phiền não đâu có thiệt. Khi nhớ lại lời Phật dạy, mình tỉnh táo một chút thì phiền não cũng không làm gì mình được. Tỉnh táo, yên lắng để thấy rõ phiền não, xem thực chất của nó rồi thì nó không làm gì chúng ta cả. Như từ một lời nói khiến chúng ta phiền não, bây giờ mình nhìn tận cùng nguồn gốc lời nói ấy, xem thực chất nó ở chỗ nào? Quý vị sẽ thấy nó chẳng có thực chất gì, do những thứ lăng xăng dấy khởi ra như thế. Phật nói tất cả những thứ đó không thiệt, buông bỏ hết đi thì phiền não sẽ không còn.

Khi thấy được thực chất của các pháp rồi chúng ta sẽ an tâm. Điều này giống như quý vị ra chợ không nhận định được vàng thiệt, vàng giả, thấy món nào cũng sáng ngời, vàng bóng nên mua lầm đồ giả. Nhưng khi quý vị đã có kinh nghiệm, biết loại nào giả, loại nào thực, thì không thể nào mua loại giả đem về. Ở đây cũng vậy, biết được những phiền não, tập khí tồn đọng trong chúng ta là đồ giả, thì không ai giữ nó trong lòng làm chi nữa. Sở dĩ chúng ta khổ là vì mê lầm, không nhận ra thứ nào giả, thứ nào thiệt. Do vậy ôm đồm hết những thứ giả, những món không cần thiết, nên trong lòng nhiều thứ toan tính bực bội bất an. Cho nên người tu Phật, biết được lẽ thực của tất cả các pháp bên ngoài rồi thì tâm yên.

Sau khi được yên, quý vị nhớ còn phải tăng tiến, tức là phát tâm dũng mãnh bền lâu kiên quyết, thực hiện cho đến cùng tất cả những phương pháp Phật dạy, tu hành chừng nào bằng Phật mới vừa lòng mình. Phật tử nên sửa lại những lời nguyện cầu khi lễ Phật, lâu nay quí vị cầu nguyện được cái này cái kia, cầu nguyện được bình an, sống lâu, được mọi thứ. Bây giờ chúng ta giảm thiểu những lời cầu nguyện như thế, mà tự khắc tự hứa tập tung phát huy năng lực, nguyện tu hành chừng nào bằng Phật mới vừa lòng con.

Mỗi khi thấy hình tượng Phật, chiêm ngưỡng dung nhan Phật, chúng ta nhớ lại hạnh nguyện của Ngài. Nhớ lại như thế để làm gì? Để chúng ta phát tâm tu hành theo sự hướng dẫn của Phật, của Bồ-tát nhằm đi đến kết quả giác ngộ giải thoát như các Ngài. Đó là phát tâm chính đáng nhất. Ở đây hoàn toàn không có sự ỷ lại, không có tính tự khinh mình, mà mỗi khi thấy dung nhan Phật, nhớ lại gương hạnh của Phật mình phát tâm mạnh mẽ hơn. Nhớ là nhớ như thế này, Phật cũng là một chúng sinh, cũng bị đau khổ, cũng lăn lốc trong luân hồi, từ đó Ngài phát tâm tu để tự cứu mình và cứu tất cả chúng sinh. Khi Ngài đã nếm trải những khổ đau của kiếp con người, Ngài nhớ lại vô lượng chúng sinh cũng đang nếm trải như thế. Do vậy nên Ngài phát tâm tìm đường thoát khổ, chấp nhận tất cả hoàn cảnh vô cùng khó khăn, quyết tâm thực hiện cho kỳ được mục đích viên thành đạo quả. Bây giờ thấy Phật, lễ Phật, nghe lời Phật dạy, chúng ta niệm ơn và vâng theo sự chỉ giáo của Ngài, phát tâm tu hành mong cũng được thành tựu đạo quả như thế. Phật là một chúng sinh, Ngài phát tâm tu thành Phật, ta cũng là một chúng sinh, cớ sao tu hành không thành Phật? Chúng ta cứ sợ mình nghiệp chướng sâu dày, phước đức trí tuệ kém mỏng nên tự ti mà lui sụt đạo tâm. Bây giờ không như thế nữa, mà phát tâm tu hành cho đến bao giờ thành Phật, dứt khoát không phát tâm khác.

Chư vị Bồ-tát khi tu cũng phải trải qua nhiều kham nhẫn, giữ vững hạnh nguyện mới thành tựu sở nguyện của các Ngài. Như câu chuyện Quan Âm Thị Kính, chắc hẳn chúng ta ai cũng biết. Ngài thị hiện là người nữ mà bị nói là người nam, trật lất trật lơ như vậy mà Ngài vẫn im lặng chấp nhận. Chấp nhận để tu, chứ đâu phải để thành hoàng đế phò mã gì đâu. Bởi chỉ có tu mới có tỉnh có sáng, có giác ngộ giải thoát, mới trị hết những khổ đau. Nếu không tu thì mọi thứ oan ức mê lầm, đời đời kiếp kiếp trả vai mãi, không thể chấm dứt. Đến giai đoạn Bồ-tát bị đánh đập trước công chúng, chịu nhục nhã đến mấy Ngài cũng chấp nhận, cuối cùng bị đuổi ra ngoài cổng tam quan. Thế cũng chưa oan khốn bằng khi Thị Mầu đem con đến giao. Ngài vì bảo vệ hạnh nguyện từ bi mà ôm đứa trẻ đi xin sữa khắp nơi, đến nỗi phải bị mọi người rủa xả, ném đá ném gậy xua đuổi, nhục nhã mấy Ngài cũng cam tâm. Lúc đó Ngài tụng bài kinh “cam chịu chấp nhận” để sự tu hành của mình đến nơi đến chốn.

Hồi nhỏ xíu, lúc chưa biết gì chúng ta nghe câu chuyện đó cảm thấy rất bức xúc. Nhưng bây giờ đã học Phật, hiểu lý đạo, chúng ta thấy rõ ràng nếu không có sự nhẫn chịu chấp nhận ấy thì làm gì có ngày Kỉnh Tâm thành Bồ-tát, thành Phật. Người xưa thị hiện như thế để giáo hóa chúng sanh. Ngày nay chúng ta học Phật, tu Phật nhất định cũng không có đường khác. Tuy hoàn cảnh chúng ta không y hệt như vậy, mỗi người mỗi kiểu, nhưng phải lập đại nguyện và bảo vệ đại nguyện đó cho tới cùng.

Hòa thượng Viện trưởng dạy chúng ta buông bỏ. Điều này còn trực tiếp hơn hình ảnh ông đạo Kỉnh Tâm tu Bồ-tát hạnh nữa. Nó trực tiếp vì đối với tất cả những dấy niệm, chúng ta buông liền. Trong A-hàm có một bài kinh kể về vị thiên tử hai tay cầm hai cây ngô đồng dâng lên đức Phật. Phật bảo buông, ông buông tay trái xuống. Phật lại bảo buông, ông buông tay phải xuống. Phật bảo buông nữa. Ông nói “con đã buông hết hai tay rồi, Ngài bảo buông nữa, con không biết buông cái gì?” Phật nói: “Ông còn cái gì trong lòng thì buông hết đi!” Cũng thế, nếu chúng ta còn cái gì trong lòng thì nên buông xuống đi, để dành không được, để dành những thứ ấy phiền dữ lắm. Có buông hết mới được an lạc. Buông hết thì trí tuệ của mình mới hiện tiền.

Giữa sáng và mê không có biên cương. Như bây giờ ta đang sử dụng đèn, mở đúng công tắt thì sáng, tối nó chạy đi đâu không biết, nhưng mở tầm bậy đèn tắt thì tối kéo tới. Cũng vậy, không biết phiền não ở đâu, những cái giận tức, tham sân tật đố, cù cặn chấp ngã, nó trốn chỗ nào không ai biết, nhưng có cơ hội là nó chạy ra, khiến mình trợn mắt, đỏ mặt, tay chân quơ quào, miệng há hốc… làm cho những hình ảnh đẹp không còn nữa, mà hiện lên những tướng dị thường bất an bất ổn như thế. Thành ra chúng ta phải cảnh giác để bảo vệ sự tu hành của mình đến nơi đến chốn, bảo vệ đại nguyện của mình. Bởi phát đại nguyện nên ta mới đến với đạo Phật, tu hành để được thành Phật, chứ không có nguyện nào khác.

Chư vị tôn đức đến đây lập đạo tràng cũng vì đại nguyện, giúp cho một số đông Phật tử có cơ hội gặp gỡ trao đổi tu học, động viên quí vị trên con đường tu học. Đó là nguyện vì mọi người, không phải việc làm cho riêng ai. Quý Phật tử cũng vậy, những ngày đầu sinh hoạt không thể nào có được một số hội hữu đông đảo như thế này. Ban đầu ít thôi, nhưng dần dần các vị đến tu học, thấy an lạc nên nói cho huynh đệ nghe, hoặc động viên những người thân của mình cùng đến học Phật pháp, thấm nhuần và áp dụng được Phật pháp. Thành ra nơi đây thành một đạo tràng, một đại nguyện giúp chúng ta vừa tu vừa động viên huynh đệ đồng tu. Rõ ràng quí vị đang đi trên đại lộ công hạnh của các bậc thánh, phát tâm bồ-đề viên thành Phật đạo. Tuy nhiên quí vị phải sáng suốt ổn định sắp xếp như thế nào để cho thiện duyên này phát triển đến viên mãn mới quý.

Khi nói đến phát tâm bồ-đề, trước nhất tôi muốn nói đến sự khắc phục. Khắc phục cái gì? Khắc phục những cái dở, cái riêng tư, cái tăm tối của mình, để tăng tiến công phu tu hành cho đến nơi đến chốn. Quí vị nào không có thì giờ tới chùa được thì nhớ tụng bài kinh khắc phục. Bài kinh khắc phục đó nằm trong xe, trên tay lái, trong tất cả sự tiếp cận đối duyên của quý vị. Vừa khởi niệm bậy nhớ khắc phục. Phải làm sao chủ động, tỉnh táo sáng suốt quyết định sự việc trong tinh thần định tỉnh. Chúng ta hiểu Phật rồi thì không đổ thừa, không ỷ lại, không đợi chờ cái gì cả, mà phải chủ động.

Người Phật tử trước nhất phải nắm vững luật nhân quả. Nếu tác nhân đó từ mình gây tạo thì quả đến, mình chấp nhận trả thôi, không chạy trốn đi đâu. Tư cách của một Phật tử là không trốn tránh nợ nần do chính mình tạo gây tạo. Người tin được nhân quả rồi thì mạnh mẽ, sáng suốt lắm. Vì biết rõ không ai vô cớ đổ họa cho mình được hết, tất cả những gì hôm nay có là do mình gây tạo hồi trước. Bây giờ nhìn vào hành động của mình gây tạo đây cũng biết được tương lai sẽ ra sao. Mình tu lơ là thì làm sao thành Phật được. Như quý vị về đây học thiền với thầy trụ trì, khóa học được ấn định một tuần một buổi chẳng hạn, tôi nói giả dụ như thế. Tuần này quý vị đi được nhưng tiếp tục hai ba tuần tới không đi được thì làm sao thuần thục. Cho nên người phát tâm bồ-đề phải khắc phục, phải cương quyết, phải dũng mãnh. Nếu ta không khắc phục, không cương quyết, không dũng mãnh thì chuyện đời sẽ lôi dẫn chúng ta trôi mất.

Nói phát tâm bồ-đề thì chúng ta chuyển từ hạt nhân trong sinh hoạt hằng ngày. Làm sao mỗi ngày, chúng ta có một khoảng thời gian chừng nửa tiếng kiểm lại mình, coi hồi sáng đến giờ mình làm cái gì. Kiểm như thế để ta nhớ và tỉnh lại, sợ những nhân xấu lỡ gây tạo từ ý nghĩ lời nói hành động của mình mà chừa bỏ. Đây là một pháp tu thực tiễn, gần gũi, ai cũng có thể áp dụng được. Nếu lúc nào ta cũng tỉnh sáng, làm chủ được thì vừa nghĩ cái gì sai bậy liền dừng lại, vừa nói lời thô xấu liền dừng lại hoặc hành động không đúng liền dừng lại. Ý nghĩ phát xuất từ vọng tưởng điên đảo, nó lén lút khó nhìn khó thấy kịp. Cho nên Phật dạy chừng nào chứng được A-la-hán mới tin được tâm mình. Có soát xét lại quý vị sẽ thấy khiếp sợ ba nghiệp của mình khi tiếp cận với đời sống chung quanh. Bởi vì ta biết chắc rằng không có tác nhân nào mà không chuốt lấy hậu quả. Tác nhân tốt thì hậu quả tốt, tác nhân xấu thì hậu quả xấu. Ta không đợi tới lúc hậu quả tệ hại đến rồi cầu khẩn Phật Bồ-tát tha thứ hoặc cứu giúp, mà phải luôn kiểm ra hành động ngôn ngữ ý nghĩ của mình ngay từ trong trứng nước. Đây là một cách tu. Cách tu này quý vị có thể áp dụng trên xe, trong lúc đi làm tại công sở, lúc nói chuyện giao tiếp với bạn bè v.v…

Tôi nghĩ Phật tử tu mà làm chủ được ba nghiệp của mình thì rất dễ thương, người rất hiền hòa, rất thuần thục. Phật tử càng tu càng hiền, càng thuần, càng dễ thương là biết cách tu, tu đúng pháp. Nếu không được như thế là chúng ta thua, vì không đủ tỉnh sáng nên ý niệm đầu dẫn mình đi xa lắc xa lơ rồi tạo nghiệp qua lời nói và hành động. Ví dụ như quý vị đang ở đây, nếu không chánh niệm, không làm chủ được ý nghĩ sẽ dẫn quý vị đi Sydney, tuốt xuống Melbuorne, về Việt Nam mà quý vị vẫn không hay. Nó dẫn đi lâu thiệt lâu, tới chừng nhớ ra thì đã bị dẫn đi quá xa. Tuy nhiên niệm đầu chúng ta thua, nhưng niệm thứ hai mình làm chủ, khắc phục giữ phần thắng chứ không để bị thua nữa. Như vậy công phu từ từ sẽ tăng tiến.

Quý Phật tử có ngồi thiền thì biết, ngồi quen hết đau quý vị có thể ngồi một tiếng, một tiếng rưởi, hai tiếng đồng hồ, bấy giờ ta dễ bị quên lắm. Ví dụ ngồi chừng mười lăm phút thấy yên, mình tưởng đâu không có vọng tưởng, nhưng thực sự mười lăm phút yên lắng đó mình bị một thứ vọng tưởng gan ruột nó dẫn đi mất tiêu, tới chừng giựt mình thì hết một giờ. Tôi nói vọng tưởng gan ruột thân thương nhất của mình, nó dẫn đi mình không có hay. Còn loại vọng tưởng ba gai vừa chớm lên mình trị dễ dàng. Nói thế để quý Phật tử nhớ, chúng ta tu hành cũng có nhiều khó khăn, không phải đợi hoàn cảnh như ông đạo Kỉnh Tâm mới gọi khó khăn, mà trong công phu hằng ngày đã ẩn tàng những thử thách không thể xem thường. Khó khăn từ nơi tâm mình. Bây giờ chúng ta phải trị nó bằng cách nào? Trước nhất ta phải tỉnh táo, sáng suốt, đây là điều quan trọng bậc nhất trong cuộc đời tu. Chúng ta không tỉnh thì bị lăng xăng, điên đảo kéo lôi. Chữ “điên” là mất bình thường, chữ “đảo” là đảo lộn. Ví dụ như người đi hai chân dưới đất, bây giờ đi cái đầu dưới đất, gọi là điên đảo. Chúng ta là người tu Phật thì không nên có cái nhìn điên đảo rối loạn như vậy. Bởi vì đạo Phật là đạo trí tuệ. Muốn phát huy được trí tuệ chúng ta đừng sống đảo ngược mà phải tỉnh táo sáng suốt.

Hòa thượng nói chúng ta phải có trí dụng. Trí dụng là gì? Từ trong thể thanh tịnh sáng suốt, có một loại trí tuệ để khắc phục những vướng mắc, gọi là trí dụng. Quý Phật tử ai cũng có trí dụng hết, cái chúng ta khởi tâm tu hành, có thể nói nó là trí dụng. Người tu Phật phải có trí dụng hiện tiền. Trí dụng hiện tiền thì chúng ta không bị lầm, không bị dẫn đi đâu. Có phát huy trí dụng ta mới làm chủ được những thứ lăng xăng, mới không bị phiền não bức xúc đảo lộn. Thật ra nói cho cùng, tu hành chỉ ở một chữ “dừng” thôi. Dừng cái gì? Dừng ba thứ phiền não, tật đố, tăm tối lăng xăng ngược xuôi điên đảo của mình. Dừng lại thì tư cách của mình sáng ngời, trí dụng sẽ hiện tiền.

Chúng ta tu phải làm sao quét hết các thứ vọng tưởng điên đảo, phải làm chủ được nó. Muốn làm chủ được, mình phải phanh phui thấy rõ tất cả sự việc, ngôn ngữ, con người đều không thật. Phẩu thuật rồi thì mình an ổn. Những cái vui vui không còn và những cái buồn buồn cũng mất tiêu. Chừng đó cuộc đời mình hạnh phúc biết bao. Trong nhà Phật nói khi nào mình vất bỏ được tất cả cái ba vớ đó ra ngoài thì an lạc. Cho nên quý Phật tử nhớ sự an lạc không thể cầu Phật ban cho, không mong Bồ-tát bố thí cho, cũng không do bố mẹ hay ông bà cho được. Quý vị nhớ hễ càng để vô trong gánh là càng nặng, dù ngọc ngà châu báu gì, hễ càng để vô là càng nặng. Bây giờ muốn gánh nhẹ, muốn đi thoải mái lên núi lên non thì cứ thải ra. Phật tử thấy cuối một đời người có mang được gì đâu, nói theo kiểu ông bà mình, cái nút áo mà thiên hạ cũng lấy lại, không cho mang theo. Vì sao lấy lại? Vì họ sợ trong tro bụi có cái gì họ sẽ không làm ăn được, hoặc là con cháu bị bệnh chẳng hạn. Họ sợ như thế chứ đâu phải họ thương mình. Nên dù ta có cố bảo vệ, cuối cùng những thứ đó cũng phụ mình thôi, thà thải nó trước cho an toàn.

Thành ra tôi đề nghị pháp tu là dừng những dấy niệm, dừng phiền não, buông hết tật đố, dừng tham sân si, chúng ta sẽ được an. Như trong nhà thiền, ngài Đạo Tín gặp Tổ Tăng Xán, ngài thưa: “Xin ngài ban cho con pháp giải thoát”. Tổ Tăng Xán trả lời: “Ai trói buộc ngươi”. Ngay đó Đạo Tín liền được giải thoát. Đây là pháp tu thẳng tắt, trực chỉ, đặt vấn đề ngay chỗ ai trói buộc mình? Lâu nay thiên hạ thường đổ thừa tại cái này cái kia trói buộc mình, như người ta vẫn hay nói “con là nợ, vợ là oan gia, gia đình là tội báo”. Nhưng xét lại con là con của ai? Con của mình, vợ của mình, nhà mình cũng chạy tiền gần cả đời mới gầy dựng được, rồi cho đó là tội báo. Có khi ta thấy mình dường như mâu thuẫn. Nên bây giờ trực tiếp đặt thẳng vấn đề. Trong lòng mình còn bị trói buộc, thử hỏi ai trói buộc đây? Hay do mình không dứt khoát, không mạnh dạn, không dám đứng thẳng đi thẳng.

Gương hồi xưa vẫn còn đó, Thái tử Sĩ-đạt-đa bước ra đi khỏi hoàng cung đâu phải chuyện giản dị, giữa bao nhiêu những nhiệm vụ, ràng buộc, đủ thứ chuyện trên đời hết, mà Ngài vẫn đi. Ai trói buộc? Ai thúc đẩy? Không ai cả. Chúng ta thấy rõ đã làm con người không ai tránh khỏi cảnh già, bệnh, chết, nó là một bản án máng vào cổ chúng ta rồi. Không ai giải quyết được chuyện này cho mình. Như đang mạnh khỏe đùng một cái, bị nhũng não, rồi tai biến, chở tới bác sĩ thì đã chết. Những bất hạnh, bất an, luôn rình rập chúng ta. Đó là động cơ chính yếu thúc đẩy Bồ-tát Sĩ-đạt-đa vượt thành xuất gia dù phụ hoàng không cho. Bản án đã treo, mỗi người mang đây, nhưng vì dễ duôi để qua ngày, nên quên bẵng nó đi.

Bây giờ đủ duyên, chúng ta gặp Phật pháp, có hội hữu, có đạo tràng cùng nhau sách tấn tiến tu. Quí vị cố gắng giữ đạo tâm, tu là dám đối diện với hoàn cảnh, với tất cả những sự kiện trước mắt, tu với tất cả. Phật tử sắp đặt việc tu hành tại tư gia cũng tốt. Nhà Phật tử nào to thì thờ Phật trong điều kiện rộng rãi, nhà Phật tử nào hơi nhỏ thì thờ kính Phật trong điều kiện khiêm tốn hơn, miễn trang nghiêm chí thành là tốt rồi. Dù ở đâu, hoàn cảnh nào quí vị cũng nhớ tu và học Phật pháp, áp dụng hằng ngày. Tu từ ba nghiệp tham sân si, buông bỏ những cấu uế phiền não trong lòng.

Buổi nói chuyện này chúng tôi muốn chia sẻ với quý Phật tử cách tu tập hằng ngày, mong rằng những điều này sẽ được quý vị ghi nhận và sắp xếp cho mình một pháp tu cụ thể, không sai với tinh thần đạo lý của Phật dạy. Tu làm sao mỗi ngày trí tuệ càng sáng suốt tăng trưởng, những mờ mịch lăng xăng điên đảo vơi đi. Tất cả huynh đệ chúng ta nên cố gắng khắc phục, sắp xếp con đường tu học của mình cho được viên mãn.

[ Quay lại ]