headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

BIẾT LẮNG NGHE

ThayTrucLam12Trong Kinh Pháp Cú, Phật dạy:

Nếu được bậc hiền đức
Phê bình và sửa sai
Như người chỉ kho vàng
Có lợi mà không hại.

Nghĩa là nếu mà được những bậc hiền đức phê bình hoặc sửa sai, tức là nhắc nhở chỉ lỗi lầm cho chúng ta, thì đó là điều rất quý. Giống như người chỉ kho vàng cho chúng ta khai thác để dùng, nhân đó được nhiều lợi ích. Nên được chỉ lỗi là có lợi mà không hại.

 Bởi vì tu là sửa. Tất cả chúng ta còn là phàm phu nên ít nhiều cũng còn lỗi lầm. Mà có lỗi thì cần phải sửa đổi, mới chuyển xấu thành tốt được. Còn như cứ chấp chặt không chịu lắng nghe lỗi sai của mình để sửa tức là người đó nuôi dưỡng lỗi lầm. Do đó, ngày càng chìm sâu trong tội lỗi, càng đắm chìm trong vô minh.

Vì thế, khi được những bậc hiền đức phê bình sửa sai là một ân đức lớn, không phải là điều đáng buồn. Chúng ta phải kính cẩn vâng nhận sửa đổi, chuyển điều xấu thành điều tốt, để luôn đi trên con đường tiến hoá.

Nhưng ít người được như vậy. Thường khi nghe phê bình thì buồn phiền coi như bị chê. Đúng ra là được phê bình, nhưng chúng ta nghĩ là bị phê bình nên chạm lòng tự ái nghĩ: đâu có sai mà sửa?

Thường thì ai cũng nghĩ mình đúng. Mình là tôi, mà tôi thì phải đúng. Sao dám sửa sai tôi? Như thế là xúc phạm tới tôi rồi. Do đó nên dễ sanh buồn phiền hoặc ôm hận thù. Đây là điều không hay. Vì tu mà còn xem trọng bản ngã, như vậy tự mình bị vô minh che mờ, là chấp ngã. Sai càng thêm sai.

Đúng ra, được phê bình là được nhắc nhở, nhờ vậy mới thấy được cái sai của mình. Nếu lúc nào cũng được người khác khen ngợi, tâng bốc nuông chìu, cái gì cũng đúng, cũng tốt hết…, thì đâu thấy được khuyết điểm để sửa đổi. Hoặc còn chấp vào cái sai của mình, không chịu lắng nghe những lời chỉ lỗi của người khác.

Kinh Bách Dụ có câu chuyện: Xưa, có một người tính tình thô lỗ, hay nói, lại ít chịu lắng nghe lời người khác. Một hôm, trong bàn tiệc, có người bàn luận “Anh ấy là người có tính hay nói lại thô lỗ…”. Bất chợt anh đi ngang nghe được, bèn nổi giận la lớn: “Ai nói tôi thô lỗ, tôi thô lỗ chỗ nào?” Những người kia cười nói: “Nếu anh không thô lỗ thì hiện tại đang làm gì đây?”

Rõ ràng là thô lỗ nhưng người này không thấy được, vì không chịu lắng nghe.

Người biết lắng nghe thì sao? Khi nghe người ta nói như thế liền kiểm lại: “Chắc là mình cũng có chỗ sai sót gì đây, nên mọi người mới phê bình, nói như vậy”, liền hổ thẹn rồi sửa sai.

Còn khi nghe người phê bình liền nổi giận rồi trả đũa, tất nhiên càng biểu lộ cái sai của mình khiến người càng phê bình thêm nữa. Chúng ta khéo biết lắng nghe để có sự hổ thẹn sửa đổi, bản thân được nhiều lợi ích. Vì thế, Đức Phật mới dạy câu trên.

Cho nên vui vẻ lắng nghe, tiếp nhận sửa sai là hạnh lành có thể chuyển thành bậc hiền đức. Đây là điểm thiết yếu trên đường tu hành.

Trích "BIẾT LẮNG NGHE" - TT. Thích Thông Phương
 

[ Quay lại ]