headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CHÂN LÝ BÌNH ĐẲNG

ThayTrucLam9Đức Phật khi mới thành đạo, Ngài liền kêu lên: “Lạ thay, lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai, vì các thứ vọng tưởng chấp trước che mờ, bèn thành lưu chuyển trong sanh tử ”. Đây là một chân lý bình đẳng, là một lẽ thực mọi người đều có đủ, chứ không chỉ riêng ai.

Tức là khi Phật giác ngộ, Phật thấy tất cả chúng sanh đều có trí tuệ Như Lai, đều có tâm Phật hết. Nhưng vì những thứ vọng tưởng, chấp trước che mờ, thành ra bị lưu chuyển trong luân hồi sanh tử.

Như vậy, mọi chúng sanh đều có đủ tâm Phật mà không tự ngộ. Quí vị nào có tụng kinh Pháp Hoa, thì trong kinh nói rõ bản hoài của chư Phật ra đời cốt là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Đức Phật dùng bao nhiêu phương tiện sai khác, đều vì một việc này thôi chứ không gì khác. Đức Phật không phủ nhận ai hết. Chỉ vì mọi người có tri kiến Phật nhưng không biết, nên chư Phật ra đời để khai thị cho mọi người tỉnh trở lại, sáng tỏ trở lại tri kiến Phật đó thôi!

Hoặc Ngài dùng nhiều phương tiện là để dẫn dắt chúng ta từ từ trở về chỗ này. Trong kinh nói chỉ có nhất thừa là Phật thừa. Như vậy, Đức Phật rất tôn trọng con người, nâng cao giá trị của con người, chỉ rõ cho mọi người thấy là ai cũng đều có khả năng để vượt lên khỏi cái chúng sanh này.

Khi học đến phẩm Bồ-tát Thường Bất Khinh, quý vị thấy Bồ-tát tu hạnh gì? Ngài tu hạnh là khi gặp bất cứ ai thì Ngài cũng chắp tay xá nói: “Tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài đều sẽ thành Phật”. Có những người đã không tin còn chửi mắng, hoặc lấy đá ngói ném liệng, thì Ngài chạy xa xa chắp tay cũng nói câu trên.

Sau đó Đức Phật nói, Bồ-tát Thường Bất Khinh đó là tiền thân của Ngài, còn những người đã chửi mắng, ném đá vào Bồ-tát Thường Bất Khinh thì hiện tại đang ngồi trong hội đó. Như vậy, Phật nói Bồ-tát do tu hạnh đó mà sớm thành Phật.

Bởi vì, thấy rõ mọi người đều có tâm Phật, đều có hạt giống giác ngộ nên không dám khinh ai hết. Trên hình tướng bên ngoài, thì có nghiệp riêng có huân tập sai biệt. Còn tánh giác hay tâm Phật này thì ai cũng như ai đâu có thiếu, đâu có cao thấp, mập ốm cũng đâu có tướng nam, nữ

Người nam cũng có tâm Phật, người nữ cũng có đủ, và đó thật sự là chân lý bình đẳng, không phân biệt. Hiểu được điều này rồi, quý thầy hoặc quý cô ở chùa, hoặc là Phật tử hiểu đạo gặp nhau cùng chắp tay xá nhau, cùng ý thức việc làm có ý nghĩa.

Chúng ta chắp tay xá nhau đó là đang nhắc nhau nhớ lại tâm Phật. Xá chào đó không phải là xá cái xác này, mà là xá cái gì sâu xa ở bên trong. Khi gặp anh thì tôi xá ông Phật của anh, còn người kia thì tôi xá ông Phật của chị. Vậy là cùng nhắc nhau tu hành.

Quý vị thấy như vậy có hay, có quý không? Nơi nào chúng ta cũng có thể nhắc nhau tu, cũng có thể gặp Phật được. Vậy thì chỉ một cái xá mang rất nhiều ý nghĩa ở trong đó.

Từ đây về sau, mỗi khi chắp tay xá nhau là biết tôi đang xá ông Phật của anh, nhắc nhở anh trở về ông Phật của anh. Người kia lại xá ông Phật của chị. Vậy mỗi người cùng nhắc nhở nhau. Cùng tu như vậy thì càng gần gũi, thân thiện với nhau, vậy thì quá hay rồi!

Chúng ta học Phật, hiểu Phật rồi ứng dụng sống, mới thật là ý nghĩa. Quý vị thấy trình bày như vậy là đã có giảng Pháp Hoa cho quý vị nghe chưa? Đó là giảng kinh Pháp Hoa rồi. Kinh Pháp Hoa là như vậy. Nếu không thì quý vị nghĩ giảng Pháp Hoa là phải đọc qua 28 phẩm, rồi giảng từ từ cho quý vị nghe thì phải mất thời gian mấy tháng. Ở đây, chỉ nói cô đọng nhưng chính là giảng Pháp Hoa. Đó là Kinh Pháp Hoa mà Đức Phật đã từng tán thán: “Kinh Pháp Hoa là vua các kinh, tụng Pháp Hoa là phước đức vô lượng v.v..”. Chính đó là bộ kinh Pháp Hoa sống mà Đức Phật muốn chỉ. Còn bộ kinh Pháp Hoa 28 phẩm mà quý vị tụng hằng ngày gọi là văn tự Pháp Hoa, đọc kinh đó để nhắc nhở bộ Pháp Hoa sống nơi chính mình.

Từ bộ Pháp Hoa sống đó mới được thành Phật. Đó chính là chỗ Phật khai thị, gọi là tri kiến Phật. Từ nay về sau quý vị hiểu được Pháp Hoa, biết được cách tụng Pháp Hoa là tiến thêm một bước. Vậy thì, chúng ta vừa tụng Pháp Hoa văn tự, vừa hiểu được ý nghĩa sâu của Pháp Hoa, như vậy mới thật sự hiểu được Phật. Các đệ tử Phật sau này trì tụng được như vậy thì Ngài rất vui.

Bởi vì Phật dạy tụng Pháp Hoa là để khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, mỗi ngày càng tăng trưởng công đức lành, bớt phiền não được an vui.

Mong quý vị từ đây hiểu được Pháp Hoa, mỗi khi gặp nhau chấp tay xá chào là cũng đang tụng Pháp Hoa, đó cũng là một ý nghĩa thường khai Tri Kiến Phật

Trích "AI CŨNG CÓ MỘT TÂM PHẬT" - TT. Thích Thông Phương
 

[ Quay lại ]