headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THỰC CHỨNG

ThayTrucLamCó câu chuyện trong thời Phật tại thế, Trưởng lão Pothila thông thuộc Tam tạng trong thời kỳ bảy Đức Phật và thường tuyên đọc giáo lý cho một nhóm năm trăm vị Tỳ-kheo nhưng ông chưa chứng quả. Một hôm nọ, Đức Phật nhủ thầm: "Nếu có dịp thì ta sẽ khuyến khích Trưởng lão này chấm dứt lậu hoặc". Từ khi đó, mỗi lúc vị này đến bên Đức Phật thì Ngài thường gọi: "Hãy đến đây Pothila rỗng!" hoặc là "Chào ông Pothila rỗng!". Cũng có lúc, Phật bảo: "Hãy ngồi xuống đi, Pothila rỗng!" hoặc là "Hãy đi ra, Pothila rỗng!". Thậm chí có khi Trưởng lão đã đi ra rồi thì Đức Phật còn nói theo: "Pothila rỗng đã đi ra rồi!". Nếu mình mà bị nói như vậy thì chắc là tự ái lắm: "Mình là ông thầy lớn mà Phật gọi "Ông thầy rỗng" thì mất mặt với đám đệ tử sao!".

Mà nếu tự ái như vậy thì chắc là không thấy được chân giáo pháp nổi! Nhưng với trưởng lão Pothila này, nghe thấy Đức Phật nói như vậy thì ông tự suy nghĩ: "Chắc là Thế Tôn nhắc mình chưa phát triển được chánh định", tức ông chỉ hiểu trên văn tự mà chưa thực chứng trên chánh định. Do vậy, ông quyết định vào rừng để tu thiền định. Chiều hôm đó, ông sắp xếp y bát. Đợi lúc trời chập tối các thiện tín đi nghe pháp, ông bèn đi lẫn vào trong nhóm đó để cho các Tỳ-kheo kia không để ý rồi đi đến một khu rừng. Ở nơi này có ba mươi vị Tỳ-kheo đang ẩn tu, ông bèn đến vị Trưởng chúng thưa:
- Xin Trưởng lão chỉ dạy cho tôi!
Vị này bèn nói:
- Tôn giả! Ngài là giảng sư, chúng tôi còn phải học nơi Ngài nữa mà. Tại sao Ngài lại nói như vậy?
Ông Pothila vẫn khiêm tốn thưa:
- Thưa Ngài! Xin Ngài đừng từ chối, hãy chỉ dạy cho tôi!
Thật ra, cả ba mươi vị Tỳ-kheo này đều là bậc đã chứng A-la-hán hết rồi nhưng vị Trưởng lão đệ nhất này nghĩ rằng: "Vị Tỳ-kheo này là người học rộng, mà học rộng thì chắc sẽ có cao ngạo. Ta nên dùng phương tiện dẹp bớt cao ngạo đó cho thấp xuống thì vị này mới học pháp được".
Nếu cứ cao ngạo "Mình là ông thầy lớn, hiểu biết nhiều" thì vị Trưởng chúng thuyết pháp như thông thường làm sao vô được nữa!
Vị này bèn đẩy qua vị kia, vị thứ nhất đẩy xuống vị thứ hai:
- Ngài đến vị kia, vị đó sẽ chỉ cho.
Vị đó lại bảo:
- Ngài gặp vị kia, vị đó sẽ chỉ cho.
Cứ như thế cho đến người cuối cùng là vị Sa-di bảy tuổi đang ngồi vá y! Đến đây thì kiêu khí của vị Trưởng lão này cũng giảm xuống bớt rồi! Mà đúng là ông Pothila có tâm học đạo thật sự nên vẫn đến chỗ vị Sa-di và chắp tay cung kính:
- Thưa Đại đức, xin Đại đức chỉ giáo cho tôi!
Vị này liền đáp:
- Ô kìa giảng sư! Ngài nói gì lạ vậy! Ngài hơn tôi cả về tuổi tác và học vấn, tôi còn phải học với Ngài nữa mà!
Nhưng ông Pothila vẫn rất khiêm tốn:
- Đại đức, xin Ngài đừng từ chối, hãy chỉ dạy cho tôi!
Vị Sa-di này mới nói:
- Thưa Tôn giả, nếu như Ngài kiên nhẫn thì tôi sẽ chỉ cho Ngài.
Ngài Pothila đáp:
- Tôi sẽ kiên nhẫn, nếu như Ngài bảo tôi nhảy vào lửa thì tôi cũng nhảy nữa!
Quý vị thấy, một vị trưởng lão đối với một vị Sa-di mới bảy tuổi mà còn khiêm tốn như vậy. Đúng là Ngài đáng để cho chúng ta lạy nữa, bây giờ khó tìm ra một vị như vậy.
Nghe như vậy, vị Sa-di liền thử! Vị này chỉ cái ao nước ở cách đó không xa và bảo:
- Vậy Ngài hãy nhảy xuống ao này để cả y áo luôn!
Ông Pothila này liền đi tới và nhảy xuống ao liền! Y áo của Ngài ướt hết, vị Sa-di thấy vậy liền kêu:
- Thôi, Ngài hãy đến đây!
Sau khi vị Trưởng lão này đến, vị Sa-di mới nói:
- Này Tôn giả! Giả sử ở đây có một cái hang với sáu cái cửa, có một con tắc kè chui vào hang đó. Người nào muốn bắt nó phải bít năm cửa hang kia chỉ còn chừa lại một cửa, thì sẽ tóm được con tắc kè. Như thế, Ngài nên đóng hết năm căn lại và tập trung vào ý căn.
Tức là tâm mình chạy lung tung nơi sáu căn, mình tập trung không nổi thì bây giờ phải đóng hết năm căn mà chỉ tập trung vào ý căn. Nếu là người thường thì khi nghe vậy chắc cũng chưa hiểu gì sâu lắm, nhưng với Trưởng lão Pothila này, vừa thông minh vừa sáng trí lại còn là bậc thầy thuyết pháp nữa nên nghe tới đó là Ngài nắm được vấn đề, Ngài liền nói:
- Như thế đủ rồi Đại đức, Ngài khỏi cần phải nói thêm nữa.
Ngay tại chỗ, ông bèn tập trung tư tưởng quán sát về thân mình và bắt đầu thiền định. Đức Phật biết vậy nên hiện ra trước mặt, Ngài đọc bài kệ:

Tu thiền trí tuệ sanh
Bỏ thiền trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngã
Đưa đến hữu phi hữu.
Hãy tự mình nỗ lực
Khiến trí tuệ tăng trưởng.

Bài kệ vừa xong, Trưởng lão liền chứng A-la-hán.
Đó là để đánh thức cho mình. Ban đầu, Ngài Pothila hiểu thông giáo lý nhưng chưa thực chứng, Đức Phật muốn cảnh tỉnh nên nói: "Pothila rỗng" tức chỉ hiểu giáo lý nhưng chưa thực chứng bên trong. Nhưng ở đây, Ngài đúng là người có tâm học đạo nên nghe Phật nói vậy thì biết và thức tỉnh nên sẵn sàng buông bỏ để vào rừng tu tập thiền định, và cũng sẵn sàng dẹp bớt cái ngã nên đối với vị Sa-di mới bảy tuổi mà dám hạ thấp mình, do đó mới chứng đạo mau như vậy. Cho nên, mình cần phải khéo thực hành để thực sự đạt đến cái thấy pháp và chứng pháp, đó là cái gương nhắc nhở cho mình tiến lên.

Trích "THẤY PHÁP" - TT. Thích Thông Phương
 

[ Quay lại ]