TU TÂM XẢ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 29 Tháng mười một 2019 07:27
Phật dạy thế gian vô thường, tức là từ bản thân cho đến hoàn cảnh bên ngoài đều là pháp biến đổi không cố định, không bền chắc. Đã không cố định bền chắc, tại sao lại bám chắc, giữ chặt để chịu khổ?
Ví dụ như cái nhà chúng ta đang ở hoặc mảnh đất ta đang sở hữu, nó có thật cố định là của mình không? Nếu nghĩ nhà này cố định là của tôi, khi nó không còn của tôi nữa liền khổ.
Như chúng ta xây một ngôi nhà vừa ý, nhưng lâu lâu thấy không vừa ý liền bán căn nhà này đi tìm chỗ mới, vậy nó còn là của tôi nữa không? Còn mảnh đất, mảnh vườn mình đang sở hữu đây trước kia đã có bao nhiêu người làm chủ rồi? Mình là người chủ thứ mấy? Vậy là mình chỉ làm chủ tạm thời một lúc thôi, nên đâu có cố định.
Ngay bản thân mình cũng vậy, là nhà trọ tạm mượn một lúc rồi cũng trả. Mướn nhà 50 năm, 70 năm, 80 năm cho đến 100 năm rồi cũng phải trả, bắt buộc phải trả, hết kỳ hạn là phải trả thôi. Nhưng cũng có người đến kỳ trả mà không chịu trả, tuy không chịu trả nhưng cũng phải trả. Như có người sắp chết mà không muốn chết, không chịu chết, cứ bám hoài nhưng dù cố giữ cách mấy cuối cùng cũng phải trả. Nếu đã mướn nhà trọ thì khi đúng kỳ hạn liền vui vẻ trả, đó là chân lý, là lẽ thực. Dù cho ai có lý luận hay cách mấy chăng nữa thì cũng đi tới chỗ hễ mượn là phải trả. Lẽ thật là như vậy. Và chúng ta hiểu rõ cuộc sống tồn tại của con người là do tương quan tương duyên với nhau, nên hãy cùng nhau hòa nhịp cho bớt ngăn cách.
Thấy rõ ai ai cũng là người thân hoặc là những người từng đóng góp vào cho sự sống, sự an vui hạnh phúc của chúng ta thì chúng ta phải có bổn phận biết ơn và cùng sống cởi mở với nhau, phải phát triển tâm xả nhiều hơn, gần gũi hơn, nhờ vậy cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn. Vậy hạnh phúc, an vui ngay ở trong chúng ta chứ không phải tìm đâu xa, nhưng người ta thường cứ đi tìm ở bên ngoài.
Có câu chuyện một vị Bà-la-môn bị mất trâu rồi đi tìm. Trên đường gặp Đức Phật, ông hỏi:
- Này ông Cồ Đàm! Ông có thấy trâu của tôi chạy ngang qua đây không?
Đức Phật bảo:
- Ông đi tìm vật không đáng tìm, đáng lẽ phải đi tìm chính mình mới phải.
Ông nghe vậy, ngạc nhiên hỏi lại:
- Ngài nói gì lạ vậy? Tôi không hiểu.
Đức Phật giải thích:
- Ông nên tìm lại chính mình, khi tìm được sẽ đem lại hạnh phúc an vui cho ông. Chúng sanh thường tìm kiếm những điều đem lại sự khổ não, không biết là hạnh phúc của mỗi người phải tìm nó ở ngay trong tâm mình.
Đức Phật dạy ông là phải đi tìm chính ông mới phải, đó mới là tìm hạnh phúc, đó là điều cần tìm mà lại không tìm. Chúng sanh cứ lo tìm những điều khổ não mà quên tìm lại chính mình, cho nên khổ hoài.
Ông Bà-la-môn nghe xong liền tỉnh ngộ, ông mới thấy rõ là xưa nay mình chỉ đi tìm những cái bên ngoài nên mãi đau khổ, nếu nay không gặp được Đức Phật chắc là còn lăng xăng chạy đi tìm cái bên ngoài. Khi cảm nhận được điều đó, ông hướng về Phật chân thành đảnh lễ.
Đến đây mỗi người có đồng ý mở rộng lòng với tâm hỷ xả hay không? Ai có nói gì mình cũng không giận là xả, ngay đó là có hạnh phúc. Còn vừa nghe nói liền đem vào thì khổ ngay! Vậy hạnh phúc, khổ đau đâu phải ở bên ngoài mà là ngay trong chính mình.
Quán chiếu rõ điều này, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa chân thật, rồi ứng dụng trong đời sống tu tập với tâm hỷ xả và lòng cởi mở. Bởi vậy, Ngài Huệ Hải nói: "Việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm". Ngài dạy việc đến đừng nhận tức không khổ, lòng rỗng rang. Như người ta nói nặng mình nhưng mình không nhận thì đâu có khổ! Còn người ta chưa nói tới mình mà mình đã nhận liền khổ thôi! Như đang đi chợ nghe ai nói gì đó có tên ai trùng tên với mình liền lắng tai nghe để đem vào, nên khổ là vậy. Cho nên, chúng ta phải tập bớt nhận sẽ sống vui vẻ.
Như câu chuyện, một hôm Phật đang đi khất thực, có một Bà-la-môn đi theo sau chửi. Phật đi trước, ông theo sau chửi hoài, Phật vẫn đi. Cuối cùng, người Bà-la-môn đó chạy ra trước đón đầu Phật, hỏi:
- Nãy giờ tôi chửi, ông có nghe không?
Phật đáp:
- Nghe chứ!
Hỏi:
- Ông nghe mà tại sao làm thinh hoài vậy?
Phật hỏi lại:
- Giả sử nhà bạn ông có đám tiệc mời ông dự, ông đem quà đến tặng mà bạn ông không nhận thì món quà đó sẽ ra sao?
Bà-la-môn đáp:
- Tôi tặng quà mà không nhận thì tôi đem về.
Phật nói:
- Cũng vậy, ông chửi ta mà ta không nhận, của ông vẫn là của ông.
Ông có ác tâm nhục mạ người, khẩu nghiệp ác đó sẽ về ông không mất, tức là ông sẽ khổ. Nếu người ta chửi mắng mà mình không nhận thì của họ vẫn là của họ. Còn mình nhận tức là của mình, là khổ. Đơn giản vậy đó! Khổ vui là ngay chỗ đó.
Mong tất cả khéo hiểu những lời này, luôn phát triển tâm xả của mình để cuộc sống càng ngày càng đến gần với nhau hơn, bớt đem khổ cho nhau, cũng bớt ôm oán hận, buồn phiền. Nhờ vậy, cuộc đời tươi vui mát mẻ hơn, có nhiều bạn bè là vui vẻ. Phải luôn nhớ câu này: "Một lần buông xuống là một lần lên". Người càng buông xuống là càng lên cao, càng nhẹ nhàng, an ổn.
Trích "SỐNG KHÔNG HẬN THÙ" - TT. Thích Thông Phương