headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 28/01/2025 - Ngày 29 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

PHẢI CÓ NHẬN ĐỊNH SÁNG SUỐT ĐỂ VƯƠN LÊN

ThayTrucLam14Câu chuyện của Sa-di Hiền Trí mới bảy tuổi mà chứng quả A-la-hán. Ngài sinh trong gia đình giàu có và được xuất gia với Ngài Xá-lợi-phất. Nhân khi Ngài xuất gia, gia đình đến tinh xá cúng dường liên tiếp bảy ngày. Sang ngày thứ tám thì Tôn giả Xá-lợi-phất dẫn Ngài đi khất thực, Sa-di Hiền Trí nhìn thấy người vét mương dẫn nước vào ruộng, mới hỏi thầy: “Họ làm gì vậy?” Ngài Xá-lợi-phất đáp: “Vét mương để dẫn nước vào ruộng.” Sa-di Hiền Trí nghĩ: “Nước là vật vô tri vô giác không hiểu biết mà con người còn có thể hướng dẫn để sử dụng theo ý mình một cách có lợi ích, còn mình là con người có tâm có tri giác có hiểu biết, vậy thì tại sao mình không thể hướng dẫn tâm mình đi theo con đường dẫn đến A-la-hán”.

Chú Sa-di mới bảy tuổi mà biết suy nghĩ như vậy. Chú nghĩ nước là vật vô tri vô giác không biết gì mà người ta có thể dẫn nó theo ý mình để Làm ruộng có lợi ích. Còn mình là con người có hiểu biết, tại sao mình không hướng dẫn tâm mình đi đúng đường đến A-la-hán.

Đi một đoạn nữa thấy người chuốt tên đang uốn những cây tên cho thẳng, thì chú cũng hỏi thầy. Thầy chú nói người ta uốn gỗ chuốt thành những cây tên để bắn. Sa-di Hiền Trí lại nghĩ: “Những cây tên đó cũng là những vật vô tri không lý trí mà người ta còn có thể uốn nắn khiến nó thẳng theo ý của mình; còn mình là con người có lý trí có hiểu biết thì tại sao không thể uốn nắn tâm mình cho nó được ngay thẳng đúng đắn để đi đến con đường Niết-bàn.” Chú Sa-di nghĩ những cây tên những cây tre là những vật vô tri mà người ta có thể uốn nắn nó theo ý mình. Còn mình là con người có lý trí có hiểu biết tại sao mình không thể uốn nắn tâm mình cho ngay thẳng để đi đến con đường Niết-bàn.

Rồi đi một đoạn nữa thấy một người đang đẽo thanh gỗ làm bánh xe, hồi xưa người ta làm bánh xe bằng gỗ chứ không phải bằng cao su, bằng sắt thép như bây giờ. Thì chú cũng hỏi thầy, thầy cũng nói đó là người ta đang đẽo những thanh gỗ làm bánh xe để sử dụng vận chuyển. Thì chú cũng nghĩ: “Gỗ là vật vô tri vô giác mà người ta cũng có thể đẽo nó để làm thành cái bánh xe sử dụng theo ý mình, còn ta đây là người có tri giác có hiểu biết thì tại sao không có thể đẽo gọt những điều xấu xa hư dối trong tâm để tâm ý trở thành lợi ích chân thật trên con đường giải thoát.” Là Sa-di mà có suy nghĩ rất đúng đắn và sáng suốt.

Cho nên, khi học rồi chúng ta thấy trên đời không dám khinh ai. Đừng nghĩ người lớn mới thông minh sáng suốt mà coi thường mấy đứa bé nhỏ, một chú Sa-di mới bảy tuổi mà biết suy nghĩ còn hơn người lớn, đâu thể biết được những chủng tử mà người đã huân tập.

Nghĩ đến đó rồi thì vị Sa-di Hiền Trí này mới xin phép thầy cho chú trở về trước không đi khất thực nữa. Chú quyết tâm về để thiền quán cho ra vấn đề này, phải thấu suốt để đạt đến con đường giải thoát Niết-bàn. Ngài Xá-lợi-phất thấy vậy cũng cho về, còn đưa chìa khóa thất bảo ngồi trong thất chứ đừng ngồi ở ngoài sợ rắn rít. Và trong ngày hôm đó, chú Sa-di mới bảy tuổi chứng quả A-la-hán.

Đó là một tấm gương rất lớn để sách tấn tất cả chúng ta. Một chú Sa-di mà biết suy nghĩ bén nhạy như vậy, đó cũng là do có niềm tin và ý chí cương quyết để vươn lên. Còn chúng ta thì lớn hơn Sa-di rất nhiều, cũng sáng suốt hơn nhiều mà sao chúng ta không có những nhận định rõ ràng để vươn lên. Đó là điều muốn nhắc nhở chúng ta biết để suy ngẫm.

Chúng ta là con người có trí tuệ, có hiểu biết nên phải có nhận định sáng suốt để vươn lên.

Phật tu nhiều kiếp Bồ-tát hạnh nhưng cuối cùng để thành Phật thì cũng phải hiện vào trong thân người để tu tập. Nên con người có nhiều điểm ưu, như sanh làm người có khổ, có vui, có xấu, có tốt đủ hết để chúng ta biết phân biệt nhận định tiến lên. Trong bát nạn mà nhà Phật dạy là sinh lên cõi trời trường thọ sống lâu vui sướng quá cũng là một cái nạn. Tức là sanh lên cõi trời sung sướng sống lâu nhưng không gặp được Phật để nghe pháp tu hành thì cũng thành cái nạn. Còn sanh vào xứ Bắc Câu Lô Châu cũng vậy, sanh vào đó sướng quá muốn gì được nấy thì đâu có chịu tu làm chi, thành ra cũng thành cái nạn nữa. Còn ở đây chúng ta có khổ có vui, vui rồi lâu lâu khổ thì buồn chán thức tỉnh muốn đi tu. Như những người giàu sang cứ lo làm ăn hoài đâu có thời gian tu, lâu lâu chạm cái khổ mới tỉnh nên có khổ có vui mới dễ tu. Nói vậy để tất cả hiểu được những ý nghĩa thiết yếu mà có niềm tin tiến lên.

Trích "TU LÀ CHUYỂN HÓA" - TT. Thích Thông Phương

[ Quay lại ]