XUÂN TRONG TỰ TÁNH
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 13 Tháng Hai 2020 13:14
Quả thật, ai ai cũng đều có một quê hương sáng ngời với mùa xuân muôn thuở, chưa từng có đến đi, nở tàn, thay đổi theo thời gian mà đành bỏ quên một cách đáng thương! Thiền sư thấy được lẽ thật ấy nên dùng mọi phương tiện đánh thức chúng ta sống lại chỗ này, chính đó là nguồn sống vĩnh viễn không cùng tận.
Thiền sư Tiên Đỗ hiệu Vô Kiến có bài thơ Ở NÚI:
Trang Sanh hữu ý năng tề vật,
Ngã dã vô tâm dữ vật tề.
Độc tọa bồ đoàn xuân nguyệt noãn,
Nhất thanh u điểu cách song đề.
Nghĩa:
Trang Chu có ý hay tề vật,
Ta chỉ vô tâm cùng vật tề.
Độc tọa bồ đoàn ngày xuân ấm,
Một tiếng chim kêu xa vọng về.
Nghĩa là, Trang Chu đem tâm muốn an bài vật, khiến cảnh vật theo ý mình; đâu biết rằng, càng khởi tâm thì cảnh càng động, càng loạn, càng sai biệt thôi. Vừa khởi tâm tề vật, là vật đã sai biệt rồi! Chỉ tự vô tâm thì cảnh tự an bài, vật tự tề, núi tự là núi, sông tự là sông.
Ngày xuân ấm, ngồi một mình trên bồ đoàn, chợt một tiếng chim kêu cách cửa sổ, từ xa vọng về! Xa vọng về đâu? Tức vọng về “Con Người Mãi Xuân” đang ngồi đó!
Ô kìa! Bên song cửa sáu căn thấy nghe hiểu biết, “Người ấy” đang ngồi đây! Người này không có trẻ già, đâu lo còn mất? Có Ai đã nghe tiếng chim xa vọng về đó chăng? Tuy nhiên, trong đây vừa có “Ý” liền sai.
Đến Thiền sư Nhân Dũng ở Bảo Ninh thì nhân ngày tết, Sư dạy chúng:
Tạc nhật khứ niên khứ,
Kim nhật kim niên lai.
Khứ niên khứ bất khứ,
Kim niên lai bất lai.
Biến dã doanh xích tuyết,
Đại địa vong tiêm ai.
Vô danh vô tự nhân,
Cử mục liêu bồi hồi!
Nghĩa:
Hôm qua năm cũ đi,
Ngày nay năm mới đến.
Năm cũ đi chẳng đi,
Năm mới đến chẳng đến.
Khắp đồng trắng đầy tuyết,
Cõi đất bặt mảy trần.
Người không tên không chữ,
Đưa mắt nhìn bồi hồi.
Năm nào là năm cũ? Năm nào là năm mới? Chỉ cách có một đêm, sáng ra liền chia thành năm cũ, năm mới. Quả là sống trong ảo tưởng quá nhiều! Rồi tại sao năm cũ đi chẳng đi? Năm mới đến chẳng đến? Vì đến đi đó là cái thấy ảo tưởng theo thời gian vô thường, nhưng sự thật ngay trước mắt đây, vốn hiện bày một màu sáng ngời, không một hạt bụi che. Trong đó, có “người không tên, không chữ” đang đưa mắt nhìn bồi hồi kia kìa! Năm cũ, năm mới làm sao đến được chỗ này! Ai thấy chăng? Song, vì sao mà người ấy nhìn bồi hồi? Bởi vì, vẫn ngồi đó mà không ai ngó tới! Người người cứ lo đuổi theo hoa nở, hoa rụng để tự vui buồn theo đó, còn người chủ của mùa xuân bất diệt vẫn ngồi đây mà không ai hay. Thật quá phũ phàng! Vậy có ai biết người đó ở đâu chăng?
Đây, Thiền sư Pháp Diễn ở Ngũ Tổ chỉ thêm cho thấy, Sư thượng đường bảo:
- Hôm qua lão tăng vào trong thành thấy một giàn xiếc với người gỗ máy, bèn đến gần trước xem, hoặc thấy đẹp đẽ lạ kỳ, hoặc thấy rất xấu xí, chuyển động khi đi khi ngồi, xanh vàng đỏ trắng. Thấy rõ mọi thứ xong, đến khi xem kỹ lại thì vốn là tấm màn vải xanh bọc lại, bên trong có người. Sơn tăng nhịn không nổi, liền bước tới hỏi: - Ông tên họ gì? Y bảo: Ông Hoà thượng này, thấy là xong, còn hỏi tên họ làm gì?
Đại chúng! Sơn tăng bị y hỏi một câu đành câm miệng không lời có thể đáp, không lý có thể bày. Có ai vì Sơn tăng nói được chăng?
Người nào ở trong tấm vải bọc lại? Tại sao hỏi tên họ thì bị quở? Ai thấy được người ấy chưa? Hãy chú ý nghe kỹ: “Thấy là xong, còn hỏi tên họ làm gì?” Ngay trong thân hiện tại đây, nhận thấy là xong, khỏi hỏi tên họ, tuổi tác!
Hòa thượng Thạch Đầu từng bảo Duy Nghiễm:
Từ lâu chung ở chẳng biết tên,
Đi đứng theo nhau cứ mặc tình.
Chư thánh từ xưa còn chẳng biết
Kẻ phàm thô vội đâu thể rành!
Âm:
Tùng lai cộng trụ bất tri danh
Nhậm vận tương tương chỉ ma hành
Tự cổ thượng hiền du bất thức,
Tạo thứ phàm lưu khởi khả minh.
Cái gì tùy thời luôn luôn theo sát bên mình trong mọi cử chỉ, hành động chưa từng tạm rời? Tại sao từ lâu xa vẫn ở chung với nó mà không biết tên nó? Có phải đó là người không tên không chữ đang nhìn bồi hồi chăng? Nó vốn không tên, nếu biết tên nó, lại thành kẻ thứ hai rồi! Chỗ này chư thánh còn chẳng biết kia mà! Đơn giản, vì đây không phải là cái bị biết. Do đó nếu đứng bên ngoài mà suy luận thì không bao giờ cảm thông được.
Cần phải một phen thẳng vào sống trong ấy. Song, muốn sống chỗ này, phải dám quên cái vô thường kia, và bừng dậy ngay trong vô thường vẫn hằng thường, không sanh niệm thứ hai chen vào thì hiện tiền sáng ngời không nghi.
Thiền sư Chân Tịnh có bài kệ:
Lão dã tu tri bất lão thân,
Đồng hành đồng tọa hữu tinhthần
Tuy nhiên vô tướng vô dung mạo
Năng vị quần sanh tác chủ ông.
Nghĩa:
Già đó nên biết thân chẳng già.
Đi đứng nằm ngồi vẫn theo ta
Tuy nhiên không tướng, không hình mạo
Làm chủ muôn loài vốn từ xưa.
Thiền sư Chân Tịnh cũng nhắc nhở chúng ta, trong cái thân trẻ già này, có cái chẳng già, nó vẫn hiện hữu trong mọi cử động tới lui, qua lại hằng ngày đây. Tuy nó không có hình dáng gì để thấy như cái thân già trẻ, nhưng chính đó là gốc của muôn vật, không cái gì trên thế gian này thoát ra khỏi nó. Nhưng lạ thay! Người người lại bỏ quên nó không ngó ngàng tới! Ồ! Người ấy đang bồi hồi nhìn chúng ta kìa!
Tổ Lâm Tế bảo: “Ngay cục thịt đỏ au đó, có con người chân thật không ngôi thứ, thường ra vào nơi cửa mặt chúng ta đây.” Tức ngay hiện tại, thấy nghe tất cả mà vẫn nguyên vẹn là thấy nghe, không xen lẫn cái gì, ai không có? Sống trở lại với con người này thì làm chủ trong cuộc vô thường, còn gì vui sướng hơn? Mùa xuân miên viễn không năm tháng là đó chứ gì?
Động Sơn sắp tịch, có vị tăng hỏi:
- Hòa thượng bệnh, có cái chẳng bệnh chăng?
Sư đáp:
- Có.
Tăng hỏi:
- Cái chẳng bệnh có thấy Hòa thượng chăng?
Sư đáp:
- Lão tăng xem y có phần.
Tăng hỏi:
- Chưa biết Hòa thượng làm sao xem y?
Sư đáp:
- Khi lão tăng xem, chẳng thấy có bệnh.
Khi bệnh, nhìn kỹ xem cái bệnh diễn ra như thế nào? Thấy được cái bệnh, cái đó đâu thuộc bệnh? Đâu bị vô thường chi phối? Nên nói: “Xem y có phần”. Bốn đại năm ấm đâu ngăn che được nó. Hiện tại có ai bị ngăn không có thấy nghe chăng? Tuy nhiên tối kị sanh tâm động niệm. Vừa động niệm liền rơi trong bệnh, chớ bảo là không dính dáng.
Đến Thiền sư Vạn Hạnh thì sự thịnh suy vô thường hiện trong con mắt Sư như sau:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Nghĩa:
Thân như điện chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu héo tàn
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi,
Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương đông.
Với Thiền sư lòng vẫn bình thản trước sự thịnh suy của cuộc đời. Nhưng tại sao Thiền sư không sợ hãi trước cuộc thịnh suy? Vì Sư thấy rõ thân không thật, cảnh sẽ nương vào đâu để lập? Thịnh với ai? Suy với ai? Sư thấy rõ thịnh suy tợ hạt sương buổi sớm đọng trên đầu ngọn cỏ, không có gì quan trọng so với con người bất tử kia. Nếu gặp thịnh liền vui, gặp suy liền buồn, đó là vui buồn theo duyên, không có chủ, cần nên nhớ!
Trích “MÙA XUÂN MIÊN VIỄN” – HT. Thích Thông Phương