headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 09/09/2024 - Ngày 7 Tháng 8 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THỪA KẾ NGHIỆP

thaytruclam13Đạo Phật luôn đề cao tinh thần nhân quả, chúng ta sống trong cuộc đời này đều là sống trong nhân quả. Cuộc sống chúng ta hiện nay là thừa kế cái quả của đời trước, gọi là thừa kế nghiệp. Chữ nghiệp trong Phật giáo có ý nghĩa sâu. Một số người thường quan niệm, mỗi người sinh ra đều có số mệnh. Người có số giàu thì giàu, người có số nghèo thì nghèo, người có số xấu thì xấu v.v... Trong nhà Phật không nói số mệnh mà cho là nghiệp. Nếu nói là định mệnh thì sẽ ngăn chặn con đường tiến hóa, số mệnh định sẵn như vậy rồi không thể chuyển được nữa. Do con người tin như vậy nên đầu hàng số phận.

Trái lại, Phật giáo cho là nghiệp chúng ta tu có thể chuyển hóa được. Nghiệp tức là những hành động tạo tác của con người trong đời trước hay đời này. Nghiệp do chúng ta tạo, nên có thể chuyển đổi. Nếu lỡ tạo nghiệp xấu nghiệp ác, chúng ta thức tỉnh biết đó là sai quấy, quyết tâm sửa đổi thì sẽ chuyển thành nghiệp lành nghiệp tốt, đó là tu. Có tu mới đưa con người tiến hóa thăng hoa, đem lại niềm tin cho chính mình. Theo tinh thần Phật dạy, tất cả chúng ta đều sống trong nhân quả, sống với quả hôm nay là do nhân đời trước.

Quả lành dữ, khổ vui hoặc ngu trí, sang hèn đều có nhân đời trước chứ không phải ngẫu nhiên. Do con người tạo nghiệp không đồng nên sanh ra mỗi hoàn cảnh không đồng. Có những người cùng sanh ra trong một gia đình, một cha mẹ nhưng có đứa thông minh, có đứa không được thông minh. Có đứa giàu, có đứa không làm ăn được. Theo khoa học nói gien cha mẹ sao thì con cái như vậy, nhưng đôi khi cha mẹ rất thông minh mà con thì ngu đần. Hoặc cha mẹ không thông minh mà con là thần đồng, vậy đâu phải do gien. Vì vậy, nếu lấy tinh thần khoa học mà giải thích thì không giải thích hết được.

Phật pháp thấy rõ điều này rất đơn giản, đều do nhân quả nghiệp báo của con người đã tạo đời trước. Như đời trước đã tạo nghiệp sáng suốt trí tuệ, nên đời này lưu lại sanh ra người đó phát triển trí tuệ sớm. Có những đứa bé thần đồng, sanh ra đã biết được những điều nó chưa học. Có những người mới gặp nhau lần đầu đã thấy có cảm tình, hoặc mới gặp mà cảm thấy ghét cay ghét đắng. Do cái gì? Do nghiệp duyên đời trước, ai gần gũi với mình nên gặp nhau đã có cảm tình. Còn người kia trước cũng có nghiệp duyên trái nghịch nên thấy lần đầu đã không có cảm tình. Đó là tinh thần nhân quả Phật dạy.

Hình tướng mỗi người cũng vậy, hàng triệu người không ai giống ai. Trong kinh Thập Thiện, Phật dạy Long vương, Ngài nói: “Ông có biết trong hội này và trong biển cả, bao nhiêu là hình sắc, chủng loại mỗi khác nhau, tất cả như thế đều do tâm tạo nghiệp lành hay dữ nơi thân khẩu ý mà ra". Do chúng sanh trước kia tạo nghiệp sai biệt nên khi sanh ra cũng có những sai biệt. Chúng ta ngồi ở đây mỗi người đều có tâm tư, suy nghĩ sai biệt nhau nên hiện ra dáng vẻ khác nhau. Tuy ngồi chung một nơi nhưng trong tâm mỗi người là mỗi cảnh giới riêng. Như hai đứa trẻ sanh đôi giống y nhau nhưng vẫn có một hai điều gì đó khác. Vì tâm tư của mỗi người có những nét hơi khác nên trên hình tướng cũng có vẻ khác nhau.

Phật dạy mỗi người sanh ra là sống trong nhân quả, sống trong nghiệp lực. Con người không làm chủ được mình, mà do nghiệp làm chủ chúng ta. Người học Phật, biết sân giận là xấu nhưng gặp chuyện thì cũng sân, không làm chủ được. Như người bệnh tiểu đường, biết ăn ngọt là không tốt nhưng gặp ngọt cũng thèm. Hoặc có những vị nghiện rượu, thuốc biết là bệnh nhưng không bỏ được, cũng bị nó dẫn. Như vậy nghiệp làm chủ mình chứ mình không làm chủ được. Nhà Phật gọi là bị nghiệp sai sử.

Trích "THỪA KẾ NGHIỆP" - TT. Thích Thông Phương

[ Quay lại ]