headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THẾ GIAN VÔ THƯỜNG

ThayTrucLam12Thế gian là tạm bợ, cuộc đời thật ngắn ngủi không chắc chắn, chúng ta luôn nhớ để sống với nhau không ngăn cách. Người đời không hiểu nên có những kiến chấp làm cuộc sống ngăn cách tạo thành cuộc sống khổ đau. Là người học theo pháp Phật biết rõ cuộc đời ngắn ngủi, không ai sống mãi ở thế gian để làm đối tượng ngăn cách.

Chúng sanh vì mê lầm cứ nghĩ là mình sống lâu ở đời, khi có chuyện liền chấp cứng thành ra sống cách biệt nhau, làm cuộc sống mất đi vui tươi. Sự thật không có ai sống lâu trên thế gian này để làm đối tượng ngăn cách, đó là ý nghĩa rất tế nhị, rõ ràng. Hiểu được điều này thì sẽ có cuộc sống nhẹ nhàng gần gũi với nhau hơn.

Người thế gian cứ nghĩ sống để tạo sự nghiệp này, sự nghiệp kia v.v..., nhưng có một điều mà tất cả đều quên, là cuộc sống đây rồi sẽ đi đến cái chết, có sinh ra là có tử, đó là chân lý muôn đời.

Hòa thượng Tôn sư có câu chuyện về con tàu kỳ diệu, con tàu chạy ra biển nhưng không có người lái, nếu ai ngồi trên tàu là không có quyền tự chủ, nó cứ đưa mình đi ra biển. Cuộc sống này cũng vậy, tất cả mọi người đều ngồi trên con tàu vô ngã này không tự chủ được, nó đưa đến đâu là đi đến đó. Có thể tàu đưa đến sớm thì tới mục tiêu sớm, đưa đến trễ thì tới mục tiêu trễ, không ai có quyền quyết định, mà mục tiêu đó là lao xuống biển, tức cái chết!

Chúng ta sống gặp gỡ nhau cũng như người đi đường gặp nhau một chút rồi chia tay, vì hiện tại có mặt ở đây nhưng rồi sẽ chết, dù muốn hay không cũng không ai tránh khỏi chỗ đó. Ngài Hàn Sơn hóa thân của Bồ-tát Văn-thù, có một bài kệ nhắc nhở người đời:

Ta thấy người trên đời,

Sinh ra rồi chết đi.

Sáng qua còn quá trẻ,

Chí trai hào khí đầy.

Nay đây đã bảy chục,

Sức yếu hình ốm suy.

Hoa xuân lại giống hệt,

Sớm nở tối tàn rồi.

Nguyên văn chữ Hán:

Ngã kiến thế gian nhân

Sinh nhi hoàn phục tử

Tạc triêu du nhị bát

Tráng khí hung khâm sĩ.

Như kim thất bát quá

Lực khốn hình tiều tụy

Khước tự xuân nhật hoa

Triêu khai dạ lạc nhĩ.

Ngài nói người trên đời có sinh ra rồi cũng chết đi, sáng qua thấy còn trai trẻ thanh xuân, hào khí đầy; nhưng hôm nay nhìn lại đã bảy mươi rồi, sức yếu hình ốm suy, hoặc giống như hoa ngày xuân, buổi sáng nở, tới tối đã rụng rồi. Nhìn theo con mắt pháp thì mấy chục năm qua giống như sáng hôm qua tới sáng hôm nay vậy thôi, có gì là chắc chắn lâu dài!

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:

- Đời người sống được bao lâu?

Một Tỳ-kheo đáp:

- Được vài ngày.

Phật nói:

- Ông chưa hiểu đạo.

Có Tỳ-kheo khác thưa:

- Đời người sống trong bữa ăn.

Phật bảo:

- Ông cũng chưa hiểu đạo.

Vị Tỳ-kheo khác thưa:

- Đời người sống trong hơi thở.

Phật chấp nhận:

- Đúng vậy! Ông mới thật hiểu đạo.

Dưới con mắt pháp, đời người rất ngắn ngủi chỉ trong hơi thở. Cho nên nói hôm qua còn trai trẻ, hôm nay đã già suy, là còn hơi lâu, đúng theo ý Phật là chỉ trong hơi thở. Thở ra không hít vào là chết.

Thí dụ từ TP. Hồ Chí Minh đi xuống Chánh Giác phải đi 100km. Nhưng muốn qua 100km phải qua từng km, từng mét, từng bước chân ráp lại, mới thành 100km. Nếu không đi bước chân nào làm sao qua được 100km!

Cũng vậy, đời người sống qua từng hơi thở rồi cộng lại thành bảy tám chục năm, nếu hơi thở không cộng lại là chết. Nhìn như vậy mới là nhìn chính xác, còn nhìn bảy tám chục năm là nhìn theo hướng thô bên ngoài nên chưa thấy chính xác.

Như vậy, chúng ta hiện có mặt với nhau đây, giống như đi đường gặp một chút rồi chia tay, có gì đâu phải sống ngăn cách. Gặp rồi chia tay mỗi người mỗi ngả, không biết là ai sẽ đi đâu! Như vậy mà tạo thành khoảng cách với nhau để làm gì?

Hiện tại, nếu chúng ta tạo sự ngăn cách với nhau để cuối cùng cũng gặp nhau là đều phải chết. Đây là nỗi khổ mà mỗi người học đạo cần nên nhớ, thường xuyên quán chiếu để cởi mở, xóa tan dần những đối đãi vô nghĩa với nhau. Bởi nó không có giá trị, chỉ do lầm mê, cho nên chúng ta càng sống trong khoảng cách là càng sống trong đau khổ.

Câu chuyện hai huynh đệ có thành kiến với nhau cùng chăm sóc vị thầy. Một vị bóp chân phải, một vị bóp chân trái, cùng ngồi chung mà như xa vời. Một hôm, vị bóp chân trái có công tác đi vắng, vị bóp chân phải nghĩ trả đũa anh kia cho hả giận. Anh tìm cách lấy đá đập chân trái của thầy bị thương tích. Vị kia về thấy vậy tức giận đập chân phải của thầy luôn! Hai vị có thành kiến với nhau nhưng làm khổ lây cho thầy. Hai chân thầy có dính dáng gì đâu mà bị thương tích. Chúng ta thấy làm như vậy có vui sướng gì đâu chỉ khổ mình, khổ người, khổ lây cho ông thầy.

Thí dụ như trong gia đình, hai anh em thành kiến với nhau thì chính hai người đó khổ, rồi khổ lây cho gia đình, cha mẹ không vui. Việc làm như vậy chỉ làm tổn thương cho mình, cho người, không vui sướng gì, vậy tại sao chúng ta làm?

Chúng ta hiểu vậy để có cái nhìn sáng suốt hơn, tập bớt dần những kiến chấp. Mỗi người cần ghi nhớ điều này: "Ai ai rồi cũng phải chết", không ai tồn tại hoài, còn có ai ở đây để ngăn cách, phiền trách nhau!

Đối với con mắt của nhà Phật, người ngu hay người trí là chỗ này. Sáng được điều này là trí tuệ, chưa sáng được điều này là si mê.

Trích "SỐNG KHÔNG HẬN THÙ - SỐNG KHÔNG KHOẢNG CÁCH"

[ Quay lại ]