headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

SỐNG VƯƠN LÊN

ThayTrucLam3Một ông Bà-la-môn khi mất con bò, chạy đi tìm thì gặp Đức Phật, ông bèn hỏi:

- Này ông Cù-đàm! Ông cho hỏi thăm là ông có thấy con bò của tôi chạy ngang qua đây không?

Đức Phật trả lời:

- Này ông Bà-la-môn! Ông đi tìm một vật thật không đáng tìm, đúng ra ông nên đi tìm chính ông mới là phải.

Đức Phật nhân đó mà đánh thức lại ông. Nghe vậy, ông ngạc nhiên hỏi:

- Ông nói cái gì lạ vậy, tôi không hiểu.

Lâu nay ông chưa từng nghe lời đó. Đức Phật bảo:

- Ông nên đi tìm chính ông. Khi tìm được ông thì nó sẽ đem lại hạnh phúc và sự an vui cho ông. Chúng sanh hằng tìm kiếm những điều đem lại sự khổ não, mà không nhớ đến sự tìm chính mình. Mà hạnh phúc ở đời ta, cần tìm nó ở trong cõi lòng ta.

“Hạnh phúc ở đời ta, cần tìm nó ở trong cõi lòng ta”, chứ đừng có tìm bên ngoài. Mà bây giờ, đa số người thì tìm hạnh phúc bên ngoài vì vậy nên không có hạnh phúc chân thật. Thí dụ như vợ chồng cưới nhau về, mới đó thì thấy hạnh phúc, nhưng ít bữa thì sao? Tâm thương nhau không thật, vài bữa tâm chuyển thì mất hạnh phúc. Tức là phải từ nơi tâm thật sự thương yêu nhau thì mới có hạnh phúc lâu dài, còn cứ ở bên ngoài thì khi tâm thay đổi liền mất hạnh phúc ngay.

Nghe như vậy, ông Bà-la-môn liền tỉnh ngộ, ông thấy rõ rằng xưa nay ông chỉ đi tìm những cái bên ngoài nên đau khổ mãi. Nếu không gặp được Đức Phật thì chắc ông còn chạy tìm những cái giả, vẫn còn luân hồi đau khổ mãi mãi. Kiểm lại chúng ta ngày nay, mình cũng giống như vậy, cứ lo đi tìm hạnh phúc, nhưng là hạnh phúc ở đâu đâu! Cho nên, được rồi mất, hễ được một chút thì mất, vuột khỏi tầm tay của mình, rồi than thở, có khi khóc lóc, có khi thất chí nữa nên quên mất niềm tin nơi chính mình. Ở đây, Phật dạy để mình nắm được cái gốc này, ứng dụng mà sống vươn lên, có niềm tự tin nơi mình. Ai ai cũng đều có niềm tin để mình tiến lên, nhưng mình không chịu tìm lại thì đó là lỗi lầm nơi mình. Như vậy, quay trở về để sống với tự tâm của chính mình, mở ra ánh sáng này thì đó là sức mạnh để mình vươn lên. Quý vị kiểm lại xem, có ai không làm được việc này? Mỗi người đều có nghiệp, tức đều có tạo nghiệp. Mà có tạo nghiệp tức là có tâm, do tâm mới tạo nghiệp. Mà có tâm tức là có thể giác, có thể tỉnh để chuyển hóa nó. Mê thì cũng tâm mình mê, bây giờ tỉnh thì cũng tâm mình tỉnh. Như vậy, đã là tâm thì ở nơi mình, ai lại không làm được chuyện đó? Bởi vậy, ai cũng đều có cơ hội, cũng có thể làm được, có thể vươn lên mà lại không làm, lại bỏ qua thì đó là điều thật đáng tiếc, còn đáng trách nữa. Một điểm nữa là mình được duyên lành gặp được Phật pháp, đó là con đường sáng sủa chỉ rõ lối đi cho mình. Thấy được, nắm vững được mà không chịu đi nữa thì không biết nói sao?

Tóm lại, thế gian này là một giấc mộng dài thôi chứ không gì khác. Chúng ta đều là những người nằm mộng, mà nằm mộng quá lâu rồi chứ không phải là mới, bây giờ còn chưa chịu dậy nữa hay sao?

Trong đó, mình nằm đủ thứ mộng, không thiếu thứ mộng gì! Vậy mà gặp được Phật pháp để đánh thức mà không nắm lấy để tỉnh lại, thì thật không biết sẽ ra sao?

Có câu chuyện, một vị vương tử miền Bắc Ấn Độ, rất thông minh, mới 9 tuổi Ngài thường đặt ra những câu hỏi làm cho người lớn cũng phải đau đầu. Vua với bà hoàng hậu là người mộ đạo nên thường thỉnh những vị sư vào cung thuyết pháp. Hôm đó, một vị A-la-hán được thỉnh vào cung để thuyết pháp. Vị vương tử nghe giọng nói của vị A-la-hán này thì cảm mến, như có túc duyên thầy trò với nhau từ đời trước, nên muốn đi theo Ngài. Do vậy, vị này xin phép vua cha với hoàng hậu được thờ vị A-la-hán này là thầy và theo tu học. Vì là người mộ đạo nên cuối cùng vua với bà hoàng hậu đồng ý. Vị vương tử được nhận làm tăng, được khoác y vàng. Sau một khoảng thời gian theo thầy, vị này đi du hành sang một nước láng giềng gần bên. Sáng hôm nọ, vị sư trẻ này đi một mình khất thực, nhưng vì lạ xứ nên ông lạc vào hoàng cung và gặp mấy cung nữ mời cúng dường. Vị sư trẻ này nhận và nhân đó giảng giải vài câu Phật pháp đáp lại cho các cung nữ. Khi các cô đang ngồi nghe nói pháp thì lính hầu thông báo cho vua. Ông này nghe thì tức giận, ngấm ngầm ra xem. Khi đi ra, ông thấy nhóm cung nữ đang quây quanh vị sư trẻ mà nghe thuyết pháp. Quá tức giận, ông ra mặt bảo:

- Tu sĩ mà quây quần với nhóm đàn bà con gái là hư hỏng rồi, cho nó 20 hèo may ra nó tỉnh ngộ!

Lệnh vừa ban ra liền được thi hành ngay, vị sư trẻ bị lôi ra đánh. Vị này vốn là con vua, chứ đâu phải tầm thường mà bây giờ bị đánh máu me đau đớn! Rất tức giận, vị sư trẻ nghĩ: “Bây giờ, mình phải trở về nước để lên ngôi, sau đó đem quân qua đây san bằng thành bình địa cho hả giận”. Do vậy, vị sư này về bạch với thầy:

- Con xin trả lại y vàng, thôi tu để về trả hận này.

Vị thầy hết lời khuyên bảo nhưng cũng không được. Vị sư trẻ một mực nói:

- Con đã quyết định rồi, không thể thay đổi được, phải trả y lại thôi. Con phải về để trả cái hận này, cho đám này biết thân.

Cuối cùng, ông thầy bảo:

- Thôi thì bây giờ trời tối rồi, con nghỉ qua đêm, sáng mai đi cũng không muộn.

Vị sư trẻ đồng ý. Đêm đó, vị này mới vừa chợp mắt, vị A-la-hán dùng năng lực trí tuệ chuyển cho ông sư trẻ một giấc mơ để cảnh tỉnh. Trong mộng, vị sư trẻ thấy mình trở về nước, phụ vương mất nên mình được tôn lên ngôi vua. Được hả lòng, ông vua trẻ bèn tập trung quân đội rầm rộ kéo qua xứ này để san bằng. Nhưng kết quả thì bị thua, ông vua trẻ bị bắt, sau đó thì bị dẫn ra pháp trường để xử chém. Trên đường dẫn ra xử chém, đám đông reo hò vang trời. Giây phút sắp bị chém, ông bỗng thấy hình ảnh của vị thầy mình hiền từ hiện ra trước mặt. Ông liền gọi kêu cứu:

- Bạch thầy, xin thầy tha tội cho con! Giờ thầy hãy cứu con!

Ngay lúc vừa kêu, ông bỗng giật mình tỉnh dậy thì thấy thầy đang ngồi bên cạnh mình. Vị A-la-hán hiền từ an ủi bảo:

- Con đừng có sợ bất cứ mọi hình ảnh gì xuất hiện trong đời, tất cả chỉ là một giấc mơ, còn con thì vẫn còn nguyên vẹn cả.

Ngay đó, vị này tỉnh ngộ, bỏ ý niệm trở về, và tiếp tục tu cho đến lúc chứng A-la-hán. Đây là một trong 16 vị A-la-hán phát nguyện ở lại trong cõi Ta-bà này để hóa độ chúng sanh. Vị thầy này rất khéo léo, cho giấc mộng đó để đến lúc cuối cùng rồi thì Ngài mới cảnh tỉnh: “Con đừng có sợ bất cứ mọi hình ảnh gì xuất hiện trong đời, tất cả chỉ là một giấc mơ, còn con thì vẫn còn nguyên vẹn cả. Giấc mộng mà, buồn vui, hay yêu ghét v.v… gì đó cũng là giấc mộng, lên xe xuống ngựa cũng là mộng thôi. Nhưng chính mình thì vẫn còn nguyên vẹn cả, chứ không mất mát gì hết! Nghe tới đây, quý vị có tỉnh chút nào chưa? Nhớ rằng cả thế gian này, bao nhiêu sự buồn vui, giận ghét, tạo tác hơn thua, hận người này ghét người kia, hoặc có khi được vinh quang, có khi bị tủi nhục gì v.v… tất cả đều là giấc mộng chứ không gì khác. Cho đến trong dòng luân hồi này, có khi mình gây đủ những nghiệp địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh v.v… lên xuống trong sáu đường mà nước mắt, hay máu chảy còn nhiều hơn biển cả nhưng chung quy trở lại, thì cũng là giấc mộng dài. Điểm quan trọng là ngay đây mình tỉnh mộng, để nhận ra mình vẫn còn “nguyên vẹn như thuở ban đầu”, đó là một lẽ thật. Do vậy, khi Lục Tổ Huệ Năng đại ngộ, Ngài la lên mấy câu:

Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh!
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ!
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt!
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp!

Tức khi ngộ rồi thì Ngài rõ ràng tự tánh từ xưa tới nay vốn là thanh tịnh, tức nguyên vẹn từ thuở ban đầu. Đó là một sức mạnh để vươn lên, chứ không phải là cứ chìm mãi ở trong đây. Kết lại bằng câu chuyện này, để cho quý vị nghiệm kỹ, thức tỉnh mà có một sức sống vươn lên vững vàng.


Trích "SỐNG VƯƠN LÊN" - TT. Thích Thông Phương

[ Quay lại ]