headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 15/12/2024 - Ngày 15 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẢN QUAN TỰ KỶ

ThayTrucLam8 "Phản quan tự kỹ" tức tự soi xét lại chính mình, đây là điểm trọng yếu trên đường học Phật. Mình học lời Phật, lời Tổ, lời Kinh nhưng phải soi xét lại chính mình để thắp sáng vào cuộc sống thì đó mới là thật học, chứ không phải là học để thêm kiến thức, thêm hiểu biết. Cho nên học lời Phật, lời Tổ, lời Kinh thì phải khéo chuyển những nghĩa lý chết ở trong văn tự thành những nghĩa lý sống, làm sao có sức sống chân thật thì đó mới thực sự là người học chân thật. Có câu chuyện vào thời Đường, Tướng công Vu Địch đến hỏi Thiền sư Đạo Thông ở núi Tử Ngọc:

- Thế nào là gió đen thổi thuyền bè trôi dạt vào nước quỷ La-sát ?

 

Ở đây, ông dẫn trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn: "Người đi biển khi gặp gió đen (gió dữ, gió bão) thổi thuyền bè trôi vào trong nước quỷ La-sát, nếu thành tâm niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì liền được khỏi".

Thiền sư Đạo Thông bèn đáp:

- Cái gã khách Vu Địch này hỏi chuyện ấy làm gì?!

Vu Địch là một ông tướng trong triều, nghe vậy bèn chạm tự ái nên đỏ mặt lên liền! Thiền sư Đạo Thông ngay đó liền chỉ và nói:

- Chính đó là trôi dạt vào nước quỷ La-sát!

Ở đây, ông Vu Địch này lấy câu trong kinh đem ra hỏi nhưng Thiền sư Đạo Thông không giải thích theo chữ nghĩa, không nói gió đen là gió dữ, gió này, gió kia v.v… mà đi thẳng vào khiến ông soi lại ngay chính mình để thấy được chân nghĩa của nó như thế nào, thì đó mới là nghĩa sống. Tức là vừa nghe nói ông bèn nổi sân lên thì đó là gió dữ thổi vào nước quỷ La-sát chứ gì nữa! Ngay đó thì ông tỉnh lại. Cũng như Thiền sư Bổn Như, khi còn đi tham học Sư đến tham vấn Tôn giả Pháp Trí:

- Thế nào là vua các kinh?

Đây cũng là dẫn ra trong kinh Pháp Hoa.

Tôn giả Pháp Trí bèn bảo:

- Ông làm Tri khố ba năm đi rồi ta sẽ nói cho ông nghe.

Thiền sư Bổn Như vâng lệnh. Mãn ba năm, Sư lại đến thưa:

- Nay xin Hòa thượng nói cho.

Tôn giả Pháp Trí bèn gọi to:

- Bổn Như!

Sư ứng:

- Dạ.

Ngay đó, Sư liền ngộ ra vua các kinh liền! Sư bèn làm bài tụng:

Xứ xứ phùng quy lộ
Đầu đầu đạt cố hưông.
Bổn lai thành hiện sự
Hà tất đãi tư lương.


Dịch:

Chốn chốn gặp đường về
Nơi nơi vốn quê xưa.
Xưa nay việc bày hiện
Nào phải đợi nghĩ suy.

Tức là lẽ thật luôn luôn bày hiện ở trước mắt, khắp nơi chỗ nào cũng là quê hương của mình, nếu khéo thì ngay đó nhận liền khỏi suy nghĩ gì hết. Như vậy, Ngài Bổn Như ban đầu kẹt trên chữ nghĩa, đọc kinh Pháp Hoa có đoạn: "Kinh Pháp Hoa là vua các kinh" nên Sư mới đi hỏi. Nhưng Tôn giả Pháp Trí là bậc đã đạt đạo nên không giải cho Sư theo chữ nghĩa. Điểm thứ hai là Ngài Pháp Trí còn khéo khiến cho Ngài Bổn Như hết sức thành tâm tập trung vào vấn đề, miên mật không còn phân tán, không còn nghĩ chuyện gì khác lung tung nên bảo: "Ông hãy làm Tri khố ba năm đi". Mà đúng là Ngài Bổn Như có đầy đủ lòng tin với Ngài Pháp Trí cho nên nghe bảo như vậy thì liền vâng lời. Và trong ba năm đó, Sư cũng luôn luôn tập trung vào vấn đề này không quên, làm thì làm nhưng lúc nào cũng nhớ làm sao giải quyết vấn đề này, cho nên ba năm trôi qua mà vấn đề này vẫn còn ở trong đầu! Chứ nếu như người khác thì chắc là làm chừng một năm là thấy buồn chán quá! Mà chính cái tâm hết sức thiết tha như vậy cũng giống như cửa mở sẵn, tức là sẵn sàng đón nhận nên ngay đó Ngài Pháp Trí khéo đánh thức một cái nhẹ thì Ngài Bổn Như nhận ra liền: "Vua các kinh là ở ngay nơi chính mình chứ không ở đâu xa hết!". Thì đó mới là cái nghĩa sống, cái nghĩa thật, và đó là thấy được chân giáo pháp. Ấy là nhắc nhở mình phải luôn khéo soi lại chính mình chứ đừng có lo chạy ra ngoài! Lục Tổ từng bảo Ngài Thần Hội:

- Nếu tâm ông mê chẳng thấy thì hỏi Thiện tri thức để tìm lối đi, còn nếu tâm ông đã tỏ ngộ thì liền tự thấy tánh, bèn y nơi pháp mà tu hành. Ông tự mê không thấy được tự tánh lại còn đến hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy thì tự mình biết há thay cái mê cho ông? Còn nếu ông tự thấy thì cũng không thay được cái mê cho ta, sao chẳng tự biết tự thấy mà đi hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?

Đây là đoạn Ngài Thần Hội đến hỏi Lục Tổ: "Ngài thấy hay không thấy?". Chuyện này với người khác mà nghe hỏi vậy thì cũng thích bày tỏ thấy thế này thế kia v.v… nhưng với Lục Tổ thì không phải vậy, Ngài thấy thấu tâm can Ngài Thần Hội. Nghĩa là chuyện của ông mà ông không lo giải quyết, lại lo hỏi ta thấy hay không thấy. Chuyện của ta có dính dáng gì tới ông đâu, ông thấy hay không thấy mới quan trọng. Cũng như ông ngộ hay không ngộ thì đó mới quan trọng, còn chuyện ta ngộ hay không ngộ là chuyện của ta, không phải chuyện của ông mà ông lại lo hỏi ta. Nếu thật sự ta ngộ thì ta có thay cho ông được hay không?! Cho nên, đây là Tổ nhắc nhở để đánh thức cho Ngài Thần Hội phải soi lại nơi chính mình để mở sáng trí tuệ, đó mới là thiết yếu. Mà trường hợp này bây giờ cũng có, nhiều vị đến hỏi: "Thầy ngộ chưa?" thì chuyện ngộ hay không là chuyện của thầy, còn mình ngộ hay không mới là quan trọng. Cứ lo đi hỏi, đi thử thầy hoặc người này, người kia v.v… Có vị chưa ngộ gì hết mà cũng lo đi thử người này người kia coi có ngộ hay không, đúng là chuyện không thực tế. Cứ lo đi thử người này người kia ngộ chưa, còn mình thì chưa ngộ gì hết nên đi thử rồi bị người ta thử lại liền nổi sân!! Hiểu kỹ như vậy để thấy con đường đi, làm sao mình học pháp, thấy được pháp rồi sống được pháp, tức là học đạo rồi thường khéo soi lại và mở sáng nơi chính mình. Được vậy thì mới bớt mê lầm, bớt phiền não, càng học đạo thì càng đi sâu vào trong đạo, chứ không phải là học chữ nghĩa cho thêm kiến thức, thêm hiểu biết, thì nhiều khi cũng là bệnh, phiền não cũng không bớt gì.

Trích "THẤY PHÁP" - TT. Thích Thông Phương

[ Quay lại ]