headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

  • Bài mới nhất

  • Bài đọc nhiều nhất

  • Lịch thuyết giảng

thanhtutoantap new3

TẠI SAO TÔI TU THEO ĐẠO PHẬT - Thiền Thất Thường Lạc

TẠI SAO TÔI TU THEO ĐẠO PHẬT ?

Trích từ tập BA VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI TRONG ĐỜI TU CỦA TÔI
HT Thiền sư THÍCH THANH TỪ  [bản dịch]

Trên thế gian có khá nhiều đạo giáo, tại sao tôi chọn Đạo Phật để tu theo ? Bởi vì Phật pháp đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của tôi. Người đi tu cốt tìm chân lý, nơi nào giải rõ chân lý một cách cụ thể thì có sức hấp dẫn người tu dừng nơi đó. Chúng ta đi tu là hiến dâng cả cuộc đời cho chân lý, nếu không chọn lựa kỹ càng lỡ đi lệch đường thì rất uổng cho kiếp hy sinh. Mang cả tâm hồn trong sáng của một người phát nguyện đi tu, vô lý chúng ta cam đem nó chôn vùi dưới đống bùn nhơ. Cho nên trước khi bước chân vào một đạo giáo nào, chúng ta phải nhận định chín chắn dò xét tận tường, sau đó mới thực hiện bản nguyện của mình. Đến với Đạo Phật, tôi rất hài lòng với những điều Phật dạy, xin lược kể một số vấn đề căn bản sau đây:

I. ĐẠO PHẬT NÓI SỰ THẬT

1. Lý Vô Thường

Phật giáo thường nhắc nhở chúng ta "Vạn vật trên thế gian là vô thường". Từ con người đến muôn vật luôn chuyễn biến liên tục như dòng thác đổ không một phút giây dừng nghĩ. Nơi con người tế bào này sanh tế bào kia diệt, sanh diệt, diệt sanh nối tiếp không ngừng, mãi đến khi thân này hoàn toàn bại hoại. Ở sự vật các nguyên tử cũng quay cuồng sinh diệt, thay đổi không bao giờ an trụ. Sự tồn tại của người và vật trong vòng luân chuyển biến động, dừng chuyển động thì con người chết, sự vật hoại, nên nói "sống động". Sự chuyển động liên tục gọi là sát na vô thường. Nếu chia từng phần, chặn từng đoạn để khảo sát ở con người và động vật có bốn tướng sanh, già, bệnh, chết; loài thực vật có bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt; loại khoáng chất cho đến quả địa cầu có bốn tướng: Thành, trụ, hoại, không, gọi chung là Nhất Kỳ Vô Thường. Đây là lẽ thật, là chân lý trong thế gian này.

Có lắm người không thấu suốt lý vô thường cứ ảo tưởng ta sống lâu mãi, một khi già bệnh chết đến thì kinh hoàng sợ hãi than thở khổ đau. Do ảo tưởng ta mạnh khỏe sống dai, dù có thấy người già bệnh chết vẫn dửng dưng, cứ nghĩ đó là việc của người không can hệ gì đến ta. Từ chỗ không thấy hiểu lý vô thường khiến họ nhìn đời một cách ngây thơ khờ khạo, khi nghe cái chết sắp đến mình, họ đâm ra sợ hãi hốt hoảng cầu cứu khóc than. Ngược lại, người thâm nhập lý vô thường sẽ vững vàng chững chạc đứng nhìn cái già chết đến với một nụ cười. Người này biết rằng vô thường là lẽ thật chi phối tất cả thế gian không một ai trốn thoát được, dù muốn chạy trốn hay kêu khóc van xin chỉ khổ tâm nhọc thân vô ích. Chi bằng:

                        "Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
                        Thịnh suy như cỏ hạt sương đông"

                                                (Thiền Sư Vạn Hạnh)

Có phải thảnh thơi chăng? Do nhận chân được lý vô thường con người gan dạ cứng cỏi, không phải hèn nhát yếu đuối như người ta tưởng. Có nhiều người nghe Phật nói lý vô thường, họ cho là tinh thần bi quan yếm thế. Họ đâu ngờ, kẻ hiểu được lý vô thường càng nỗ lực tu hành, nỗ lực làm lợi ích chúng sanh, hãy nghe câu "Cần tu như lửa cháy đầu...", vì họ biết qua mất một ngày không thể nào tìm lại được. Để thêm can đảm, chúng ta cần nghiên cứu lẽ thật của lý nhân quả.

2. Lý Nhân Quả

Con người mắc phải một bệnh rất trầm trọng là trốn tránh trách nhiệm, mọi việc xấu tốt hay dở trong đời mình đều đổ trúc do tạo quá sắp đặt, do số mệnh định sẵn, cam an phận chờ đợi phải sao chịu vậy. Quả là một quan niệm sai lầm quá lớn, tự tước bỏ hết quyền làm chủ của con người. Phật giáo vạch rõ cho chúng ta thấy mọi thành công thất bại, tất cả khổ vui trong đời trong đời mình đều do ta làm chủ quyết định. Đây là căn cứ trên lẽ thật của lý nhân quả, vì mọi kết quả hình thành đều xuất phát từ nguyên nhân của nó. Động vật, thực vật... trong vũ trụ sanh thành hoại diệt đều từ nguyên nhân đến kết quả, không có ngẫu nhiên thành, không có bàn tay vô hình nào sắp đặt xây dựng tương lai theo ý muốn của chúng ta. Sự khổ vui đã đến và sẽ đến, chúng ta can đảm chấp nhận, không than trách, không van xin, tự ta biết rõ kết quả nào cũng từ nguyên nhân chúng ta đã tạo. Chỉ cần khôn ngoan gặp quả khổ khéo chuyển đổi thành vui, được quả vui không cống cao tự đắc mà khiêm tốn vun bồi thêm nhân tốt cho mai sau. Gặp khổ than thở oán hờn, gặp vui tự cao ngạo mạn là thái độ của kẻ si mê hèn yếu.

Người biết rõ nhân quả dè dặt từ ý nghĩ lời nói hành động của ta, vì khẳng định rằng ý nghĩ xấu lời nói ác hành động tội lỗi là gieo nhân đau khổ, sớm muộn quả đau khổ sẽ đến với ta. Trái lại, ý nghĩ tốt, lời nói lành, hành động nhân đạo là gieo nhân vui, sớm muộn quả vui sẽ đến. Nếu sợ quả khổ thì không sợ ai bằng sợ mình, muốn được quả vui không van xin ai bằng van xin mình. Ta là chủ nhân đặt định cuộc đời hiện tại và tương lai khổ vui của ta, tất cả quyền năng vô hình phi lý không còn chỗ xen vào cuộc đời của ta. Chúng ta có thẩm quyền tuyên bố rằng: “chúng tôi tôn trọng nhân quyền”.
Khoa học ngày nay chứng minh cụ thể lẽ thật của nhân quả. Sự phân tích của khoa học đều căn cứ trên quả để phăng tìm nguyên nhân, không một quả nào mà chẳng có nguyên nhân, do nắm chắc nguyên nhân các nhà khoa học chế tạo kết quả theo ý muốn của họ. Ngày nay chúng ta thấy khoa học có đầy đủ vạn năng do khéo sử dụng triệt để lý nhân quả, chúng ta có thể nói “không có nhân quả thì không có khoa học”. Tuy nhiên khoa học mới ứng dụng được nhân quả trên hình tướng vật chất, phần tâm linh khoa học chưa sờ mó đến. Người tu theo Đạo Phật không những biết rõ lý nhân quả của vật chất mà còn thấu suốt nhân quả của tâm linh. Bài pháp đầu tiên Phật dạy nhóm Ông Kiều Trần Như thuộc về nhân quả tâm linh. Hiện tại quả Khổ là từ tập nhân, quả Diệt là từ đạo nhân, đây là bốn lẽ thật không thể sai chạy hay chối cãi được gọi là pháp Tứ Đế. Bốn thứ nhân quả tâm linh này chúng ta biết rõ khéo sử dụng và điều phục được là dứt sạch phiền não đau khổ, chứng quả an lạc Niết bàn.

Song ngày nay có những người tự xưng là trưởng tử Như Lai mà không hiểu nhân quả, không ứng dụng nhân quả tu hành, lại bày ra lắm trò lừa đời bịp chúng, thật là đáng buồn. Nhân quả đã không hiểu thì làm sao thâm nhập được lý nhân duyên.

3. Lý Nhân Duyên

Người cha dẫn đứa con mười tuổi ra đứng dựa bờ sông, thằng bé hỏi: “Tại sao có sông?” Muốn nó khỏi thắc mắc, cha trả lời: “Trời sanh”. Thấy dòng nước chảy, bé hỏi: “Tại sao có nước?” Cha đáp: “Trời sanh”. Bé hỏi: “Trời ở đâu?” Cha đáp: “Ở trên xanh thăm thẳm đó”. Bé yên lòng không còn thắc mắc gì nữa. Sự vật ở trong thế gian không đơn giản, vì sự hiểu biết giới hạn của con người nên giải quyết như thế cho tạm ổn. Đạo Phật không chấp nhận sự đánh lừa ấy nên nói lý Nhân Duyên. Tất cả hình tướng vật thể trên thế gian đều do sự kết tụ nhiều nhân hợp thành, không một vật nào ngẫu nhiên có hay một nhân tạo nên, mà phải nhiều nhân chung hợp, sự chung hợp là duyên. Lý Nhân Duyên là lẽ thật, các nhà khoa học đã phân tích cụ thể rồi không còn gì phải nghi ngờ thắc mắc. Trong kinh Phật phân tích đơn giản thân này do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hay ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hợp thành, nếu chia chẻ tế vi hơn thì có vô số hộ trùng và hoại trùng đang tranh đấu bảo vệ và phá hoại. Cho nên kinh nói: “Trong thân người vô số vi trùng đang trú ngụ bên trong”. Ngày nay khoa học phân tích trong thân người có bao nhiêu tỷ tế bào sinh hoạt, trong sự vật có vô số nguyên tử... kết tụ thành.

Đã là nhân duyên thì mọi hình tướng đều không có thật thể, không cố định. Nhân duyên tụ hợp thành hình thì cái gì là thật thể? Nhân duyên luôn luôn sanh diệt biến động thì làm sao cố định? Một vật không có thật thể, cố định thì ai dám bảo là vật thật, cho nên Phật dạy “Sắc tức là không, không tức là sắc” hay “Phàm vật gì có tướng đều là hư dối”. Nói đến nhân duyên là thừa nhận sự liên đới ràng buộc chằng chịt giữa người với người, người với muôn vật rất mật thiết. Không ai có thể tách rời mình với mọi người, mình với muôn vật được, nên phải kính trọng người, phải thương yêu muôn vật, vì “Mình là tất cả, tất cả là mình”.

Do những lẽ thật đã dẫn ở trên hấp dẫn tôi bước chân vào cửa Phật. Được nghe lời Phật dạy con mắt trí tuệ tôi lóe sáng đôi phần, song tôi thèm khát muốn được mở sáng hơn nữa, đấy là phần trí tuệ ở sau.

II. ĐẠO PHẬT ĐẶT GIÁC NGỘ TRÊN HẾT

Thái Tử Tất Đạt Đa nếu không giác ngộ dưới cội Bồ Đề thì không có Đạo Phật. Bản thân Đạo Phật là giác ngộ, không giác ngộ là không phải Đạo Phật. Những bậc tu hành chứng đạo quả đều là người giác ngộ. Bồ tát là hữu tình giác hay giác hữu tình; Duyên giác là giác ngộ pháp nhân duyên; A La Hán là giác ngộ pháp Tứ Đế. Chư Tổ truyền thừa chánh pháp trên hai ngàn năm cũng là truyền thừa sự giác ngộ. Người sau minh họa sự truyền thừa ấy bằng hành ảnh “Trao đèn nối đuốc” (Truyền đăng tục diệm), tức là đèn tuệ thường chiếu rọi, đuốc tuệ mãi soi đường. Trí tuệ là ngọn đèn, là cây đuốc soi sáng đưa người ra khỏi lối vô minh. Cho nên giáo pháp Phật dạy, pháp nào cũng đặt trí tuệ là trọng yếu. Các kinh A Hàm nói Bát Chánh Đạo thì hai đạo đầu là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Kinh Bát Nhã nói pháp Lục Độ thì hai độ cuối là Thiền Định và Trí Huệ. Người mới vào đạo phải học Tam Huệ: Văn Huệ, Tư Huệ, Tu Huệ. Những kẻ tu hành tiến sâu vào giải thoát phải thực hành: Giới Luật, Thiền Định, Trí Huệ. Các cấp bậc người tu khác nhau đều căn cứ giác ngộ làm vị thứ. Phân chia giáo lý cao thấp đều lấy trí huệ làm nền tảng.

Đạo Phật xem trọng trí huệ, vì nó là ngọn đèn soi sáng khiến người thấy được chân lý của cuộc đời, cũng nhờ ngọn đuốc trí tuệ soi đường người tu thoát khỏi cái khổ đêm dài u tối vô minh. Cũng nhờ ngọn đèn đuốc trí huệ người tu mới hướng dẫn được những kẻ lầm đường lạc lối tránh khỏi xa hố sục hầm. Nếu không có trí tuệ, chẳng biết người tu sẽ làm gì để cứu độ chúng sanh. Nhân loại hiện nay cũng biết quý trọng chất xám, vì chất xám ném vào nông nghiệp thì đất đai màu mỡ thu hoạch vượt trội; chất xám ném vào công nghiệp thì kỷ thuật tiên tiến thành phẩm xuất sắc; chất xám ném vào chánh trị thì quốc gia hưng thịnh xã hội văn minh... Chất xám giải quyết được sự thiếu thốn nghèo nàn của những quốc gia chậm tiến. Nhờ biết sử dụng chất xám, các quốc gia lạc hậu chậm tiến được vươn lên.

Đạo Phật xem trọng trí huệ ngang hàng với từ bi. Trí huệ và từ bi phải đi song đôi, phải cân bằng không được chênh lệch. Có trí huệ mà thiếu từ bi là trí huệ khô (càn huệ), có từ bi mà không trí huệ là từ bi mù quáng (si từ). Từ bi và trí tuệ như chim hai cánh, chích một cánh là không thể bay được. Song trên thế giới hiện nay người ta đầu tư cho chất xám. Có chất xám mà thiếu con tim thì chất xám sẽ bị bại hoại. Sự mất thăng bằng này là một tai họa không thể lường của nhân loại về sau!

III. ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO TỪ BI

Đạo Phật dạy từ bi không đặt nặng lý thuyết, mà chú trọng thực hành. Người vừa đặt chân vào cửa Phật bắt buộc phải giữ năm giới. Chỉ giữ năm giới thôi cũng đủ thể hiện lòng từ bi. Không sát sanh là tôn trọng sanh mạng của người và vật. Không trộm cướp là tôn trọng sự nghiệp tài sản của người. Không tà dâm là là tôn trọng hạnh phúc gia đình mình và gia đình người. Không nói dối là giữ uy tín của mình và tôn trọng phẩm giá người. Không uống rượu, hút á phiện, xì ke ma túy là bảo vệ sự sáng suốt và sức khỏe của mình, đồng thời tôn trọng an ninh trật tự xã hội. Nếu là tu sĩ xuất gia, Phật cấm không được vô cớ mà ngắt một cộng cỏ tươi, bẻ một cành cây xanh, cũng không được hủy hoại mầm sống của muôn vật. Không làm phiền làm hại người và mọi vật, đây là thể hiện thực tế lòng từ bi. Tuy nhiên phần từ bi này còn mang vẻ tiêu cực, phải tiến lên một bước xông xáo cứu giúp mọi người, làm lợi ích chúng sanh thực hiện hạnh bố thí mới là tích cực.

Bố thí là ban cho hay giúp đỡ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn, động cơ bố thí là tình thương. Giúp đỡ mà không có tình thương thì không phải làm hạnh bố thí. Có những người đến chùa gặp những ngày lễ lớn, vào buổi chiều cúng cô hồn, sau khi cúng xong tất cả quà bánh trên bàn đem tung vãi các nơi, bọn trẻ con đua nhau giàng giựt, gọi là thí cô hồn. Họ hiểu lầm tưởng bố thí cũng đem quăng ném một cách vô ý thức như vậy. Cho nên cần bố thí ai vật gì, họ cứ ném như thế, hoặc có bị đánh cắp vật gì, họ nói bố thí cho nó đi. Bố thí phải đủ hai yếu tố tình thương và quý trọng người mình biếu tặng. Vì thương yêu quý trọng ta giúp đỡ một cách chân tình cho những người khó khăn thiếu thốn, mới đúng tinh thần bố thí của đạo Phật. Tài vật dù ít dù nhiều không quan trọng, mà quan trọng ở tình thương quý kính người mình cứu giúp. Người gặp cảnh khổ đau buồn tủi, đó là nguồn an ủi to lớn cho người bất hạnh. Không chỉ dùng tiền bạc vật dụng giúp đỡ người mới gọi là bố thí, nếu ta có khả năng đủ phương tiện tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp, giúp vốn cho người cần vốn làm ăn, hoặc dùng công sức mình giúp đỡ người cần giúp đỡ... cũng là tu hạnh bố thí. Những công tác giúp đỡ người vì tình thương, vì quý kính đều thể hiện lòng từ bi qua hành động bố thí.

Tuy nhiên con người không phải chỉ khổ vì thiếu cơm ăn áo mặc, mà còn khổ vì tâm thần bất an buồn phiền lo sợ..., hoàn cảnh này phải nhờ chánh pháp để cứu giúp họ. Phật pháp sẽ mở sáng con mắt trí huệ cho ta nhìn thấy lẽ thật trong cuộc sống. Mọi khổ đau do ảo tưởng của ta tạo ra, một khi thấy lẽ thật chúng đều tan biến như ánh nắng tan biến sương mù. Con người phần lớn sống bằng mơ tưởng ảo huyền, khi chạm sự thật bất như ý đâm ra bất mãn thất chí khổ đau. Thấu triệt được lẽ thật, con người không còn đau khổ bâng quơ, mà được bình an thanh thản trong cuộc sống hiện tại. Bác sĩ đến chẩn mạch và chích thuốc cho một cho một đứa bé và một người lớn. Vừa thấy ống thuốc gắn kim, chích vào thịt, đứa bé khóc la inh ỏi, trái lại người lớn cũng thấy và bị chích như thế, mà vui vẻ cám ơn Bác sĩ. Người thấy rõ chân lý cuộc đời, họ chỉ vui cười chớ không kêu khóc oán hờn. Kẻ mê muội sống bằng ảo tưởng, lúc nào họ cũng oán trách than phiền đau khổ. Cho nên Phật xem trọng bố thí pháp hơn bố thí tài. Bố thí tài chỉ giúp người giải khổ tạm thời trong cấp bách, bố thí pháp mới đem lại sự an bình vĩnh cửu cho con người. Do đó, tu sĩ Phật giáo lấy bố thí pháp làm trọng tâm đem lại lợi ích cho chúng sanh.

Đạo Phật quý trọng mạng sống con người và muôn vật, vì loài nào cũng ham sống sợ chết. Trên lẽ công bằng, ta ham sống người vật cũng ham sống, vô lý vì sự sống của mình mà tàn hại sự sống của người vật khác. Thế nên người Phật tử không sát hại người vật, mà còn cứu mạng phóng sanh. Tình thương bao la khắp muôn loài, muốn tất cả đều được an vui cường tráng sống lâu, đây là lòng từ bi của đạo Phật. Thiếu lòng từ bi thì đạo Phật sẽ khô cằn, vì vậy lòng từ bi được biểu trưng bằng nước cam lồ. Chúng sanh bị lửa hận thù thiêu đốt, bị nắng phiền não cháy da, bị sức nóng lo sợ khô cổ, gặp nước cam lồ tưới mát thì mọi đau khổ đều tiêu tan, nên nói từ bi đến đâu thì đau khổ mất dạng đến đó. Lòng từ bi không nỡ giết hại, không đành cột trói người vật, mà luôn luôn giúp đỡ buông tha cho tất cả được tự do thong thả.

IV. ĐẠO PHẬT TÔN TRỌNG TỰ DO

Con người ai không thích thong thả tự do, có sự ép buộc kềm chế từ bên ngoài là mất tự do. Vì thế người đến với đạo Đạo Phật không có điều kiện gì cả, chỉ cần tâm mến đạo thích tu là đủ. Sau khi thành Phật tử cũng không có sự bắt buộc nào, thích đi chùa thì đến, không thích ở nhà tu cũng được. Khi phát tâm quy y có khuyến khích giữ năm giới, chẳng qua là phương tiện đem lại sự an bình cho Phật tử đó thôi. Song tôn trọng tự do có lợi với người biết nhận thức có ý chí mạnh, sẽ bất lợi với người kém nhận thức và ưa chểnh mảng. Tinh thần tôn trọng “Tự giác tự nguyện” của Phật tử, Đạo Phật không tạo điều kiện kềm chế thúc ép nào.

Cho đến khổ đau và an vui của con người, đạo Phật nói rõ đều do con người tự do tạo lấy. Phật không có quyền can thiệp khổ vui của con người. Ngài chỉ là người hướng dẫn chỉ đường cho những ai muốn tránh khổ tìm vui, mọi khổ vui đều do con người quyết định. Ai muốn an vui thì trước phải đem sự an vui lại cho mọi người. Chẳng có ai cầm cân nẩy mực ban phước xuống tội cho chúng ta. Hành động tốt của ta sẽ mang vui cho ta, hành động xấu của ta sẽ chuốc đau khổ cho ta. Ta là chủ nhân ban phước giáng họa cho ta, con người tự do chọn khổ lựa vui, không đổ thừa không lệ thuộc thế lực vô hình bên ngoài.

Hơn nữa, tự do không đòi hỏi ở đâu, nơi ai, chính ta thắng được mọi cám dỗ bên ngoài là tự do. Mọi sắc tài danh lợi không lôi cuốn được ta là tự do. Người đời miệng luôn nói tự do đòi tự do, mà ghiền rượu, mê sắc, hiếu danh... không bao giờ được tự do? Tự do là chân giá trị của con người, song muốn tự do ta phải đủ nghị lực chiến thắng bọn ma sắc, tài, danh, lợi..., chúng biến hóa thiên hình vạn trạng quyến rũ dụ dỗ ta rơi vào trận mê hồn của chúng. Chúng ta không một bề đổ lỗi cho bọn nó, mà phải nhìn tận nội tâm mình. Trong tâm ta sẵn sàng mến khách, khách mời rủ mới chạy theo. Nếu mọi ái dục bên trong đã lạnh nhạt khô khan thì chúng làm gì quyến rũ được. Ta phải can đảm chiến thắng bọn quỉ vương ở nội tâm thì đám yêu quái sắc tài bên ngoài sẽ đầu hành. Cái gốc tham mê ái dục đã nhổ thì cành lá phiền não đâu còn nảy sanh. Hồ nước tâm đã lóng sạch trong veo và gạn lọc hết bùn nhơ, dù có gió mạnh thổi, mặt nước dậy sóng vẫn không ngào đục. Dứt sạch mầm tâm mê luyến trần cảnh là ta thật sự tự do. Nhân tự do đưa đến quả giải thoát.

Giải thoát không phải sang thế giới kỳ đặc ở bên kia, không phải ngao du trong cảnh huyền bí mầu nhiệm, mà ngay nơi này tâm không dính mắc sáu trần là giải thoát. Còn dính mắc là trói buộc, không dính mắc là tự do giải thoát. Sự trói buộc dính mắc không phải lỗi ở sáu trần mà lỗi ở nội tâm. Sắc đẹp tiếng hay... đâu có thần thông trói buộc được ta, chỉ vì ta còn mến sắc đẹp, thích tiếng hay, ưa vị ngon... chạy đuổi theo chúng nên bị chúng trói buộc. Nếu lòng ta băng giá thì sáu trần sẽ bất lực không còn khả năng lôi kéo. Thật sự chúng ta không cần tìm giải thoát ở đâu xa, ngay nơi đây, chính tâm mình đủ khả năng làm chủ trọn vẹn là chân thật giải thoát.

V. PHẬT HÓA HỮU DUYÊN NHƠN

“Đạo Phật chỉ giáo hóa người có duyên”, thái độ này mới nhìn qua dường như tiêu cực. Hơn nữa, chùa chiền ngày xưa hầu hết xây cất nơi núi non xa vắng, ít khi có chùa nằm nơi phồn hoa phố thị. Sự truyền bá Đạo Phật có vẻ thầm lặng, không tuyên truyền ồn náo, vàng tăng vẻ tiêu cực hơn. Song thái độ này rất thích hợp tinh thần của đạo Phật, người Đông phương thuộc lòng câu “Hữu xạ tự nhiên hương, hà tất đương phong lập”. Quả thật chúng ta có của quý, dù cố giấu kín thiên hạ vẫn biết, lựa là phải đi khoe. Đức Phật biết rõ căn cơ chúng sanh rất đa dạng, không thể nào buộc họ có cái nhìn cái hiểu như nhau, nên để họ tự ý lựa chọn cái gì họ thích. Vì vậy đạo Phật không thích khoa trương ồn ào, chỉ sống trong cảnh yên tỉnh trầm lặng, ai thích thì tìm đến. Khi người ta tìm đến với mình thì phải tận tình chỉ dạy cho họ thâm nhập đạo lý, đây là thái độ của tăng sĩ Phật giáo. Nếu người truyền giáo tin rằng “Giáo lý đạo mình là siêu xuất tuyệt hảo”, khởi lòng vị tha muốn mọi người trên thế gian đều theo đạo mình, liền dùng mọi phương tiện giải thích, kêu gọi, dụ dỗ, rúng ép và vẫn có những người không chịu theo. Họ đâm ra bực bội, có khi dám sử dụng đến hành động tàn ác phi đạo lý, đó là “bệnh chấp thiện” mà ra. Đạo Phật truyền bá chánh pháp bằng cách thuyết giảng tại chùa, ai thích nghe thì đến, không thích thì thôi. Đến với đạo Phật bằng tin thần tự giác tự nguyện, một khi người ta nhận được chánh pháp là của quý thì xa xôi mấy thì họ cũng tìm đến. Trái lại điều gì người ta không thích mà ta cứ mời rủ mãi, họ càng sanh bực bội chống đối chẳng có lợi ích gì. Như cùng ngồi chung một bàn ăn, có những món rất thích khẩu ta, mà người khác không thích, ta cứ này ép mãi họ sẽ sanh bực bội, vì khẩu vị mỗi người có khác. Tôn giáo trên thế gian cũng như thế, tùy căn cơ trình độ của mỗi người để cho họ được tự do lựa chọn.

Bản chất tôn giáo là đem an vui hạnh phúc cho nhân loại nhưng ngày nay chúng ta đã được nghe, được chứng kiến nhân danh tôn giáo gây ra cảnh đau thương tang tóc cho con người. Chính là vì nhiệt tình vì lợi tha mà mắc phải lỗi lầm như thế. Do đây, chúng ta càng thấm thiết câu “Phật hóa hữu duyên nhơn” và càng thấu hiểu được thái độ dường như tiêu cực của đạo Phật.

KẾT THÚC

Qua những dữ kiện trên, tôi thấy đạo Phật rất thích hợp với tâm tư nguyện vọng của tôi. Càng tiến sâu vào đạo Phật, tôi càng thấy còn nhiều dữ kiện thích thú hơn, khiến tôi hăng hái phấn khởi trên đường tu. Tôi tự nghĩ đây là phúc lành nhiều đời của mình nên chọn được một đạo vừa chân thật, sáng suốt, tình thương, tự do và bao dung thế này. Sống trong thế kỷ hai mươi nhiều tôn giáo bị xao động vì câu nói “Khoa học tiến thì tôn giáo thối”. Song khảo sát chính chắn trong đạo Phật, tôi thấy ngược lại và có thể nói “Khoa học tiến càng làm sáng tỏ đạo Phật”. Thật vinh hạnh cho tôi chọn được một đạo không bị ánh sáng khoa học làm lu mờ, mà có thể cùng sánh vai với khoa học đem lại hạnh phúc thật sự lâu dài cho nhân loại.
 

[ Quay lại ]