headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

  • Bài mới nhất

  • Bài đọc nhiều nhất

  • Lịch thuyết giảng

thanhtutoantap new3

Lễ giỗ Sơ Tổ Trúc Lâm - Đại Đầu Đà lần thứ 706

GIỖ TỔ PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

Lần thứ 706 – 01/11 Giáp Ngọ - 2014

SuPhu

 Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni,
 Nam Mô Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật,
 Cung kính ngưỡng bạch Hòa thượng Ân sư,
 Kính bạch chư tôn thiền đức tăng ni,
 Kính thưa quý quan khách và đạo tràng Phật tử,

Hôm nay ngày mồng 01 tháng 11 năm Giáp Ngọ, tại Tổ đình thiền viện Thường Chiếu, Hòa thượng Tông chủ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 21, cùng Tăng Ni tứ chúng thành kính dâng hương cúng dường tưởng niệm ngày viên tịch lần thứ 706 của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, Sơ tổ Trúc Lâm Việt Nam. Giờ này, toàn thể đệ tử chúng con thừa uy lực của Hòa thượng Ân sư, đê đầu đảnh lễ tưởng niệm công đức Tổ sư, nguyện đời đời tông phong vĩnh chấn, Tổ đạo trùng quang, Hòa thượng Ân sư phúc trí trang nghiêm, thọ mạng miên trường, lợi lạc khắp quần sanh.

Ngưỡng bạch Tổ sư,

Lịch sử Việt Nam đã tôn vinh toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp đế vương của Ngài như huyền thoại có một không hai về một nhân vật lịch sử vô tiền khoáng hậu của dân tộc. Nhưng ở nơi ngài còn có một sự nghiệp vĩ đại hơn, trường cửu hơn, bất tuyệt hơn, đó là sự nghiệp đạo pháp. Đối với Phật giáo ngài là Phật hoàng nước Việt, đối với thiền phái Trúc Lâm, ngài là Sơ tổ khai sáng dòng thiền thuần túy bản sắc Việt. Đệ tử chúng con cúi đầu quy ngưỡng Tổ sư như hướng về đấng cha lành, về cội nguồn Yên Tử, về non đỉnh Phù Vân, lần theo dấu chân Phật hoàng quay về Tổ vực đạo tràng, nguyện đời đời mồi đèn tiếp lửa, để ngàn năm hương khói Trúc Lâm vẫn nghi ngút tỏa thơm.

Tổ sư là vì sao sáng của Trần triều nước Việt. Một vương triều kết duyên đậm đà với Phật pháp. Trần Nhân Tông là con trai của Trần Thánh Tông, cháu nội của Trần Thái Tông, vị chúa tể Trần triều với cuộc đời và sự giác ngộ tròn đầy nước mắt lẫn nụ cười. Thái tổ đã phát hiện ra tất cả những đậm nhạt đắng cay của cuộc đời làm thành cái hương vị tuyệt vời, đưa vua đi vào cõi tịch mặc, mà vẫn an nhiên ngự trên ngai vàng, rống tiếng sư tử và để lại cho đời một vì sao rực sáng Trần Nhân Tông.

Vua Trần Nhân Tông, Sơ tổ Trúc Lâm Yên Tử chưa bao giờ mất. Ngài chỉ thị hiện đến rồi đi trên ngôi cửu trùng như mây nổi, tự tại chốn hang sâu non vắng, lăn lóc trong cát bụi tử sinh để mở ra một con đường, vạch một lối đi cho Thiền tăng Việt Nam xưa cũng như nay. Thiền sư xem ngai vàng như đôi dép rách, thích cuộc sống an bần thủ đạo. Trao gánh đế nghiệp lại cho Anh Tông, ngài tự tại với cuộc đời của chính mình. Chơi nước biếc ẩn non xanh, ngày thì “ăn rau ăn trái, vận giấy vận sồi”, đêm về “chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng”.

Quân vương tỏa sáng vì những chiến công oanh liệt thì lịch sử có thể ghi lại, nhưng thiền sư tỏa sáng từ nội tâm tịch tĩnh thì không ngôn từ nào có thể diễn đạt. Thành quả này không thể ngẫu nhiên mà có, phải nhờ gieo trồng chủng duyên từ nhiều đời mới được. Điều này có thể thấy khi ngài còn là hoàng thái tử, ở tuổi thanh xuân mà đã trường trai thiểu dục. Đến khi ngự trên ngôi cửu trùng, có thể tận hưởng thú vui thế gian, Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh và thường đến chùa Tư Phước trong đại nội tu tập.

Mình ngồi thành thị,
Nết dụng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính,
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng,
Chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý.
Thị phi tiếng lặng,
Được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.

Sau khi hoàn thành trách nhiệm đối với dân tộc và tổ quốc, năm 1298 Ngài nhẹ nhàng cởi bỏ vương bào, xuất gia tu hành khổ hạnh. Ăn rau rừng, uống nước suối, khoác áo phong sương, gối đầu trên tán mây đại pháp, để lòng ở chốn Không môn. Năm năm đầu trên đỉnh non thiêng ròng rã tinh chuyên, không hề xuống núi. Ngài hạ thủ công phu chẳng chút lơi lỏng, lấy “phản quan tự kỷ” làm bổn phận sự, lấy thiền định làm lẽ sống. Cuối cùng trí tuệ bừng sáng, ngài giác ngộ chân lý tối hậu. Từ đó, Trúc Lâm đại sĩ chống gậy trúc dạo khắp nhân gian, hân hưởng một sức sống tròn đầy cho mình cùng tha nhân, “tùy thuận chúng duyên vô quái ngại, Niết-bàn sanh tử thảy không hoa”. Hòa thượng Ân sư vô cùng kính ngưỡng gương hạnh của Sơ tổ Trúc Lâm, Ngài thường ca ngợi:

- Con người của Sơ Tổ Trúc Lâm làm việc gì phải đến nơi đến chốn, đạt kết quả viên mãn mới thôi. Nhiệm vụ đối với tổ quốc đã xong, để tâm nghiên cứu Phật học đến chỗ thâm áo. Tu hành đến ngộ đạo mới đi hoằng hóa. Thật là một tấm gương sáng ngời cho kẻ đời, người đạo học hỏi theo.

Có thể nói đối với Phật giáo Việt Nam, vua Trần Nhân Tông chẳng những là đệ nhất Tổ sư của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, mà còn là vị Phật thể hiện trọn vẹn nhất tinh thần nhập thế tích cực, Phật pháp bất ly thế gian pháp. Ngài để lại tấm gương cho hậu thế soi chung, một cuộc đời mẫu mực dung hòa. Bên thì vui đạo, bên lại vẹn đời. Đây chính là trí tuệ, là điểm son của vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp Việt Nam.

Một công đức vô cùng lớn lao nữa của ngài, đó là thống nhất các hệ phái Phật giáo có trước dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đây là lần đầu tiên Sơ Tổ Trúc Lâm đã thống nhất được Phật giáo và thành lập một Giáo hội duy nhất là giáo hội Trúc Lâm. Giáo hội Trúc Lâm bấy giờ đã phát triển đến đỉnh cao, nhiều chùa tháp được xây dựng, tinh thần học Phật lan rộng, tăng sĩ đông đảo, Đại tạng kinh được in ấn và lưu hành khắp nơi. Hòa thượng Trúc Lâm nói: Thời ấy Phật giáo Việt Nam tức là Phật giáo đời Trần. Tại sao? Vì Phật giáo đời Trần nói lên được tinh thần cao siêu của đạo Phật, vượt ngoài tất cả sự tầm thường của thế gian. Nếu đạo Phật tầm thường thì ông vua không đi tu. Người đời ai cũng mơ ước được làm vua, vì nghĩ vua là tột bực. Trong khi Ngài ở trên chỗ tột bực đó mà không màng lại đi tìm cái khác, thì cái khác ấy phải cao quí hơn.

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Nhân Tông là một triết gia lớn với sự khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm. Triết học Phật giáo Việt Nam thời Trần đã phát triển rực rỡ, thể hiện đầy đủ trí tuệ, tình thương và bản lĩnh Việt Nam. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã đi vào đời sống tâm thức người Việt, đáp ứng được nhu cầu tính ngưỡng tâm linh của dân Việt trong bối cảnh lịch sử cả dân tộc độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và tôn giáo.

Một vị Phật Đại Việt từng sống tu tập, hoằng hóa độ sinh người dân Việt, làm sống dậy tinh thần “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa”, cho nên ai cũng có thể thành Phật ngay nơi cõi đời này. Phật tánh được hiển lộ trong mỗi chúng sanh, không phân biệt vua quan hay vạn thứ lê dân. Thiền phái Trúc Lâm ra đời góp phần thúc đẩy tinh thần người dân Việt tự tin và sáng tạo hơn về khả năng tu tập, chuyển hóa, nâng cao đời sống tâm linh để trở thành bất diệt trước dòng chảy thời gian và mọi thăng trầm thế sự.

Tinh thần Trúc Lâm vì thế vẫn luôn tỏa sáng trong lòng mỗi người con nước Việt, thuộc mọi thế hệ, ở khắp mọi miền đất nước. Sự kiện ấy minh chứng cho sức sống mãnh liệt của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử khi đã đạt tới đỉnh cao tâm linh, nhờ công phu thực tu thực chứng, nên có thể hòa nhập và truyền cảm đến muôn vạn tấm lòng. Có thể nói sự thị hiện vào đời, Phật hóa nhân gian của Điều ngự Giác hoàng thật là toàn hảo toàn bích, công đức vô lượng vô biên. Thật đáng trân quý và tự hào cho dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

Cho đến nay, trải qua hơn 700 năm dâu bể, dòng thiền ấy được hồi sinh mạnh mẽ và tuôn chảy khắp nơi trên thế giới, dưới sự ra đời và chấn hưng của Hòa thượng Trúc Lâm. Thiền viện và các đạo tràng tu thiền có mặt nhiều nơi trên toàn cầu. Hòa thượng từng nói: Thiền tông Việt Nam là cội nguồn của Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi không nỡ để cho sự nghiệp của Tổ tiên bị mai một, không đành lòng nhìn thấy người con Phật bối rối quờ quạng không tìm được lối đi trên con đường giải thoát, nên cố gắng cho ra đời những thiền viện, là chỗ đầy đủ thiện duyên cho những người quyết tâm tu hành cầu giải thoát.

Sơ Tổ thành công trong mọi hoàn cảnh, mọi lĩnh vực là nhờ ý chí quyết liệt, tinh thần dũng cảm và chấp nhận một cuộc sống rất đạm bạc khổ nhọc. Đây là hình ảnh cao đẹp để người sau, dù ở ngoài đời hay trong đạo đều phải cố gắng học tập.

Chúng con xin nguyện vâng lời Thầy Tổ, sẽ cố gắng thắp sáng ngọn đèn Trúc Lâm để dòng thiền nước Việt đời đời tỏa sáng. Có thế mới không cô phụ công đức và tấm lòng của Tổ sư cũng như Ân sư. Giữ gìn dòng thiền nước Việt cũng chính là giữ gìn pháp bảo pháp huy của Phật giáo Việt Nam. Đây không chỉ là bổn phận bình sinh mà là nhiệm vụ thiêng liêng của hàng tăng sĩ Việt Nam, không thể không tuân.

Trong giờ phút trang nghiêm thanh tịnh này, vâng theo chỉ giáo của Hòa thượng Ân sư, toàn thể Tăng Ni tứ chúng chúng con thành tâm dâng lễ cúng dường kỷ niệm húy kỵ Tổ sư lần thứ 706. Ngưỡng mong Tổ sư thùy từ chứng giám, gia hộ cho Phật giáo Việt Nam cửu trụ nơi đời, phát huy quang đại, lợi lạc quần sanh. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lung linh bất diệt trong trái tim và trí tuệ Việt Nam. Nguyện Hòa thượng Ân sư sống lâu nơi đời, chuyển bánh xe pháp rộng độ chúng sanh đồng về bến giác. Nguyện thế giới hòa bình nhân dân an lạc, đất nước và dân tộc Việt Nam thanh bình, ấm no, hạnh phúc.

Cúi mong đức Phật hoàng, Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, thùy từ chứng giám cho tấc dạ chí thành của toàn thể chúng con.

Nam Mô Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật tác đại chứng minh.

 

 

 

 

[ Quay lại ]