headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

  • Bài mới nhất

  • Bài đọc nhiều nhất

  • Lịch thuyết giảng

thanhtutoantap new3

LỄ TƯỞNG NIỆM GiỖ TỔ

LỄ TƯỞNG NIỆM GiỖ TỔ

 

PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG SƠ TỔ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ LẦN THỨ 705 được tổ chức lần đầu tiên tại Tổ Đình Thiền Viện Thường Chiếu.

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

Cung kính ngưỡng bạch trên Hòa thượng Tông chủ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử chứng Minh.

Cung kính ngưỡng bạch Thầy.

Kính bạch chư tôn đức tăng ni cùng toàn thể quý nam nữ Phật tử.

ANH 8122Hôm nay ngày mùng 1 tháng 11 năm Quý Tỵ, nhằm ngày 3 tháng 12 năm 2013, ngày kỷ niệm đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử nhập Niết-bàn. Ngài là một bậc Tổ sư khai sáng dòng Thiền nước Việt, là trang sử vàng son của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, một Thiền phái hoàn toàn Việt Nam ra đời vào đầu thế kỷ thứ 12 đời nhà Trần. Một vị vua anh hùng sáng đạo, rời bỏ ngai vàng xuất gia, hoằng pháp độ sinh, truyền xướng môn phong chư Tổ, hòa tấu khúc vô sanh ngút ngàn trên non Yên Tử làm vẻ vang hưng thịnh một thời, mãi cho đến ngày nay, khúc nhạc kia vẫn còn âm vang hùng hồn, là đỉnh cao ngất trời của những tâm hồn thoát tục siêu phương...  

 

Thiền môn Tổ ấn khơi niềm nhớ,

 Đối cảnh vô tâm ý chỉ Ngài.

 Giác Hoàng Điều Ngự còn vang bóng,

 Cư Trần Lạc Đạo Phú nào phai.

 

Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông với Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu Trần Thị Thiều, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu ngọ 1258, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1.

Ngày 8 tháng 11 năm 1278, Ngài được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi, ở ngôi 13 năm, làm Thái thượng hoàng 6 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi. Ngài qua đời ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu thân năm 1308.

Bấy giờ nhà Nguyên sai sứ sang hạch tội, Trần Nhân Tông lại là một vị vua anh minh và quả quyết, mà trong nước từ vua quan đến dân chúng đều một lòng, nên từ năm 1258 đến 1287, quân Nguyên Mông hai lần sang đánh Đại Việt đều bị dẹp tan.

Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, Ngài xuất gia tu hành tại núi Yên Tử và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, là đệ nhất sơ Tổ của dòng Thiền Việt Nam. Về sau Ngài được gọi cung kính là “Phật Hoàng”.

Ngài đã đem chỗ lãnh hội tông chỉ thiền tủy phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc từ nơi Thượng Sĩ Tuệ Trung, ứng dụng vào đời sống thường nhật, thể hiện cụ thể qua bài kệ Cư Trần Lạc Đạo:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích.

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

 

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên.

Đối đến thì ăn mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm.

Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

 

Tinh thần "hòa quang đồng trần", của Thượng Sĩ được Ngài hấp thu và đúc kết thành tư tưởng "cư trần lạc đạo", trở thành "phong cách sống" của rất nhiều nhân vật văn hóa lịch sử đời Trần. Dưới triều đại của Ngài, từ quý tộc, cho đến những người thân phận thấp kém đều thừa hưởng đời sống an vui.

Vua Trần Nhân Tông vừa là Sơ Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, vừa là nhà lãnh đạo tối cao, vừa là nhà ngoại giao kỳ đặc cả trong những tình huống ứng xử đối nội lẫn đối ngoại, là con hiếu thuận, là cha nghiêm từ, là anh độ lượng.., lại còn vừa lo nghĩ nhiều đại sự cho thế hệ mai sau.

Có thể khẳng định, vua Trần Nhân Tông là một tác gia văn học vừa tinh tế vừa đa phong cách. Một trong những đóng góp đặc biệt của Ngài chính là những tác phẩm lớn như Cư Trần Lạc Đạo PhúĐắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, góp phần quan trọng cho nền văn hóa Thiền tông Việt Nam.

Thiền phái Trúc Lâm do Ngài sáng lập và trở thành Trúc Lâm đệ nhất Tổ, kế thừa được tinh hoa của những tông phái Thiền Tông, để trở thành một Thiền phái mang đậm sắc thái dân tộc mà đặc điểm hàng đầu là tinh thần nhập thế lạc quan.

Trúc địch xuy chi, chấn hưng Việt Nam Thiền tông, vĩnh kiếp truyền đăng tục diệm.

Lâm manh khởi đích, khôi phục Yên Tử Tổ đạo, thiên niên đức hóa lưu phương.

Sáo trúc thổi lên, chấn hưng Thiền tông Việt Nam, muôn kiếp trao đèn nối đuốc.

Chồi rừng chổi dậy, khôi phục Tổ đạo Yên Tử, ngàn năm hương đức lưu truyền.

Vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ thứ 21, Hòa thượng Tôn sư Thượng Thanh hạ Từ với hoài bão khôi phục Phật giáo Thiền tông đời Trần, cụ thể qua các thiền sư trong đó hình ảnh tiêu biểu nổi bậc nhất là đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Hàng hậu học chúng ta vô cùng diễm phúc được thừa hưởng một di sản tinh thần vô giá này, đó cũng là nhờ công đức khôi phục Thiền Tông Việt nam của Hòa thượng Tôn sư.

Nhằm thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ và tri ân đến chư vị Tổ sư đời Trần, một số quý Phật tử với tâm nguyện của mình đã thỉnh được khối ngọc bích nhập về từ Canada, thuộc vùng mỏ ngọc nổi tiếng thế giới. Tượng được tạc theo tư thế Phật ngồi cao khoảng 1,6m, nặng hai tấn, khuôn mặt dát vàng. Đây là tượng Phật Hoàng bằng ngọc bích đầu tiên ở Việt Nam có kích thước lớn nhất.

Sau khi bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông hoàn thành, được đưa về an trí đầu tiên tại Thiền viện Thường Chiếu, cho hàng tăng ni Phật tử nơi đây ngày đêm chiêm bái. Thật là một niềm vinh hạnh lớn đối với Tăng Ni thiền phái Trúc Lâm nói riêng mà cũng là niềm vui chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Công đức này thật vô cùng to lớn, không thể dùng ngôn từ bút mực diễn tả hết được. Để bày tỏ tấm lòng tri ân vô hạn của quý Phật tử đã nhiệt tình kiến tạo nên tôn tượng này, cảm tạ mọi duyên lành đã thành tựu được Tôn tượng an trí nơi đây, xin nhất tâm hướng về ba ngôi Tam bảo, nguyện cầu chư Phật luôn gia hộ cho tất cả quý vị hữu duyên được sở nguyện tùy tâm, kiết tường như ý. Đồng thời, xin hướng nguyện cho mọi người chiêm bái tôn tượng đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông này được niềm tin bất thoái, phước huệ vẹn toàn.

Hôm nay, trong niềm hoan hỷ của người con Phật, lại một lần nữa, Tổ đình Thiền Viện Thường Chiếu vô cùng diễm phúc, hội đủ duyên lành được cung đón Tôn Tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, an trí tại nơi đây và cũng là lần đầu tiên tổ chức lễ  kỷ niệm ngày nhập Niết-bàn của Ngài lần thứ 705. Toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni trong đạo tràng, xin được kính cẩn nghiêng mình, bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình, đốt nén hương lòng dâng lên cúng dường, ngưỡng nguyện chư Phật mười phương quang giáng đạo tràng, đức Phật Hoàng oai linh chứng giám cho tấm lòng thành của chúng con.

Trong giờ phút trang nghiêm thanh tịnh này, chúng con thành kính cung thỉnh Thầy, chư tôn thiền đức Tăng Ni, cùng toàn thể Phật tử hướng về Tôn tượng Đức Phật Hoàng nhất tâm trân trọng dâng hương cúng dường.

 

Nam Mô Phật Bổn  Sư Thích Ca Mâu Ni. 

 

[ Quay lại ]