CHẲNG ĐƯỢC LÀM THẦY
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 15 Tháng mười hai 2008 08:01
- Viết bởi nguyen
Thiền sư Tùng Duyệt ở Đâu Suất tham học với thiền sư Thanh Tố Mật Hạnh rất lễ kính. Có lần sư đang ăn trái vải, gặp Thanh Tố đi qua cửa, sư cung kính thưa :
- Bạch trưởng lão, đây là trái cây ở quê nhà Giang Tây đem đến, mời ngài dùng vài trái.
Thanh Tố vô cùng hoan hỷ, cầm trái vải cảm khái nói :
- Từ khi Tiên sư viên tịch đến nay chưa được ăn trái này.
Tùng Duyệt hỏi :
- Tiên sư là ai ?
Thanh Tố nói :
- Thiền sư Từ Minh. Ta làm chức sự trong pháp hội ngài mười ba năm.
Tùng Duyệt vô cùng kinh ngạc :
- Mười ba năm kham nhẫn phục dịch mà không được đạo sao ?
Nói xong, Tùng Duyệt liền đem trái vải trên tay cúng dường cho trưởng lão Thanh Tố.
Thanh Tố cảm kích nói :
- Ta phước mỏng, Tiên sư thọ ký không cho nhận vật của người, nay thấy ông thành kính dâng trái này, đó là trái lời thọ ký của Tiên sư !
Tùng Duyệt trình bày hết kiến giải của mình. Thanh Tố khai thị :
- Có thể vào Phật mà không thể vào ma.
Tùng Duyệt hỏi :
- Vào ma là sao ?
Thanh Tố nói :
- Người xưa nói : “Một câu rốt sau mới đến lao quan”.
Mấy tháng sau, Tùng Duyệt mới được ấn khả. Thanh Tố răn nhắc :
- Nay ta điểm phá cho ông, khiến ông được tự do tự tại, nhưng không được nói rằng nối pháp ta. Chơn Tịnh Khắc Văn mới là thầy ông.
Lời bình :
Muốn học Phật đạo, trước hết phải kết duyên với nhau. Chỉ có duyên mời ăn trái vải mà được ngộ đạo. Phật pháp ở trong sự cung kính mà cầu, Tùng Duyệt cung kính đối với bậc tiền bối mà được ngộ đạo. Người xưa ơn một bữa cơm mà trọn đời không quên (Như thiền sư Thanh Tố tặng trái vải mà được mở mắt tâm), đó là cảm ân có duyên. Thanh Tố nói : “Không được nối pháp ta, hãy nối pháp thiền sư Chơn Tịnh Khắc Văn”, thầy trò trợ duyên nhau tin nhau, đó là cái đẹp của thiền môn vậy.