SỐNG CHẾT DO NÓ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 19 Tháng mười hai 2008 09:22
- Viết bởi nguyen
Lúc sắp thị tịch, thiền sư Bảo Phước nói với đại chúng :
- Bây giờ ta không còn khí lực, sắp lìa đời rồi !
Các đệ tử nghe xong lao nhao nói : “Pháp thể của sư phụ vẫn khang kiện mà !”. “Đệ tử xin sư phụ chỉ dạy”. “Xin sư phụ sống lâu ở đời thuyết pháp cho chúng sanh”. Mỗi vị một ý kiến với sư.
Trong đó, có một đệ tử hỏi : “Nếu thời hạn đã đến, thiền sư đi là tốt hay ở lại là tốt”.
Thiền sư Bảo Phước thản nhiên hỏi lại :
- Ông hãy nói thế nào mới tốt ?
Vị đệ tử ấy không cần suy nghĩ, đáp :
- Sống cũng tốt, chết cũng tốt, tất cả tùy duyên, mặc tình ra đi là tốt rồi.
Thiền sư Bảo Phước cười ha hả, nói :
- Lòng ta muốn nói, không ngờ bị các ngươi trộm nghe hồi nào rồi.
Nói xong, bắt chân kiết già thị tịch.
Lời bình :
Nói đến sanh tử, khi sanh thì người đời vui, khi chết thì người đời buồn ; nhưng đối với con mắt của người ngộ đạo, sanh không vui, chết không buồn, sanh tử là một thể hai mặt, sanh tử xoay vần đó là lẽ tự nhiên. Có nhiều thiền giả nói rằng sanh tử không liên quan gì đến chúng ta. Như thiền sư Tông Diễn nói : “Sự sống chết của con người như bọt nước, bọt nước chợt có rồi tan, rồi trở về với nước”. Thiền sư Đạo Giai lúc sắp thị tịch, nói :
Năm ta bảy mươi sáu,
Duyên đời nay đã đủ.
Sống không thích thiên đường,
Chết không ngán địa ngục.
Buông tay đi ngang ngoài tam giới,
Mặc tình tự tại nào buộc ràng ?
Ngô niên thất thập lục,
Thế duyên kim dĩ túc.
Sanh bất ái thiên đường,
Tử bất phạ địa ngục.
Tán thủ hoành thân tam giới ngoại,
Đằng đằng nhậm vận hà câu thúc ?
Việc sống chết của thiền giả, có khi truy điệu trước rồi diệt, có khi đứng ngồi mà mất, có khi vào sông ca hát rồi đi, có khi lên núi đào đất tự chôn. Tóm lại, chết không sợ, thiền giả nhìn sanh tử đều là giải thoát.