THẬT GIẢ – NÓI DỐI
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 13 Tháng một 2009 08:14
- Viết bởi nguyen
Có lần thiền sư Đạo Quang hỏi thiền sư Đại Châu Hoài Hải :
- Thưa thiền sư ! Bình thường thầy dụng công, là dùng tâm nào tu hành ?
Đại Châu đáp :
- Lão tăng không có tâm để dụng, không có đạo để tu.
- Nếu không có tâm để dụng, không có đạo để tu, vì sao mỗi ngày nhóm chúng khuyên người tham thiền tu đạo ?
- Lão tăng tôi trên không có miếng ngói để che, dưới không có đất cắm dùi, làm gì có chỗ để nhóm chúng ?
- Trên thực tế mỗi ngày thầy nhóm chúng luận đạo, há không phải thuyết pháp độ chúng sao ?
- Xin ông chớ nên vu oan cho tôi, tôi nói mà không có nói, làm sao có luận đạo ? Tôi không thấy có một người, cớ sao ông nói tôi độ chúng ?
- Thưa thiền sư ! Thầy nói dối rồi. Chẳng lẽ thế giới, con người, tôi và thầy, cho đến việc tham thiền thuyết pháp đều là giả sao ?
- Đều là thật !
- Nếu thật, vì sao thầy hoàn toàn phủ định ?
- Giả cần phủ định, thật cũng phải phủ định !
Ngay đó Đạo Quang đại ngộ.
Lời bình :
Nói đến chân lý, có khi phải từ trên khẳng định mà nhận biết, nhưng có khi cũng từ trên phủ định mà nhận biết. Như Bát-nhã Tâm Kinh nói : “Sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức cũng lại như thế”. Đó là từ trong khẳng định mà nhận biết con người và thế gian. Bát-nhã Tâm Kinh lại nói : “Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. Đó là từ trong phủ định mà nhận biết con người và thế gian. Thiền sư Đại Châu Huệ Hải phủ định tất cả danh cú văn thân, không phải là nói dối, vì phủ định tất cả mới khẳng định tất cả.