headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thâm giao phương ngoại

Thiền sư Duy Chánh ở núi Chung Nam, trì luật rất tinh nghiêm, đã độ được Thái thú Lý Cao quy y Phật pháp và cũng từng vào triều giải thích chuyện con sò Quán Âm cho Đường Văn Tông. Nhưng cuộc sống đạm bạc, không thích nhận quà cáp của người, các đại thần trong triều thường đua nhau cúng dường, sư đều từ chối cả.

Sư và Tương Thị Lang rất thâm giao. Một hôm, Tương Thị Lang thưa với sư :
- Ngày mai các học giả nổi tiếng đều tụ tập trong triều, thỉnh thiền sư đến rưới nước cam lồ, diễn nói diệu pháp, chắc là chúng tôi được vinh hạnh lắm !

Thiền sư Duy Chánh từ chối, Tương Thị Lang không chịu, bất đắc dĩ sư miễn cưỡng nhận lời. Hôm sau, Thị Lang sai người đến đón sư, nhưng sư không có ở trong chùa, họ tìm khắp nơi mà không gặp sư, chỉ thấy để lại trên bàn một bài kệ thế này :

                Hôm qua lỡ hẹn ngày nay,
                Chống gậy ra cửa lòng đầy băn khoăn
                Núi rừng là chỗ chúng tăng,
                La cà phố thị rõ ràng chớ nên.

                Tạc nhật tằng tương kim nhật kỳ,
                Xuất môn ỷ trượng hựu tư duy.
                Vi tăng chỉ hợp cư nham huyệt,
                Quốc sĩ diên trung thậm bất nghi.

Họ đem bài kệ này về trình cho Tương Thị Lang, Tương Thị Lang không những không mất tin xem thường, ngược lại còn tăng trưởng lòng tôn kính thiền sư Duy Chánh, ông cho rằng thiền sư Duy Chánh mới là thâm giao phương ngoại chân chánh.

Lời bình :

Tính cách của người xuất gia có nhiều hạng không giống nhau. Có người phát tâm hoằng pháp độ sanh, trong kinh gọi là nhân gian Tỳ-kheo. Có người thích ở tùng lâm núi sâu, trong kinh gọi là Lan-nhã Tỳ-kheo, đó là bi nguyện Đại thừa hay Tiểu thừa mà chỗ đến không giống nhau. Đức Phật Thích-ca từng sống chung với vương công đại thần, nhưng vẫn cho đệ tử Ca-diếp vào núi rừng tĩnh tọa. Cho nên trong Cao Tăng truyện có chia những hạng Tỳ-kheo khác nhau như : Nghĩa học Tỳ-kheo, hoằng truyền Tỳ-kheo, trì luật Tỳ-kheo, thần dị Tỳ-kheo v.v… Phong cách của các đại sư trong thiền môn có người làm Quốc sư đương triều, có người ẩn tích nơi rừng núi, nhưng đều dựng lập Phật pháp làm lợi ích cho chúng sanh, không hẳn là phải giống nhau cả.
 

[ Quay lại ]