Đến hỏi ông ấy
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 03 Tháng tám 2009 14:24
- Viết bởi nguyen
Môn hạ của thiền sư Kính Sơn có năm trăm vị học tăng, nhưng chơn chánh dụng tâm học đạo không được mấy người. Thiền sư Hoàng Bá bảo Lâm Tế đến chỗ thiền sư Kính Sơn. khi Lâm Tế chuẩn bị đi, thiền sư Hoàng Bá hỏi :
- Khi ông đến chỗ thiền sư Kính Sơn, phải làm sao ?
Lâm Tế đáp :
- Khi đến, con tự có phương pháp.
Khi Lâm Tế đến chỗ Kính Sơn, liền đi thẳng vào pháp đường bái kiến thiền sư Kính Sơn. Kính Sơn vừa ngẩng đầu lên, Lâm Tế liền hét lớn một tiếng. Kính Sơn định mở miệng, Lâm Tế lắc đầu bỏ đi.
Có một học tăng hỏi thiền sư Kính Sơn :
- Vừa có một vị pháp sư nói với thầy cái gì vậy ? Tại sao trước mặt thầy mà dám hét lớn thế ?
Thiền sư Kính Sơn nói :
- Ông ấy là đệ tử của thiền sư Hoàng Bá. Nếu ông muốn biết nói cái gì, sao không tự đến hỏi ông ấy ?
Học tăng thưa :
- Chúng con không biết đến hỏi ông ấy thế nào ?
Kính Sơn nói :
- Các ông hét lớn một tiếng được chăng ?
Các học tăng đều thưa :
- Hét lớn một tiếng, đó là chuyện quá đơn giản.
Thiền sư Kính Sơn liền hét lớn một tiếng, hỏi :
- Tiếng hét này, ý thế nào ?
Nhóm học tăng nhìn nhau không biết trả lời thế nào ?
Kính Sơn nói :
- Một tiếng hét ấy, trên thông đến thiên đường, dưới thấu tới địa ngục, trùm khắp tam giới, mười phương. Năm trăm học nhân các ông, đại đa số đều buông lung giống như người câm kẻ điếc, làm sao hiểu được tiếng rống của loài sư tử ?
Tất cả năm trăm học tăng của thiền sư Kính Sơn mỗi người tự chia tay nhau đi các nơi tham học.
Lời bình :
Thiền sư Kính Sơn là một trong những vị cổ đức chứng ngộ thiền rất cao, nhưng ngài thiếu phương tiện quán cơ khải phát người học. Qua tiếng hét của thiền sư Lâm Tế, quả thật có đủ công lực phấn phát kẻ điếc người mù. Ngài biết mình chỉ dạy thiền giả khế lý dễ dàng mà khế cơ thì không phải dễ, cho nên tự mình cũng hét lớn một tiếng để giải tán người học thập phương đến các nơi tìm người có duyên. Từ xưa đến nay, các bậc đại đức, tuy phong cách mỗi người có khác, nhưng không bao giờ lừa gạt người học.