headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 24/11/2024 - Ngày 24 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN SƯ ÐẠI AN

(? - 883)

Sư họ Trần, quê ở Phước Châu, xuất gia lúc còn bé, ở núi Hoàng Bá chuyên học Kinh Luật. Sư thường tự nghĩ: "Ta tuy cố gắng nhọc nhằn mà chưa nghe được lý huyền cực." (lý cao siêu tột cùng của đạo) Do đó, Sư bèn một mình du phương, định sang Hồng Châu, đi Thượng Nguyên gặp một ông già bảo Sư: "Thầy nên đến Nam Xương sẽ có sở đắc." Sư liền đi đến ra mắt Bá Trượng.

Lễ bái xong, Sư thưa:- Con muốn cầu biết Phật, thế nào là phải?

Bá Trượng bảo:- Thật là người cỡi trâu tìm trâu.         

- Sau khi biết thì thế nào?

- Như người cỡi trâu về đến nhà.

- Chẳng biết trước sau gìn giữ thế nào?

- Như người chăn trâu cầm roi dòm chừng không cho nó ăn lúa mạ của người.   

Sư nhân đây lãnh hội ý chỉ, chẳng đi tìm đâu nữa.

*

Nhân Thiền sư Linh Hựu khai sáng tại Qui Sơn, Sư đích thân đến đó phụ tá. Ðến khi Linh Hựu tịch, đại chúng thỉnh Sư tiếp nối trụ trì.

Sư thượng đường bảo chúng:       

- Cả thảy các ngươi đến Ðại An này tìm cầu cái gì? Nếu muốn làm Phật, các ngươi tự là Phật. Sao lại gánh Phật sang nhà bên cạnh tìm, luống tự nhọc nhằn? Ví như con nai khát nước mà chạy theo ánh nắng (ánh nắng giống như nước, con nai lầm tưởng là nước cắm đầu chạy tìm), biết bao giờ được khế hợp.

Các ngươi muốn làm Phật, chỉ cần không có những tâm: điên đảo, vin theo, vọng tưởng, nghĩ ác, cấu đục, chẳng sạch của chúng sanh, tức các ngươi là Phật chánh giác mới phát tâm, lại đến chỗ riêng nào luận bàn. Sở dĩ, Ðại An này ở tại núi Qui ba mươi năm, ăn cơm núi Qui, đại tiện núi Qui, mà không học thiền núi Qui, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ, liền lôi nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người, liền đánh đập điều phục nó. Ðáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi.

Cả thảy các ngươi, mỗi người có hòn ngọc lớn vô giá, từ cửa con mắt phóng quang soi sáng núi sông cây cỏ, từ cửa lỗ tai phóng quang nhận lãnh phân biệt tất cả âm thanh lành dữ, sáu cửa ngày đêm thường phóng quang sáng, cũng gọi là phóng quang tam-muội. Các ngươi tự chẳng biết, lại nhận bóng trong thân tứ đại. Nó là vật do trong ngoài giúp đỡ không dám chinh nghiêng, như người gánh nặng đi qua cây cầu khỉ, không dám để sẩy chân. Hãy nói vật gì có thể gìn giữ được? Như thế, không có một mảnh tơ, một sợi tóc có thể thấy. Ðâu chẳng nghe Hòa thượng Chí Công nói: "Trong ngoài tìm kiếm trọn không ra. Trên cảnh thi vi gồm tất cả."

Trân trọng!

*

Có vị Tăng hỏi Sư:

- Tất cả thi vi là dụng của pháp thân, thế nào là pháp thân?

Sư đáp:- Tất cả thi vi là dụng của pháp thân.

- Lìa năm uẩn, thế nào là thân xưa nay?

- Ðất nước gió lửa, thọ tưởng hành thức.

- Cái ấy là năm uẩn?

- Cái ấy là năm uẩn.

*

Tăng hỏi:- Khi ấm này đã mất, ấm kia chưa sanh thì thế nào?

Sư bảo:- Ấm này chưa mất, cái gì là Ðại đức?

- Chẳng hội.

- Nếu hội ấm này liền rõ ấm kia.

*

Hòa thượng Tuyết Phong nhân vào núi lượm được một nhánh cây hình giống con rắn, đề trên lưng một câu: "vốn tự thiên nhiên chẳng nhờ bào gọt", gởi tặng Sư.

Sư nhận, nói:- Người bản sắc ở núi, vẫn không vết dao búa.

*

Có người hỏi Sư:- Phật ở chỗ nào?

Sư đáp:- Chẳng lìa tâm.

- Người trên hai ngọn có được cái gì?

- Pháp không có chỗ được, dù có chỗ được, được vốn không được.

*

Sư giáo hóa ở thành Mân (tỉnh Phước Kiến) hơn hai mươi năm.

Ðời Ðường niên hiệu Trung Hòa năm thứ ba (883 T.L.), ngày hai mươi hai tháng mười, Sư trở về chùa Hoàng Bá, có chút bệnh rồi tịch. Môn đồ xây tháp thờ Sư trên núi Lăng-già.

Vua ban hiệu là Viên Trí Thiền sư, tháp hiệu Chứng Chơn.

[ Quay lại ]