headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 03/01/2025 - Ngày 4 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN SƯ HOẰNG BIỆN

Vua Ðường Tuyên Tông hỏi Sư:

- Thiền tông sao có tên Nam, Bắc?

Sư đáp:

- Thiền môn vốn không có Nam, Bắc. Xưa Như Lai đem chánh pháp nhãn trao cho Tổ Ðại Ca-diếp, lần lượt truyền nhau đến đời thứ hai mươi tám là Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tổ Ðạt-ma sang phương này (Trung Hoa) là Sơ Tổ, truyền đến vị Tổ thứ năm là Ðại sư Hoằng Nhẫn. Tổ Hoằng Nhẫn mở bày chánh pháp ở Ðông Sơn có hai đệ tử lỗi lạc là Huệ Năng và Thần Tú. Ðại sư Huệ Năng được truyền y bát, về ở Lãnh Nam làm Tổ thứ sáu. Ðại sư Thần Tú ở phương Bắc giáo hóa. Sau này, đệ tử Sư Thần Tú là Phổ Tịch lập thầy mình lên làm Tổ thứ sáu, rồi tự xưng là Tổ thứ bảy. Hai vị ấy được pháp là một, mà mở đạo khai ngộ có đốn tiệm khác nhau, cho nên gọi là Nam đốn, Bắc tiệm. Chẳng phải Thiền tông sẵn có tên Nam, Bắc vậy.

- Thế nào gọi là giới Sư?

- Ngừa lỗi dừng ác gọi là giới.

- Sao gọi là định?

- Sáu căn tiếp xúc với cảnh mà không chạy duyên theo là định.

- Sao là tuệ?

- Tâm cảnh đều không, chiếu soi chẳng lầm là tuệ.

- Sao là phương tiện?

- Phương tiện là ẩn che tướng thật, là cửa khéo léo tạm thời, để giáo hóa bậc trung, hạ căn chiều uốn dẫn dụ họ gọi là phương tiện. Dù là bậc thượng căn nói bỏ phương tiện chỉ nói đạo vô thượng, đây cũng là nói phương tiện. Cho đến Tổ sư dùng lời huyền diệu quên công bặt lời, cũng không vượt ngoài dấu vết phương tiện.          

- Sao là Phật tâm?

- Phật là tiếng Ấn Ðộ, Trung Hoa gọi là Giác. Nghĩa là người có trí tuệ giác chiếu là Phật tâm. Tâm là tên riêng của Phật. Có trăm ngàn tên khác mà nghĩa là một, vốn không có hình trạng, chẳng phải tướng xanh, vàng, đỏ, trắng, nam nữ v.v... ở nơi trời mà chẳng phải trời, ở nơi người mà chẳng phải người, mà hay hiện trời người, hiện nam nữ chẳng trước, chẳng sau, không sanh không diệt, cho nên gọi là tánh linh giác. Như bệ hạ hằng ngày ứng dụng muôn việc tức là Phật tâm của bệ hạ. Giả sử được ngàn vị Phật đồng truyền, vẫn không nghĩ mình có sở đắc.

- Như nay có người niệm Phật là sao?

- Như Lai ra đời là bậc thầy thiện tri thức của người. Ngài tùy căn cơ nói pháp, vì bậc thượng căn mở Tối thượng thừa đốn ngộ lý cùng tột, vì bậc trung hạ căn chưa có thể chóng hiểu, ấy là Phật vì bà Vi-đề-hi tạm mở cửa "mười sáu pháp quán" dạy niệm Phật sanh về Cực lạc. Cho nên kinh nói: "Tức tâm tức Phật, tâm ấy là Phật, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm."

- Có người tụng kinh, trì chú, niệm Phật để cầu làm Phật thì sao?

- Như Lai mở bày các thứ đều vì một thừa tối thượng, như trăm sông đều chảy về biển. Các pháp sai biệt như thế đều trở về biển Bát-nhã (Phật trí).

- Tổ sư đã khế hội tâm ấn, kinh Kim Cang nói "không có pháp sở đắc" là sao?

- Phương pháp giáo hóa của Phật thật không có một pháp cho người. Chỉ vì chỉ dạy cho mọi người, mỗi người đều có một kho pháp bảo. Chính khi Phật Nhiên Ðăng ấn chứng cho Phật Thích-ca pháp căn bản ấy, Phật Thích-ca không có sở đắc mới khế hội bản ý của Phật Nhiên Ðăng. Cho nên kinh nói: "Không ngã không nhân không chúng sanh không thọ giả, pháp ấy bình đẳng, tu tất cả pháp lành mà chẳng trụ nơi tướng."

- Thiền sư đã hội ý Tổ, lại có lễ Phật tụng kinh chăng?

- Sa-môn Thích tử lễ Phật tụng kinh là pháp thường của Trụ trì, có bốn quả báo vậy. Song y Phật giới để tu thân, tìm học với các bậc thiện tri thức để tập tu hạnh thanh bạch, bước theo dấu Như Lai đã đi.

- Sao lại đốn ngộ? Sao là tiệm tu?

- Chóng thấy tự tánh cùng Phật đồng bậc, song còn có tập nhiễm từ vô thủy nên mượn tiệm tu để đối trị, khiến theo tánh khởi dụng. Như người ăn cơm không thể một miếng được no.

Hôm ấy, Sư đối đáp với vua bảy khắc. Vua ban cho Sư tử y (y đỏ) và phương bào (áo vuông) và ban hiệu là  Viên Trí Thiền sư.

[ Quay lại ]