THIỀN SƯ KỈNH HUYỀN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 13 Tháng mười một 2009 14:28
- Viết bởi nguyen
Ở núi Đại Dương -(943 - 1027)
Sư mười chín tuổi làm Đại tăng nghe kinh Viên Giác, trong hội này không ai bì kịp Sư. Sau đó, Sư đi du phương, trước đến Lương Sơn chỗ Thiền sư Duyên Quán.
Sư hỏi:- Thế nào là đạo tràng vô tướng?
Lương Sơn chỉ Bồ-tát Quan Âm, nói:- Cái này là do Ngô Xứ Sĩ vẽ.
Sư suy nghĩ để tiến ngữ. Lương Sơn nhanh nhẩu nói:
- Cái này có tướng, cái kia không tướng.
Sư nhân đó tỉnh ngộ, liền lễ bái.
Lương Sơn hỏi:- Sao không nói lấy một câu?
Sư thưa:- Nói thì chẳng từ, sợ e trên giấy mực.
Lương Sơn cười, bảo:- Lời này vẫn còn ghi trên bia.
Sư dâng kệ rằng:
Ngã tích sơ cơ học đạo mê
Vạn thủy thiên sơn mích kiến tri
Minh kiêm biện cổ chung nan hội
Trực thuyết vô tâm chuyển cánh nghi.
Mong Sư điểm xuất Tần thời cảnh
Chiếu kiến phụ mẫu vị sanh thì
Như kim giác liễu hà sở đắc
Dạ phóng ô kê đới tuyết phi.
Dịch:
Con xưa học đạo cứ sai lầm
Muôn núi ngàn sông kiếm thấy nghe
Luận cổ bàn kim càng khó hội
Nói thẳng vô tâm lại sanh nghi.
Nhờ Thầy chỉ rõ thời Tần kính
Soi thấy cha mẹ lúc chưa sanh
Hiện nay giác ngộ đâu còn đắc
Đêm thả gà đen trong tuyết bay.
Lương Sơn bảo:- Có thể làm hưng thạnh tông Tào Động.
*
Sau, Sư đến trụ tại núi Đại Dương khai đường giáo hóa.
Có vị Tăng hỏi:
- Tòng tâm bát ngát, trống pháp ầm ầm, nhằm trên tông thừa nói bày thế nào?
Sư đáp:- Y không có tin tức, đâu cho phù hợp.
- Hôm nay tông thừa đã nhờ Thầy chỉ dạy, chưa biết pháp từ ai, nối pháp người nào?
- Lương Sơn chỉ thẳng thời Tần kính, trước ngọn Trường Khánh một ngôi ngời.
- Thế nào là cảnh Đại Dương?
- Hạc côi vượn lão kêu hang dội, tùng gầy trúc lạnh tỏa khói xanh.
- Thế nào là người trong cảnh?
- Làm gì? làm gì?
- Thế nào là gia phong Đại Dương?
- Bình đầy nghiêng chẳng đổ, khắp nơi chẳng người đói.
*
Sư thượng đường dạy chúng:
- Chư Thiền đức! phải rõ câu bình thường vô sanh, câu diệu huyền vô tư, câu thể minh vô tận. Câu thứ nhất thông một đường. Câu thứ hai không chủ khách. Câu thứ ba gồm kèm. Câu thứ nhất nói được là sư tử phùng mang. Câu thứ hai nói được là sư tử nhảy lồng. Câu thứ ba nói được là sư tử ngồi xổm. Buông ra thì khắp giáp mười phương, nắm lại thì một lúc ngồi dứt. Chính khi ấy làm sao thông được tin tức? Nếu chẳng thông được tin tức thì, đến triều dâng Sở vương xem.
Tăng hỏi:- Thế nào là câu bình thường vô sanh?
Sư đáp:- Mây trắng che núi xanh, núi xanh đảnh chẳng bày.
- Thế nào là câu diệu huyền vô tư?
- Bảo điện không người chẳng đứng hầu. Không trồng ngô đồng khỏi phụng đậu.
- Thế nào là câu thể minh vô tận?
- Khi tay chỉ không trời đất chuyển, xoay đường ngựa đá khỏi lồng tơ.
- Thế nào là sư tử phùng mang?
- Trọn không ý ngó lại, đâu chịu rơi bình thường.
- Thế nào là sư tử nhảy lồng?
- Xoay đi quanh lại thảy về cha, đại dụng dấy lên thể chẳng thiếu.
- Thế nào là sư tử ngồi xổm?
- Vượt bẳn máy lại qua, xưa nay không đổi khác.
*
Tăng hỏi:- Thế nào là câu Đại Dương thấu pháp thân?
Sư đáp:
- Đáy biển đại dương bụi hồng dấy, trên đảnh Tu-di nước chảy ngang.
*
Sư tinh thần kỳ lạ, từ bé đến lớn chỉ ngày ăn một bữa; ở tại núi Đại Dương năm mươi (50) năm mà chân không ra khỏi ranh giới, hông không dính chiếu.
Nhà Tống niên hiệu Thiên Thành năm thứ năm (1027), ngày mười sáu tháng bảy, Sư từ chúng. Ba ngày sau, Sư viết bài kệ gởi Thị lang Vương Thự, lược rằng:
Ngô niên bát thập ngũ
Tu nhân chí ư thử
Vấn ngã qui hà xứ
Đảnh tướng chung nan đổ.
Ta tuổi tám mươi lăm
Tu nhân đến thế ấy
Hỏi ta đi về đâu
Tướng đảnh trọn khó thấy.
Sư dừng bút liền tịch.