headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 18/04/2024 - Ngày 10 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN SƯ NGỘ TÂN TỬ TÂM

Hoàng Long - (1044 - 1115)

Sư họ Vương, quê ở Khúc Giang Thiều Châu, dáng người cao lớn mặt đen giống như vị Tăng Ấn Độ. Sư xuất gia tại viện Phật-đà, khí tiết xuất chúng tư cách hơn người.

*

             Ban đầu Sư đến yết kiến Tú Thiết Diện ở Thê Hiền. Tú hỏi: - Thượng tọa người xứ nào?

             Sư thưa: - Quảng Nam Thiều Châu.

             Tú hỏi: - Từng đến Vân Môn chăng?

             Sư thưa: - Từng đến.

             Tú hỏi: - Từng đến Linh Thọ chăng?

             Sư thưa: - Từng đến.

             Tú hỏi: - Thế nào là cành lá Linh Thọ?

             Sư thưa: - Dài tự dài, ngắn tự ngắn.

             Tú bảo: - Kẻ Mán ở Quảng Nam chớ nói loạn.

             Sư thưa: - Đến Bắc Lô chỉ thế ấy.

             Sư liền phủi áo ra đi. Tú thừa nhận, mà Sư không lưu ý.

             Sư đến Hoàng Long yết kiến Thiền sư Bảo Giác, đàm luận không có chỗ ngộ. Bảo Giác bảo: - Nếu tài năng chỉ thế, nói ăn đâu hay no bụng người?

             Sư bế tắc không lời nói được, bình thản bạch:

             - Con đến đây cung gãy tên hết, cúi mong Hòa thượng từ bi chỉ chỗ an lạc.

Bảo Giác bảo: - Một hạt bụi bay hay che trời, một hạt cải rơi hay phủ đất, chỗ an lạc tối kỵ Thượng tọa có bao nhiêu thứ tạp nhạp. Cần phải chết toàn tâm từ vô thủy kiếp đến nay mới nên vậy.

 Sư ra đi. Một hôm Sư ngồi lặng lẽ dưới tấm bảng, chợt gặp Tri sự đánh cư sĩ, Sư nghe tiếng roi bỗng nhiên đại ngộ. Đứng dậy quên mang giày chạy đến phương trượng thấy Bảo Giác, Sư tự khen: - Người trong thiên hạ thảy là học được, con đã ngộ được rồi.

             Bảo Giác cười bảo: - Tuyển Phật được người đứng đầu bảng, ai dám đương.

             Từ đây Sư được hiệu là ông già Tử Tâm, bảng chỗ Sư ở để là Tử Tâm thất. Sư ở lại đây thời gian lâu.

*

             Kế đến, Sư đi dạo Tương Tây. Khi ấy Thiền sư Triết lãnh Nhạc Lộc, Sư đến ra mắt.

             Triết hỏi: - Là phàm là thánh?    

             Sư đáp: - Phi phàm phi thánh.

             Triết hỏi: - Là cái gì?

             Sư đáp: - Đưa mắt nhìn lên.

             Triết bảo: - Thế ấy là núi nam khởi mây núi bắc rơi mưa.

             Sư đáp: - Hãy nói là phàm là thánh?

             Triết bảo: - Tại sao trên đầu mênh mang dưới chân mênh mang?

             Sư ngước nhìn trên thất thốt ra tiếng hư.

             Triết bảo: - Hơi gấp giết người.

             Sư đáp: - Dường phải. Phủi áo liền đi.

             Sư đến yết kiến Thiền sư Ngộ ở Pháp Xướng. Ngộ hỏi: - Vừa rời chỗ nào?

             Sư đáp: - Tôi từ Hoàng Long lại.

             Ngộ hỏi: - Lại thấy Thiền sư Tổ Tâm chăng?

             Sư đáp: - Thấy.

             Ngộ hỏi: - Thấy ở chỗ nào?

             Sư đáp: - Thấy ở chỗ ăn cơm ăn cháo.

             Ngộ cầm đũa gắp lửa đẩy trong lò nói: - Cái này lại là sao?

             Sư lôi đũa gắp lửa ra, rồi đi.

*

Sư ban đầu trụ Vân Nham, kế dời trụ Thúy Nham. Tại Thúy Nham xưa có miếu Thần, dân trong làng cúng kính rượu thịt liên miên. Sư sai Tri sự phá miếu. Tri sự từ không dám chuốc họa. Sư bảo: Nếu hay tác họa, ta tự làm đó. Đích thân Sư đến phá hủy cái miếu. Chợt thấy một con rắn to nằm khoanh đưa đầu như muốn mổ. Sư quở nó, nó bò đi. Sư về nghỉ an ổn. Không bao lâu, Sư trở lại trụ Vân Nham. Dựng lập Kinh tàng, Thứ sử Huỳnh Công Đình Kiên làm lời ký. Ông có đem lời ghi mộ của người thân khắc bên cạnh cái bia. Sư không bằng lòng nói: - Cái mộ mà xem thường không sợ họa sao? Sư nói chưa dứt, bỗng làn điện chớp sấm nổ vỡ tấm bia, song tàng ký vẫn an nhiên không tổn hại.

*

Về già, Sư trụ Hoàng Long học giả tụ họp rất đông. Sư mắc bệnh lui về ở Hối Đường. Dạ tham, Sư đưa cây phất tử lên nói: Xem! Xem! Phất tử bệnh hay Tử Tâm bệnh? Phất tử an hay Tử Tâm an? Phất tử xỏ thấu Tử Tâm, Tử Tâm xỏ thấu phất tử. Chính ngay khi này gọi phất tử lại là Tử Tâm, gọi Tử Tâm lại là phất tử, cứu kính phải nói thế nào? Sư im lặng giây lâu nói: Chớ đem phải quấy đến ta biện, phù sanh xuyên tạc chẳng can nhau. Có vị Tăng hỏi câu rốt sau. Sư nói kệ:

                        Một câu ở rốt sau,

                        Cần phải đường tâm dứt,

                        Cửa sáu căn đã không,

                        Muôn pháp không sanh diệt,

                        Nơi đây thấu được nguồn,

                        Chẳng cần cầu giải thoát,

                        Bình sanh thích mắng người,

                         Chỉ vì thường ưa sống.

Niên hiệu Chánh Hòa thứ năm (1115) tháng mười hai ngày mười ba, buổi chiều Tiểu tham, Sư nói kệ xong. Đến ngày mười lăm, Sư an nhiên thị tịch, thọ bảy mươi hai tuổi, bốn mươi lăm tuổi hạ. Tháp Sư ở sau Hối Đường.

[ Quay lại ]