THIỀN SƯ TÙNG DUYỆT
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 23 Tháng chín 2010 12:48
Ở Đẩu Suất phủ Long Hưng - (1044 - 1091)
Sư họ Hùng, quê ở Cám Châu. Buổi đầu Thủ chúng ở Đạo Ngô, lãnh một số chúng đến yết kiến Hòa thượng Trí ở Vân Cái. Trí đàm luận với Sư chưa bao nhiêu đã biết chỗ uẩn tích, bèn cười bảo: - Xem Thủ tọa khí chất phi phàm, tại sao thốt ra lời dường như kẻ say?
Sư đỏ mặt xuất mồ hôi thưa: - Cúi mong Hòa thượng chẳng tiếc từ bi.
Trí lại dùng lời châm chích thêm. Sư mờ mịt, liền xin nhập thất. Trí hỏi: - Từng thấy Hòa thượng Ngộ ở Pháp Xướng chăng?
Sư thưa: - Từng xem Ngữ lục của Ngài, tự hiểu rõ cũng không mong thấy.
Trí hỏi: - Từng thấy Hòa thượng Văn ở Động Sơn chăng?
Sư thưa: - Người Quan Tây không đầu não, mang một cái quần vải khai nước đái, có chỗ nào hay?
Trí bảo: - Ông chỉ đến chỗ khai nước đái tham lấy.
Sư theo lời dạy đến yết kiến Hòa thượng Văn thâm nhận được áo chỉ. Sư trở lại yết kiến Hòa thượng Trí. Trí hỏi: - Sau khi thấy người Quan Tây đại sự thế nào?
Sư thưa: - Nếu chẳng được Hòa thượng chỉ dạy đã luống qua một đời.
Sư bèn lễ tạ. Sư trở lại yết kiến Chơn Tịnh.
*
Sau Sư khai pháp ở chùa Lộc Uyển, có Thiền sư Thanh Tố là người đã tham vấn lâu nơi Từ Minh, tạm ở một cái thất chưa cùng Sư giao tiếp. Sư nhân ăn trái vải, gặp Thanh Tố qua cửa. Sư gọi: - Này ông già! Đây là hương quả mời cùng ăn.
Tố nói: - Sau khi Tiên sư tịch đã lâu không được ăn thứ này.
Sư hỏi: - Tiên sư là ai?
Tố nói: - Từ Minh, tôi hầu hạ người mười ba năm.
Sư nghi sợ nói: - Mười ba năm kham nhẫn hầu hạ, chẳng được đạo kia là sao?
Từ đây nhân ăn quả, Sư thường thường thân cận. Tố hỏi: - Thầy đã thấy người nào?
Sư thưa: - Động Sơn Văn.
Tố hỏi: - Văn thấy người nào?
Sư thưa: - Hoàng Long Nam.
Tố bảo: - Nam tấm biển thấy Tiên sư chẳng lâu, pháp đạo chấn hưng như thế.
Sư càng nghi sợ, bèn sắm hương đèn đến lễ Tố. Tố đứng tránh nói: - Tôi do phước mỏng Tiên sư thọ ký chẳng cho vì người.
Sư càng thêm cung kính. Tố bảo: - Vì thương lòng thành của ông, trái lời ký của Tiên sư. Ông bình sanh sở đắc thử nói ta xem?
Sư thưa đủ sở kiến.
Tố bảo: - Khả dĩ vào Phật mà không thể vào ma.
Sư thưa: - Vì sao vậy?
Tố bảo: - Há chẳng thấy cổ nhân nói một câu rốt sau mới đến lao quan.
Như thế mấy tháng, Tố mới ấn khả, bèn răn rằng: - Văn dạy ông đều là chánh tri chánh kiến, song ông lìa Văn quá sớm nên không thể tột chỗ diệu kia. Nay tôi vì ông điểm phá, khiến ông thọ dụng được đại tự tại, ngày khác chớ có nối pháp tôi.
Sau Sư nối pháp Chơn Tịnh.
*
Tăng hỏi: - Cầm binh khiển tướng phải nhờ hổ phù của vua, lãnh chúng dạy đồ thầm mang Tổ sư tâm ấn, thế nào là Tổ sư tâm ấn?
Sư đáp: - Đầy miệng nói chẳng được.
Tăng hỏi: - Chỉ cái này hay lại có cái khác?
Sư đáp: - Chớ đem hạc chạy trốn, gọi là ngỗng cầm quân.
Tăng hỏi: - Thế nào là cảnh Đẩu Suất?
Sư đáp: - Một nước nổi màu lam, ngàn núi gọt ngọc biếc.
Tăng hỏi: - Thế nào là người trong cảnh?
Sư đáp: - Bảy trũng tám gò không người thấy, trăm tay ngàn đầu chỉ tự biết.
*
Sư thượng đường: Tai mắt một bề trong, ở yên trong hang vắng, gió thu vào cổ tùng, trăng thu sanh sông biếc. Thiền tăng khi ấy lại cầu chân, hai con khỉ đột bốn đuôi duỗi. Sư hét một tiếng.
*
Sư thượng đường: Đẩu Suất trọn không biện biệt, lại kêu rùa đen là trạnh, không thể nói diệu bàn huyền, chỉ biết khua môi động lưỡi, khiến cho Thiền tăng trong thiên hạ xem thấy trong mắt một giọt máu, chớ có đổi sân làm hỉ người tiếu ngạo Yên Hà đó chăng? Sư im lặng giây lâu nói: Thổi lên một bản thăng bình nhạc, mong được sanh bình chưa hết sầu.
Sư thượng đường: Mới thấy tân xuân lại sang đầu hạ, bốn mùa dường tên sáng tối như thoi, bỗng chợt mặt hồng trở thành đầu bạc, cần phải nỗ lực riêng dụng tinh thần, cày lấy vườn ruộng của mình, chớ phạm lúa mạ của người, tuy nhiên như thế kéo cày mang bừa, phải là con trâu trắng ở núi Tuyết mới được. Hãy nói lỗ mũi ở chỗ nào? Sư im lặng giây lâu nói: - Bậy! Bậy!
Sư thượng đường: Thường cư vật ngoại qua thời rỗi, cầm ngang ống sáo thổi lưng trâu, một bản tự yên núi tự biếc, tình này chẳng với mây trắng bay. Rất thích, chư Thiền đức! Nhớ lại Phạm Lãi dối vượt sóng to, nhân nghĩ Trần Đoàn ngủ rỗng trên ngọn Thái Hoa, đâu từng mộng thấy luống được cao danh, thật chưa thần đạo nhàn du dấu quê. Tuy nhiên như thế, Thiền tăng mắt sáng chớ nói, Long An tự kỷ kia. Tốt!
*
Thượng đường: Không pháp cũng không tâm, không tâm lại gì xả, cần chân trọn thuộc chân, cần giả toàn về giả, trên đất bằng chèo thuyền, trong hư không cỡi ngựa, người chín năm nhìn vách, có miệng lại như câm. Tham!
Thượng đường: ?Đêm đêm ôm Phật ngủ, ngày ngày cùng Phật đi, ngồi đứng cùng theo nhau, nói nín đồng chung ở, muốn biết chỗ Phật đi, chỉ lời nói này vậy.? Chư Thiền đức! Cả nhà Phó Đại sĩ chỉ biết ôm cột cầu, tắm rửa đeo dây neo thuyền trên bản in đập đem lại, trong khuôn mẫu gỡ đem đi. Đâu biết nói: Thiền tăng bản sắc lấp bít hang Phật Tổ, đập nát cửa huyền diệu, nhảy ra hầm đoạn thường, chẳng nương cảnh thanh tịnh, trọn không một vật riêng vận dụng hai nắm tay, trên biển đi ngang dựng nhà lập nước. Có một nhóm, cần nhằm trên đầu sào trăm thước ngồi yên lặng lẽ, đến lúc thân nhào bỏ mạng không được. Đâu chẳng thấy Đại sư Vân Môn nói: Biết là việc này, ném qua một bên, dù cho thôi động tinh thần mắc chút gân cốt, nhằm trước khi hỗn độn chưa phân tiến được vẫn là kẻ độn, đâu kham ở trên đầu lưỡi người nếm được mùi vị, trọn không có ngày liễu ngộ. Chư Thiền khách! Cần hội chăng? Vén đứng lông mày có khó gì, rõ ràng chẳng thấy một mảy tơ, gió thổi bầu trời mây nổi nát, trên trăng núi biếc ngọc một hòn. Sư hét một hét xuống tòa.
*
Một hôm, Tào Sử Vô Tận cư sĩ Trương Công Thương Ưởng đi thanh tra qua Phần Minh thỉnh Trưởng lão năm viện đến Vân Nham thuyết pháp. Sư đăng tòa rốt sau, cầm ngang cây gậy nói: Chư thiện tri thức mới đến, nắm ngang buông dọc, đứng thẳng ném xiên, đổi bước dời thân dấu đầu bày sừng, đã ở trước mặt học sĩ mỗi vị nhận bại quyết, chưa khỏi ăn gậy đau trong tay Đẩu Suất (Sư), đến trong đây chẳng do ngọt cho ngọt. Cớ sao? Vì thấy sự bất bình đâu nhẫn được. Thiền tăng chánh lệnh tự phải hành, chao cây gậy xuống tòa.
*
Trong thất Sư dùng ba câu nói để nghiệm học giả:
1. Vạch cỏ xem gió chỉ mong thấy tánh, chính nay Thượng tọa tánh ở chỗ nào?
2. Biết được tự tánh mới thoát sanh tử, khi chết rồi làm sao thoát?
3. Thoát được sanh tử liền biết chỗ đi, bốn đại phân ly nhằm chỗ nào đi?
*
Niên hiệu Nguyên Hựu thứ sáu (1091) vào mùa đông, Sư tắm gội xong, họp chúng nói kệ:
Bốn mươi tám năm,
Thánh phàm giết sạch,
Chẳng phải anh hùng,
Long An đường trơn.
Sư ngồi yên thị tịch, thọ bốn mươi tám tuổi. Vua sắc phong Chơn Tịnh Thiền sư.