THIỀN SƯ HUỆ VIỄN HẠT ĐƯỜNG LINH ẨN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 26 Tháng tư 2011 13:44
Phủ Lâm An
Sư họ Bành, quê ở trấn Kim Lưu My Sơn. Năm 13 tuổi, Sư theo tăng Tông Biện viện Dược Sư xuất gia. Sau đó đến Thành đô học kinh luận. Sư lại trở về Nga My tại chùa Vân Nham, là nơi Thiền sư Trưng trụ trì. Thiền sư Trưng là cháu đời thứ tư của Thiền sư Huệ Nam Hoàng Long, tri kiến khá cao. Sư mới vào cửa gặp Trưng thọ trai xong đi dạo hành lang chùa. Vừa gặp, Sư liền để túi vải xuống hỏi: - Văn-thù là thầy bảy đức Phật, chưa biết người nào là thầy Văn-thù?
Trưng đáp: - Cát vàng bờ khe Mã Lang về.
Khi ấy có Thiết Phất Khởi làm Thủ tọa, Sư cũng đến thân cận. Khởi thường nhắc nhở Sư, trải qua hai năm mà không sở đắc. Một hôm, Sư tĩnh tọa có một vị Tăng đi một mình tự nói: - Mượn tứ đại để che đậy, duyên sáu trần mà sanh tâm, chợt gặp sáu trần liền dứt, gọi cái gì là tâm? Sư nghe bỗng dưng có tỉnh. Sư đứng dậy trình với Thủ tọa, Thủ tọa nhận đó, đến phương trượng trình với Trưng, Trưng cũng nhận đó. Ngày sau liền từ giã đi, đồng học giữ lại. Sư không chịu nói: - Thầy tôi cho là được, mà tôi trọn chưa hài lòng.
*
Bấy giờ Viên Ngộ từ Vân Cư trở về Thục trụ ở Chiêu Giác, Sư liền đến đó. Mỗi khi hỏi thoại ý chỉ rất cao vót, Viên Ngộ thầm nhận. Một hôm Viên Ngộ phổ thuyết nhắc Bàng Cư sĩ hỏi Mã Tổ: - Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì? Mã Tổ bảo: - Đợi ông hớp một ngụm cạn nước Tây Giang liền nói với ông.
Sư nghe nói bỗng nhiên đại ngộ, ngã tại trong chúng, chúng cho là trúng gió cùng dìu dậy. Sư nói: - Tôi mộng hay thức?
Đến tối Viên Ngộ tiểu tham, Sư ra hỏi: - Sạch trọi trơn rỗng không một vật, thân trần nghèo tột không một tiền, cửa nát nhà tan xin Thầy cứu giúp?
Viên Ngộ đáp: - Bảy trân tám bảo một lúc lấy.
Sư thưa: - Làm sao cướp chẳng vào nhà cẩn thận?
Viên Ngộ đáp: - Cơ chẳng rời vị rơi trong biển độc.
Sư theo tiếng liền hét. Viên Ngộ lấy cây gậy gõ giường thiền nói: - Ăn được gậy hay chưa?
Sư lại hét. Viên Ngộ hét liên tiếp hai tiếng. Sư lễ bái. Viên Ngộ rất vui làm kệ tặng Sư. Có cựu Thiết Thiệt có lời tháo chốt cửa, chúng gọi Sư là Thiết Thiệt Viễn. Từ đây cơ phong cao vót không ai chống lại.
*
Mùa xuân năm Ất Mão hiệu Thiệu Hưng, Huyện thú My Sơn mời Sư trụ núi Tượng Nhỉ, Sư chẳng nhận. Năm ấy Viên Ngộ thị tịch, Sư than: Triết nhân đã mất nối đó là ai? Sư đóng một chiếc thuyền nhỏ xuống núi. Ban đầu đến Hoài Nam, Sư trụ ở Long Bàng tám năm, kế dạo Lang Nha lại sang Phổ Tế, Định Nghiệp. Từ Sư phát minh tâm yếu liền được du hí, như gió đại tự tại tam-muội.
*
Sư khai pháp đăng tòa nói: Trời không cửa đất không vách, trên gác hồ lô trồng đông qua, hai tay kéo cày nước đến gối, nhảy chuồn vàng nuốt dạ gai lật, vỗ bản thổi sáo không lỗ, thua! Thua! Sơn tiêu một chân giỏi nhảy đôi, năm rồi mùa đông không than đốt, năm nay định là không lửa hơ, khi đói đói đến tròng mắt vàng, khi nghèo nghèo đến thân trần đứng, thua! Thua! Hãy nói thua cái gì? Tại sao Giám tự, Phó tự, Duy-na, Điển-tọa, Trực-tuế? lại cùng thợ bùn nước thương lượng, thả ra chim cú hai đầu, nhai nát xương sống Phật điện.
*
Sư thượng đường nhắc: ?Hòa thượng Chơn Tịnh dạy chúng: Trời đất cùng ta đồng gốc, vạn vật cùng ta đồng thể, đầu gót chân đuôi gót chân ngang ba dọc bốn, Bắc Câu-lô Châu nổi lửa đốt lông mày Đế Thích, Đông Hải Long vương không thể nhịn được, sấm vang một tiếng ầm ầm, liền được hồ nghiêng núi ngã mây đầy không dài, chữ thập đầu đường con nhà họ Liêu họ Hồ, trong lúc ngủ mê trỗi dậy vỗ tay cười hả! Hả! Nói: Trong thành Quân Dương gần đây ít cướp. Hòa thượng cầm cây gậy nói: Cướp! Cướp!? Sư nhắc xong nói: Phải thì một trường bán buôn chẳng ít, nào ngờ lỗ mũi tròng mắt mỗi người còn có chủ. Cớ sao? Trong gò sắn bìm lấy trộm chưa phải kẻ cướp ban ngày, trước cửa quán rượu bỏ sót chẳng phải chánh cướp. Khi ấy ở đông lang đường có tiếng chó sủa, Sư liền gọi cư sĩ xem: Trước cửa có quan khách nào. Đại chúng đều xoay đầu nhìn. Sư bảo: Cần thấy chánh cướp chăng? Sư bèn huýt sáo một tiếng, chao tay xuống tòa.
*
Khi ấy Đại Huệ ở Mai Châu có người truyền kệ tụng và đề xướng của Sư đến, Đại Huệ ngạc nhiên nói: Lão sư về già có đứa con như thế ư? Nhân đây Đại Huệ biên thơ thông tin và gởi tặng pháp y của Viên Ngộ. Sư làm tụng nghênh đón, hai vị gặp nhau rất vui. Đại Huệ hết lời khen ngợi, lại đề ảnh Sư: Cái võ Xuyên này không chân không giả, một cây gậy trắng Phật đến cũng đánh, lại có một chỗ rất hay, giỏi nhằm trên bát bồn chạy ngựa.
Kế Sư dời trụ Quang Hiếu trải mười năm. An định quân vương Triệu Biểu Chi cùng Sư làm bạn ngoài đời. Thị lang Tă?g Khai theo Sư thưa hỏi. Tă?g tuy là sĩ đại phu mà đã bảo tham nơi chư kỳ lão, theo Đại Huệ dạo đi rất lâu mà chưa thâm giải thoát, đến gặp Sư mới dứt các nghi.
*
Sau Sư dời đến Nam Nhạc trụ ở Nam Đài. Khi đó Thiền sư Liêu ở Long Vương, Thiền sư Phương ở Quãng Hạnh đều là cao đệ của Nguyệt Am, đạo đức nổi tiếng ở Hồ, Tương. Hai vị nói với nhau: Khoảng này vách đứng ngàn nhẫn, Viễn chỗ nào tá túc ư? Nhân thỉnh Sư đang tòa, lập hơn ba mươi câu hỏi đều là hóc búa nguy hiểm, chỗ học giả khó đến. Sư tùy cơ giải đáp lời lẽ thâm áo nghĩa luận siêu việt, mọi người rất thán phục. Liêu dẫn đồ chúng đảnh lễ nói: Gối này chẳng cúi nơi người đã lâu.
*
Sư lại sang Thiên Thai trải trụ trì ba chùa Hộ Quốc, Quốc Thanh, Hồng Phước. Khoảng niên hiệu Càn Đạo (1165-1174) Thượng thơ Trần Đức Hòa trấn thú Bình Giang do đại đạo tràng Hổ Khưu gần đây không có người, tận tâm mời Sư trụ trì. Sư đến đây hết lòng mở mang đạo pháp. Sư lại vâng chiếu trụ chùa Sùng Tiên ở núi Cao Đình. Chưa bao lâu, Sư thối viện đến trụ am Nghinh Chiếu. Sư lại vâng chiếu trụ Linh Ẩn. Ngày khai đường có Trung sứ niêm hương chúc Thánh xong. Sư niêm hương rằng: - Một cây hương này trời đất không thể che đậy, mắt Phật không thể xem lường, đưa lên diệt chủng tộc Ấn Độ, nắm lại mờ mịt giết người, lụy ta ba mươi năm, trong cỏ hoang nằm ngang, đến khiến một đời làm kẻ chẳng nghẹn ngào, tựu trung có chút sai lầm, đối chúng cũng phải nói phá.
Sơn tăng hai mươi năm trước, bị gió nghiệp thổi đến dưới núi Dân Nga trong rừng gai góc, chạm đến chiếc chùy không lỗ, bị kia một đập nửa say nửa tỉnh, sẽ bảo câm miệng một đời không thể mở. Hai mươi năm sau, lại bị gió nghiệp thổi đến rửa giặt ở đầu Cẩm Giang, trong gò sắn bìm gặp được cái đuôi đỏ trăng trắng, khi ấy chính bị cắn một cái, liền không tán đảm vong hồn, mở được miệng đến nay thọ dụng chẳng hết. Hãy nói, hương này vì thiện tri thức hai mươi năm trước là phải, vì thiện tri thức hai mươi năm sau là phải? Một con hạc chẳng đậu hai cây, một người khách chẳng phiền hai nhà. Đâu chẳng thấy nói: Trước đi chẳng đến, rốt sau vượt xa. Ngày nay thân cướp đã bày tang vật hiện tại. Phụng vì Thành đô phủ Chiêu Giác tiên Viên Ngộ Thiền sư Đại Hòa thượng. Chẳng trọng Thầy đối ngự bàn không, hoành hành hải thượng, chỉ trọng Thầy trong ngực không vật trong bụng không thiền, khói nhằm trong lò dùng đều pháp nhũ.
*
Khi ấy, vua Hiếu Tông để tâm về Thiền học, nhiều phen mời Sư vào triều, ban hiệu là Phật Hải Thiền sư. Vua làm bài tụng tặng Sư:
Bát bồn chạy ngựa đến thiên đình,
Quen đạp ven trời ngựa chẳng sợ,
Xoay đầu bay lại núi cao vót,
Mây trắng bao trùm đế đô xuân.
Một hôm đánh trống đăng tòa xong, Sư vẫn ngồi trong màn. Thị giả tìm Sư chẳng thấy. Sư vạch màn ra nói: - Chỉ ở trong này vì sao chẳng thấy?
Thị giả không đáp được. Sư đáp thay: - Búa lớn bửa ba cửa.
Có vị Tăng Nhật Bản tên Giác A, thông Thiên Thai giáo và các sách, hay nói các thứ tiếng. Ban đầu đến yết kiến Sư tỏ ra rất lanh lợi, Sư đem Thiền tông chỉ dạy. Giác ở ba năm liền đốn ngộ làm tụng đầu cơ trình Sư. Nhân đây có phái thiền truyền sang Nhật Bản.
Niên hiệu Thuần Hy thứ hai (1175) năm nhuần sáng tháng chín, Sư thượng đường nói kệ:
Thuần Hy thứ hai nhuần,
Cuối thu sáng tháng chín,
Chỗ ồn chớ xuất đầu,
Đất lạnh để mắt thấy
Tối sáng chẳng tương can,
Kia đây phân một nửa,
Một thứ làm người quí,
Bảo ai bán củi than.
Nói với ông, không thể chê không thể khen, thể dường hư không chẳng bờ mé, gọi nhau kêu nhau về lại đi, năm tới định là tháng giêng nữa.