headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bài 84 — Thanh Châu đúng Thượng tọa

青 州 正 座

Thanh Châu chính tọa

普 明 不 拜

Phổ Minh bất bái

仁 儉 短 偈

Nhân Kiệm đoản kệ

永 嘉 長 歌

Vĩnh Gia trường ca

335. — Thanh Châu đúng Thượng tọa

Tiền sư Ðầu Tử Nghĩa Thanh ở Thơ Châu, người họ Lý, ở xã Thanh, tham vấn nơi ngài Phù Sơn, nối pháp Tông Tào Ðộng. Phù Sơn có viết kệ tiễn đưa Sư như sau:

          Tu-di đứng giữa hư không đó
          Nhựt nguyệt giúp nhau chuyển vận hoài

          Dãy núi dần dần nương tựa nó
          Mây trắng đổi hình, thay dạng mãi.
          Bụi cây lay ở Thiếu Lâm đó
          Cuốn rèm tại động Tào Khê kia
          Phượng vàng ngủ tại ổ rồng nọ
          Xe vua há ngự thâm cung rêu

Sơn bảo Sư nương nơi Thiền sư Viên Thông Tú. Sư đi đến nơi kia, không từng tham vấn, chỉ ăn no rồi nằm ngủ mà thôi. Vị Tri sự thưa với ông già phương trượng (Thiền sư Thông):

– Trong nhà tăng có một gã suốt ngày ngủ li bì, đáng trừng trị theo pháp tắc của thanh qui.

Thông hỏi:

– Ai vậy?

– Thượng tọa Thanh.

– Khoan đã, hãy đợi ta xét nghiệm qua.

Thông liền xách gậy vào nhà tăng, thấy Sư đang ngủ say liền gõ giường, quở:

– Ta trong đây không có cơm thừa để nuôi Thượng tọa ăn xong rồi ngủ!

Sư bảo:

– Hòa thượng dạy tôi làm gì?

– Sao chẳng tham thiền đi.

– Thức ăn ngon chẳng cần đối với người no bụng.

– Ngặt vì có nhiều người chẳng chấp nhận Thượng tọa.

– Ðợi họ chấp nhận để làm gì?

Thông hỏi:

– Thượng tọa từng gặp người nào?

Sư đáp:

– Phù Sơn.

Thông nói:

– Hèn gì! Ngang ngạnh và lười biếng như thế.

Thông liền nắm tay Sư cùng cười, trở về phương trượng. Do chuyện này Sư nổi tiếng ở chốn tùng lâm. Ban đầu Sư trụ Bạch Vân, kế dời về chùa Ðầu Tử.

336. — Phổ Minh chẳng phải lạy

Không có chú giải (DG)

337. — Nhân Kiệm bài kệ ngắn

Thiền sư Nhân Kiệm ở chùa Phúc Tiên tại Lạc Kinh. Từ khi Sư khai ngộ ở Tung Sơn, Sư phóng khoáng tự tại ở chốn chợ búa, người đương thời gọi Sư là Hòa thượng Ðằng Ðằng. Vào đời Ðường khoảng niên hiệu Thiên Sách Vạn Tuế (695), Thiên Hậu triệu Sư vào đến trước điện. Sư ngước mặt lên nhìn Thiên Hậu, giây lâu hỏi:

– Hiểu chăng?

Thiên Hậu đáp:

– Chẳng hiểu!

– Lão tăng giữ giới không nói chuyện.

Nói xong Sư ra đi. Sáng hôm sau, Sư làm 19 bài kệ ngắn rồi gởi lên cho Thiên Hậu.

Thiên Hậu xem xong rất khen ngợi Sư.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 4.)

338. — Vĩnh Gia khúc ca dài

Ðại sư Vĩnh Gia làm khúc “Chúng Ðạo Ca” lưu truyền vang danh trong thiên hạ. Người Ấn Ðộ bảo đó là kinh của một vị Thánh Trung Hoa và cũng là ý nghĩa cứu cánh của Tào Khê.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 2.)

Xin xem thêm tắc 321 “Vĩnh Gia nhất túc”.

[ Quay lại ]