headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bài 80 — Trấn Châu có củ cải

鎮 州 蘿 蔔

Trấn Châu la bặc

普 化 生 菜

Phổ Hóa sinh thái

永 嘉 一 宿

Vĩnh Gia nhất túc

雲 盖 半 載

Vân Cái bán tải

319. — Trấn Châu có củ cải

Tăng hỏi Triệu Châu:

– Trộm nghe Hòa thượng đích thân gặp Nam Tuyền phải chăng?

Triệu Châu đáp:

– Trấn Châu sản xuất củ cải to ghê!

(Theo: Hội Nguyên, quyển 4.)

320. — Phổ Hóa ăn rau sống

Một hôm, Phổ Hóa ở trước Tăng đường ăn rau sống. Lâm Tế thấy bảo:

– Giống hệt con lừa.

Phổ Hóa liền làm tiếng lừa hý. Tế nói:

– Tên giặc Phổ Hóa này!

Phổ Hóa nói:

– Giặc, giặc!

Nói xong, Phổ Hóa liền đi ra.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 10.)

321. 宿 — Vĩnh Gia trọ một đêm

Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác quê ở Ôn Châu, đến Tào Khê. Buổi mới đến, Sư chống tích trượng, mang bình bát đi nhiễu Lục Tổ ba vòng rồi đứng thẳng. Tổ bảo:

– Người làm Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Ðại đức từ phương nào đến đây mà sinh đại ngã mạn vậy?

Sư đáp:

– Sống chết là việc lớn, vô thường mau chóng lắm!

Tổ bảo:

– Sao chẳng thể nhận lí vô sinh, liễu được lẽ không chóng, đi!

– Thể tức vô sinh, liễu vốn không chóng.

Tổ nói:

– Ðúng thế, đúng thế!

Khi ấy, đại chúng đều ngạc nhiên. Sư mới đầy đủ oai nghi lễ bái đức Lục Tổ. Trong chốc lát, Sư cáo từ. Tổ bảo:

– Sau ra về mau thế?

– Gốc tự chẳng động há có chậm mau ư?

– Ông được ý vô sinh rất sâu!

– Vô sinh há có ý sao?

– Nếu không ý thì ai đang phân biệt đây!

Sư đáp:

– Tuy phân biệt cũng chẳng phải do ý.

Tổ khen:

– Lành thay, lành thay! Hãy ở lại đây một đêm.

Người thời ấy gọi Sư là Nhất Túc Giác (ông Giác trọ một đêm).

(Theo: Hội Nguyên, quyển 2.)

322. — Nửa năm của Vân Cái

Thiền sư Chí Nguyên Viên Tịnh ở núi Vân Cái thuộc Ðàm Châu (nối pháp Thạch Sương Khánh Chư), lúc du phương hỏi ngài Vân Cư rằng:

– Lúc Chí Nguyên “chẳng biết làm sao” thì thế nào?

Cư đáp:

– Chỉ vì sức công phu của Xà lê chưa đến mức!

Sư chẳng lễ bái, thẳng đến Thạch Sương cũng hỏi như trước. Sương đáp:

– Chẳng phải chỉ riêng Xà lê, Lão tăng cũng chẳng biết làm sao!

– Hòa thượng vì sao “chẳng biết làm sao”?

– Nếu Lão tăng “biết làm sao” thì đã gỡ dùm cái “chẳng biết làm sao” của ông rồi!

Sư liền lễ bái.

Có vị tăng hỏi Thạch Sương:

– Lúc muôn cửa đều đóng thì chẳng hỏi, lúc muôn đều mở thì thế nào?

Sương hỏi:

– Việc trong nhà phải làm sao?

Tăng không đáp được, trải qua nửa năm mới hạ được một chuyển ngữ:

– Không người tiếp được y.

Sư lễ bái để xin Sương thuật lại câu chuyện của tăng. Sương chẳng chịu, Sư bèn ôm Sương ở trong phương trượng, bảo:

– Nếu Hòa thượng chẳng nói, tôi sẽ đánh Hòa thượng.

Sương bảo:

– Ðược rồi, để tôi nói!

Sư liền lễ bái. Sương bảo:

– Không người biết được y.

Sư ngay lời nói này chợt tỉnh.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 6.)

[ Quay lại ]