headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Bài 77 — Nghĩa Huyền chống cây cuốc

義 玄 拄 钁

Nghĩa Huyền trụ quắc

惠 寂 插 鍬

Huệ Tịch sáp thu

靈 源 真 告

Linh Nguyên chân cáo

玄 泰 山 謠

Huyền Thái sơn dao

307. — Nghĩa Huyền chống cây cuốc

Nghĩa Huyền tức Thiền sư Lâm Tế. Một hôm, trong buổi làm việc công cộng, Lâm Tế đang cuốc đất. Kế đó, Sư thấy Hoàng Bá đến. Sư chống cuốc rồi đứng đấy. Bá hỏi:

– Gã này mệt sao?

– Cuốc chưa giở, mệt cái gì?

Bá liền đánh. Sư giật gậy, tống cho Bá một đạp té nhào. Bá gọi:

– Duy na, Duy na, đỡ ta dậy!

Duy na chạy lại đỡ Bá dậy, nói:

– Hòa thượng đâu nên dung gã điên khùng vô lễ này.

Bá vừa đứng dậy xong liền đánh Duy na.

Sư cuốc đất nói:

– Các nơi hỏa táng, còn tôi ở chỗ này một lúc chôn sống.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 11.)

308. — Huệ Tịch cắm chiếc dá

Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch ở hội ngài Qui Sơn. Qui Sơn chợt hỏi Ngưỡng Sơn:

– Từ chỗ nào đến?

– Ở ngoài ruộng vào đây.

Qui Sơn hỏi:

– Ngoài ruộng có bao nhiêu người?

Ngưỡng Sơn cắm dá mà đứng. Qui Sơn nói:

– Hôm nay Nam Sơn có nhiều người cắt cỏ.

Ngưỡng Sơn vác dá, đi ra.

309. — Linh Nguyên bài chân cáo

Thiền sư Phật Thọ ở chùa Hoàng Long tên là Duy Thanh, tự là Giác Thiện, hiệu Linh Nguyên Tẩu (nối pháp Hoàng Long Tổ Tâm). Mười ngày trước khi lâm chung, Sư tự làm một bài minh tên là “Vô Sinh Thường Trụ Chân Qui Cáo” như sau:

“Vào đời Hiền kiếp, Ðức Phật thứ tư là Thích Ca Văn Phật truyền xuống đến đời thứ 48 cho cháu ngài là Duy Thanh. Tuy từ bản giác ứng duyên ra đời, song rõ biết được duyên này vốn không tự tính. Dòng họ xa gần đâu được gặp mặt mà lại tỏ tường. Chỉ lấy chính nhân Nhất Niệm làm chỗ cội gốc, chỗ nối dõi là cháu xa của Thích Ca, người cháu ấy hiệu là Linh Nguyên Tẩu.

Căn cứ vào liễu nhân thì diệu tính được liễu ngộ vốn không có văn tự, ở khoảng giữa chỉ bày, tạm đặt tên đó thôi! Như Tổ Lâm Tế bảo là vô vị chân nhân, Phó đại sĩ gọi là Tâm Vương. Ðó cũng chính là Chính pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, chỉ có người chứng mới biết, ngoài ra có ai lường nổi được?

Ðây chính là chỗ Lục Tổ hỏi Hòa thượng Hoài Nhượng:

– Từ chỗ nào đến đây?

– Từ Tung Sơn đến.

– Vật gì đến đây thế?

– Nói in tuồng một vật tức chẳng trúng.

– Có nhờ tu chứng chăng?

– Tu chứng chẳng phải không, nhiễm ô tức chẳng được.

– Cái chẳng nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ông đã như thế, ta cũng như thế!

Hơn nữa, khi riêng chọn Pháp thân thanh tịnh vì tuân theo tông chỉ giáo ngoại biệt truyền, nói rằng: “Báo, Hóa chẳng phải Chân Phật cũng chẳng phải kẻ thuyết pháp, nhưng không phải không có đại công đại dụng của Báo, Hóa”, nghĩa là nếu thấu hiểu Báo, Hóa mà không thấy ngay Pháp thân thì kẹt ở duyên ô nhiễm, trái với ý chỉ hộ niệm. Lí này để cảnh tỉnh vậy.

Ánh sáng đạo hạnh của Thiếu Thất chói ngời, đàn con cháu thì có Vân Môn Yển, mỗi khi cất tiếng uy hùng khiến trong nước không có người xướng họa; Lâm Tế Huyền đại cơ đại dụng, vang dội trong thiên hạ, con cháu đều được chính thức truyền thừa, đời đời nối tiếp nhau. Duy Thanh chỉ mong được làm cháu đời thứ chín của Lâm Tế vậy.

Ngày nay, cả Tông lẫn Giáo đều suy yếu, chỉ còn các chi phái của hai nhà là chưa bị tuyệt diệt. Trong đó, số người mang danh thì nhiều còn số có thực chứng thì ít.

Tôi thường trăn trở về mối nguy cơ này và trình bày nguyên do của tình trạng suy đồi là: Kẻ bỏ Tục về Chân được như trên chỉ có hai ba người, mà thân thể lại hay đau bệnh.

Tôi có lời dặn dò này: Kẻ hậu học nếu biết nương theo lời xưa mà tham cứu thì chẳng trái với pháp môn của Tiên thánh, và sẽ tự thấy chỗ lợi ích sâu xa. Cẩn thận, chớ theo các tệ đoan thời mạt pháp: Chuộng câu văn rỗng để cầu địa vị, mong người khắc vào bia những lời hoa mĩ để phô trương, ấy đều chỉ làm rây bẩn người thôi. Dặn dò hết lời rồi đó.

Tôi nhân còn chút sức tàn để viết Vô sinh thường trụ chân qui cáo. Hãy đem lụa ra đây để tôi viết bài minh:

無 涯 湛 海, 瞥 起 一 漚

亘 乎 百 年, 曷 浮 曷 休

廣 莫 清 漢, 欻 生 片 雲

有 無 起 滅, 隱 顯 何 分

了 玆 二 者, 即 見 實 相

十 世 古 今, 始 終 現 量

吾 銘 此 旨, 昭 告 汝 曹

泥 多 佛 大, 水 長 船 高

 

                                                 Vô nhai trạm hải, miết khởi nhất âu

                                                 Tuyên hồ bách niên, hạt phù hạt hưu

                                                 Quảng mạc thanh hán, hốt sinh phiến vân

                                                 Hữu vô khởi diệt, ẩn hiển hà phần

                                                 Liễu tư nhị giã, tức kiến thật tướng

                                                 Thập thế cổ kim, thỉ chung hiện lượng

                                                 Ngô minh thử chỉ, chiêu cáo nhữ tào

                                                 Nê đa Phật đại, thủy trưởng thuyền cao

                                                 Biển rộng không bờ mé

                                                 Chợt có hòn bọt nổi

                                                 Trăm năm trừ phô vẽ

                                                 Gì nổi, gì tan rồi!

                                                 Trời xanh rộng thênh thang

                                                 Bỗng nhiên sinh phiến mây

                                                 Có không và khởi diệt

                                                 Ẩn hiển ở phần nào?

                                                 Biết rõ hai đều ấy

                                                Là thấy được Thật tướng

                                                Cả mười đời xưa nay

                                                Trước sau bày hiện lượng

                                                Tôi ghi đường lối đây

                                                Báo cho các ông rõ

                                                Bùn nhiều là Phật lớn

                                               Nước dâng thì thuyền lên”

  • Chân cáo: Bài văn nói về Chân tâm. Ðây là một loại biền văn, có đối mà không có vần, thường dùng câu 4 chữ và câu 6 chữ.

310. — Huyền Thái khúc Sơn dao

Huyền Thái là thiền tăng sống vào thời Ngũ Ðại (nối pháp Thạch Sương Khánh Chư), tính tình trầm lặng ít nói, suốt đời chưa từng mặc áo tơ lụa, chỉ khoác áo vải thô nên người thời ấy gọi Sư là Thái Bố Nạp. Ban đầu Sư yết kiến Ðức Sơn, sau đó tham vấn Thạch Sương Khánh Chư rồi nối pháp vị này, và kết bạn với các vị Quán Hưu, Tề Kỉ.

Sư ở lan nhã “Thất Bảo Ðài” phía đông Hành Sơn. Sư thề chẳng nuôi đồ chúng, nhưng kẻ hậu học bốn phương đều về nương tựa. Rặng Hành Sơn thường bị dân miền núi chặt cây đốt rừng để làm ruộng, làm tổn hại rất nhiều cây cối đang sinh trưởng. Sư bèn làm một bài vè “Dư Sơn” (ruộng núi) truyền bá xa gần thấu đến tai vua. Vua liền ra lệnh cấm chỉ việc phá rừng, nhờ thế các lan nhã trong rặng Hành Sơn mới chẳng bị nạn cháy lan. Ấy là nhờ công của Sư vậy. Sau đây là khúc sơn dao:

Dư sơn nhi, vô sở tri,

Niên niên phá đoạn thanh sơn mi,

Tựu trung tối hảo Hành Nhạc sắc

Sam tùng lợi phủ tồi trinh chi?

Linh cầm dã hạc vô nhân y?

Bạch vân hồi tỵ, thanh yên phi

Viên nhu lộ tuyệt nham nhai xuất

Chi mộc thất căn, mao thảo phì!

Niên niên phá bãi nhưng tài sừ

Thiên thu chung thị nan phục sơ

Hựu đạo kim niên chủng bất đa

Lai niên cánh chước đương dương pha

Quốc gia thọ nhạc đương như thử

Bất tri thử lí như chi hà?

                  Chú bé quê, chẳng biết chi

                  Mỗi năm chặt đốn núi xanh đi

                  Màu non Hành Nhạc trông đẹp mắt

                 Búa bén tùng xanh, đốn nhánh gì?

                 Hạc nội chim trời nương nơi đâu?

                 Mây trắng ẩn mình, khói lam bay

                 Ven núi cũng bặt đường khỉ vượn

                 Cây rừng mất rễ, cỏ xanh rì!

                 Mỗi năm phá xong, trồng lại đi

                 Ngàn năm cũng rất khó phục hồi

                 Lại nói năm nay trồng rất ít

                Sang năm lại phá sườn (phía) Nam rồi.

                Núi rừng nhà nước đang như thế

                Chẳng biết việc này sẽ thế nào?

  • Sơn dao: Gọi đủ là “Dư sơn dao”, có nghĩa “Bài vè Ruộng núi”.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 16)

[ Quay lại ]