headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Bài 78 — Thiệu Tiển lập quán hàng

銑 設

Thiệu Tiển thiết quán

福 國 戕 橋

Phúc Quốc tường kiều

六 祖 負 金

Lục Tổ phụ kim

神 光 償 債

Thần Quang thường trái

311. — Thiệu Tiển lập quán hàng

Thiền sư Áo Hóa Thiệu Tiển ở Ðàm Châu (nối pháp Thiền Hiền), nhân thấy đạo đức của Thiền sư Huệ Nam sáng ngời, nạp tử ở Kinh Hồ đổ xô về Giang Nam, vừa ra khỏi Trường Sa suốt trăm dặm, không có chỗ nương ở, nghỉ chân. Phần lớn khách đi đường đều bị trộm cướp, nên dần dần không ai dám đi con đường ấy.

Sư bèn làm như sau: Khoảng nửa đường, độ 50 dặm, Sư lập quán hàng, mời vài vị tăng làm chủ, để tiếp khách tăng. Khách được ăn uống nghỉ ngơi rồi đi tiếp. Các nơi gọi sư là người có sáng kiến hay.

(Theo: Tăng Bảo truyện, quyển trung.)

312. — Phúc Quốc chặt phá cầu

Không có chú giải (DG).

313. — Thiếu vàng là Lục Tổ

Thiền sư Chí Triệt vốn là người Giang Tây, họ Trương, tên Hành Xương, thuở còn trẻ ông hay làm việc nghĩa. Từ lúc Nam Bắc phân hóa làm hai tông, hai vị Tông chủ tuy không còn nhân ngã, nhưng đồ chúng của hai phái lại khởi yêu ghét. Lúc ấy, đệ tử của phái Bắc tông tự lập Ðại sư Thần Tú làm Tổ thứ 6. Họ tức giận vì thấy Ðại sư Huệ Năng giỏi hơn thầy mình, lại được truyền y bát, thiên hạ đều biết, nên muốn hại Tổ. Nhưng Tổ là Bồ tát biết trước được việc ấy, liền để mười lượng vàng ở trong phương trượng. Khi Hành Xương chịu sự căn dặn của môn nhân phái Bắc tông cầm dao vào thất Tổ muốn hại ngài, Tổ ngửa cổ, bảo ra tay. Xương huơ dao chém ba nhát mà Tổ không hề suy suyển. Tổ bảo:

– Gươm chính chẳng làm việc tà, gươm tà chẳng hại được người chính. Ta chỉ thiếu ngươi vàng chứ chẳng thiếu mạng!

Hành Xương vì quá kinh sợ nên té xỉu. Hồi lâu mới tỉnh lại cầu Tổ thương xót, xin ăn năn lỗi lầm rồi nguyện xuất gia. Tổ lấy vàng đưa cho, rồi bảo:

– Ngươi hãy đi. Nếu ở đây e đồ chúng sẽ hại ngươi. Ngày khác ngươi có thể thay đổi hình dạng mà đến. Ta sẽ thâu nhận làm đệ tử.

Hành Xương vâng lời trốn ngay trong đêm ấy. Về sau, theo Tăng xuất gia, thụ giới đầy đủ, tinh tấn tu hành. Một hôm, nhớ lời Tổ dặn, từ xa xôi tìm đến Tổ để lễ lạy, hầu hạ. Cơ duyên hỏi đáp khế hợp nhau. Tổ bảo:

– Hôm nay ngươi đã triệt vậy.

Tổ liền đặt tên cho Xương là Chí Triệt.

Chí Triệt lễ tạ mà đi.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 5.)

314. — Ðền nợ chính Thần Quang

Thần Quang là người quê ở Võ Lao, họ Cơ. Lúc cha mẹ của Quang chưa có con, thường tự suy nghĩ rằng: “Nhà ta chuộng điều phúc thiện, đâu có lẽ không sinh con”. Hai người đi chùa cầu tự khá lâu. Một buổi tối cảm ánh sáng lạ chiếu đầy nhà, bà mẹ từ đó mang thai, và khi Quang chào đời; Cha mẹ nhân điềm sáng chiếu vào nhà nên đặt tên cho đứa bé là Quang. Từ thuở bé, Quang đã có chí khí hơn người, biết rộng thi thư, nghiên cứu huyền lí rầt tinh tường mà chẳng hề nghĩ đến của cải vật chất trong nhà, chỉ thích du sơn ngoạn thủy. Về sau Quang xem sách Phật, tự được chỗ siêu nhiên, liền đến Hương Sơn, Long Môn, Lạc Dương, nương nơi Thiền sư Thất Tĩnh xuất gia, thọ giới Cụ túc ở chùa Vĩnh Mục. Sư hay đi đến những nơi giảng diễn, học khắp hết nghĩa Tiểu thừa, Ðại thừa. Năm 32 tuổi, Sư quay trở về Hương Sơn, trọn ngày ngồi mãi, trải qua tám năm như thế. Trong lúc tọa thiền, chợt thấy một thần nhân, bảo rằng:

– Nếu muốn đắc quả sao lại kẹt ở đây, diệu đạo chẳng phải xa. Ông nên đi về phương Nam.

Sư biết Thần giúp, nên đổi tên là Thần Quang. Sang ngày hôm sau, Sư cảm thấy đầu nhức như bị kim châm. Vị Bản sư muốn trị, bỗng trên hư không có tiếng nói:

– Ðây là đổi xương, chẳng phải cơn đau bình thường.

Sư liền đem việc mình thấy thần nhân kể lại cho thầy nghe, thầy nhìn lên xương trên đỉnh của Sư thấy như 5 ngọn núi đẹp mọc lên, liền nói:

– Tướng của ông báo điềm tốt, phải có chỗ ấn chứng. Thần nhân mách ông về phương Nam. Nghe nói có Ðại sĩ Ðạt Ma ở chùa Thiếu Lâm, chắc là Thầy của ông đó.

Sư vâng lời đến Thiếu Thất. Tổ Ðạt Ma nhân dịp thử chí Sư, liền đổi tên cho Sư là Huệ Khả. Sau khi Sư được Sơ Tổ Ðạt Ma truyền cho y bát, Sư đến huyện Quảng Thành nơi tam quan của chùa Khuông Cứu diễn nói đạo vô thượng, thính giả kéo đến đông như rừng. Lúc đó, Hòa thượng Biện Hòa làm Pháp sư ở chùa ấy đang giảng Kinh Niết-bàn, mọi người đang nghe Pháp sư thuyết pháp dần dần bỏ đi, rút đến chỗ của Sư đang giảng nói. Biện Hòa vô cùng căm tức bèn đi vu cáo Sư nơi quan huyện là Ðịch Trọng Khản. Khản nghe lời tà, buộc tội Sư làm việc phi pháp liền gia hình. Sư vui vẻ chấp nhận.

Những bậc “hiểu biết” bảo rằng Sư đền nợ.

Ngài Hạo Nguyệt Cung Phụng hỏi ngài Trường Sa Sầm: “Liễu tức nghiệp chướng xưa nay không, chưa liễu phải nên đền nợ trước.” Vậy Tôn già Sư Tử, Ðại sư Huệ Khả (Nhị Tổ) vì sao lại đền nợ?

Sầm đáp:

– Ðại đức chưa biết “xưa nay không”?

– Thế nào là “xưa nay không”?

– “Nghiệp chướng” ấy!

– Thế nào là “nghiệp chướng”?

– “Xưa nay không” ấy!

Cung Phụng không lời để hỏi nữa.

Trường Sa Sầm liền nói kệ:

                   Giả có nguyên chẳng có,

                  Giả diệt cũng chẳng không

                  Niết-bàn, nghĩa đền nợ

                  Một tính xưa nay đồng.

                                    (Theo: Hội Nguyên, quyển 1.)

[ Quay lại ]