headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Bài 83 — Thanh Khoát trở về núi

清 豁 歸 山

Thanh Khoát qui sơn

性 空 沒 海

Tính Không một hải

黃 龍 三 關

Hoàng Long tam quan

浮 山 九 帶

Phù Sơn cửu đái

331. — Thanh Khoát trở về núi

Thiền sư Thanh Khoát ở viện Bảo Phúc thuộc Ðàm Châu (nối pháp Thùy Long Phổ ở Tuyền Châu), sắp sửa thị tịch, bỏ chúng đi vào núi, đợi giờ thiên hóa. Lúc bước qua cầu nổi bắc trên một cái lạch đầy gai, ngài làm một bài kệ như sau:

Thế nhân hưu thuyết lộ hành nan

Ðiểu đạo dương trường xích xích gian

Trân trọng trữ khê khê bạn thủy

Nhữ qui thương hải ngã qui san.

                  Chớ nói khó đi, hỡi thế gian

                 Đường vòng, đường tắt khoảng tấc gang

                 Tạm biệt khe gai, nước khe suối

                 Bạn về biển cả, ta hướng ngàn.

 Rồi Sư qua Quí Hồ dựng am ở đấy. Ít lâu sau, Sư bảo môn nhân rằng:

– Sau khi ta diệt độ, hãy đem xác thân của ta thí cho loài trùng kiến, chớ có chôn vào mả hay nhập vào tháp.

Nói xong, Sư liền vào ẩn ở núi Hổ Ðầu ngồi trên bệ đá nghiễm nhiên thị tịch. Ðệ tử tên là Giới, vào núi tìm kiếm, vâng lời di chúc của Sư để thân thể lâu đến bảy ngày, trọn không có trùng kiến nào đến ăn cả. Qua bảy ngày đem hỏa táng, rồi đem tro rắc ở đồng rừng.

Ngày nay trong viện Tịnh Ðộ của chùa Khai Nguyên ở Tuyền Châu còn thờ hình tượng của Sư.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 22.)

332. — Tính Không chìm xuống biển

Thủ tọa Thục Tăng Phổ tự hiệu là Tính Không Am Chủ (nối pháp Thiền sư Hoàng Long Tử Tâm Ngộ Tân). Nhân Sư muốn đi ra biển để tịch, bèn nói kệ từ biệt tăng tục như sau:

    Ngồi thoát, đứng chết, sao bằng thủy táng

    Một khỏi tốn củi, hai khỏi đào đất

    Buông tay liền đi hẳn là thích thú

   Ai là tri âm Hòa thượng Thuyền Tử

   Cao phong khó nối, trăm ngàn muôn năm

   Một bản ông chài, ít có người xướng.

Nói xong, Sư leo xuống bồn, giương buồm vải, giơ tay giã biệt tứ chúng, Sư thổi sáo sắt ra đi, đến chỗ sóng lớn Sư tự chìm xuống biển. Ba ngày sau, nước thủy triều rút, người ta thấy Sư ngồi kiết già trên bãi cát, thần sắc chẳng động. Có đến mấy muôn đạo hữu nghênh đón nhục thân về chùa Thanh Long cúng dường. Năm ngày sau mới trà tì, có rất nhiều xá lợi ngũ sắc giống như châu ngọc. Có hai con nhạn liệng vòng quanh suốt ngày, cho đến lúc tắt lửa mới đi.

Có sách ghi: Lúc từ giã chúng, Sư ngồi trong bồn xuôi nước mà đi. Chúng đều theo đến cửa biển rồi nhìn theo đến hút mắt. Sư lấy gàu múc nước bơi bồn vào, chúng nâng lên xem không thấy vô nước. Sư lại theo dòng nước mà đi, xướng lên rằng: 

Thuyền Tử đương niên cận cố hương

Một tung tích xứ diệu nan lường

Chân phong biến kí tri âm giả

Thiết địch hoành xuy tác táng trường

                Thuyền Tử năm nay về quê xưa

                Chỗ không dấu vết khó lường suy

               Chân phong khắp gởi tri âm đấy

               Nghiêng sáo thổi lên vĩnh biệt hồi

(Theo: Phổ Đăng, quyển 10.)

333. 黃 龍 — Hoàng Long ba cửa ải

Ở trong thất, Hoàng Long thường hỏi tăng:

– Mọi người đều có quê quán, quê quán của Thượng tọa ở đâu?

Chính đang lúc hỏi qua đáp lại, Sư liền duỗi tay, nói:

– Tay tôi sao giống tay Phật?

Lại hỏi:

– Các nơi tham thỉnh sở đắc của Tông sư ư?

Sư lại thòng chân nói:

– Chân tôi sao giống chân lừa?

Hai ba mươi năm khai thị ba câu hỏi này. Người học không có ai khế hội yếu chỉ ấy. Hoặc có người nào đáp lại, Sư chưa từng ấn khả, chỉ khép mắt ngồi yên, chẳng ai lường được ý ấy. Nếu có người hỏi vì sao mà Sư chẳng đáp. Sư bảo:

– Người qua cửa được, cứ vung tay mà đi. Ðâu cần phải hỏi người giữ cửa là mình đã qua khỏi cửa hay chưa?

Trong tùng lâm gọi đó là “Tam quan ngữ” của Hoàng Long. Sư tự làm bài tụng:

        Có lời quê quán người đều biết

       Thủy mẫu (con sứa) lìa tôm nào được đâu!

        Chỉ thấy mé Ðông mặt trời mọc

        Ai hay uống được trà Triệu Châu?

       Tay tôi, tay Phật cùng giơ (đưa ra)

       Thiền nhân lập tức tiến thủ

        Chẳng động gươm đao, nói ra

        Ngay đây siêu Phật vượt Tổ

        Chân tôi chân lừa cùng đi

        Bước bước dẫm nẻo Vô sinh

       Hội được mây cuốn, trăng thâu

       Mới biết đạo này tung hoành

Bài tụng chung:

       Chỗ quê quán đoạn, chân lừa duỗi

       Tay Phật đồng thời cũng mở ra

       Báo cùng người học nơi nơi biết

      Tam quan mỗi cửa, hãy thấu qua!

 (Theo: Hội Nguyên, quyển 17.)

334. — Phù Sơn chín bộ môn

Khi Phù Sơn Viễn đã già, lui về nghỉ ở sườn núi Hội Thánh. Nhân lúc Sư xem qua “Cửu Lưu” (chín học phái) đã có từ trước. Cửu Lưu là:

1. Nho lưu, 2. Ðạo lưu, 3. Âm dương lưu, 4. Pháp lưu, 5. Danh lưu, 6. Mục lưu, 7. Tung hoành lưu, 8. Ly lưu, 9. Triển lưu

Sư suy nghĩ và làm ra “Cửu đái”. Nội dung “Cửu đái” gồm có: Sắp xếp giáo nghĩa của Phật, Tổ, lượm lặt cơ ngữ của các bậc Tiên đức và gom góp các lời ấn chúng của các bậc đồng tham.

Sau đây là “Cửu đái” (chín bộ môn):

1. Phật chính pháp nhãn đái

2. Phật pháp tạng đái

3. Lí thật đái

4. Sự thật đái

5. Lí sự tung hoành đái

6. Khúc khuất đái

7. Diệu hiệp kiêm đái

8. Kim châm song tỏa đái

9. Bình hoài thường thật đái

Cửu đái đã được người học khen ngợi và truyền dạy trải qua nhiều đời.

[ Quay lại ]