Bài 87 — An Quốc bẻ đũa bếp
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 14 Tháng mười hai 2008 03:25
- Viết bởi nguyen
347. 安 國 折 筯 — An Quốc bẻ đũa bếp
Thiền sư Huệ Cầu Tịch Chiếu (nối pháp Huyền Sa) ở viện An Quốc thuộc Phúc Châu (vì Sư là người Trụ trì viện này vào đời thứ hai nên cũng gọi Sư là Trung Tháp) thượng đường nói:
– Ta nuôi các huynh đệ trong thời gian này là vì một nhân duyên đặc biệt muốn nói ra cùng các huynh đệ: Muốn được tinh yếu các ông hãy phát minh đạo lí ở nơi núi sông đất đai, vì đạo lí ấy vốn thường hằng và rốt ráo.
Nếu các ông từ cửa Văn thù vào, tất cả những vật vô tình như cây, đất, ngói, gạch đều giúp các ông phát minh. Nếu các ông từ cửa Quán Âm vào, thì tất cả tiếng như tiếng của ễnh ương, trùng dế đều giúp các ông phát minh. Nếu các ông từ cửa Phổ Hiền vào, thì chẳng động bước chân mà đến. Ðem ba cửa này làm phương tiện để dạy cho các ông, cũng như bẻ một chiếc đũa bếp mà khuấy nước của biển lớn khiến cho cá rồng kia biết được nước chính là yếu tố quan trọng giúp cho mạng sống. Hiểu chăng? Nếu không có con mắt trí tuệ mà xét kĩ đó, thì dù cho ông có trăm thứ khéo léo cũng chẳng phải là cứu cánh!
(Theo: Truyền Đăng, quyển 21.)
348. 鹿 門 破 鍋 — Lộc Môn đập bể nồi
Không có chú giải (DG)
349. 雲 巖 出 糞 — Vân Nham đem phân đổ
Dược Sơn hỏi Vân Nham:
– Làm gì?
– Ðem phân đi đổ!
– Cái ấy đâu?
Nham nói:
– Ðây nè!
Sơn bảo:
– Ông đến đi là vì ai?
– Vì thay thế cho người.
– Sao chẳng bảo họ cùng làm?
– Hòa thượng chớ nên chê y.
Sơn nói:
– Ngươi chẳng nên nói như thế.
– Vậy, phải nói thế nào?
– Có từng gánh vác chăng?
(Theo: Hội Nguyên, quyển 5.)
350. 寂 子 擔 禾 — Ông Tịch gánh lúa vô
Qui Sơn hỏi Ngưỡng Sơn đang gánh lúa vô kho:
– Từ chỗ nào đến đây?
– Ở ngoài ruộng mới vô.
– Lúa cắt rồi chưa?
Ngưỡng Sơn đáp:
– Cắt xong rồi.
Qui Sơn hỏi:
– Ông thấy lúa xanh hay là thấy lúa vàng hay là thấy chẳng xanh chẳng vàng mà cắt?
– Sau lưng Hòa thượng là cái gì?
– Ông có thấy chăng?
Ngưỡng liền đưa bông lúa lên, nói:
– Hòa thượng đâu từng hỏi cái này?
Qui Sơn nói:
– Ðây là con ngỗng chúa biết lựa chọn sữa trong nước.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 11.)