Bài 92 — Vượn xanh rửa chén bát
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 19 Tháng mười hai 2008 09:16
- Viết bởi nguyen
367. 白 犬 啣 書 — Chó cò ngặm lá thư
Xem tắc 368: “Thanh viên tẩy bát”.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 3.)
368. 青 猿 洗 鉢 — Vượn xanh rửa chén bát
Hòa thượng Thiên Tuế Bảo Chưởng vốn là người Trung Ấn. Vào đời Chu Uy Liệt thứ 12 năm Ðinh Mão (415 trước Tây Lịch), Sư giáng thần, thọ sinh ở xứ Ấn Ðộ. Lúc Sư mới được sinh ra, bàn tay trái luôn luôn nắm chặt lại. Ðến bảy tuổi khi Sư xuất gia, tay mới xòe ra, nên nhân đó Sư được đặt tên là Bảo Chưởng.
Ở vào khoảng đời Ngụy Tấn, Sư đi sang Trung Quốc vào đất Thục để tham lễ ngài Phổ Hiền, ở lại chùa Ðại Từ, Bình thường Sư hay nhịn đói. Hàng ngày, Sư tụng Kinh Bát-nhã v.v… tính ra có hơn ngàn quyển. Có người ngâm vịnh về Sư như sau:
Răng ngọc lạnh, tụng nhọc,
Nhanh như suối chảy vọt
Ngồi thiền đến nửa đêm
Trước thềm quỉ thần khóc
Một hôm, Sư bảo với chúng rằng:
– Ta có nguyện ở trên đời này một ngàn năm. Ngày nay đã được 626 tuổi! (Vì thế nên lấy chữ “Thiên tuế” (ngàn năm) để gọi Sư).
Một hôm, Sư đi đến Ngũ Ðài, dời chỗ từ chùa Hoa Nghiêm ở Chúc Dung Phong đến Song Phong tại Huỳnh Mai, rồi đến chùa Ðông Lâm ở Lô Sơn, tìm đến đất Kiến Nghiệp gặp Tổ Ðạt Ma đang đi vào nước Lương. Sư bèn thưa hỏi ý chỉ và được khai ngộ. Lương Võ Ðế trọng Sư lớn tuổi nên mời Sư vào cung.
Có bài kệ rằng:
Thành Lương gặp Ðạo sư
Tham thiền ngộ tâm địa
Ði qua hai đất Chiết
Và khắp cả non sông.
Ít lâu sau, Sư đi qua đất Ngô, thuận dòng xuống phía Ðông, vượt qua ngàn dặm bể để đến Ấn Ðộ. sư đi qua Mậu Phong, lên Thái Bạch, xuyên Nhạn Ðãng. Ở bảy mươi hai am tại Thúy Phong rồi trở về Xích Thành, nghỉ chân ở Vân Môn, Pháp Hoa, Chư Kỵ, Lý Phố, Xích Phù, Ðại Nham v.v…và Thạch Ðậu của Phi Lai Thê. Sư đã từng đi hết bốn trăm châu ở Trung Quốc. Người ở xứ này gọi Sư là Ðạo nhân Du. Những việc này xảy ra vào niên hiệu Trinh Quán thứ 15 (641). Sau đó, Sư ở Bảo Nghiêm thuộc Phố Giang kết bạn với Thiền sư Lãng. mỗi khi có việc thăm hỏi nhau, Sư thường bảo chó cò mang tin, Lãng cũng có con vượn xanh để sai khiến. Vì thế, trên vách nhà Lãng có đề: “Chó cò ngậm thư sang, vượn xanh rửa bát giùm”
Những nơi Sư trải qua, về sau đều thành chùa chiền cả. Vào ngày Nguyên Ðán niên hiệu Hiển Khánh năm thứ 2 (657), Sư tự tay đắp một pho tượng, đến chín ngày thì tượng được đắp xong. Sư hỏi học trò của mình là Huệ Vân rằng:
– Tượng này giống ai?
Vân đáp:
– Cùng Hòa thượng không khác.
Sư liền tắm rửa, thay áo ngồi xếp bằng bảo Huệ Vân:
– Ta trụ thế đã được một nghìn bảy mươi hai năm. Hôm nay sắp tạ thế, hãy nghe ta nói kệ:
本 來 無 生 死 | Bản lai vô sinh tử |
今 亦 示 生 死 | Kim diệc thị sinh tử |
我 得 去 往 心 | Ngã đắc khứ vãng tâm |
他 生 復 來 此 | Tha sinh phục lai thử |
Bản lai không sinh tử
Nay thị hiện sinh tử
Ta được tâm tự tại
Ðời sau trở lại đây
Khoảnh khắc, Sư phó chúc rằng:
– Sau khi ta diệt độ sáu mươi năm, sẽ có một ông tăng đến lấy cốt ta, chớ có cản trở y.
Nói xong Sư liền nhập diệt. 54 năm sau, có Trưởng lão Thứ Phù từ Vân Môn tới chỗ tháp của Sư lễ bái khẩn cầu cửa tháp mở ra. Phút chốc, cửa tháp liền mở, mọi người đều thấy bộ cốt của Sư mắc xích như vàng ròng. Phù liền mang cốt đi qua Tần Vọng Sơn để tạo tháp phụng thờ.
Từ năm Ðinh Mão (415 trước TL) đời Chu Uy Liệt, đến năm Ðinh Tỵ đời Ðường Cao Tông niên hiệu Hiển Khánh (657 TL) theo sự khảo cứu thì đúng là một nghìn bảy mươi hai năm, tính theo lịch Trung Quốc. Trải trên bốn trăm năm, tăng sử đều bị mất do chiến tranh, nhưng trong niên hiệu Khai Nguyên (713-741), đệ tử của Huệ Vân tên là Tông Nhất đã từng khắc bia ghi lại việc ấy.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 2.)
369. 飲 光 坐 禪 — Ẩm Quang ngồi thiền mãi
Kāśyāpa là tiếng Ấn Ðộ, Hán âm là Ca-diếp-ba, và dịch ý là Ẩm Quang tức là họ của ngài vậy. Có thuyết cho rằng: Thân ngài phát ra ánh sáng đặc biệt, hay lấn át ánh sáng của chư thiên và ánh sáng của mặt trăng mặt trời v.v…nên gọi ngài là Ẩm Quang.
Ngài Hoàng Long Huệ Nam chê Tuyền Ðại Ðạo (tức là Thiền sư Cốc Tuyền, xem tắc 414) hay nói dông dài. Tuyền cười rồi đùa lại bằng bài kệ:
Ẩm Quang suốt đời tọa thiền
Bố Ðại quanh năm lang thang
Chó ghẻ chẳng nguyện sinh thiên
Còn cười hạc trắng ở trong mây.
Kinh Niết-bàn ghi: Lúc bấy giờ, Thế Tôn muốn nhập Niết-bàn, khi ấy ngài Ca-diếp không có mặt trong hội chúng. Phật bảo các vị đại đệ tử rằng: “Lúc Ca-diếp đến đây, có thể thỉnh vị ấy tuyên dương Chính pháp nhãn tạng”. Lúc đó ngài Ca-diếp ở nơi hang Tất-bát-la, trong núi Kì-xà-quật, thấy ánh sáng chiếu lạ hơn lúc thường liền nhập tam-muội, dùng Tịnh thiên nhãn xem thấy Thế Tôn nằm yên bên dòng Liên Hà nhập Niết-bàn, Ca-diếp bèn bảo đồ chúng của mình rằng:
- Như Lai đã nhập Niết-bàn, đâu ngờ ngài đi sớm vậy thay!
Ca-diếp liền đi đến gốc Song Thọ, nơi Phật nằm nhập diệt luyến thương gào khóc.
370. 布 袋 落 魄 — Bố Ðại đi lang thang
Hòa thượng Bố Ðại ở huyện Phụng Hóa, Minh Châu. Sở dĩ tên gọi như thế vì thân hình ngài lùn tịt, mày rậm, bụng phệ, nói năng tự tại, ngủ nghỉ tùy tiện. Ngài thường dùng gậy quảy một cái bao vải cùng một chiếc chiếu rách, ai cúng cho món gì ngài đều bỏ vào trong bao, đi vào trong xóm làng hễ thấy vật thì xin.
**
Phật Tổ thống kỉ chép: Bố Ðại trên vai có mắt, đùa giỡn dưới nước. Người thời ấy đều biết ngài.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 2.)