174 - Huệ Hải hạt châu sáng
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 27 Tháng chín 2009 09:28
- Viết bởi nguyen
695. 慧 海 珠 明 — Huệ Hải hạt châu sáng
Thiền sư Ðại Châu Huệ Hải, người xứ Kiến Châu, họ Châu. Sư xuất gia rồi theo học với Hòa thượng Ðạo Trí ở chùa Ðại Vân, Việt Châu. Buổi đầu, Sư đến Giang Tây tham vấn Mã Tổ.Ngay nơi lời dạy của ngài, Sư liền biết bản tâm. Sư hầu hạ Mã Tổ được 6 năm. Sau đó, vì vị Bản sư đã già, Sư phải trở về để phụng dưỡng. Ở đây, Sư ẩn tung tích giấu diệu dụng, bên ngoài hiện tướng ngu khờ. Sư tự soạn một quyển luận Ðốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn bị người cháu trong pháp môn là Huyền Yến lén lấy mang ra Giang Tây, trình cho Mã Tổ. Tổ xem xong, bảo với đại chúng rằng:
– Việt Châu có viên ngọc lớn, tròn trịa, phát ánh sáng tự tại, chiếu thấu các nơi.
Trong chúng có người biết Sư họ Châu, lần lượt cùng nhau dò la biết Sư cất am ở Việt Châu, bèn tìm đến thưa hỏi và nương tựa nơi Sư. Người thời ấy gọi Sư là Hòa thượng Ðại Châu, là nhân nơi lời nói của Mã Tổ vậy.
(Theo: Truyền Đăng lục.)
696. 冶 父 川 增 — Dã Phụ thêm tên Xuyên
Thiền sư Dã Phụ Thật Tế Ðạo Xuyên ở Vô Vi Quân, người xứ Ngọc Phong, Cô Tô, làm người cung cấp cung tên của huyện. Sư nghe Thủ tọa Ðông Trai Khiêm diễn giảng pháp cho tăng tục nghe, liền theo ngài để tập tọa thiền chẳng biết mỏi mệt. Một hôm do vì Sư chẳng làm tròn bản phận nên bị quan phạt đánh đòn. Trong lúc ăn đòn, Sư đại ngộ. Khi đến từ giã Thủ tọa Khiêm, Khiêm đổi tên cho Sư là Ðạo Xuyên. Ngài còn nói:
– Tên cũ của ngươi là Ðịch Tam, nay ta đổi cho tên Ðạo Xuyên, Xuyên tức là Tam đó! Ðạo đức của ngươi như tăng thêm gấp ba lần. Chữ Xuyên (川) nếu đặt nằm ngang thì thành chữ tam (三), vốn là tên cũ của ngươi. Từ nay trở đi ngươi cần phải phấn chấn tinh thần, lập định chí hướng, giải quyết cho xong việc lớn sinh tử.
Sư ghi khắc lời dạy vào lòng. Ðầu niên hiệu Kiến Viêm (1127), Viên Ðỉnh du phương đến Thiên Phong Bàn Am, cơ phong của Sư hợp với Bàn Am, Am khen hay. Sư trở về nghỉ ngơi ở Ðông Trai. Ðạo tục càng thêm kính trọng Sư, có người đem kinh Kim Cang Bát-nhã ra thưa hỏi. Sư làm tụng cho họ nghe, đến nay còn thịnh hành ở đời.
Lúc vừa mới đổi niên hiệu Long Hưng, Ðiện Soạn Trịnh Công Kiều vận chuyển lương thực trúng mùa đến Giang Tây, gặp lúc chùa Dã Phụ thiếu người Trụ trì, ông liền đón Sư về khai mở pháp hội.
(Theo: Phổ Đăng lục.)
697. 遇 賢 擊 瓦 — Ngộ Hiền đập ngói gạch
Hòa thượng Tửu Tiên Ngộ Hiền, người xứ Cô Tô Trường Châu, họ Lâm. Mẹ Sư nằm mộng thấy nuốt một viên ngọc lớn rồi thọ thai, khi sinh Sư ra có nhiều điềm lạ, dáng dấp to lớn lạ lùng, miệng ngậm hai nắm tay. Lúc lên bảy, có lần Sư trầm mình xuống một vực nước vừa sâu vừa rộng mà áo quần chẳng hề bị ướt, rồi Sư bỏ nhà đi tìm thầy. Sư đến nương tựa ở chùa Vĩnh An, Gia Hòa. Sau đó, Sư đến tham vấn Thiền sư Tiền Ðường Long Sách Cầu, phát minh được Thiền pháp, rồi trở về ở viện Minh Giác. Suốt ngày Sư chỉ biết uống rượu, đến lúc say thì làm bài ca, bài tụng để răn nhắc người tăng kẻ tục, do đó mà Sư có hiệu là Tửu Tiên. Buổi đầu Sư từ Tiền Ðường trở về, tay cầm chùy sắt, gặp ngói gạch giữa đường Sư liền đập bể. Nếu có người hỏi thì Sư trả lời:
– Ði trên đường đời, bất bình nên đập nó bể nát mà thôi!
(Theo: Phổ Đăng lục.)
698. 藻 先 扣 水 — Tảo Tiên nói đậy nước
Tảo Tiên Cổ Phật là người Kiến Ninh Tân Phong, họ Ông. Mẹ Sư nằm mộng thấy một vị Tì-kheo thần thái sáng rực, vác tích trượng đến xin nghỉ nhờ qua đêm. Có người chỉ vào vị Tì-kheo ấy nói: “Ðây là Bích Chi Phật đó!”. Từ đó bà mang thai. Sư được sinh ra vào niên hiệu Hội Xương thứ tư (844) đời Ðường Vũ Tông, mùi hương bay đầy cả thất trải qua vài ngày mới tan. Năm lên 13 tuổi, Sư xin xuất gia, cha mẹ chấp thuận cho Sư nương ngài Hưng Phúc Hạnh Toàn ở Ô Sơn làm Thầy. Buổi đầu, Sư lấy việc giảng thuyết làm chỗ hướng về cho chúng. Sau đó, Sư bỏ đi đến yết kiến Thiền sư Tuyết Phong Chân Giác. Phong hứa khả cho sư, bảo rằng:
– Một ngày nào đó, con sẽ làm Thầy của bậc vua chúa.
Sau đó Sư từ Nga Hồ trở về Ôn Lãnh, cất am ở trên ngọn núi Tướng Quân, có hai con cọp theo hầu bên sư, và có thần nhân hiến đất làm viện Thụy Nham. Người học đua nhau tụ tập quanh Sư. Sư từng bảo chúng rằng:
– Bậc Thánh xưa kia tu hành phải nương vào thời tiết một cách vất vả. chúng ta ngày nay, hạ thì mặc áo bông, đông thì đậy nước lại mà tắm.
Từ đó, người đời gọi Sư là Khấu Thủy Cổ Phật.
(Theo: Phổ Đăng lục.)