headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 27/01/2025 - Ngày 28 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

170 - Tử Tâm thi đỗ cao

死 心 甲 科

Tử Tâm giáp khoa

晦 菴 狀 元

Hối Am Trạng Nguyên

少 林 開 華

Thiếu Lâm khai hoa

曹 溪 歸 根

Tào Khê qui căn

679. — Tử Tâm thi đỗ cao

Thiền sư Vân Nham Ngộ Tân, tướng người vạm vỡ, mặt đen như ông tăng Ấn Ðộ. Sư đến chùa Hoàng Long ra mắt Thiền sư Bảo Giác (Hối Ðường Tổ Tâm), bàn luận không có gì mâu thuẫn. Bảo Giác nói:

– Nếu bản lĩnh của ông chỉ đến đây thôi thì ông là người chỉ biết nói ăn nên làm sao no được?

Tân quẫn trí không sao tiến được, liền thong thả thưa:

– Ngộ Tân đến đây đã bẻ hết cung tên, xin Hòa thượng từ bi chỉ cho chỗ an lạc.

Bảo Giác nói:

– Một hạt bụi dấy làm tối cả trời. Một hạt cải rơi che kín cả đất, chỗ an lạc rất kỵ nhiều thứ linh tinh cũ mèm rẻ rúng của Thượng tọa. Cần phải chết hết các tâm từ vô lượng kiếp đến nay.

Tân rảo bước đi ra. Một hôm, Sư ngồi yên nơi tấm phản, biết rằng Tri sự đang đánh hành giả. Sư nghe tiếng gậy chợt đại ngộ, phấn khởi quên mang cả giầy, chạy đến phương trượng. Khi gặp Bảo Giác, Sư tự nói rằng:

– Mọi người đều học đến nơi, còn tôi thì ngộ được đến nơi.

Bảo Giác:

– Trong cuộc thi tuyển Phật, ngươi được đỗ cao. Còn ai dám đương đầu với ngươi!

Tân tự đánh giá mình quá cao, lấy hiệu là Tử Tâm Tẩu (ông già Tử Tâm), tấm bảng treo bên cửa Sư đề là Tử Tâm thất, chừng như Sư cho rằng mình đã ngộ.

(Theo: Bổ Tăng Bảo truyện.)

680. — Hối Am hiệu Trạng Nguyên

Thiền sư Hối Am Di Quang trụ Qui Sơn. Tùng Lâm Thạnh Sự ghi: “Hòa thượng Qui Sơn Quang tham vấn ngài Diệu Hỉ ở Tường Dư. Trong thời gian hơn nữa năm, Sư không có chỗ mở miệng. Một hôm, Sư vào thất bị Diệu Hỉ hỏi:

– Ăn cháo, rửa bát xong. Thuốc uống không hợp cũng phải bỏ đi. Hãy nói một câu xem!

Quang nói:

– Tan vỡ!

Diệu Hỉ nghiêm sắc mặt nói:

– Còn đến chỗ này nói thiền nữa sao!

Sư ngay lời này đại ngộ, khắp thân ra mồ hôi, liền lễ bái. Diệu Hỉ dùng kệ ấn chứng rằng:

Qui mao niêm đắc tiếu hai hai

Nhất kích vạn trùng cơ tỏa khai

Khánh khoái bình sinh thị kim nhật

Thục vân thiên lí trám ngô lai.

Nhặt được lông rùa cười ha ha!

Một gõ, muôn cửa liền mở ra

Hôm nay đời ta thật sung sướng,

Ai bảo ngàn dặm lừa được ta!

Quang làm tụng đầu cơ như sau:

Ðương cơ nhất tạt nộ lôi hống

Kỵ khởi Pháp thân tàng Bắc Ðẩu

Hồng ba hạo miểu lãng thao thiên

Niêm đắc tỵ khổng thất khước khẩu.

Ðương cơ bức bách giận vô cùng

Sợ giấu pháp thân vào Bắc Ðẩu

Sóng lớn mênh mông dâng ngập trời

Nắm được lỗ mũi mất cái miệng.

Diệu Hỉ thấy được bài kệ này, nói:

– Ðây chính là hạng Trạng nguyên trong nhà Thiền.

Do đó, Sư còn có hiệu là Quang Trạng nguyên.

681. — Thiếu Lâm đóa hoa nở

Tổ Ðạt Ma bảo Huệ Khả rằng:

– Ngươi nên xiển dương đạo Thiền, chớ khinh người chưa ngộ. Người chưa ngộ, một niệm hồi cơ liền cùng nguồn gốc với ngươi. Hãy nghe ta nói kệ:

Ta vốn đến đất này

Truyền pháp cứu kẻ mê

Một hoa nở năm cánh

Tự nhiên kết thành quả.

(Theo: Truyền Đăng lục.)

682. — Tào Khê trở về nguồn

Truyền Đăng Lục ghi: “Ðại sư Huệ Năng bảo môn nhân rằng:

– Ta muốn trở về Tân Châu, các ngươi nhanh chóng sắm sửa thuyền chèo.

Khi ấy, đại chúng thương mến mời Sư ở lại. Sư nói:

– Chư Phật xuất hiện ở thế gian còn thị hiện Niết-bàn, có đến tất có đi, lí ấy vẫn thường nhiên. Hình hài của ta đây ắt có chỗ trở về.

Chúng thưa:

– Bây giờ ra đi, sớm chiều sẽ về đến.

Sư nói:

– Lá rụng về cội, không nói đến lúc trở lại!

Theo Sự Uyển trong Bảo Lâm truyện ghi: “Tào Thúc Lương hiến đất, Lục Tổ sống trên đất ấy, dưới ngọn Song Phong có một con suối lớn. Do dân chúng ghép họ Tào Hầu với con suối nên đất ấy có tên Tào Khê”.

Phụ giáo biên ghi: “Buổi đầu Huệ Năng bán củi để nuôi mẹ. Khi sắp theo Thầy, Sư lo không có tiền dự trữ hầu nuôi mẹ, nên chỉ muốn làm thuê để có tiền. Ðến khi Sư trở về thì mẹ đã mất. Sư than thở không được toại ý về đạo làm con đối với gia đình mình – là làm một việc thiện vào cuối cuộc đời – rồi trở về thị tịch ở Tào Khê. Nên nói: “Lá rụng về cội”. Tổ Huệ Năng là bậc chí nhân, chúng ta đâu lường nổi cái đức kì lạ của ngài, là dạy cho mọi người chẳng quên gốc gác của mình”.

[ Quay lại ]