headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 28/01/2025 - Ngày 29 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

168 - Khẳng Am nhiều rương hòm

肯 庵 籠 篋

Khẳng Am lung khiếp

修 顒 行 李

Tu Ngung hành lí

慧 圓 一 交

Huệ Viên nhất giao

景 深 大 死

Cảnh Thâm đại tử

671. — Khẳng Am nhiều rương hòm

Thiền sư Khẳng Am Viên Ngộ có thiên tư về học vấn. Những lúc rảnh rỗi từng dạy Nho học cho Chu Văn Công ở Hối Am và là bạn đồng môn với Soái Tân Công. Nhân vì Hoàng Bá mời hai vị vào chùa, nói lời thêu dệt rằng hành lí của Sư có đến vài mươi gánh. Tân nghe được tỏ vẻ không vui. Về sau, Tân rủ Ðô Vận Hoàng Công Hoàn, cùng thưa hỏi Sư về đạo lí, có hỏi câu:

– Kẻ sĩ có đạo đức, ngoài ba y không chứa vật gì khác, quá nhiều của cải không phải là cái lụy của bậc đạo nhân sao?

Am cười, chẳng đáp. Sau đó, từ từ họ mới biết rằng vài mươi gánh rương hòm kia chứa đầy các bản chép tay của những bậc Thiền sư. Sư bảo với họ những bản đó đều là bút tích thư từ của Cổ đức. Tân nghe xong, mặt có sắc thẹn.

(Theo: Khô Nhai Mạn lục.)

672. — Tu Ngung lắm hành lí

Thiền sư Ðầu Tử Tu Ngung tung hoành trong các pháp hội, thấu suốt ý Phật, giảng ba bốn lần về chín hội Hoa Nghiêm. Sư du phương tham học và nối pháp Thiền sư Viên Chiếu Bản. Trong tùng lâm gọi Sư là Ngung Hoa Nghiêm.

Võ Khố ghi: “Phú Trịnh Công thường thường tham vấn Thiền sư Ngung Hoa Nghiêm. Một hôm gặp lúc Sư thượng đường, Sư xoay mặt nhìn sang hai bên, ông trông thấy chợt khế ngộ, viết bài tụng gởi cho Viên Chiếu như sau:

Nhất kiến Ngung sư ngộ nhập thâm

Nhân duyên truyền đắc lão sư tâm

Giang sơn thiên lí tuy vân cách

Tự đối linh quang dữ diệu âm

Chợt thấy Ngung sư ngộ nhập sâu

Nhân duyên truyền được tâm của Thầy

Nước non ngàn dặm dù ngăn cách

Trước mắt linh quang, tiếng nhiệm mầu.

Sau khi nghỉ chức quan, Trịnh Công ở Lạc Trung, nhớ đến lời dạy bảo của Ngung nên thỉnh Sư trụ chùa Chiêu Ðề. Ông nghe tin Sư vào đến địa phận liền đích thân ra đón rước. Khi lên đến Xa ty (chỗ để xe) thì ngựa của Ôn Công cũng vừa đến, hỏi:

– Tướng công sao lại đến đây?

Trịnh Công:

– Tiếp Thiền sư Ngung về Chiêu Ðề.

Ôn Công:

– Tôi cũng cùng đi từ Liên Liêm ra đến Quách hầu, dừng ở Bưu đình (nhà cất cho quan coi sóc dân làm ruộng) để đón vị Thiền sư này.

Một lúc lâu, chợt thấy người ta gánh vài mươi gánh hành lí đi qua. Ôn Công hỏi:

– Hành lí của ai mà các ngươi gánh thế?

Người phu đáp:

– Hành lí của Hòa thượng mới về trụ trì chùa Chiêu Ðề.

Ôn Công liền bỏ ngựa, trở về. Trịnh Công hỏi:

– Cốt gặp Ngung Hoa Nghiêm, sao ngài về sớm thế!

Ôn Công đáp:

– Tôi đã gặp ông ta rồi nên mới quay về sớm!

Trong Thống Kỉ ghi: “Người học đạo lấy nghèo làm đức. Ðây là chỗ quí kính của người đời. Trụ trì chùa Chiêu Ðề có đến vài mươi gánh hành lí, tất cả đều bị Ôn Công thấy và khinh dể. Một lỗi lầm làm che mất đức lớn, đâu chẳng răn chừa sao?”

673. — Huệ Viên bảo một lần

Thượng tọa Huệ Viên tính tuy ngu độn nhưng rất siêng năng tham thiền biện đạo ngồi mãi chẳng nằm. Ở chùa vài năm, Sư được độ và cho đi du phương, đến chùa Ðông Lâm, Lô Sơn. Sư thường đem việc của mình ra thưa hỏi với các bạn. Họ thấy Sư hình dung xấu xí, học hành dốt nát nên thường chế nhạo. Một hôm, Sư đang đi trên sân điện, chợt trượt chân vấp té, rõ ràng khai ngộ, làm kệ, mượn hành giả viết trên vách như sau:

Một lần này, một lần này

Muôn lượng vàng ròng tiêu được ngay

Lưng mang ruột tượng đầu đội nón

Gió mát trăng thanh quải đầu gậy.

Trong ngày hôm ấy, Sư rời chùa Ðông Lâm. Ðại chúng đồn bài kệ này đến tai Chiếu Giác (tức ngài Thường Tổng, trụ trì Ðông Lâm). Giác rất vui, nói rằng:

- Thiền tăng tham cứu như gã này thật là giỏi, không ai biết dấu vết và chỗ ngộ của y.

· Chú thích: “Ðại Huệ Võ Khố” cho rằng: Lời chứng ngộ trên đây là của Tu Ngung. Như thế thì chẳng đúng.

(Theo: Phổ Đăng lục.)

674. — Cảnh Thâm được chết sạch

Thiền sư Trí Thông Cảnh Thâm từ bé chẳng thích sống chỗ đông người. Một hôm, Sư nói:

– Suy mà biết, nghĩ mà hiểu đều là kế sống nhà quỉ. Ai cũng thích giao hảo với nó mà chẳng tự cấm.

Sư nghe danh Bảo Phong (Xiển Ðề Duy Chiếu) đang được trọng vọng lúc bấy giờ, liền đến xin nhập thất.

Phong nói:

– Cần phải dứt niệm khởi diệt, nhằm vào kiếp Không trở về trước: quét sạch, chẳng dính đến lối huyền diệu, sạch hết chính thiên. Hôm nay toàn thân buông xuống, buông hết lại buông, mới có phần tự do.

Sư nghe qua nhanh chóng lãnh hội yếu chỉ. Phong đánh trống bảo với đại chúng rằng:

– Thâm được đạo “đại tử” (chết sạch) của Xiển Ðề. Kẻ hậu học nên nương tựa ở y.

Do đó, Sư còn được gọi là “Ðại tử ông”. Ðến lúc đổi niên hiệu Kiến Viêm, Sư ra khai hội thuyết pháp ở Trí Thông.

(Theo: Phổ Đăng lục.)

[ Quay lại ]