171 - Pháp Nhãn đáp sáu tướng
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 27 Tháng chín 2009 09:24
- Viết bởi nguyen
683. 法 眼 六 相 — Pháp Nhãn đáp sáu tướng
Thiền sư Ðạo Tiềm ở chùa Vĩnh Minh buổi đầu yết kiến Thiền sư Tịnh Huệ (hiệu của Thiền sư Thanh Lương Văn Ích, còn có thụy hiệu là Ðại Pháp Nhãn Thiền sư). Một phen gặp Sư, ngài liền hứa khả cho nhập thất. Một hôm, Tịnh Huệ hỏi Sư:– Ngoài việc tham thỉnh ra, con còn xem kinh gì?
– Con xem Kinh Hoa Nghiêm.
– Trong sáu tướng: Tổng, Biệt, Ðồng, Dị, Thành, Hoại thì kinh ấy thuộc về môn (cửa) gì?
– Theo lí mà xét văn trong phẩm Thập địa thì tất cả pháp thế và xuất thế đều đủ sáu tướng.
Tịnh Huệ hỏi:
– Hư không có đủ sáu tướng hay không?
Sư hiểu lờ mờ không đáp. Tịnh Huệ hỏi:
– Sao con không nói Thầy tôi cũng hỏi rằng “Hư không có sáu tướng hay không?”
Tịnh Huệ tự đáp thay:
– Hư không.
Khi ấy, Sư liền khai ngộ, hớn hở lễ tạ ngài. Tịnh Huệ hỏi:
– Con làm sao hội?
Sư đáp: Hư không.
Tịnh Huệ chấp nhận Sư.
(Theo: Truyền Đăng lục.)
684. 慈 明 三 印 — Từ Minh (nói) ba thứ ấn
Sư thượng đường nói:
– Tâm ấn của Tổ sư có ba thứ: Một ấn in hư không, một ấn in vào nước, một ấn in vào bùn. Hôm nay có ai in mà chẳng dính chăng? Nếu có thì hãy bước ra, nhằm dưới gót chân nói một câu xem! Dù ngươi có nói được một cách phóng khoáng nhưng cần nhất là chẳng được thực hành vượt qua môn hạ của nạp tăng. Hãy nói nạp tăng có chỗ to lớn gì?
Hồi lâu, Sư nói:
– Ba tấc thép trong tay vua, khắp đất là gươm đao!
(Theo: Từ Minh Sở Viên Thiền sư lục.)
685. 枯 禪 鏡 墮 — Khô Thiền Tự Cảnh Ðọa
Tăng Tập Tục Truyền Đăng Lục ghi: “Thiền sư Khô Thiền tự Cảnh Ðọa gặp ngài Mật Am ở chùa Linh Ẩn, cơ duyên khế hợp. Sư ở đấy một thời gian lâu rồi đến khai mở pháp hội ở chùa Thượng Giám, phủ Long Hưng. Niên Hiêu Bảo Khánh thứ nhất (1225), Sư được chiếu chỉ dời từ chùa Linh Ẩn đến chùa Thiên Ðồng”.
Khô Nhai Mạn Lục ghi: “Thiền sư Thiên Ðồng Như Tịnh cảm thấy thân thể có bệnh nên Sư rời Niết-bàn đường, trở về am Giám Túc. Ở đây Sư đốt hương thị tịch. Khi ấy thị giả đi đến Pháp đường thấy Cảnh Ðọa đang ngồi nơi bảo cái, bảo rằng: Cảnh Khô Thiền đã đến rồi!”
Như lời nói ấy ứng hợp với truyện chọn trong “Bài tựa Khô Nhai Mạn Lục” như sau: Lời sấm ghi rằng: “Ông Chiếu chết đi, Cảnh Ðọa trụ Thiên Ðồng”.
686. 瑞 光 鼓 震 — Thụy Quang trống vang động
Thiền sư Viên Chiếu húy Tông Bản du phương tham vấn khắp nơi. Khi Sư đến chùa Cảnh Ðức ở Trì Châu yết kiến Thiền sư Nghĩa Hoài, ngay lời nói Sư liền khế ngộ mà chúng chưa có ai biết. Sư từng làm thị giả nhưng lại thích ngủ nghỉ. Khi ngủ Sư ngáy rất to khiến cho những người khác chán ghét, báo cáo lại với Nghĩa Hoài.
Hoài cười nói:
- Ðứa con của nhà ta tinh tấn nhất đó! Vào một ngày nào đó các ngươi phải nương tựa vào y.
Sư không ưa nói nhiều, đại chúng rất sợ; và khi Nghĩa Hoài đi đến chùa Thiên Y ở đất Việt, chùa Tiến Phúc ở đất Thường, Sư đều có đi theo ngài. Ðầu niên hiệu Trị Bình (1064), Nghĩa Hoài lui về đất Ngô, Sư cũng theo ngài đến ở viện Thọ Thánh. Bộ sứ Lý Công Phục Khuê có qua đây, ban đêm ông đến gặp Nghĩa Hoài và nói:
– Chùa Thụy Quang đang thiếu Trụ trì, mong được Thiền tăng có đạo đức đến làm chủ pháp.
Hoài chỉ vào Bản nói:
– Không ai vượt qua nổi đạo nhân này!
Sư đến Thụy Quang, tập họp đồ chúng, đánh trống. Tiếng trống vang động làm cả chúng kinh sợ, có vị tăng bước ra nói:
– Hòa thượng này có tiếng trống pháp rung chuyển cả đất.
Trong chốc lát, chư tăng đều có mặt đầy đủ. Từ đó, pháp hội của Sư càng ngày càng thịnh.
(Theo: Tăng Bảo truyện.)